Thông Tin Dinh Dưỡng

CÁC HOẠT ĐỘNG GIÚP BÉ 11 THÁNG TUỔI PHÁT TRIỂN NÃO BỘ TOÀN DIỆN

Ngày đăng:

06/10/2016

Đây sẽ là mốc thời gian thú vị trước khi được một tuổi. Ở tháng thứ 11, bé nặng khoảng 9,4kg, cao khoảng 74,5 cm (đối với bé trai) và nặng 8,7kg, cao 73 cm (đối với bé gái). Mẹ sẽ ngạc nhiên nhận ra bé đã lớn nhanh đến mức mẹ không thể nhớ hồi mới sinh bé trông như thế nào nữa. Hãy xem trong giai đoạn này, những hoạt động nào có thể giúp bé phát triển trí não toàn diện mẹ nhé!

Các hoạt động giúp bé phát triển trí não toàn diện

+ Trí thông minh: Đây là giai đoạn bé học cách sử dụng các vật xung quanh như bấm đi bấm lại nút bật tắt ti vi. Bên cạnh đó, hành động học tập được thấy nhiều nhất ở bé chính là đưa mọi thứ vào miệng hoặc ném đi. Bé sẽ nhận biết được mỗi đồ vật đều có tên riêng và có thể tự đặt tên cho chúng. Bé hiểu rõ về sự tồn tại của các vật và sẽ đi tìm những vật bị giấu vì bé biết chúng đang ở đâu đó. Để giúp bé phát triển, mẹ có thể thực hiện các phương pháp sau nhen:

  • Cho bé thoải mái trút đồ chơi ra và phân loại. Mẹ chuẩn bị một số rổ, hộp hoặc thùng chứa đầy đồ chơi các hình khối, thùng chứa thú bông, thùng chứa xe hơi đồ chơi. Bé sẽ thích thú đổ hết ra sàn, phân loại và bỏ lại đúng thùng ban đầu.
  • Mẹ có thể dùng đồ chơi hoặc thậm chí sử dụng đồ thật để chơi trò nhập vai cùng bé. Ví dụ mẹ có thể giả vờ nói chuyện điện thoại cùng bé, chơi đồ hàng hoặc xây nhà bằng các đồ chơi sắp xếp.
  • Chơi ú òa, trốn tìm hoặc chiếc hộp bí mật (loại đồ chơi khi nhấn nút hoặc mở hộp, đồ vật bên trong sẽ bật ra) để giúp bé hiểu khái niệm tồn tại của sự vật.

+ Kỹ năng vận động: Dù cơ thể cứng cáp hơn và đã có khả năng phối hợp giữa các bộ phận, bé có thể vẫn cần tựa vào mẹ hoặc các điểm tựa khác để đứng vững. Bé đã có thể cầm thìa hay tự cầm ly uống nước. Bé có thể cầm nắm các vật theo kiểu gọng kìm với độ chính xác cao hơn và thường xuyên bỏ mọi thứ vào miệng. Lúc này, bé đã có thể tự bỏ đồ chơi vào thùng rồi đấy mẹ ơi. Để giúp bé phát triển, mẹ có thể thực hiện các phương pháp sau nhen:

  • Cho bé những đồ chơi có thể đẩy đi được dù bé chưa thể đi được để khuyến khích khả năng vận động của bé.
  • Hát những bản nhạc thiếu nhi và làm điệu bộ để bé bắt chước theo mẹ. Ví dụ mẹ có thể vừa hát vừa diễn tả thành những con vật trong những bài hát “kinh điển” như Kìa con bướm vàng, Một con vịt, Chị ong nâu nâu…
  • Mẹ hãy tạo không gian trong phòng để bé thỏai mái bò và khám phá khắp nơi bằng cách di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác. Hãy bày những món đồ chơi bắt mắt dụ bé bò tới lấy. Nhớ dọn hết các đồ vật có thể rơi xuống bé từ trên cao mẹ nha.

+ Kỹ năng giao tiếp: Bé sẽ chỉ tay, gật đầu, lắc đầu nhiều hơn để thể hiện cảm xúc và nhu cầu của mình một cách thuần thục. Bé cũng đã có thể hiểu được nhiều điều khi người khác trò chuyện với bé. Các cuộc đối thoại theo phong cách riêng của bé với những chuỗi dài các nguyên âm và phụ âm sẽ phát ra nhiều hơn qua đôi môi nhỏ xíu, đáng yêu. Bé đã gắn âm thanh với các đồ vật và cố gắng gọi chúng giống cách của mẹ, hầu hết các từ đầu tiên bé nói đều là các danh từ. Để giúp bé phát triển, mẹ có thể thực hiện các phương pháp sau nhen:

  • Thường xuyên trò chuyện với bé. Hãy tường thuật các hoạt động khi mẹ cùng làm với bé hoặc khi bé ê a rồi ngừng, mẹ hãy đáp lời bé, sau đó ngưng để bé tiếp tục “tám” cùng mẹ.
  • Hãy đáp lại các điệu bộ của bé như khi bé giơ tay đòi bế, chỉ một món đồ mẹ nhen. Điều này sẽ xác nhận cử chỉ của bé có ý nghĩa và khuyến khích bé giao tiếp. Mẹ hãy xem các điệu bộ, cử chỉ chính là bàn đạp để bé học giao tiếp bằng lời.
  • Đọc sách cho bé nhiều hơn mẹ nhé. Lúc này, bé đã có thể tự lật mở trang sách rồi nên mẹ hãy chọn cho bé những truyện nhiều màu sắc để thu hút sự chú ý của bé, vừa đọc vừa chỉ vào hình giải thích cho bé là cách tăng vốn từ vựng cho bé.

Đọc sách cùng bé ngay từ những năm tháng đầu đời sẽ truyền cho bé đam mê và yêu thích đọc sách đấy mẹ ơi!

Đọc sách cùng bé ngay từ những năm tháng đầu đời sẽ truyền cho bé đam mê và yêu thích đọc sách đấy mẹ ơi!

+ Cảm xúc: Mẹ sẽ thấy bé đang học và luyện tập các kỹ năng xã hội bằng cách bắt chước và làm theo mẹ. Đặc biệt, bé thích quan sát và bắt chước những đứa bé khác. Tuy nhiên, bé có thể căng thẳng khi gặp người lạ. Bé 11 tháng sẽ gắn bó với những ai thường xuyên chăm sóc cho bé, nên bé sẽ tương tác với mọi người trong gia đình nhiều hơn. Để giúp bé phát triển, mẹ có thể thực hiện các phương pháp sau nhen:

  • Đưa bé ra ngoài và gặp gỡ các bạn cùng tuổi sẽ giúp bé phát triển tốt các kỹ năng xã hội. Nhưng mẹ cũng đừng quá thúc ép bé nhen, hãy để bé tự chơi với nhau để hiểu về khái niệm chia sẻ và thương lượng.
  • Hai mẹ con cùng đứng trước một tấm gương lớn (thấy hết từ đầu đến chân) và quan sát bé dần tìm hiểu hình ảnh phản chiếu kia chính là mình. Xoa đầu hoặc vỗ tay để bé vừa cảm nhận vừa quan sát điều gì đang diễn ra.
  • Không cho bé tiếp xúc với các thiết bị công nghệ mẹ nhé dù chúng có được quảng bá là tốt cho giáo dục thế nào đi nữa. Chính sự yêu thương từ người thân, sự nhìn ngắm, khám phá thế giới thật mới là cách giúp bé phát triển tốt nhất.

Trên đây là những tương tác thông minh mẹ có thể thực hiện để giúp bé phát triển trí não tốt hơn. Bên cạnh đó, đừng quên chú ý đến chế độ dinh dưỡng giúp nuôi dưỡng, kiến tạo não và cung cấp nguồn năng lượng cần thiết cho trí não phát triển cho bé mẹ nhen. Trong giai đoạn này, bé vẫn cần được cung cấp đủ 500ml sữa hàng ngày và sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ đến 24 tháng tuổi, vì trong sữa mẹ có chứa sữa non (cholostrum) để tăng sức đề kháng và giúp trẻ phát triển khỏe mạnh […]. Tuy nhiên, trong trường hợp mẹ gặp khó khăn khi nuôi con bằng sữa mẹ trong giai đoạn này vì những lí do đặc biệt thì nên đến cơ sở y tế để nhận được hướng dẫn từ thầy thuốc và nhân viên y tế. Chúc bé của mẹ luôn khỏe mạnh nhé!

BS. Hồ Thị Nam Huế

Trung tâm Dinh dưỡng Vinamilk