Thông Tin Dinh Dưỡng

BỆNH LÝ KÉM HẤP THỤ Ở TRẺ CÙNG CÁCH PHÒNG TRÁNH & ĐIỀU TRỊ

Ngày đăng:

09/10/2016

Trong 6 tháng đầu đời, dinh dưỡng đóng vai trò vô cùng quan trọng cho sự phát triển của bé. Thế nhưng phải làm sao nếu bé không thể hoặc hấp thu kém? Bài viết dưới đây sẽ giúp mẹ hiểu thêm về cách phòng tránh và điều trị bệnh lý kém hấp thu ở bé dưới 6 tháng tuổi.

Lý do dẫn đến tiêu hóa và hấp thu kém ở trẻ

Cho trẻ ăn dặm quá sớm là một trong những nguyên nhân thường gặp khiến trẻ hấp thu kém cũng như gặp một số vấn đề về tiêu hóa. Lúc này, hệ tiêu hoá và các men tiêu hóa của trẻ chưa đủ sức để tiêu hoá thức ăn, ngoài sữa mẹ. Các tổn thương và rối loạn hệ tiêu hoá – hấp thu thức ăn kém là không thể tránh khỏi.

Hầu hết các bộ phận trong cơ thể đều có mối liên hệ mật thiết với nhau. Nếu các mẹ luôn cẩn thận trong chế độ ăn hằng ngày nhưng trẻ vẫn mắc các chứng bệnh về tiêu hóa dẫn đến khả năng hấp thu kém, rất có thể do ảnh hưởng từ các bệnh lý khác. Những chứng bệnh nguy hiểm như viêm đường hô hấp, viêm tai, nhiễm trùng đường ruột hoặc đang khó chịu do mọc răng, sau tiêm chủng… có thể là nguyên nhân khiến trẻ kém hấp thu.

Bé kém hấp thụ có thể đau bụng và nôn mửa kéo dài, dễ sụt cân

Bé kém hấp thụ có thể đau bụng và nôn mửa kéo dài, dễ sụt cân

Khi bị ốm và có kèm theo sốt, sức đề kháng yếu có thể làm giảm hoạt động của các enzyme và nhu động ruột, vì vậy quá trình tiêu hóa bị ảnh hưởng cũng như khả năng hấp thụ thức ăn của trẻ cũng suy yếu. Thuốc kháng sinh được dùng khi điều trị các bệnh khác cũng là một yếu tố gây rối loạn vi khuẩn trong đường ruột, ảnh hưởng tới khả năng tiêu hoá ở trẻ.

Các biểu hiện và hậu quả của tình trạng kém hấp thu kéo dài gồm:

– Đau bụng, ói mửa kéo dài;

– Phân lỏng hoặc sệt, nhiều lần, lượng nhiều, có mùi hôi thối;

– Hay mắc các bệnh nhiễm trùng;

– Giảm cân, giảm khối mỡ và cơ (trẻ gầy đi);

– Dễ bị bầm da khi va chạm nhẹ;

– Gãy xương;

– Da khô, phát ban, nổi vảy;

– Thay đổi tính khí, chậm lớn, chậm tăng cân.

Các mẹ nên làm gì để giúp trẻ tiêu hóa và hấp thu tốt hơn?

Không phải đứa trẻ nào cũng chịu bú mẹ hoàn toàn trong suốt 6 tháng đầu. Khi đó các mẹ buộc lòng phải thêm bằng sữa công thức với nhiều chủng loại khác nhau nhưng vẫn phải đảm bảo cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cho bé.

Từ 6 tháng tuổi trở lên là thời điểm thích hợp để trẻ bắt đầu ăn dặm, vì nó đảm bảo bé có thể tiêu hóa nhiều loại thức ăn khác nhau bên cạnh sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng chính. Để giúp trẻ tiêu hóa thức ăn và hấp thu các chất dinh dưỡng tốt hơn, các mẹ nên bổ sung các loại thực phẩm chứa nhiều dưỡng chất như protein, các chất vi lượng như sắt, kẽm và vitamin A…

Hàm lượng dưỡng chất có trong bữa ăn hằng ngày của trẻ cần phải được đảm bảo cân bằng bao gồm protein, tinh bột, đường, chất béo và các loại vitamin, khoáng chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ.

Ngoài ra, các mẹ cũng cần phải chọn các loại thực phẩm và chế biến sao cho phù hợp với độ tuổi của trẻ. Tránh các loại thức ăn quá cứng hoặc khó nhai vì lúc này răng bé vẫn chưa phát triển. Đa phần trẻ chỉ có thể nuốt chứ không nhai kĩ. Nếu thức ăn quá khô, cứng, hệ tiêu hóa của bé sẽ bị ảnh hưởng. Một khi hoạt động quá sức, hệ tiêu hóa non nớt của trẻ sẽ dễ mệt mỏi và bị một số hậu quả đáng tiếc như giảm tiết men tiêu hoá và giảm nhu động ruột.

Các mẹ đặc biệt lưu ý không để trẻ bị táo bón trong những năm đầu nhé. Táo bón có thể kìm hãm quá trình phát triển tự nhiên của trẻ, khiến trẻ biếng ăn và chậm lớn. Nguyên nhân của bệnh lý là do bé thiếu chất béo hay chất xơ trong khẩu phần ăn hằng ngày. Trẻ uống quá ít nước khiến nhu động ruột giảm cũng dễ dẫn đến táo bón. Thường xuyên cho trẻ bú sữa mẹ chính là cách tiếp nước hữu hiệu nhất, đặc biệt với trẻ dưới 6 tháng tuổi.

Để bé yêu có thể hấp thu tối đa hàm lượng dinh dưỡng có trong bữa ăn hằng ngày, ngoài việc đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho bé, các mẹ cũng cần lưu ý đến các yếu tố có thể tác động đến hệ tiêu hóa của trẻ. Thay đổi khẩu phần ăn mỗi ngày và lựa chọn các loại thực phẩm thân thiện với hệ tiêu hóa của trẻ, sẽ giúp bé ăn ngon hơn và hấp thu tối đa các dưỡng chất, bổ sung cho quá trình phát triển trí não và cơ thể.

PGS. TS. BS Trần Đình Toán

Trung tâm Dinh dưỡng Vinamilk