Thông Tin Dinh Dưỡng

BÍ QUYẾT MẸ CẦN BIẾT ĐỂ TẠO ĐIỀU KIỆN PHÁT TRIỂN VẬN ĐỘNG CHO BÉ TỪ 0 - 6 THÁNG

Ngày đăng:

20/11/2016

6 tháng đầu đời là bệ phóng cho toàn bộ sự phát triển của bé trong tương lai. Giai đoạn này bé sẽ cần rất nhiều sự trợ giúp của mẹ từ dinh dưỡng đến sinh hoạt để có thể phát triển toàn diện. Bài viết dưới đây sẽ mang đến các khái niệm vận động và cách tạo điều kiện cho bé phát triển kỹ năng vận động tốt nhất. Mẹ hãy tham khảo nhé!

Khái niệm vận động thô

Vận động thô là kỹ năng phối hợp các nhóm cơ lớn của bé, gồm các khả năng lăn, bò trườn, xoay cơ thể, đi, chạy, đá chân, ném, vung tay, kéo, đẩy, leo trèo… Kỹ năng này sẽ phát triển trước kỹ năng vận động tinh. Trò chơi vận động và đồ chơi thể thao, đồ chơi nước sẽ giúp bé tập vận động tay, chân, tập phản xạ, độ uyển chuyển, phối hợp giác quan và các chi.

Các mốc phát triển vận động thô ở bé:

  • 1 tháng: bé chỉ nâng được đầu
  • 4 tháng: bé nâng đầu khi nằm sấp chống tay; lật từ sấp sang ngửa; lật từ ngửa sang sấp.
  • 5 tháng: bé lật từ ngửa sang sấp; ngồi với sự trợ giúp từ mẹ.
  • 6 tháng: bé đã có thể tự ngồi một mình.

Khái niệm vận động tinh

Vận động tinh là khả năng điều khiển bàn tay, ngón tay và sẽ phát triển tùy theo việc chơi hay tập luyện của bé. Đồ chơi khối lắp ghép, đồ chơi nghệ thuật sẽ giúp bé tập cầm nắm, xoay, vặn, siết, lắp ghép khối và tập các động tác phức tạp hơn như nặn tượng, vẽ tranh… Đây chính là cơ sở để bé phát triển khả năng nghệ thuật của đôi tay và luyện viết chữ đẹp.

Các mốc phát triển vận động tinh ở bé:

  • 3 tháng: bé đã có thể mở nắm tay
  • 4 tháng: bé có thể đưa đồ vật vào đường giữa cơ thể
  • 5 tháng: bé đã có thể chuyển đổi từ tay này sang tay kia
  • 6 tháng: bé đã có thể với đồ vật và nắm một bên.

Cách khuyến khích bé phát triển vận động

– Cho bé khám phá khuôn mặt mẹ.

– Hạn chế không cho bé bú núm vú giả vì núm vú giả có thể khiến bé không có cơ hội khám phá mối liên hệ giữa bé và mẹ, đồng thời dễ gây biến dạng xương hàm.

– Để bé nằm theo tư thế nào mà bé thích nhưng vẫn để bé nằm ngửa hoặc nghiêng khi ngủ mẹ nhé.

– Cho bé nghe nhạc và các bài đồng giao.

– Khi bé được 2 tuần trở đi, mẹ có thể massage cho bé bất cứ lúc nào. Đây vừa là cách thể hiện tình yêu của mẹ vừa vỗ về giúp phát triển trương lực cơ và hệ thống miễn dịch của cơ thể bé.

Chơi đùa cùng bé để bé phát triển kỹ năng vận động bố mẹ nhen!

Chơi đùa cùng bé để bé phát triển kỹ năng vận động bố mẹ nhen!

– Chơi cùng bé các trò chơi như:

  • Trò chơi với bóng: Đặt một số quả bóng nhỏ ở phía trên một chiếc gương nhỏ. Những hình ảnh phản chiếu kết hợp với những chuyển động nhẹ nhàng sẽ làm bé hứng thú khi bé đang học cách với đồ và giữ thăng bằng cơ thể. Tuy nhiên, mẹ cần đảm bảo chiếc gương này an toàn cho bé để bé có thể dễ dàng với lấy.
  • Môn thể thao ‘tạo mục tiêu’: Đặt một món đồ chơi bé thực sự yêu thích hơi cách xa tầm với của bé để bé có động lực lẫy người hoặc trườn đến để với lấy món đồ.
  • Chơi nghịch nước: Bé càng tiếp xúc nhiều với nước, bé sẽ càng nhanh chóng trở nên dạn dĩ với nước, thích tắm hơn và có thể dễ dàng học bơi sau này, giúp xương chắc khỏe hơn và nhất là tạo điều kiện cho chiều cao phát triển một cách hiệu quả nhất.
  • Trò chơi bằng tay: Mẹ có thể dạy bé vỗ tay, hướng dẫn bé tập giơ tay lên trên hoặc đưa hai tay sang ngang. Thực hiện đều đặn hàng tuần sẽ kích thích sự phát triển xương tay cũng như tạo sự năng động cho bé. Bên cạnh đó, mẹ nên đưa đồ vật để bé cầm nắm và nâng lên hay hạ xuống, giúp tay của bé linh hoat và phát triển hơn.

Trên đây là những cách mẹ có thể làm để giúp bé phát triển kỹ năng vận động. Bên cạnh đó, mẹ cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng đủ chất để bé phát triển toàn diện. Mẹ nên tiếp tục cho bé bú sữa mẹ. Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ đến 24 tháng tuổi, vì trong sữa mẹ có đầy đủ các dưỡng chất phù hợp và chứa sữa non (cholostrum) để tăng sức đề kháng, giúp trẻ phát triển khỏe mạnh […].Tuy nhiên, trong trường hợp mẹ gặp khó khăn khi nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong giai đoạn này vì những lí do đặc biệt thì nên đến cơ sở y tế để nhận được hướng dẫn từ thầy thuốc và nhân viên y tế. Chúc bé của mẹ chơi linh hoạt nhé!

BS. Nguyễn Thị Ngọc Thanh

Trung tâm dinh dưỡng