Thông Tin Dinh Dưỡng

CÁC BỆNH THƯỜNG GẶP Ở TRẺ 7 - 12 THÁNG VÀ CÁCH PHÒNG TRÁNH

Ngày đăng:

04/08/2016

Chăm sóc trẻ trong năm đầu tiên thường gây không ít khó khăn cho các ông bố bà mẹ. Sức đề kháng cũng như cơ thể bé vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện và cần được quan tâm kĩ lưỡng hơn. Nếu bé của gia đình mình đang trong giai đoạn từ 7 đến 12 tháng tuổi, bài viết dưới đây sẽ mang đến nhiều thông tin bổ ích để các mẹ chăm sóc bé tốt hơn.

  1. SỐT

Sốt là triệu chứng của nhiều bệnh lý khác nhau. Ở trẻ dưới 1 tuổi, nguyên nhân thường gặp là nhiễm siêu vi. Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị sốt như do mọc răng, do rối loạn tiêu hóa khiến trẻ chướng bụng sinh ra sốt, hay ở các trường hợp trẻ bị cảm lạnh thông thường (kg phải cảm cúm do virus), viêm phế quản, do tiêm ngừa…

Mẹ hãy nhanh chóng hạ nhiệt cho trẻ bằng khăn sạch với nước ấm, có thể dùng nhiệt kế đo nhiệt độ trước khi tiến hành lau mát. Cho bé nằm ngửa, cởi bỏ quần áo, nhúng khăn vào thau, vắt hơi ráo. Chú ý đặt khăn ở các vị trí nhiệt nhiều như hỏm nách, bẹn hay những nơi có mạch máu lớn. Cuối cùng, các mẹ mới lau mát toàn thân của bé.

  1. KHÓ NGỦ

Điều khiến các mẹ đau đầu nhất chính là trẻ sơ sinh thường ngủ nhiều giấc trong ngày và không sâu. Đặc biệt, các bé bú sữa mẹ thường sẽ ngủ ít hơn các bé bú bình vì mau đói. Thời gian ngủ lý tưởng cho bé trong 3 tháng đầu sẽ từ 17 – 20 tiếng nhằm đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho bé.

Khó ngủ là biểu hiện thường gặp, nhưng nếu các các triệu chứng kèm theo như: hay lăn lộn, trở mình nhiều, đổ nhiều mồ hôi, rụng tóc, nhiều khả năng bé nhà mình đang thiếu Vitamin D, là nguyên nhân gây nên hiện tượng còi xương ở trẻ sơ sinh.

  1. NÔN TRỚ

Nôn trớ là hiện tượng thường gặp của trẻ ở những tuần đầu sau sinh, do các mẹ ép bé ăn quá nhiều hoặc cho bé nằm ngay sau ăn hoặc bú sữa mẹ, khi đó, thức ăn trong dạ dày sẽ bị đẩy lên thực quản rồi trào ra miệng. Lúc này dạ dày của bé còn ở tư thế nằm ngang , khiến trẻ dễ nôn thức ăn ra ngoài, tình trạng này sẽ cải thiện khi bé lớn dần. Các mẹ không nên quá căng thẳng vì nôn trớ không ảnh hưởng gì tới sức khoẻ cũng như sự phát triển của trẻ.

Nguyên nhân khác là do mẹ cho bé ăn dặm quá sớm( trước 6 tháng) hoặc ăn quá nhiều loại thức ăn trong ngày… Hệ tiêu hóa của bé còn non kém, chưa tiết ra được các men tiêu hóa các thành phần đạm, đường, béo…từ thức ăn dặm , do đó bé khó hấp thu, dễ bị rối loạn tiêu hóa .

Nếu nôn trớ mà có kèm theo nóng sốt, đi phân lỏng hay tiêu chảy, sổ mũi, ho, phát ban, bệnh trào ngược dạ dày thực quản… thì các mẹ cần đưa bé đi khám ngay để được bác sĩ chuẩn đoán và tư vấn tốt nhất.

Cho bé ăn dặm đúng cách là phương pháp ngăn ngừa nôn trớ hữu hiệu nhất

Cho bé ăn dặm đúng cách là phương pháp ngăn ngừa nôn trớ hữu hiệu nhất

Để hạn chế nôn trớ cho trẻ, các mẹ nên lưu ý các điều sau:

– Dù trẻ có biểu hiện không muốn ăn, các mẹ cũng không nên ép trẻ ăn. Hãy tìm hiểu xem vì sao trẻ “sợ” khi thấy thức ăn như đồ ăn nhìn không hấp dẫn, mùi vị chưa ngon hay có nhiều loại thực phẩm không hợp khẩu vị của trẻ.

– Đặc biệt, nếu bé đang không khỏe thì tuyệt đối không nên ăn quá nhiều.

– Nên để bé làm quen dần với các loại thức ăn mới nếu mẹ muốn thay đổi thực đơn. Các mẹ cũng cần cho ăn từ ít đến nhiều, từ lỏng đến đặc, chia làm nhiều bữa nhỏ trong ngày.

– Thông thường, triệu chứng nôn trớ cũng dễ bắt gặp ở trẻ suy dinh dưỡng. Do bé biếng ăn lâu ngày dẩn đến hình thành cơ chế phản xạ “từ chối thức ăn”, cứ ăn vào là sẽ ói ra. Lúc này, các mẹ nên đưa trẻ đến khám bác sĩ để có phương án điều trị thích hợp.

  1. TÁO BÓN

Táo bón xảy ra khi trẻ không đi ị trong khoảng thời gian quá 3 ngày, hoặc tính chất phân rắn, vén nhiều lọn tròn nhỏ. Hiện tượng này không nguy hại nhưng sẽ khiến các bé bị nặng bụng và hoàn toàn có thể ngăn ngừa nếu các mẹ có đủ kiến thức trong việc chế biến khẩu phần ăn hằng ngày cho trẻ. Mẹ cần cho bé ăn thật nhiều rau xanh, trái cây …cung cấp chất xơ không hòa tan, là thành phần giúp hình thành khối phân có tính thấm nước cao, giúp phân trẻ mềm mại hơn.

  1. DA BỊ RÔM SẢY – LÁC SỮA

Trẻ rất dễ bị rôm sảy vào mùa nắng nóng, khi các bé hay bị ra mồ hôi nhiều, vị trí thường thấy ở lưng, ngực, bắp tay, bắp chân. Rôm sảy hay lác sữa là các bệnh lý thường gặp, không quá nguy hại nhưng việc phát hiện và điều trị sớm là cực kì quan trọng, tránh tái phát nhiều lần sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ trong những năm đầu đời.

Gia đình nên điều trị và theo dõi bé cẩn thận, không được tự ý dùng thuốc uống, thuốc thoa ngoài khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Cách phòng ngừa:

  • Vệ sinh mặt, miệng cho trẻ thật kĩ sau mỗi lần ăn hay bú sữa. Các mẹ chỉ cần rửa sạch nhẹ nhàng da mặt bé bằng khăn mềm với nước ấm từ 2 – 3 lần/ngày
  • Hạn chế cho trẻ ăn một số thực phẩm có thể khiến vết lác lan nhiều hơn như trứng, mỡ động vật, hải sản, nội tạng động vật,…
  • Tránh cào gãi ở trẻ: cắt ngắn móng tay, móng chân để tránh bé ngứa gãi làm tăng nhiễm trùng da.
  • Nhà ở thông thoáng, không khói thuốc, không nước hoa, không thú nuôi.
  • Kem, sữa, hay dầu dưỡng ẩm là những loại mỹ phẩm hỗ trợ giúp bé trị dứt lác sữa. Các mẹ nên thoa bé tối thiểu 2 lần/ngày để giúp duy trì độ ẩm và giúp cho da bé trở nên mềm mại hơn.
  1. RỐI LOẠN TIÊU HÓA

Đi ngoài nhiều lần trong ngày, đi phân sống, nhầy và có màu lạ, tiêu chảy dài ngày… tất cả đều là những biểu hiện cho thấy trẻ đang gặp vấn đề về tiêu hóa. Nguyên nhân có thể do mẹ đã cho bé ăn dặm quá sớm hoặc cho ăn chưa đúng cách. Để hạn chế tình trạng này, nhất là trong giai đoạn đầu ăn dặm, các mẹ hãy tập cho bé ăn hoa quả dằm, uống nước hoa quả, ăn váng sữa, phô mai, sữa chua mỗi ngày từ lúc bé 6 tháng tuổi.

Bác sỹ Nguyễn Thị Ngọc Thanh

Trung tâm Dinh dưỡng VNM