Thông Tin Dinh Dưỡng

BIỆN PHÁP CẢI THIỆN THÓI QUEN ĂN UỐNG CHO BÉ TẬP ĐI

Ngày đăng:

21/11/2016

Không phải bé nào cũng ngoan ngoãn chịu ăn uống theo mong muốn của mẹ. Bé chỉ muốn được vui chơi mãi thôi chứ không chịu ăn. Vậy làm sao để không tạo áp lực mà vẫn có thể cho bé ăn đầy đủ và đúng cách? Bài viết dưới đây sẽ mang đến cho mẹ những lời khuyên giúp cải thiện thói quen ăn uống cho bé ở tuổi tập đi.

Vì sao bé không chịu ăn?

Có nhiều nguyên nhân để bé tuổi tập đi từ chối thức ăn như không thích món ăn, mọc răng, bị ốm, chưa quen với chế độ ăn mới, khó thích nghi với các loại rau có vị lạ… Dạ dày của bé tuổi tập đi còn nhỏ nên chỉ cần bé ăn đồ ăn nhẹ, uống sữa và các loại thức uống khác thì bé đã no rồi.

Một số bé có thể có thói quen ăn uống khác như thích ăn nhiều trong những bữa chính và ăn nhẹ hơn vào các bữa còn lại trong ngày. Một số bé thậm chí chỉ ăn nhiều vào bữa trưa và không đụng đến thức ăn của bữa tối. Mẹ đừng lo vì điều này hoàn toàn bình thường. Chỉ cần áp dụng một số biện pháp sau, mẹ có thể giúp bé có một kế hoạch ăn uống lành mạnh.

Một số biện pháp giúp bé ăn uống lành mạnh

  1. Thời khóa biểu các bữa ăn đều đặn

Hầu hết bé em cần ba bữa chính, một hoặc hai bữa ăn nhẹ mỗi ngày. Mẹ nên tuân theo thời khóa biểu của các bữa ăn một cách nghiêm ngặt, không khuyến khích bé em ăn vặt suốt ngày, hoặc để chúng quá đói giữa các bữa ăn, khiến chúng có thể ăn bù rất nhiều ở chính bữa.

Bữa ăn quan trọng nhất trong ngày là bữa sáng. Nên giúp bé hình thành thói quen ăn sáng đều đặn khi còn nhỏ. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ nếu mẹ cảm thấy con đang ăn quá nhiều hoặc quá. Hãy tạo cho bé chu trình ăn uống dễ nhớ, cho bé ngồi cùng bàn ăn, xúc ăn và nói chuyện cùng với mọi người mẹ nhé.

  1. Chọn bữa ăn nhẹ lành mạnh và thêm rau vào mỗi khẩu phần ăn

Các bé thường thích ăn vặt mỗi khi buồn miệng như khoai tây chiên, bánh snack. Nhưng những món này thường không giàu dinh dưỡng và làm bé bị đầy bụng. Do đó, mẹ có thể cho bé ăn thử các món ăn nhẹ có lợi cho sức khỏe, như trái cây, bỏng ngô rang khô, các loại hạt không muối và sữa chua không đường.

Mẹ có thể cho bé ăn kèm rau với món bé thích ăn trong mỗi khẩu phần ăn để cân bằng dinh dưỡng. Chẳn hạn như khoai tây chiên kèm salad rau quả để khuyến khích bé. Nếu bé không thích ăn, hãy đặt tên vui nhộn cho món ăn để lôi kéo sự chú ý của bé.

  1. Uống nước lọc

Hãy dùng nước lọc là lựa chọn chính trong các bữa ăn, nước trái cây và nước ngọt chỉ dùng cho các dịp đặc biệt. Mặc dù nước trái cây có nhiều dinh dưỡng giá trị và mang đến nguồn năng lượng tập trung cho vận động, nuôi dưỡng cơ thể, bé nên uống nước lọc trước tiên khi cảm thấy khát, chứ không phải thức uống có đường.

  1. Ăn cùng gia đình

Trường hợp bé chán ăn, có thể cho bé ăn cùng gia đình. Vì khi thấy người khác ăn, bé tự động sẽ có phản xạ muốn ăn. Vì thế, nếu như mẹ có thể khuyến khích bé ăn uống cùng với gia đình, điều đó không những giúp bé bớt chán ăn mà còn dạy cho bé những kỹ năng xã hội bổ ích.

  1. Ăn chậm lại

Ở bất kỳ độ tuổi nào, ăn chậm là cách tốt nhất để kiểm soát cân. Sẽ rất hay nếu mẹ giúp bé hiểu rằng cơ thể cần khoảng 20 phút để não nhận biết bé đang ăn. Mặc dù mẹ mong muốn bé hoàn tất bữa ăn nhanh trong vài chục phút chứ không phải vài giờ, nhưng quan trọng hơn là tập cho bé biết ăn từ tốn và nhai thức ăn đúng cách.

  1. Hãy sáng tạo

Tất cả những màu sắc rực rỡ trong trái cây và rau củ xuất phát từ những thành phần tự nhiên và có tác động tích cực cho cơ thể của chúng ta. Những màu sắc khác nhau có những tác động khác nhau, vì vậy sẽ rất tốt nếu mỗi ngày chúng ta ăn trái cây có nhiều màu sắc khác nhau.

Một đĩa thức ăn với hoa quả nhiều màu sắc, hoặc cắt rau củ thành những hình dạng hấp dẫn sẽ giúp bé cảm thấy thú vị và thèm ăn. Vì vậy, hãy cố gắng sáng tạo khi mẹ trình bày thức ăn trên đĩa nhé.

Dĩa ăn trình bày sáng tạo và bắt mắt sẽ dụ dỗ bé thích và ăn được nhiều hơn

Dĩa ăn trình bày sáng tạo và bắt mắt sẽ dụ dỗ bé thích và ăn được nhiều hơn

  1. Học cách lắng nghe dạ dày

Mặc dù bẩm sinh bé có thể biết dừng ăn khi đã no, các bậc cha mẹ có thể cảm thấy khó đánh giá bé đã ăn đủ và đúng lượng thức ăn hay chưa.

Mẹ có thể dạy bé cách lắng nghe dạ dày của mình bằng cách hỏi những câu hỏi về chất lượng và số lượng, chẳng hạn như “Con đã no chưa?” hoặc “Con ăn tiếp được không?” để giúp bé nhận thức, hiểu rằng mình đã ăn no hay chưa.

Hãy nhắc bé ngừng ăn khi bắt đầu cảm thấy no. Không hối thúc bé phải ăn hết tất cả thức ăn trong bát và không khen ngợi nếu bé ăn hết. Ngoài ra, mẹ có thể chia phần ăn vào từng chén nhỏ để mẹ và bé biết bé ăn đến mức nào thì no. Khuyến khích bé tự xúc ăn, sau đó nếu bé vẫn còn đói, mẹ có thể cho bé ăn thêm.

Nếu con của mẹ bỏ một bữa ăn, không nên bù cho bé bằng kẹo hoặc bánh. Thay vào đó, hãy cho bé một món ăn lành mạnh, chẳng hạn táo hoặc cà rốt, và phải đảm bảo rằng bé sẽ ăn đầy đủ trong bữa tiếp theo.

  1. Đừng từ bỏ

Hầu hết các bé cần ăn thử một món gì mới từ bảy đến mười lần trước khi chúng cảm thấy thích món ăn đó. Vì vậy đừng lo lắng khi tập cho bé nếm các mùi vị mới hoặc lạ.

Một chiến thuật hay để giúp bé ăn uống đa dạng là nói với bé rằng, ăn thử các món ăn mới là dấu hiệu cho thấy bé đã lớn. Hoặc dẫn bé đi mua sắm và cho bé chọn các loại thức ăn mới và có lợi cho sức khỏe mà bé đã được ăn tại nhà và cảm thấy thích. Hãy tạo cho bé một ấn tượng tốt với thực phẩm, vì việc này có ích hơn việc chỉ bắt bé ăn mà thôi. Bữa ăn nên vui vẻ, thú vị và đừng quên khen bé.

Ăn uống với lứa tuổi bé tập đi có thể có nhiều khó khăn. Chỉ cần mẹ đừng nóng vội, hiểu rõ cơ thể và ý muốn của bé để bé có thể ăn uống và phát triển khỏe mạnh. Chúc mẹ và bé có những bữa ăn vui vẻ.

PGS TS BSCC. Trần Đình Toán

Trung tâm Dinh dưỡng Vinamilk