Thông Tin Dinh Dưỡng

BÍ QUYẾT PHÁT TRIỂN THỂ CHẤT ĐÚNG CÁCH CHO TRẺ 5 - 6 TUỔI

Ngày đăng:

20/09/2016

Quá trình phát triển thể chất của trẻ sẽ diễn ra mạnh mẽ và dần hoàn thiện trong giai đoạn 5 – 6 tuổi. Nếu không được chăm sóc đúng cách, cơ thể non yếu của trẻ dễ bị phát triển lệch lạc và mất cân đối. Ba mẹ có thể áp dụng những phương pháp phát triển thể chất dưới đây để chăm sóc trẻ đúng cách, giúp con luôn khỏe mạnh trong giai đoạn 5 – 6 tuổi.

Tập thể dục điều độ

Khuyến khích tập luyện thể dục thể thao là rất cần thiết cho sự phát triển khoẻ mạnh của trẻ nhỏ và hình thành một thói quen tốt khi trẻ trưởng thành. Hoạt động thể lực có lợi cho cả thể chất và tinh thần, một trong những yếu tố phòng tránh bệnh tật tích cực và lành mạnh nhất.

Việc tập thể dục buổi sáng điều độ hàng ngày không chỉ giúp trẻ 5 – 6 tuổi phát triển thể chất mà còn giúp trẻ phấn chấn tinh thần suốt cả ngày.

Tập luyện thể dục thường xuyên sẽ cải thiện tuần hoàn máu trong cơ thể, giúp cơ thể của trẻ nâng cao hoạt động của các cơ quan, cải thiện giấc ngủ, thúc đẩy sự phát triển những kỹ năng vận động cần thiết, củng cố các nhóm cơ, tăng cường hoạt động liên não và là cơ hội để kết bạn và phát triển kĩ năng xã hội

Mẹ có thể cho trẻ tập thể dục sáng vào một thời gian nhất định và tập khoảng 10 phút mỗi ngày. Mẹ nhớ trang bị thêm gậy, nơ, vòng, hoa tua, cờ,… để tạo sự hứng thú cho trẻ khi tập thể dục. Và đừng quên cho trẻ mặc đồ thoải mái để con không cảm thấy khó chịu khi tập thể dục nhé!

Một số lưu ý quan trọng khi cho trẻ tập thể dục:

Mẹ cần quan sát cách đứng của trẻ, tư thế đầu, vai, mông và đặc biệt là cột sống của trẻ khi tập thể dục: trẻ cần đứng thẳng, vai thả đều, không lên gân, tay cử động thoải mái, không cúi đầu. Giữ cho trẻ tư thế đứng ngay cả khi nghỉ, khi đi bộ, chạy và làm các cử động khác.

– Số lần lặp lại mỗi bài tập phụ thuộc vào tính chất mỗi động tác, cũng như trình độ thể lực của trẻ. Những bài tập khó, có khối lượng vận động lớn chỉ nên lặp lại 2- 3 lần, còn động tác phát triển chung đối với tay, chân thì nên từ 4- 6 lần.

– Chọn động tác và sắp xếp bài tập cho trẻ cần theo một số quy định: Động tác phải phù hợp và hấp dẫn đối với trẻ em. Bài tập phải có tác động hoàn thiện kỹ năng đi, chạy, trèo, ném, thúc đẩy sự hình thành tư thế đúng, gây sự hoạt động tích cực của các cơ quan hô hấp, tuần hoàn, các nhóm cơ…

– Nên bắt đầu thể dục bằng các trò chơi vận động có chủ đề gồm 3 – 4 động tác thể dục. Không nên quên đi bộ, các bài tập củng cố cơ vai, cơ chân, tay lưng, bụng, chạy 10- 15giây và đi bộ kết thúc nhằm hồi tĩnh hô hấp, điều hòa hoạt động tim, chuyển dần cơ thể vào trạng thái yên tĩnh bình thường.

– Mỗi lần tập thể dục cần thay đổi chủ đề trò chơi để tránh nhàm chán.

– Cho trẻ được tập thể dục theo tiếng nhạc góp phần rèn luyện và phát triển cảm giác nhịp điệu, khả năng cảm nhận cái đẹp qua vận động nhanh nhẹn, nhịp nhàng đúng tư thế, sự hứng thú đối với các loại vận động và đối với hoạt động tập thể.

– Cho trẻ tập thể dục cùng bạn, tập xếp hàng tập tính tổ chức kỷ luật, tinh thần tập thể, tự tin và khả năng tự quản tự lập cho trẻ.

Qua các động tác thể dục sáng giúp cho trẻ tích lũy được sự sảng khoái cả ngày, thúc đẩy sự hình thành tư thế đúng, gây sự hoạt động tích cực của các cơ quan hô hấp, tuần hoàn, các nhóm cơ… giúp trẻ nhanh nhẹn, linh hoạt khi bước vào một này mới

Khởi động: Phần khởi động sẽ giúp trẻ vận động cơ thể nhẹ nhàng để sẵn sàng cho các họat động tiếp theo sau đó ba mẹ có thể cho trẻ đi bộ thành vòng tròn khép kín, cho trẻ đi thường phối hợp với các kiểu đi: đi kiễng gót 2m, đi thường 5m, 2m đi bằng gót chân, 5m đi thường, 2m đi khom lưng, 5m đi thường đi như vậy khoảng 2 – 3lần. Sau đó, cho trẻ chuyển sang chạy thay đổi tốc độ: chậm – nhanh – chậm.

Cuối phần khởi động, ba mẹ có thể cho trẻ chơi một trò chơi vận động nhẹ nhàng như: “Tiếng gọi của ai?”, “Chuông reo ở đâu để trẻ thêm phấn khởi, thích thú trước khi chuyển sang phần trọng động.

Trọng động: Sau khi khởi động, trẻ sẽ được tập những động tác mới, hoặc ôn động tác cũ hay nâng cao trình độ luyện tập của trẻ. Các bài tập này sẽ giúp trẻ:

– Rèn luyện phát triển thân thể toàn diện và các tố chất thể lực. Bồi dưỡng và giáo dục ý chí, phẩm chất đạo đức tốt cho trẻ.

– Phát triển và rèn luyện các nhóm cơ chính: cơ bả vai, cơ chân, cơ mình, những động tác phát triển hệ hô hấp và những động tác hỗ trợ cho bài tập vận động cơ bản.

Ví dụ: Bài tập thể dục cơ bản là “ném xa”, “bật xa” để trẻ vận động tay và chân dẻo dai hơn.

Các kỹ năng luyện tập ở phần trọng động sẽ giúp trẻ có được cơ thể khỏe mạnh đồng thời giúp trẻ có tinh thần tốt để học hỏi kiến thức, kỹ năng khác tốt hơn. Theo nghiên cứu, khi được tập thể dụng đúng cách: 94% trẻ thực hiện thành thạo kỹ năng vận động, hầu hết trẻ có thể chơi tốt các trò chơi như: ném xa – chạy nhanh, bò zích zắc qua 5 hộp cách nhau 60 cm – tung bắt bóng,…

Trò chơi vận động: Các trò chơi vân động có tác dụng gây hứng thú cho giúp trẻ vận động tích cực hơn, tự nhiên, thoải mái. Trò chơi vận động cũng có thể là vừa đồng thanh đọc một bài thơ, bài ca, bài đồng dao, vừa hát, vừa vận động…

Ví dụ : cho trẻ đi vòng tròn đọc thơ, hít thở sâu.

Hồi tĩnh thư giãn: Đưa cơ thể trẻ về trạng thái bình thường sau quá trình vận động liên tục giúp trẻ có cảm giác thoải mái, phấn khởi đỡ mệt mỏi, không chán học. Ba mẹ có thể tiến hành nhiều hình thức: cho trẻ đi vòng tròn, hít thở, trò chơi vận động tĩnh như: “Bóng bay xanh”, “Tìm đồ chơi”.

Giáo dục thể chất cho trẻ thông qua hoạt động ngoài trời

Ngoài những trò chơi như đá bóng, tìm kho báu,… mẹ có thể cho trẻ chơi những trò chơi dân gian vốn được coi là di sản văn hóa quý báu của dân tộc. Mẹ nên cho trẻ chơi những trò có luật và cách chơi đơn giản, dễ nhớ, dễ hiểu.

Ví dụ: Trò chơi trốn tìm sẽ giúp trẻ phát triển khả năng nhận thức, tuy duy của não để tìm ra nơi “ẩn nấp” của các mẹ hoặc bạn bè. Đồng thời, trẻ cũng phải tư duy để tìm một chỗ không ai có thể tìm thấy. Mẹ nhớ “khảo sát” một vòng xung quanh khu vực chơi để đảm bảo an toàn cho trẻ trước khi chơi nhé.

Mẹ có thể cùng trẻ chơi trốn tìm, đuổi bắt để con phát triển thể chất tốt hơn

Mẹ có thể cùng trẻ chơi trốn tìm, đuổi bắt để con phát triển thể chất tốt hơn

Với trẻ 6 tuổi, khả năng chú ý có chủ định và nhận thức của trẻ đã cao hơn nên có thể chơi được các trò chơi dài và khó hơn.

Tuy nhiên, trò chơi dành cho trẻ vẫn cần đảm bảo các tiêu chí sau:

– Trò chơi không quá đơn giản nhưng không quá phức tạp.

– Đồ dùng, đồ chơi phục vụ cho trò chơi dễ kiếm, dễ tìm.

– Gây hứng thú, thu hút sự hứng thú của trẻ.

– Giúp củng cố tư duy, ngôn ngữ, vận động kỹ năng cho trẻ.

– Có sự tham gia của tập thể lớp hoặc nhóm trẻ trong lớp.

Tùy từng mức độ nhận thức và khả năng chú ý của trẻ mà mẹ có thể lựa chọn cho phù hợp trò chơi phù hợp với trẻ 5 – 6 tuổi. Sự kết hợp ăn ý từ các phương pháp giáo dục thể chất ở nhà trường cũng như ở nhà và hoạt động ngoài trời sẽ giúp trẻ trở nên hoạt bát, phát triển cơ thể mạnh khỏe hơn. Mẹ nhớ dành nhiều thời gian cùng trẻ chơi vận động ngoài trời, cho trẻ vui chơi cùng bạn bè để trẻ không chỉ phát triển thể chất tốt mà còn luôn vui vẻ, thoải mái tinh thần khám phá cuộc sống xung quanh.