Thông Tin Dinh Dưỡng

BIẾNG ĂN LÀ VẤN ĐỀ CỦA BÉ HAY CỦA BỐ MẸ?

Ngày đăng:

01/12/2016

Nhiều bố mẹ thường đặt câu hỏi “Vì sao con không chịu ăn?”, “Làm sao để bé thích ăn và đòi ăn?” hoặc lo lắng bé thiếu chất vì ăn ít. Thế nhưng biếng ăn có thật là vấn đề chỉ ở bé hay bố mẹ cũng là một trong những nguyên nhân khiến bé biếng ăn? Hãy cùng tìm hiểu câu trả lời trong bài viết dưới đây nhé!

Có phải ăn ít là biếng ăn?

Nhiều mẹ thường so sánh lượng thức ăn của con mình với các bạn đồng trang lứa và cho rằng bé ăn ít. Thế nhưng, mỗi bé có nhu cầu nạp năng lượng khác nhau. Mặt khác, bé càng lớn, tốc độ tăng cân và chiều cao sẽ chậm lại. Mẹ cần cân đo bé hằng tháng để nắm rõ tình trạng tăng trưởng của con. Nếu bé có ăn ít hơn các bạn khác nhưng vẫn tăng trưởng tốt, chứng tỏ bé không phải biếng ăn mà bé chỉ ăn đủ nhu cầu của mình.

Vậy khi nào bé được xem là biếng ăn?

Nếu thật sự biếng ăn, bé sẽ có những biểu hiện sau:

  • Bé ăn ít hơn bình thường, ngậm thức ăn trong miệng lâu, không chịu nhai, nuốt khiến bữa ăn thường kéo dài hơn bình thường.
  • Trong bữa cơm, bé không chịu ăn một số loại thức ăn như thịt, cá, trứng, sữa hoặc từ chối ăn tất cả các loại thức ăn với tâm trạng không thoải mái.
  • Bé thường có biểu hiện quấy nhiễu trong giờ ăn như chạy trốn, khóc, không há miệng, quay mặt đi…
  • Bé không tăng cân trong nhiều tháng liên tiếp.

Nguyên nhân bé biếng ăn – Vấn đề nằm ở bố mẹ

“Tất cả biếng ăn đều có nguyên nhân, tìm đúng nguyên nhân là trị được bệnh. Nên nhớ 90% nguyên nhân đến từ người chăm sóc bé.” (Theo cán bộ cấp cao khoa dinh dưỡng ĐH Oxford, Gs.Bs. Gallen). Và đây là những sai lầm của bố mẹ dẫn đến bé biếng ăn:

  • Nhiều mẹ có suy nghĩ bé được tập ăn dặm sớm sẽ dễ dàng thích nghi khi chuyển sang giai đoạn ăn dặm nên đã cho bé ăn từ 4 tháng tuổi. Thế nhưng, cho bé ăn dặm sớm không những không giúp bé ăn tốt hơn mà còn làm bé biếng ăn. Cho bé ăn quá sớm khi bé chưa có đủ men tiêu hóa hấp thu các chất dinh dưỡng, dễ gây khó chịu, lâu ngày làm bé biếng ăn. Vì vậy, thời gian ăn dặm tốt nhất là từ 6 tháng tuổi.
  • Rất nhiều gia đình thường bồng bé đi ăn chỗ đông người hoặc cho bé xem TV hay chơi trò chơi trong lúc ăn để đúc bé ăn dễ dàng hơn. Thế nhưng việc này lại tạo cơ hội để bé kéo dài bữa ăn, ngậm thức ăn hoặc không chịu ăn nếu không có những điều trên. Thậm chí, bé còn có thể mắc một số vấn đề tiêu hóa như táo bón, đi phân nhầy hoặc có phân sống thường xuyên do ăn không tập trung và men tiêu hóa tiết không đúng thời điểm.

Không nên cho bé vừa chơi vừa ăn

Không nên cho bé vừa chơi vừa ăn

  • Có bé bị biếng ăn do bị rối loạn cấu trúc thức ăn vì đáng lẽ bé đã phải ăn cơm nát nhưng mẹ vẫn cho ăn cháo loãng quá lâu. Mẹ cần biết rằng cấu trúc thức ăn phụ thuộc vào bé có răng hay chưa hoặc số răng bé có bao nhiêu, đảm bảo chức năng nhai tương xứng với độ to thức ăn, đảm bảo quá trình tiêu hóa và hấp thu của bé thuận lợi nhất. Do đó, khi bé đến có răng từ ít lên nhiều, mẹ phải đổi cấu trúc thức ăn cho bé với tăng dần độ thô cứng. Nếu kéo dài cấu trúc mềm mịn không đúng sẽ khiến bé không thể phân biệt được thức ăn, không biết nhai, các tuyến tiêu hóa không có sự tác động để tiết ra men tiêu hóa đầy đủ, dần dần làm bé tiêu hóa kém và sợ ăn.

Không nên cho bé ăn đồ ngọt

  • Cho bé ăn bánh, trái cây có vị ngọt cao và nước ép quá nhiều cũng là một sai lầm bố mẹ dễ mắc phải. Vị ngọt là vị nhạy cảm nhất, ăn nhiều vị ngọt thường xuyên có thể làm bé dễ rối loạn vị giác, độ ngọt làm tăng đường huyết gây giảm cảm giác đói ở trẻ. Do đó, biếng ăn là điều tất yếu sẽ xảy ra.

Hy vọng bài viết trên đã giúp bố mẹ có thêm cách nhìn về chứng biếng ăn ở bé. Từ đó, bố mẹ có thể điều chỉnh những sai lầm nếu có và thiết lập thói quen ăn uống lành mạnh để bé không còn biếng ăn, phát triển tốt.

BS. Nguyễn Thị Ngọc Thanh

Trung tâm Dinh dưỡng Vinamilk