Thông Tin Dinh Dưỡng

BÍ QUYẾT PHÒNG TRÁNH RỐI LOẠN TIÊU HÓA CHO BÉ DỊP TẾT

Ngày đăng:

08/11/2016

Đáng buồn là trong dịp Tết, lượng các bé nhập viện thường tăng cao vì rối loạn tiêu hóa, thậm chí là ngộ độc thức ăn. Vậy nguyên nhân do đâu và làm sao để phòng tránh cho bé yêu? Mẹ hãy cùng tìm hiểu để bảo vệ sức khỏe của bé trong dịp Tết đến xuân về nhé.

Vì sao bé dễ bị rối loạn tiêu hóa vào dịp Tết?

Ngày Tết do ham vui nên các bé thường không được ăn đúng bữa, làm đồng hồ sinh học của hệ tiêu hóa bị đảo lộn, sự phong phú và bắt mắt của các loại thực phẩm ngày Tết kích thích bé muốn ăn thỏa thích, các bé chỉ suốt ngày rí rách bánh kẹo, mứt, hạt và quả khô…Những thực phẩm này nhiều đường, nhiều phẩm màu… khiến bé có nguy cơ bị sâu răng, tăng lượng đường trong máu khiến cho bé không muốn ăn bữa chính, đầy bụng, kéo theo hệ tiêu hóa bị rối loạn, đồng thời lượng nước và rau xanh cung cấp cho bé cũng thường không đầy đủ.

Mặt khác, trong dịp Tết, bố mẹ thường dự trữ nhiều thực phẩm trong tủ lạnh để dùng dần, dẫn tới nguy cơ thực phẩm tươi sống có thể bị nhiễm khuẩn khi bảo quản. Nếu không được xử lý đúng cách, những loại đồ ăn bị giảm chất lượng này có thể gây hại đến hệ tiêu hóa của bé.

Chính vì vậy, chế độ ăn bị đảo lộn và thức ăn chưa đảm bảo an toàn là những nguyên nhân thường gặp khiến rối loạn tiêu hóa trở thành một nguy cơ dịp Tết.


Ăn nhiều mứt và bánh kẹo trong ngày Tết là một trong những nguyên nhân khiến bé bị đầy bụng, khó tiêu

Ăn nhiều mứt và bánh kẹo trong ngày Tết là một trong những nguyên nhân khiến bé bị đầy bụng, khó tiêu

Biểu hiện của rối loạn tiêu hóa ở trẻ rất đa dạng, phụ thuộc vào lứa tuổi và nguyên nhân gây bệnh. Trẻ nhỏ có thể biểu hiện bằng quấy khóc, biếng ăn, nôn trớ, chướng bụng, tiêu chảy. Trẻ lớn có thể than đau bụng, đầy hơi, khó tiêu, nôn ói, táo bón hay tiêu chảy.

Cách phòng tránh rối loạn tiêu hóa cho bé

Cách tốt nhất để ngăn chặn tình trạng rối loạn tiêu hóa cho bé dịp Tết là bố mẹ đừng vì bận rộn mà bỏ quên việc ăn uống của bé. Mẹ cần cho bé tuân thủ giờ giấc ăn uống như ngày thường, tránh những thay đổi đột ngột khiến hệ tiêu hóa bé không kịp thích nghi.

Bé cần được ăn đủ các nhóm chất cần thiết, ít chất béo, nhiều chất xơ và rau xanh, trái cây… để tiêu hóa dễ dàng hơn. Những sản phẩm nhiều đạm, nhiều béo vào dịp Tết như giò, chả, thịt,… chỉ nên cho bé ăn với số lượng hạn chế, cần dự trữ thực phẩm đầy đủ dinh dưỡng tươi ngon phù hợp với khẩu phần dinh dưỡng hàng ngày của bé ( Thịt, cá, tôm, cua, lươn, trứng…và rau củ quả tươi ngon). Ngoài ra, bố mẹ nên bổ sung thêm các loại thực phẩm có lợi cho đường tiêu hóa của bé như sữa, sữa chua, pho mai…

Bên cạnh đó, trong dịp Tết, các bé dễ bị mất nước do mải chơi nên mẹ nhớ cho bé uống nước đầy đủ, đồng thời kiểm soát việc bé uống các loại nước ngọt cũng như bánh kẹo.

Trước khi đi chơi nên cho bé ăn trước ở nhà, vẫn phảm đảm bảo chế độ ăn uống, thời gian ăn giống như ngày thường. Có thể cho bé ăn những thức ăn khác cơm như bánh chưng, miến…để đổi món và cho bé cơ hội nếm thử hương vị tết. Nên đề phòng những trường trẻ bị nhỡ bữa ăn, mẹ hãy chuẩn bị trước những thức ăn sẵn mang theo như: sữa tươi, sữa chua, và một số đồ ăn nhẹ…đảm bảo vệ sinh cho bé.

Với các bé còn bú mẹ, mẹ cần chú ý những món sẽ ăn trong những ngày Tết, tránh để bé bị tiêu chảy khi sữa mẹ có những thành phần có hại cho hệ tiêu hóa. Đồng thời, mẹ càng phải đặc biệt quan tâm, cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, đảm bảo số lượng sữa mẹ ổn định cho bé. Thông thường trong những ngày Tết, các bà mẹ thường bê trễ việc ăn uống của mình dẫn đến nguyên nhân không đủ năng lượng để cung cấp đủ sữa cho bé. Mẹ cần chú ý ăn đầy đủ dinh dưỡng như ngày thường, uống nhiều nước, ăn đúng bữa, cho bé ngủ đúng giờ, tránh ăn nhiều thức ăn có tỏi, tiêu, chất kích thích làm thay đổi mùi của sữa.

Cần lưu ý rằng khi thấy bé có những biểu hiện như chán ăn, bỏ bú, đau bụng, mất nước, sốt cao… sau 2 ngày vẫn chưa khỏi, bố mẹ nên lập tức đưa bé đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời, tuyệt đối không dùng thuốc cầm tiêu chảy hay thuốc kháng sinh một cách tùy tiện.

Các loại thức ăn có thể gây hóc, sặc như hạt dưa, hạt bí, các loại trái cây có hạt nhỏ như dưa hấu, mãng cầu … cần để xa tầm tay các bé còn nhỏ.

Hy vọng bài viết trên sẽ giúp bố mẹ phòng tránh rối loạn tiêu hóa cho bé hiệu quả, để bé luôn vui vẻ, khỏe mạnh, cùng cả gia đình hạnh phúc quây quần bên nhau khi Tết đến xuân về.

BS. Nguyễn Thị Ngọc Thanh

Trung tâm dinh dưỡng Vinamilk