Thông Tin Dinh Dưỡng

BÍ QUYẾT GIÚP BÉ 2 – 3 TUỔI ĐẠT CÂN NẶNG KHỎE MẠNH

Ngày đăng:

28/12/2016

Bé thừa cân béo phì sẽ chịu nhiều hậu quả xấu ảnh hưởng đến sức khỏe như đái tháo đường typ 2, rối loạn chuyển hóa lipid máu và tăng huyết áp. Lớn lên, các bé dễ bị tổn thương tâm lý, trầm cảm, bị trêu chọc và bắt nạt. Do đó, mẹ cần duy trì cân nặng hợp lý cho bé. Bài viết sau sẽ chia sẻ những cách thức giúp bé yêu đạt cân nặng khỏe mạnh ở giai đoạn 2 – 3 tuổi, mẹ cùng xem nhé!

Những quy tắc cần tuân thủ để bé đạt cân nặng khỏe mạnh

+ Cho bé thực hiện chế độ ăn uống khoa học và lành mạnh

  • Cho bé ăn nhiều loại thức ăn giàu dinh dưỡng, tránh thực phẩm chế biến sẵn và nhiều đường.
  • Mẹ nên cho bé tuân theo thời khóa biểu của các bữa ăn một cách nghiêm ngặt, không khuyến khích bé ăn vặt suốt ngày, hoặc để quá đói giữa các bữa ăn
  • Tạo cho bé chu trình ăn uống dễ nhớ, cho bé ngồi cùng bàn ăn, xúc ăn và nói chuyện cùng với mọi người.
  • Chọn bữa ăn nhẹ lành mạnh và thêm rau vào mỗi khẩu phần ăn để cân bằng dinh dưỡng.
  • Dùng nước lọc là lựa chọn chính trong các bữa ăn, nước trái cây và nước ngọt chỉ dùng cho các dịp đặc biệt.
  • Tập cho bé biết ăn từ tốn và nhai thức ăn đúng cách.
  • Dạy bé cách lắng nghe dạ dày qua những câu hỏi về chất lượng và số lượng, chẳng hạn như “Con đã no chưa?” Hoặc “Con ăn tiếp được không?” Để giúp bé nhận thức mình đã ăn no hay chưa. Hãy nhắc bé ngừng ăn khi bắt đầu cảm thấy no. Không hối thúc bé phải ăn hết tất cả thức ăn trong bát và không khen ngợi nếu bé ăn hết. Ngoài ra, mẹ có thể chia phần ăn vào từng chén nhỏ để mẹ và bé biết bé ăn đến mức nào thì no. Khuyến khích bé tự xúc ăn, sau đó nếu bé vẫn còn đói, mẹ có thể cho bé ăn thêm.
  • Thời gian giới hạn cho những bữa phụ là 10-15 phút, bữa chính là 30 phút hoặc chậm nhất là 40 phút. Bữa ăn phụ của bé phải cách bữa chính ít nhất 1-2 giờ đồng hồ.
  • Nên cho bé thử đồ ăn mới với những món tương tự món cũ. Chỉ nên đưa một món mới cho một bữa ăn của bé.
  • Ngoài sữa ra, nước lọc là lựa chọn tốt nhất cho bé. Hạn chế cho bé uống nước ngọt có ga và nước trái cây.
  • Cân nhắc khẩu phần dành cho bé. Mẹ nên chia nhỏ phần ăn trong ngày cho bé thay vì “nhồi nhét” thức ăn vào một bữa lớn.

+ Khuyến khích bé vận động

  • Hạn chế thời gian xem tivi của bé. Chỉ nên cho bé xem tivi hoặc chơi các thiết bị điện tử không quá 2 tiếng đồng hồ một ngày. Đừng quên chọn chương trình thích hợp với bé mẹ nhen.
  • Sắp xếp để bé có thời gian hoạt động thể chất ít nhất 1 giờ mỗi ngày.
  • Đừng để bé chơi một mình, hãy làm gương cho bé về việc vận động cơ thể. Tập thể dục với nhau là cách tuyệt vời để duy trì được sự vui vẻ, gắn bó cho mẹ và bé. Cả nhà có thể cùng đi bộ, bơi lội hoặc chơi trốn tìm.

+ Hãy giúp bé ngủ đúng giờ và đủ giấc

  • Bé cần ngủ để đảm bảo sức khỏe.
  • Hãy đảm bảo bé không ngủ quá ít. Nếu không có được thời gian ngủ cần thiết, bé có thể bị mất cân bằng nội tiết và không thể phát triển chiều cao như mong muốn.

+ Cho phép bé ăn cùng cả nhà

  • Hãy giúp bé có cảm giác thoải mái khi ăn cùng cả nhà, tránh sự gò bó hay ép buộc.
  • Được ăn cùng gia đình, bé sẽ bắt chước người lớn ăn những đồ ăn mới. Đây cũng là cách giúp bé phát triển các giác quan và trí não tốt hơn.
  • Bữa ăn gia đình còn giúp kết nối các thành viên trong gia đình. Không khí vui vẻ, ấm cúng sẽ khiến bé ăn ngon miệng hơn.

Chế độ dinh dưỡng cho bé thừa cân béo phì

  • Tiếp tục cho bé ăn các thực phẩm giàu dinh dưỡng, đủ chất và uống sữa đều đặn nhưng cắt giảm lượng sữa, lượng thịt, lượng tinh bột, chất béo và tăng thêm thực phẩm giàu chất xơ cho bé mẹ nhen.
  • Ưu tiên các món hấp, luộc, hạn chế món quay, xào, rán Khi chế biến thức ăn.
  • Nên ăn nhiều rau xanh, quả ít ngọt. Giảm bớt gạo thay bằng khoai, ngô là những thức ăn cơ bản giàu chất xơ.
  • Tập và hướng dẫn cho bé nhai kỹ và ăn chậm, ăn đều đặn, không bỏ bữa, không để bé quá đói để tránh bé ăn nhiều trong các bữa sau làm mỡ tích luỹ nhanh hơn.
  • Cho bé ăn nhiều vào buổi sáng, không ăn vào buổi tối trước khi đi ngủ.
  • Trái cây sẽ là bữa phụ hợp lý cho bé thay vì bánh, đồ ngọt, thịt hoặc váng sữa.
  • Cho bé uống nhiều nước để cơ thể chuyển hóa thức ăn nhanh, giảm cảm giác thèm ăn.
  • Không nên cho trẻ uống các loại nước ngọt có ga và ạn chế các loại bánh kẹo, đường mật, kem, sữa đặc có đường mẹ nhen.
  • Khi bé béo phì, mẹ không nên dự trự sẵn các loại thức ăn giàu năng lượng như: Bơ, pho mát, bánh, kẹo, chocoat, kem, nước ngọt trong nhà

Gợi ý thực đơn hợp lý tránh béo phì cho bé

+ Gợi ý bữa sáng:

  • 100g bánh ướt, 50g chả lụa, giá trụng, 100g bưởi
  • Bún riêu cua (100g bún, nước trong), 1trái táo 100g
  • 100g bánh mì, 30g thịt heo chà bông, 100g thanh long
  • 1 cái bánh giò, 2 trái quýt
  • 1 gói cháo ăn liền, 30g thịt heo chà bông, 200ml sữa ít béo
  • Phở gà (100g phở, 30g thịt gà), 200ml sữa chua
  • Bánh canh thịt (100g bánh canh, 30g thịt nạc), 1 trái cam

+ Gợi ý bữa trưa

  • Nửa chén cơm, 70g tôm tươi nấu bí xanh, 1 trái cam
  • Nửa chén cơm, 70g cá thu nấu ngót, nửa trái thơm
  • Nửa chén cơm, 50g ức gà, bắp cải luộc, 2 trái quýt
  • Nửa chén cơm, 70g cá lóc nấu canh chua, 3 trái mận
  • Nửa chén cơm, 100g nấm rơm rim nước tương, cải ngọt luộc, 200g thơm
  • Nửa chén cơm, 70g cá sốt cà chua, 2 trái quýt
  • Nửa chén cơm, 50g thịt bò trộn xà lách xoong, 200g dưa hấu

+ Gợi ý bữa tối

  • 100g bún, 50g thịt nạc luộc, rau luộc, 100g bưởi
  • Nửa chén cơm, 50g thịt nạc nấu canh củ cải trắng và cà rốt, 100g táo
  • Nửa chén cơm,50g cá thát lát, canh mướp đắng, 100g thanh long
  • 100g bún tàu, 50g thịt heo nấu bông cải, 2 trái quýt
  • 100g bún tươi, 100g tôm hấp cuộn rau sống bánh tráng, 100g ổi
  • Nửa chén cơm, 50g thịt nạc nấu canh bông hẹ, 3 trái mận
  • 100g bún, 30g tôm khô nấu canh cà chua, 100g táo

+ Gợi ý bữa phụ

  • Sữa chua
  • Sữa ít béo
  • Sữa đậu nành

Mẹ nên khuyến khích bé ăn nhiều trái cây nha!

Hy vọng những thông tin trên đây có thể giúp mẹ duy trì cân nặng cho bé yêu. Chìa khóa để bé phát triển tốt chính là dinh dưỡng cân bằng kết hợp hoạt động thể chất phù hợp. Chúc bé yêu của mẹ luôn khỏe mạnh và phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn trí tuệ nhé!