Thông Tin Dinh Dưỡng

CÁC HOẠT ĐỘNG GIÚP BÉ 10 THÁNG TUỔI PHÁT TRIỂN NÃO BỘ TOÀN DIỆN

Ngày đăng:

27/12/2016

Ở 10 tháng tuổi, bé yêu của mẹ đã nặng trung bình khoảng 9,2kg (đối với bé trai) và 8,5kg (đối với bé gái). Tùy vào thể trạng, các bé sẽ trải qua cột mốc 10 tháng tuổi với các biểu hiện khác nhau, như vài bé đã biết nói và biết đi trong khi các mẹ khác vẫn còn tiếp tục trườn bò. Hãy xem những hoạt động nào có thể giúp bé phát triển trí não toàn diện, mẹ nhé!

Các hoạt động giúp bé phát triển trí não toàn diện

+ Trí thông minh: 10 tháng tuổi, bé của mẹ đã hiểu mỗi đồ vật có cách sử dụng khác nhau và bắt đầu thử nghiệm bằng cách bắt chước mẹ hay áp dụng phương pháp thử sai. Để giúp bé phát triển, mẹ có thể thực hiện các phương pháp sau nhen:

  • Cho bé thoải mái trút đồ chơi ra và phân loại. Mẹ chuẩn bị một số rổ, hộp hoặc thùng chứa đầy đồ chơi các hình khối, thùng chứa thú bông, thùng chứa xe hơi đồ chơi. Bé sẽ thích thú đổ hết ra sàn, phân loại và bỏ lại đúng thùng ban đầu.
  • Mẹ có thể dùng đồ chơi hoặc thậm chí sử dụng đồ thật để chơi trò nhập vai cùng bé. Ví dụ mẹ có thể giả vờ nói chuyện điện thoại cùng bé, chơi đồ hàng hoặc xây nhà bằng các đồ chơi sắp xếp.
  • Mẹ có thể dùng quả bóng tennis hay bóng đá để cùng bé lăn bóng qua lại. Trò này không chỉ vui mà còn giúp bé phát huy khả năng nhận thức sâu, khả năng dõi mắt theo một đối tượng nào đó và khả năng phối hợp tay-mắt và còn giúp bé học về sự luân phiên.

+ Kỹ năng vận động: Các bộ phận trên cơ thể đã cứng cáp và phối hợp tốt hơn nên bé đã có thể khả năng đứng khá tốt nếu có điểm tựa. Để giúp bé phát triển, mẹ có thể thực hiện các phương pháp sau nhen:

  • Mẹ hãy tạo không gian trong phòng để bé thỏai mái bò và khám phá khắp nơi bằng cách di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác. Hãy bày những món đồ chơi bắt mắt dụ bé bò tới lấy. Nhớ dọn hết các đồ vật có thể rơi xuống bé từ trên cao mẹ nha.
  • Cho bé chơi những món đồ có bánh xe sẽ giúp bé có điểm tựa để nắm, dễ tập đi hơn.
  • Chọn cho bé những món đồ chơi có thể thao tác như có nút để bấm, có cần để kéo hoặc loại phát ra âm thanh, sáng đèn… mẹ nhen. Chúng sẽ giúp bé rèn giũa cả kỹ năng vận động thô lẫn vận động tinh.

+ Kỹ năng giao tiếp: Đây là lúc bé sẽ mô phỏng và bắt chước cử chỉ của mọi người rất nhiều. Để giúp bé phát triển, mẹ có thể thực hiện các phương pháp sau nhen:

  • Thường xuyên trò chuyện với bé. Hãy tường thuật các hoạt động khi mẹ cùng làm với bé hoặc khi bé ê a rồi ngừng, mẹ hãy đáp lời bé, sau đó ngưng để bé tiếp tục “tám” cùng mẹ.
  • Hãy đáp lại các điệu bộ của bé như khi bé giơ tay đòi bế, chỉ một món đồ mẹ nhen. Điều này sẽ xác nhận cử chỉ của bé có ý nghĩa và khuyến khích bé giao tiếp. Mẹ hãy xem các điệu bộ, cử chỉ chính là bàn đạp để bé học giao tiếp bằng lời.
  • Dùng điệu bộ đi kèm lời nói để giúp bé mở rộng vốn từ về “ngôn ngữ cơ thể” và hiểu ý nghĩa của những gì mẹ nói. Ví dụ, hãy vẫy tay ra hiệu khi mẹ nói: “Đến đây nào!”

+ Cảm xúc: Ở giai đoạn này, bé sẽ thích ở bên cạnh và quan sát những bé lớn tuổi hơn. Bé cũng sẽ chăm chú theo dõi phản ứng của mẹ để đập tay chân hoặc cười đùa. Để giúp bé phát triển, mẹ có thể thực hiện các phương pháp sau nhen:

  • Hai mẹ con cùng đứng trước một tấm gương lớn (thấy hết từ đầu đến chân) và quan sát bé dần tìm hiểu hình ảnh phản chiếu kia chính là mình. Xoa đầu hoặc vỗ tay để bé vừa cảm nhận vừa quan sát điều gì đang diễn ra.

Dành thời gian đi dạo cùng bé là cách mẹ trao cho bé cơ hội nhìn ngắm thế giới

  • Dành thời gian bế bé đi dạo và trò chuyện để bé nhìn ngắm mọi việc đang diễn ra xung quanh, đồng thời cảm nhận được chuyển động trong từng bước đi của mẹ, sự yêu thương, đùm bọc, chở che của mẹ, tạo cho bé cảm giác an toàn và yên tâm hơn.

Trên đây là những tương tác thông minh mẹ có thể thực hiện để giúp bé phát triển trí não tốt hơn. Bên cạnh đó, đừng quên chú ý đến chế độ dinh dưỡng giúp nuôi dưỡng, kiến tạo não và cung cấp nguồn năng lượng cần thiết cho trí não phát triển cho bé mẹ nhen. Trong giai đoạn này, đừng vì bé đã có thể ăn dặm mà bỏ quên sữa mẹ nhé. Mẹ nên tiếp tục cho bé bú sữa mẹ vì sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ đến 24 tháng tuổi, vì trong sữa mẹ có chứa sữa non (cholostrum) để tăng sức đề kháng và giúp trẻ phát triển khỏe mạnh […]. Tuy nhiên, trong trường hợp mẹ gặp khó khăn khi nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong giai đoạn này vì những lí do đặc biệt thì nên đến cơ sở y tế để nhận được hướng dẫn từ thầy thuốc và nhân viên y tế, mẹ nhen. Chúc bé của mẹ luôn khỏe mạnh nhé!

Bác sỹ Nguyễn Vĩnh Hoàng Oanh

Trung tâm Dinh dưỡng VNM