Thông Tin Dinh Dưỡng

BÍ QUYẾT PHỤC HỒI THỂ CHẤT VÀ TINH THẦN CHO MẸ SAU SINH

Ngày đăng:

06/10/2016

Cùng với niềm vui chào đón thành viên mới của gia đình, bố mẹ phải đối mặt với nhiều nỗi lo mới. Vừa phải chăm bé vừa lo việc nhà và cả việc kinh doanh, việc công ty cùng với sự thay đổi về thể chất khiến nhiều mẹ rơi vào tình trạng trầm cảm. Bài viết dưới đây sẽ đưa ra những cách giúp mẹ phục hồi sức khỏe lẫn tinh thần sau sinh, mẹ cùng xem nhé!

Phục hồi tinh thần cho mẹ sau sinh

Trở thành một người mẹ là thiên chức cao quý nhưng đồng thời cũng là “công việc” vô cùng khó khăn. Chính vì vậy, rất nhiều mẹ bầu mắc chứng trầm cảm sau sinh, nhất là những mẹ lần đầu có em bé. Không có mốc thời gian cố định nào cho sự xuất hiện của triệu chứng tâm lý này, có thể là ba tuần nhưng cũng có thể là vài tháng sau khi sinh.

+ Một số nguyên nhân phổ biến chứng trầm cảm sau sinh:

  • Trách nhiệm nặng nề trong việc chăm sóc em bé.
  • Cảm giác khó chịu vì phải tự làm mọi việc một mình.
  • Chịu sự can thiệp y tế ngoài mong muốn sau khi sinh.
  • Cảm thấy khó khăn ở tất cả mọi việc từ bồng bế, tắm hay cho bé bú.
  • “Bội thực” bởi những lời nhận xét, góp ý về em bé, về cách nuôi dạy con hay sinh hoạt thường ngày từ những người xung quanh.
  • Những thay đổi thể chất tạo cảm giác không còn được là chính mình.
  • Mệt mỏi đến kiệt sức, không thể tưởng tượng.

+ Dấu hiệu của chứng trầm cảm sau sinh:

  • Thường thức dậy với cảm giác mệt mỏi dù đã trải qua một giấc ngủ dài.
  • Không thể ngủ dù cảm thấy rất mệt mỏi.
  • Khó tập trung hoặc kiểm soát chính mình khi làm việc gì đó.
  • Nghiêm trọng hóa tất cả mọi thứ dù nhỏ nhặt nhất.
  • Cảm thấy bản thân là một người mẹ thất bại.
  • Rất mau nước mắt và thường khóc không lý do.

+ Điều trị

  • Cố gắng ngủ mẹ nhen. Gắng đi ngủ sớm hơn vào ban đêm và chợp mắt 30 phút buổi trưa để lấy lại năng lượng. Hoặc bất cứ khi nào bé ngủ, mẹ hãy cố gắng ngả lưng một lát nếu mẹ phải thức dậy nửa đêm cho bé bú. Vào buổi trưa, 30 phút chợp mắt cũng có thể giúp mẹ lấy lại năng lượng. Hay bất cứ khi nào em bé đã ngủ say, hãy cố gắng đặt lưng nằm nghỉ một chút mẹ nhé.
  • Sống tích cực, suy nghĩ lạc quan, đừng để những điều buồn chán làm ảnh hưởng đến cảm xúc chính mình.
  • Nếu thấy chán nản, hãy xoa dịu bản thân và tập trung vào những gì đang làm. Sự tập trung đem lại hiệu quả cao và cảm giác vui vẻ khi công việc được giải quyết xong.
  • Nếu mẹ đang cảm thấy thất vọng hay tức giận, tập trung vào thực tế là chỉ có mẹ có thể thay đổi cảm giác tức giận, điều này thật sự không tốt cho mẹ.
  • Đừng giữ khư khư mọi thứ trong lòng hoặc cố gắng tự mình làm mọi việc. Mẹ xứng đáng nhận được sự giúp đỡ và chia sẻ từ mọi người. Hãy trò chuyện với bố em bé, người thân hoặc mẹ thân, bất kỳ ai mẹ muốn trò chuyện và trút bầu tâm sự.
  • Hãy đến gặp bác sĩ để được trị liệu nếu các triệu chứng trầm cảm cứ kéo dài mẹ nhé.

Phục hồi sức khỏe cho mẹ sau sinh

+ Những lưu ý về vệ sinh sau sinh

  • Sau khi sinh, mẹ không nên kiêng mà nên tắm gội sớm để làm sạch các tế bào chết trên da giúp da sáng khỏe. Mẹ nên tắm bằng nước ấm, trong phòng kín, cũng có thể tắm nước nóng và nước lạnh kết hợp để giúp máu tuần hoàn tốt. Gội đầu bằng nước ấm và sau khi gội cần hong tóc cho khô mẹ nhen. Mẹ cần giữ ấm cơ thể sau sinh, đặc biệt là mùa lạnh.
  • Giữ vùng âm đạo luôn sạch và khô bằng cách thay băng vệ sinh sạch mỗi 4 giờ một lần hoặc khi băng thấm ướt , mẹ nhé. Lưu ý, không nên làm ướt vết mổ hoặc vết may tầng sinh môn.
  • Mẹ không nên nằm một chỗ mà nên tập thể dục nhẹ nhàng để tránh bế sản dịch và táo bón.

Tranh thủ những khi bé ngủ để ngả lưng chợp mắt mẹ nhé!

Tranh thủ những khi bé ngủ để ngả lưng chợp mắt mẹ nhé!

+ Bí quyết ngủ ngon sau sinh

  • Tranh thủ thời gian bé ngủ để giảm bớt mệt mỏi mẹ nhen.
  • Thư giãn nửa tiếng trước khi ngủ bằng cách nghe những bản nhạc nhẹ nhàng, đọc sách, tự massage cơ thể… sẽ giúp mẹ dễ ngủ và sâu hơn.
  • Đừng ngại chia sẻ công việc chăm con cùng bố em bé (như pha sữa, hâm sữa ban đêm) mẹ nhen. Điều này vừa giúp giảm bớt áp lực của việc trông con vừa giúp gia đình thêm gắn bó.
  • Hoạt động nhẹ nhàng trước khi đi ngủ khoảng 3 tiếng đồng hồ cũng sẽ rất có lợi cho giấc ngủ của mẹ đấy.

+ Chăm sóc ngực

Lưu ý những điều dưới đây để giúp mẹ giữ dáng ngực đẹp sau sinh nhé:

  • Khi cho bé bú, mẹ nên nằm hoặc ngồi ở tư thế thoải mái, giữ toàn thân bé sát vào người mẹ, để bé ngậm sâu vào quầng đen bao quanh núm vú, tránh để bé kéo núm vú quá mạnh.
  • Mỗi lần bé bú xong, mẹ có thể dùng tay hoặc khăn thấm nước ấm massge ngực theo chiều đi lên khoảng 5 đến 10 phút, giúp ngực săn chắc, giảm cương tức, đồng thời giúp tuần hoàn máu tốt hơn, khiến da ngực hồng hào, ngực đẹp tự nhiên.
  • Dùng nước ấm làm sạch ngực 2 lần/ ngày mẹ nhé, vừa giúp vệ sinh ngực, vừa giúp tăng sự đàn hồi cho ngực, tránh tình trạng chảy xệ.
  • Trong bữa ăn, mẹ nên tăng cường các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin E, vitamin B như thịt nạc, trứng, sữa, các loại đậu…
  • Chọn áo ngực có kích cỡ phù hợp, chất liệu cotton thoải mái và thấm hút sẽ giúp mẹ tránh được tình trạng chảy xệ sau sinh.

+ Phục hồi làn da

  • Để khắc phục tình trạng rạn da sau khi sinh, từ khi chưa mang thai, mẹ cần thường xuyên tập thể dục để cơ thể săn chắc, duy trì chế độ dinh dưỡng giầu protein, vitamin giúp tăng độ đàn hồi cho da.
  • Sau sinh, mẹ nên massage cơ thể hằng ngày, đặc biệt là vùng bụng, đùi, ngực… cùng một số loại dầu massage chống rạn da để da phục hồi hiệu quả nhất.

+ Chế độ dinh dưỡng

  • Quá trình sinh nở tiêu hao rất nhiều sức lực nên mẹ cần nghỉ ngơi và ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, đặc biệt là các chất chứa nhiều đạm, sắt và acid folic. Nên ăn các thức ăn dễ tiêu hóa và đảm bảo vệ sinh thực phẩm mẹ nhé.
  • Tránh ăn muối tiêu hoặc muối kho quẹt vì dễ gây cao huyết áp mẹ nhen. Đồng thời, hạn chế các gia vị quá ngọt, quá mặn, quá chua hoặc quá cay, tránh thức ăn lạnh.
  • Mẹ nên thay đổi thực đơn ăn tránh lặp đi lặp lại những món quen thuộc vì sẽ làm đơn điệu, dễ gây chán ăn.
  • Cần kiêng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá.
  • Ăn nhiều rau xanh và uống nhiều nước.

Hy vọng với những thông tin trên, mẹ sẽ nhanh chóng hồi phục thể chất lẫn tinh thần để chăm sóc thật tốt cho bé yêu. Hãy luôn nhớ rằng giờ đây có một sinh linh bé bỏng rất cần được mẹ nuôi dưỡng, che chở và bao bọc trọn cả một chặng đường dài phía trước. Vì vậy, hãy càng yêu thương bản thân mình hơn hơn nữa mẹ nhé. Chúc mẹ và bé yêu luôn khỏe mạnh, hạnh phúc!

PGS. TS. BS Trần Đình Toán

Trung tâm Dinh dưỡng Vinamilk

 

Một số bài viết liên quan về mang thai:

Quá trình hình thành và phát triển thai nhi

Bà bầu mang thai nên uống sữa gì ?

Những điều bà bầu cần biết

Những món ăn tốt cho bà bầu