Thông Tin Dinh Dưỡng

BÍ QUYẾT CHĂM SÓC ĐỂ HỆ TIÊU HÓA CỦA BÉ LUÔN KHỎE MẠNH

Ngày đăng:

20/11/2016

Mẹ biết rằng dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của con. Muốn vậy, bé yêu cần có hệ tiêu hóa khỏe mạnh để có thể hấp thu tốt các chất dinh dưỡng. Bài viết dưới đây sẽ tiết lộ những bí quyết giúp mẹ chăm sóc hệ tiêu hóa của bé luôn khỏe mạnh.

Hệ tiêu hóa khỏe mạnh, bé sẽ phát triển toàn diện

Các nghiên cứu cho thấy dinh dưỡng chiếm đến 32% quá trình phát triển tự nhiên của trẻ. Chỉ khi bé được ăn uống đầy đủ, nghỉ ngơi tốt thì cơ thể sẽ mau chóng phát triển và cao lớn tự nhiên.

Trong những năm đầu đời (từ 0-6 tuổi), hệ tiêu hóa của bé vẫn còn yếu và chưa thể tự thích ứng với các chuyển hóa bên trong. Vì vậy một số triệu chứng dễ xảy ra trong giai đoạn này như nôn ói, đầy hơi, táo bón, tiêu chảy… Hiện tượng này đa phần gặp ở các trẻ sinh mổ hay sinh non.

Theo bác sĩ Lê Quang Thanh, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ TP HCM, chia sẻ về mối liên hệ mật thiết giữa một hệ tiêu hóa khỏe mạnh và một trí não phát triển toàn diện luôn có sự gắn bó mật thiết. “Hệ tiêu hoá đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển thể chất của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, ngoài chức năng xử lý và hấp thu thức ăn, hệ tiêu hóa còn đóng góp 70-80% vào sức đề kháng và 100% năng lượng cho trẻ sinh trưởng và ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển trí não của trẻ trong những năm đầu đời”.

Nước bọt trong miệng góp phần phân ly tinh bột của thức ăn (có trong ngô hoặc khoai tây). Thức ăn sau khi được thấm ướt và nghiền nhỏ trong miệng đi qua hầu , xuôi theo thực quản và vào dạ dày. Chính dạ dày là nơi xảy ra phần lớn quá trình tiêu hoá. Dịch tiết ra từ thành dạ dày được trộn đều với thức ăn. Một trong các loại dịch vị là axít muối. Một chất dịch khác cũng do dạ dày tiết ra là chât dịch vị có tác dụng biến đạm thành các dạng đơn giản hơn để dạ dày có thể hấp thụ được. Chất tinh bột tiếp tục bị phân ly cho tới khi thức ăn trong dạ dày biến thành một khối chua bão hoà. Khi đó quá trình hấp thụ tinh bột dừng lại.

Như vậy chúng ta thấy thức ăn ở dạng lỏng được lắc và trộn đều với dịch vị tiêu hóa trong dạ dày.

Hành trình tiếp theo của thức ăn là vào ruột non qua van nằm ở cuống dạ dày. Ruột non là một ống dài khoảng 6.5-7.5 m được cuốn lại theo hình lò xo.

Quá trình tiêu hoá tiếp tục diễn ra ở phần trên của ruột non là tá tràng. Tại đây, gan và dịch vị của tuyến tuỵ hỗ trợ cho việc phân ly thức ăn. Lúc này , quá trình phân ly đạm và hấp thụ tinh bột hoàn thành, mỡ được tinh lọc, nghĩa là được phân giải thành các dạng đơn giản hơn , thức ăn đã hấp thụ được hút vào máu và bạch huyết. Những phần còn lại của thức ăn rơi xuống ruột già và biến thành dạng cứng sau khi nước trong số này bị hút ra. Và bây giờ phần thừa này có thể được thải ra khỏi cơ thể.

Một khi hiệu tiêu hóa không thực sự khỏe mạnh, trẻ rất khó hấp thu các dưỡng chất quan trọng như DHA, ARA, choline, iot và nhiều dưỡng chất khác. Bé sẽ khó có được sức khỏe tốt nhất cũng như quá trình phát triển trí não bị ảnh hưởng đáng tiếc. Do đó, không ngoa khi cho rằng hệ tiêu hóa ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành và phát triển trí não của trẻ. Hay nói cách khác, hai bộ phận này nên là “đôi bạn cùng tiến” trên hành trình phát triển và trưởng thành của trẻ về sau.

Những thực phẩm giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh

Những loại thực phẩm dưới đây xứng đáng có mặt trong bữa ăn hằng ngày để bé yêu của các mẹ luôn có được hệ tiêu hóa khỏe mạnh:

+ Khoai lang ngọt cung cấp nhiều dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ như chất xơ, canxi, sắt, vitamin A, C, E… Đây còn là nguồn cung cấp carbohydrate lý tưởng cho cơ thể. Các mẹ có thể dùng khoai lang để nấu cháo hoặc nghiền thành bột cho bé ăn dặm.

+ Chuối: ngoài hai dưỡng chất quan trọng nhất là chất xơ và kali, chuối còn là loại thực phẩm giàu năng lượng và giàu vitamin B6, vitamin A, vitamin C, vitamin B12, canxi và folate. Không có thực phẩm nào hoàn hảo hơn chuối trong việc hỗ trợ hệ tiêu hóa của trẻ. Bên cạnh đó, chất nhầy có trong chuối giúp ngăn ngừa các bệnh về viêm loét dạ dày. Các mẹ nên dùng chuối làm món tráng miệng sau bữa ăn hoặc xay sinh tố để làm món xế cho bé.

+ Cà rốt: không quá bất ngờ khi cà rốt luôn nằm trong danh sách những loại thực phẩm tốt nhất cho trẻ nhờ chứa hàm lượng cao các dưỡng chất quan trọng như folate, carotene, vitamin C, canxi… Trong đó, beta carotene – sẽ chuyển hóa thành vitamin A giúp trẻ sáng mắt, duy trì hệ miễn dịch và sức khỏe da, tóc. Cà rốt sau khi luộc chính có thể đem nghiền thành bột nấu cháo, rất dễ tiêu hóa và là một món ăn đầy bổ dưỡng cho các bé.

+ Sữa: Mẹ nên tiếp tục cho bé bú sữa mẹ. Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ đến 24 tháng tuổi, vì trong sữa mẹ có chứa sữa non (cholostrum) để tăng sức đề kháng và giúp trẻ phát triển khỏe mạnh […].Tuy nhiên, trong trường hợp mẹ gặp khó khăn khi nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong giai đoạn này vì những lí do đặc biệt thì nên đến cơ sở y tế để nhận được hướng dẫn từ thầy thuốc và nhân viên y tế.

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng không thể thiếu cho bé

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng không thể thiếu cho bé

Những điều cần lưu ý để hệ tiêu hóa của bé luôn khỏe mạnh

Để bé luôn có một hệ tiêu hóa bé khỏe mạnh, các mẹ cần đặc biệt chú ý những điều sau:

+ Cho bé ăn đúng cách. Thời điểm thích hợp cho bé ăn dặm là từ 6 tháng tuổi. Các mẹ tuyệt đối không nên bắt bé ăn dặm quá sớm vì hệ tiêu hóa của trẻ rất cần thời gian đến thời điểm các men tiêu hóa được sản sinh đầy đủ để làm quen với việc tiêu hóa và hấp thu các loại thức ăn mới ngoài sữa. Thời gian đầu, hãy cho bé ăn nhẹ, từ ít đến vừa, từ loãng đến đặc và tăng dần khẩu phần cho đến khi bé đã quen hẳn.

+ Bổ sung chất xơ vào bữa ăn của bé. Chất xơ là một trong những chất rất cần thiết cho hệ tiêu hóa và cần có mặt thường xuyên trong bữa ăn hằng ngày của trẻ. Chất xơ không chỉ giúp thanh lọc thức ăn có trong hệ tiêu hóa mà còn hỗ trợ đưa chất thải còn sót trong cơ thể ra ngoài, giúp bé hấp thu đầy đủ năng lượng và dưỡng chất có trong thức ăn mỗi ngày.

+ Tập cho bé thói quen uống nhiều nước. Uống nhiều nước là thói quen tốt cho sức khỏe giúp giảm nguy cơ táo bón. Do đó, các mẹ cần tập cho bé uống nước tùy theo nhu cầu khi trẻ vừa đủ 6 tháng tuổi. Nạp vào nhiều nước sẽ giúp cải thiện hệ tiêu hóa của trẻ đồng thời hỗ trợ quá trình hấp thu và bài tiết của cơ thể.

+ Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm khi chế biến thức ăn cho bé. Các loại thực phẩm chưa chín không được xuất hiện trong khẩu phần ăn hằng ngày của bé. Vì đó có thể là nơi trú ngụ của nhiều loại vi khuẩn gây hại cho sức đề kháng và sức khỏe, cũng như sự ngon miệng của trẻ.

Trái với quan niệm sai lầm trước đây là kiêng khem hoặc cho trẻ ăn ít khi tiêu chảy vì sợ “khó tiêu”, các bà mẹ cần phải tiếp tục cho trẻ ăn nhằm đảm bảo đủ dưỡng chất để trẻ không rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng. Đối với trẻ đã bắt đầu ăn dặm cần tiếp tục cho trẻ ăn các thức ăn bình thường của trẻ, cháo, thịt, rau, quả củ, sữa chua, trái cây… Cần chọn các thức ăn dễ tiêu, chia nhỏ bữa ăn nếu trẻ chưa ăn ngon miệng, vẫn có thể cho trẻ ăn dầu. Không nên bắt trẻ nhịn ăn hoặc chỉ cho ăn cháo muối, sẽ làm trẻ kéo dài tiêu chảy và suy dinh dưỡng. Khi trẻ đã bớt tiêu chảy và ăn ngon miệng trở lại cho trẻ ăn tăng dần thêm bữa và thêm số lượng thức ăn để trẻ có thể bù lại phần năng lượng thiếu hụt khi bị tiêu chảy, giúp cơ thể tăng cân bình thường và đề phòng suy dinh dưỡng.

Tóm lại, hệ tiêu hóa có quan hệ mật thiết đến sự phát triển toàn diện của trẻ, đặc biệt là não bộ. Ngoài việc cung cấp đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu cho bé thông qua khẩu phần ăn hằng ngày, các mẹ cũng cần lưu ý đến hệ tiêu hóa của bé. Với hệ tiêu hóa khỏe mạnh nhất, trẻ mới có thể hấp thụ dinh dưỡng một cách dễ dàng.

BS. Nguyễn Thị Ngọc Thanh

Trung tâm dinh dưỡng Vinamilk