Thông Tin Dinh Dưỡng

BÍ QUYẾT ĐỂ BÉ 2 – 3 TUỔI NGHE LỜI

Ngày đăng:

07/11/2016

Ở 2 – 3 tuổi, bé đã có thể nghe hiểu mẹ rồi đấy. Vì vậy, nếu được dạy bảo đúng phương pháp, bé sẽ rất ngoan ngoãn và biết nghe lời người lớn. Hãy tham khảo các phương pháp dưới đây để dạy bé nghe lời mẹ nhé!

Mẹ cần làm gì để dạy bé biết nghe lời?

+ Không được mềm lòng trước ánh mắt của bé

Nếu mẹ mềm lòng trước đôi mắt ngấn nước, long lanh của bé, bé sẽ không hiểu được cái sai của mình và có thể tái diễn lỗi lầm ở những lần sau. Vì vậy, mẹ cần thật vững lòng nhé. Hãy dạy bé hiểu được sai phạm của mình, để bé tự ngẫm 3 – 5 phút sau đó hãy ôm bé vào lòng rồi mẹ nhen.

+ Sử dụng ánh mắt

Ánh mắt nghiêm nghị chính là một “vũ khí” hiệu quả của mẹ. Khi bé có lỗi lầm, mẹ hãy nhìn thẳng vào mắt bé và bắt đầu dạy bé. Ánh mắt của mẹ sẽ khiến bé nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề, bé sẽ tập trung và lắng nghe hơn.

+ Nói đi đôi với làm

Để thông điệp được truyền tải một cách mạnh mẽ hơn, mẹ cần kết hợp lời nói, ngữ điệu cùng hành động. Ví dụ nếu mẹ muốn bé đi ngủ, mẹ hãy nói “Đã đến lúc đi ngủ rồi con yêu” kèm theo hành động bế bé vào phòng ngủ và tắt đèn. Bé sẽ hiểu được đã đến giờ đi ngủ, không gì có thể thay đổi được điều đó và sẽ làm theo ý của mẹ. Bên cạnh đó, nếu mẹ đã hứa sẽ thưởng cho bé thì mẹ cần thực hiện đúng lời nói của mình.

+ Hướng dẫn bé những thứ bé không biết

Bé sẽ chưa thể hiểu được tường tận những gì mẹ nói nên mẹ cần hướng dẫn cụ thể cho bé. Chẳng hạn muốn bé thu dọn đồ chơi, mẹ phải nói cụ thể cho bé biết thu dọn như thế nào và để đồ chơi ở đâu. Đừng nói với bé một câu mơ hồ như “Con hãy cất đồ chơi đi”, mà hãy nói: “Con hãy cất con ốc sên màu xanh vào hộp đi”, và hãy làm cho bé thấy để ghi nhớ và tự làm lần sau.

+ Không yêu cầu nhiều với bé

Khi yêu cầu bé làm việc gì đó, mẹ chỉ nên nói một hay hai lần, tránh nhắc đi nhắc lại nếu không bé sẽ hiểu nhầm mình đang bị mắng và lo sợ nên sẽ có tâm lý tránh xa mẹ đấy.

+ Cần có thái độ rõ ràng

Mẹ nên chú ý quan sát, không nên xem nhẹ mỗi tình huống mà bé gặp để kịp thời giúp bé biết nhận biết đúng – sai, tốt – xấu. Ví dụ như khi xem phim, gặp nhân vật có lời nói bậy, mẹ nên nói ngay cho bé biết không được nói những lời đó vì như vậy là không hay. Hoặc khi đi dạo trên công viên, khi bé bóc kẹo ăn, mẹ hãy nhắc bé bỏ vỏ kẹo vào thùng rác. Khi bé làm việc không đúng, mẹ nên tỏ thái độ rõ ràng bằng cách lắc đầu. Ngược lại, nếu bé đưa ra ý kiến đúng đắn hoặc làm tốt, mẹ hãy gật đầu và đừng quên mỉm cười khích lệ bé nhé.

+ Hãy nghiêm giọng thay vì la mắng

Bé ở tuổi này thường chưa thể phân biệt đúng sai. Khi đó, nếu mẹ giận dữ, bé sẽ hoảng sợ, trở nên bướng bỉnh và lì hơn. Vì vậy, thay vì giận dữ và la mắng, mẹ hãy nghiêm giọng nói việc bé vừa làm là không tốt và chỉ ra cho bé những hậu quả mà bé đã gây ra. Chính cách nói, ngữ điệu và thái độ của mẹ giúp bé nhận thức được phần nào vấn đề, từ đó cảm thấy áy náy và hối lỗi.


La mắng quát nạt là hình thức dạy con sai lầm mà mẹ cần tránh nhé!

La mắng quát nạt là hình thức dạy con sai lầm mà mẹ cần tránh nhé!

+ Dạy bé bằng cách quan sát tranh ảnh

Mẹ có thể mua các loại sách giúp nâng cao năng lực phân biệt hành vi dành cho trẻ em về và cùng đọc với bé. Mẹ hãy mở sách trước mặt bé, vừa kể nội dung vừa chỉ vào hình vẽ trong sách. Việc này dần dần sẽ hình thành và bồi dưỡng năng lực quan sát, phân tích, nhận biết đúng sai của bé.

+ Tạo ra tình huống để dạy bé

Khi chơi đùa cùng bé, mẹ có thể tự tạo ra tình huống để dạy bé thế nào là đúng hay sai như khi giả vờ làm người ốm, cụ già, phụ nữ mang thai để xem bé phản ứng thế nào và dạy cho bé biết nên làm gì. Để dạy biết đúng sai, quan trọng nhất chính là tấm gương từ chính bố mẹ vì bé có tâm lý bắt chước những hành vi của những người thường xuyên tiếp xúc với bé.

+ Dạy bé tự mình so sánh

Giáo dục thông qua sự tự nhận thức của bé mới thực sự có hiệu quả cao như mong muốn. Vì vậy, khi dạy bé phân biệt đúng sai, bố mẹ nên chú ý giúp bé học cách so sánh, đối chiếu bản thân mình với người khác, so sánh vật này với vật khác để từ đó rút ra nhận thức của mình chẳng hạn như tay sạch tay bẩn, tay sạch thì sẽ giúp không bị ốm còn tay bẩn sẽ khiến con bị mắc nhiều bệnh.

Trên đây là những cách “mài sắt” để bé 2 – 3 tuổi ngoan ngoãn vào nề nếp, nghe lời. Việc dạy dỗ bé cần có thời gian nên hãy thật kiên nhẫn với bé mẹ nhé. Chúc mẹ thành công trong quá trình xây dựng nền tảng để phát triển nhân cách cho bé ngay từ những năm đầu đời này nhé!

BS. Nguyễn Vĩnh Hoàng Oanh

Trung tâm Dinh dưỡng Vinamilk