Thông Tin Dinh Dưỡng

CÁC HOẠT ĐỘNG GIÚP BÉ 9 THÁNG TUỔI PHÁT TRIỂN NÃO BỘ TOÀN DIỆN

Ngày đăng:

27/12/2016

9 tháng sau khi chào đời, không còn nhỏ xíu và ngủ suốt ngày nữa, bé của mẹ đã trở thành nhà “thám hiểm tí hon” bò khắp mọi nơi, khám phá mọi ngóc ngách trong nhà. Sự phát triển của trí nhớ khiến bé chán ngán với những thứ quen thuộc xung quanh và tìm kiếm những trải nghiệm mới. Bé sẽ tiếp tục thử nghiệm về sự tồn tại của các vật. Hãy xem để giúp bé phát triển trí não toàn diện, mẹ có thể chơi cùng bé những hoạt động nào nhé!

Các tương tác giúp bé phát triển toàn diện

+ Trí thông minh: Sự phát triển của trí nhớ khiến bé chán ngán với những thứ quen thuộc xung quanh và tìm kiếm những trải nghiệm mới. Bé kiên trì hơn trong việc tìm kiếm các đồ chơi, thậm chí sẽ khóc đòi khi đồ vật tự dưng biến mất. Bé sẽ tiếp tục thử nghiệm về sự tổn tại của các vật. Trí thông minh của bé còn thể hiện rõ ở việc bé đã bắt đầu hiểu người và vật đều có tên riêng, đoán trước được những trình tự quen thuộc trong ngày như mẹ mở nước nghĩa là đến giờ tắm. Để giúp bé phát triển, mẹ có thể thực hiện các phương pháp sau:

  • Trốn tìm: Mẹ nấp sau cánh cửa hoặc lấp ló, sau đó gọi bé để bé theo giọng nói của mẹ và tìm ra nơi mẹ nấp. Khi tìm được mẹ, bé thường mỉm cười hoặc hét lên vui mừng. Lặp lại câu hỏi vài lần, sau đó nấp ở chỗ khác và hỏi để bé tìm lần nữa. Trò chơi này sẽ giúp bé hiểu khái niệm tồn tại của sự vật, rất tốt cho sự phát triển của bé mà còn rất vui nữa.
  • Đoán trước hoạt động sắp diễn ra: Mẹ cố gắng xây dựng các hoạt động ngày của bé theo một trình tự cố định và lặp đi lặp lại trật tự này. Chú ý đặc biệt đến các hoạt động buổi tối mẹ nhen. Điều này sẽ giúp bé phát triển khái niệm về thời gian. Với sự phát triển của trí nhớ, bé có thể nhớ những việc diễn ra hôm qua và hôm kia. Sự nhất quán trong chuỗi hoạt động sẽ củng cố suy nghĩ và tăng cảm giác an toàn cho bé.

+ Vận động: Hầu hết các bé ở giai đoạn này đều nỗ lực vận động. Các kỹ năng vận động tĩnh của bé cũng đang được cải thiện dần. Để giúp bé phát triển, mẹ có thể thực hiện các phương pháp sau:

  • Đặt một món đồ chơi xa tầm với của bé khi con trong tư thế ngồi. Bé sẽ muốn tiến về phía món đồ chơi để lấy. Bé có thể lật, nhích bằng mông hoặc trườn đến. Dần dần, bé có thể thử bò tới mục tiêu. Mẹ cần ở sát cạnh con để đảm bảo an toàn.

Cho bé chơi những món đồ chơi để tăng kỹ năng phối hợp tay mẹ nhen!

  • Cho bé chơi những món đòi hỏi phải thao tác bằng tay – loại có nút để bấm, núm để vặn và tay cầm để kéo. Lưu ý chọn đồ chơi an toàn với bé. Vì sao có ích cho bé: Những món đồ chơi này sẽ giúp bé có cơ hội tập cầm và buông, cố gắng nắm theo thế càng cua và xoay sở với đồ vật.

+ Cảm xúc: Vào 9 tháng tuổi, bên cạnh sự phân biệt người quen – người lạ, bé bắt đầu học được một số hành vi như vẫy tay chào tạm biệt, thử làm mẹ không hài lòng để quan sát xem phản ứng của mẹ, hoặc tỏ ra buồn bã khi mẹ nói “không”. Để giúp bé phát triển, mẹ có thể thực hiện các phương pháp sau:

  • Phân biệt người nhà và người ngoài: Nếu gặp người lạ, mẹ hãy để bé đáp lại người lạ theo cách của riêng mình và đừng e ngại khi thấy bé sợ hay lưỡng lự với người lạ. Đây chính là giai đoạn bình thường đối với quá trình phát triển cảm xúc. Việc bé bắt đầu tìm ra điểm khác biệt giữa người nhà và người ngoài là dấu hiệu tốt cho sự gắn kết của bé với mẹ và người thân trong gia đình.
  • Để bé quen dần với sự có mặt của người mới bằng cách gợi ý để người lạ tương tác một cách từ tốn với bé như mỉm cười, nói chuyện hoặc cho bé chơi khi đặt bé ngồi trên đùi.

+ Giao tiếp: Ở giai đoạn này, bé học giao tiếp bằng cử chỉ với các động tác như chỉ tay, vỗ tay và vẫy tay chào hay chỉ vào vật gì đó để bày tỏ mong muốn. Bé sẽ thể hiện sự yêu ghét với ngôn ngữ cơ thể bằng cách cười và đá chân khi thích hoặc cau mày khi không hài lòng. Đồng thời, mẹ sẽ thấy bé liên tục bập bẹ những từ ngữ hoàn chỉnh kết hợp cả nguyên âm và phụ âm như “baba”, “dada”, “mama”. Để giúp bé phát triển, mẹ có thể thực hiện các phương pháp sau:

  • Trò chuyện với bé theo nguyên tắc “ba phải”: phải ngắn gọn, phải dễ hiểu, phải đơn giản. Mẹ nên thường trò chuyện với bé về người thân trong gia đình, vật dụng trong nhà, hiện tượng thiên nhiên gần gũi.
  • Khi muốn dạy bé phát âm tên một đồ vật nào đó, mẹ nên cho bé nhìn vào đồ vật đấy, nhắc đi nhắc lại tên và dành một khoảng nghỉ để bé có thể nhắc lại theo bạn.
  • Lặp lại cách phát âm đúng từ mà mẹ đoán bé đang tập nói. Chẳng hạn như khi thấy mẹ mang bình sữa, bé nói “bu bu”, mẹ hãy nói: “Đúng rồi, bú. Con muốn bú phải không?”

Trên đây là những tương tác thông minh mẹ có thể thực hiện để giúp bé phát triển trí não tốt hơn. Bên cạnh đó, đừng quên chú ý đến chế độ dinh dưỡng giúp nuôi dưỡng, kiến tạo não và cung cấp nguồn năng lượng cần thiết cho trí não phát triển cho bé mẹ nhen. Trong giai đoạn này, đừng vì bé đã có thể ăn dặm mà bỏ quên sữa mẹ nhé. Mẹ nên tiếp tục cho bé bú sữa mẹ vì sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ đến 24 tháng tuổi, vì trong sữa mẹ có chứa sữa non (cholostrum) để tăng sức đề kháng và giúp trẻ phát triển khỏe mạnh […]. Tuy nhiên, trong trường hợp mẹ gặp khó khăn khi nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong giai đoạn này vì những lí do đặc biệt thì nên đến cơ sở y tế để nhận được hướng dẫn từ thầy thuốc và nhân viên y tế, mẹ nhen. Chúc bé của mẹ luôn khỏe mạnh nhé!

Bác sỹ Nguyễn Vĩnh Hoàng Oanh

Trung tâm Dinh dưỡng VNM