Thông Tin Dinh Dưỡng

CÁCH PHÒNG TRÁNH NHỮNG BỆNH VÀ BIẾN CHỨNG TRONG THAI KÌ

Ngày đăng:

07/08/2016

Trong thời gian mang thai, mẹ bầu sẽ rất hoang mang không biết liệu có những biến chứng hay căn bệnh nào sẽ xảy ra đối với mình không. Thực tế, đại đa số mẹ bầu trải qua thai kỳ an toàn. Thế nhưng việc tìm hiểu các bệnh và biến chứng trong thai kỳ và quan trọng hơn là cách phòng tránh chúng là một điều vô cùng cần thiết. Mẹ bầu hãy tham khảo danh sách các biến chứng dưới đây để có cách bảo vệ mình và bé trong thai kỳ nhé.

Thai ngoài tử cung (hay còn gọi là thai lạc chỗ)

Đây là hiện tượng trứng thụ thai làm tổ ngoài buồng tử cung. Suất độ của biến chứng này là 1/200 nhưng có thể cao hơn nếu mẹ bầu đã từng bị tình trạng này trước đây hoặc đã phẫu thuật ống dẫn trứng. Khi phát hiện thai ngoài tử cung, các bác sĩ sẽ lựa chọn biện pháp điều trị bằng thuốc hoặc buộc phải can thiệp phẫu thuật để tránh phát sinh biến chứng nghiêm trọng hơn.

Khám phụ khoa để điều trị các tình trạng viêm nhiễm là biện pháp phòng ngừa thai ngoài tử cung

Khám phụ khoa để điều trị các tình trạng viêm nhiễm là biện pháp phòng ngừa thai ngoài tử cung

Cách phòng ngừa:

  • Giữ vệ sinh cá nhân thật tốt, đặc biệt trong kỳ kinh nguyêt, sau hay khi đang cho con bú.
  • Hạn chế nạo phá thai
  • Phòng ngừa viêm nhiễm do các bệnh lây truyền bằng đường tình dục
  • Chống viêm nhiễm sau khi sinh cũng như sau khi sảy thai.
  • Khám phụ khoa để điều trị tình trạng khí hư bất thường càng sớm càng tốt
  • Nếu phát hiện có hiện tượng khí hư bất thường, nên đi khám phụ khoa để điều trị sớm.
  • Tích cực điều trị bệnh viêm vùng chậu và viêm ống dẫn trứng.

Sẩy thai

Hầu hết các trường hợp sẩy thai diễn ra trong vòng 3 tháng đầu tiên. Đây cũng là biến chứng thường gặp nhất, ước tính cứ 5 thai phụ thì có 1 người bị sẩy thai. Hầu hết các trường hợp sẩy thai tự nhiên là hậu quả sự sai lạc nhiễm sắc thể trong quá trình phân bào của trứng đã thụ tinh hay trong giai đoạn phôi, không rõ nguyên nhân hoặc do các tác nhân như tia X, nhiễm siêu vi, nhiễm độc hóa học… Ngoài ra, cũng có những nguyên nhân khác như bị chấn thương, nhiễm khuẩn, thiếu dinh dưỡng, tiểu đường hay bất thường ở cơ quan sinh dục của mẹ.

Cách phòng ngừa:

  • Cần có chế độ dinh dưỡng cân đối, bổ sung đầy đủ acid folic và sắt.
  • Mẹ bầu nên khám thai định kỳ tại cơ sở y tế có chuyên khoa sản. Nếu phát hiện bất thường như hở eo tử cung, bác sĩ sẽ có chỉ định khâu vòng eo cổ tử cung sớm (tuần lễ thứ 14 – 15 thai kỳ) để tránh sẩy thai.
  • Bất cứ khi nào thấy đau bụng lâm râm hoặc ra huyết khi mang thai, mẹ bầu cần phải báo ngay cho bác sĩ nhé.
  • Nên giữ vệ sinh cá nhân và vệ sinh giao hợp vì tình trạng nhiễm khuẩn âm đạo, tử cung cũng là nguyên nhân gây sẩy thai.
  • Tránh lao động nặng, không ngâm mình dưới nước ao tù.
  • Không nên mang giầy cao gót để tránh té ngã.
  • Tránh tiếp xúc với các chất độc hại như rượu, bia, thuốc lá, thuốc trừ sâu, thuốc nhuộm…
  • Không tự ý dùng thuốc nếu không có hướng dẫn của bác sĩ.
  • Tránh tiếp xúc với các bệnh nhân cảm cúm hoặc các bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác.
  • Tránh căng thẳng, lo âu, buồn phiền.

Ốm nghén

Đây cũng là biến chứng thường gặp trong quý đầu tiên của thai kỳ. Dấu hiệu đơn giản là buồn nôn và nôn. Mẹ bầu thừa cân, mang thai lần đầu, có mẹ bị ốm nghén khi mang thai, mang đa thai sẽ có nguy cơ ốm nghén cao hơn những người khác. Ốm nghén có thể gây mệt mỏi, khó chịu, ăn không được và khó ngủ cho mẹ bầu.

Cách phòng ngừa:

  • Uống trà gừng hoặc ngậm kẹo gừng
  • Giữ dạ dày luôn hoạt động bằng cách chia thành nhiều bữa ăn nhỏ
  • Uống nhiều nước
  • Dành thời gian đi bộ và nghỉ ngơi hợp lý

Hở eo tử cung

Hở eo tử cung thường xảy ra từ tháng thứ 4 đến tháng thứ 6 của thai kỳ, đây là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến sẩy thai và sẩy thai nhiều lần. Đây là hiện tượng xảy ra khi đáng lẽ cổ tử cung phải được đóng, dày dài và bịt kín bằng một núi nhầy khá đặc thì cổ tử cung lại ngắn dần và dãn. Điều này có thể dẫn đến sẩy thai hoặc vỡ màng ối sớm. Một trong các cách xử trí là khâu vòng cổ tử cung và chỉ khâu sẽ được gỡ bỏ trước ngày dự sinh hoặc trước khi chuyển dạ theo chỉ định của bác sĩ.

Cách phòng ngừa: Mẹ cần khám thai sớm trong 3 tháng đầu của thai kỳ và khai báo rõ tiền sử sẩy thai để được hướng dẫn điều trị.

Thiếu máu

Biến chứng có thể xảy ra do cơ thể mẹ thiếu huyết sắc tố. Tỉ lệ huyết sắc tố trong máu của mẹ bầu thường dễ bị giảm hơn bình thường do tình trạng tích nước thai kỳ làm máu bị loãng. Có nhiều cách để khắc phục tình trạng thiếu máu từ đơn giản như bổ sung sắt trong thức ăn, uống viên bổ sung sắt cho đến phức tạp hơn là truyền máu.

Cách phòng ngừa:

  • Mẹ cần kiểm tra để bảo đảm nồng độ hemoglobin trong máu ở mức bình thường trước khi thụ thai.
  • Chế độ ăn uống của mẹ nên có đầy đủ ba thành phần nằm trong nhóm giàu sắt: thịt, rau lá xanh đậm và thực phẩm họ đậu.
  • Bổ sung thêm vitamin C để cơ thể hấp thu sắt tốt hơn.
  • Ăn chuối chín để tăng nồng độ hemoglobin trong máu.
  • Tránh những loại đồ uống chứa caffeine như café, trà, nước ngọt, v.v…
  • Ăn chuối chín và mật ong để làm gia tăng nồng độ
  • Uống các sản phẩm sữa có bổ sung acid folic và sắt như sản phẩm Dielac Mama hoặc Optimum Mama

Bất tương đồng nhóm máu ABO

Tình trạng này có thể xảy ra ở thai nhi có nhóm máu A hoặc B, trong khi mẹ mang nhóm O. Đây là phản ứng miễn dịch, cơ thể mẹ khi phát hiện và xem hồng cầu của thai nhi là vật thể lạ xâm nhập sẽ tự tạo kháng thể để tấn công, gây nên tán huyết ở thai nhi và trẻ sơ sinh. Biến chứng này nằm ngoài kiểm soát vì nhóm máu là bản chất tự nhiên của con người. Các bé có nhóm máu ABO không tương thích cần được theo dõi chặt chẽ để điều trị.

Bất tương đồng nhóm máu Rhesus

Đây là hiện tượng bé mang nhóm máu Rh (+) trong khi mẹ mang nhóm máu Rh (-), hồng cầu của thai nhi bị kháng thể của cơ thể mẹ tấn công. Biến chứng này chỉ có thể điều trị bằng cách tiêm Anti-D thường xuyên cho phụ nữ có Rh (-) theo chỉ định của bác sĩ.

Cách phòng ngừa:

Ở mỗi lần mang thai, mẹ bầu có nhóm máu Rh (-) sẽ được chỉ định tiêm 2 liều huyết thanh miễn dịch Rh để phòng ngừa việc sản xuất kháng thể ở mẹ dẫn đến bệnh tán huyết ở thai nhi trong lần mang thai sau.

Nhau tiền đạo

Nhau tiền đạo xảy ra khi bánh nhau nằm trước đường sinh ra của thai nhi, che một phần hoặc che kín hoàn toàn cổ tử cung khiến cho thai nhi khó sinh hoặc không thể sinh tự nhiên theo đường âm đạo. Đa số các trường hợp nhau tiền đạo đều phải mổ để lấy thai. Biến chứng này có thể được phát hiện bằng phương pháp siêu âm ở tuần 20 của thai kỳ.

Chưa xác định được nguyên nhân cụ thể nhưng những phụ nữ từng sinh, mổ lấy thai, nạo thai hoặc sẩy thai nhiều lần, từng bị viêm nhiễm tử cung và từng bị nhau tiền đạo ở lần sinh trước có xác suất gặp biến chứng này cao hơn.

Cách phòng ngừa:

  • Không nên sinh đẻ và nạo phá thai nhiều lần.
  • Đề phòng viêm nhiễm tử cung

Thai chậm tăng trưởng trong tử cung

Đây là hiện tượng thai nhi bị suy dinh dưỡng trong bụng mẹ, không phát triển như bình thường. Triệu chứng này dễ gặp ở các mẹ bầu:

  • Mắc các bệnh cao huyết áp, bệnh thận, bệnh phổi, tiểu đường…
  • Hút thuốc lá, nghiện rượu và các chất gây nghiện, sử dụng heroin, cocaine.
  • Suy dinh dưỡng trầm trọng.
  • Bệnh lý của nhau thai (suy tuần hoàn nhau thai).
  • Đa thai (sinh đôi, sinh ba…).
  • Mắc những bệnh nhiễm trùng.
  • Có những rối loạn về di truyền.
  • Tiếp xúc với những chất độc hại.

Cách phòng ngừa:

  • Nằm nghiêng bên trái giúp tăng lượng máu đến tử cung, tăng lượng oxy, chất dinh dưỡng cho thai.
  • Điều chỉnh lại chế độ ăn, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho mẹ và con.
  • Uống nhiều nước, tối thiểu 8-10 ly lớn/ngày.
  • Không hút thuốc lá, rượu bia và các chất gây nghiện
  • Theo dõi số lần thai máy bằng máy monitoring.

Nằm nghiêng sang trái giúp tăng lượng máu đến tử cung

Nằm nghiêng sang trái giúp tăng lượng máu đến tử cung

Sinh non

Sinh non là hiện tượng em bé chào đời trước tuần 37 của thai kỳ, chiếm khoảng 7% số trường hợp mang thai. Đây là biến chứng thường gặp ở phụ nữ mang thai từng bị biến chứng, có tiền sử sinh non, hút thuốc lá, uống rượu, lạm dụng thuốc hoặc có bệnh răng miệng.

Cách phòng ngừa:

  • Khám thai đầy đủ theo lịch hẹn và báo cho bác sĩ bất cứ biểu hiện bất thường nào của cơ thể.
  • Ăn uống, bổ sung đầy đủ dưỡng chất một cách khoa học.
  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị khi mắc các bệnh như tiểu đường, tăng huyết áp trong thai kỳ.
  • Giữ tinh thần, tâm trạng thoải mái, tránh căng thẳng stress, không làm việc nặng nhọc.
  • Không hút thuốc, tránh việc sử dụng rượu bia.
  • Tuyệt đối không sử dụng thuốc khi không có ý kiến của bác sĩ.

Huyết khối tĩnh mạch sâu

Huyết khối tĩnh mạch sâu là tình trạng máu đóng cục trong cách tĩnh mạch nằm sâu bên trong cơ thể, thường xảy ra ở tĩnh mạch chân, thỉnh thoảng có thể xảy ra ở tĩnh mạch chậu trong thai kì. Biến chứng này thường thấy ở phụ nữ thừa cân, hút thuốc lá, có tiền sử gia đình bị huyết khối hoặc phụ nữ mang thai ít vận động. Cục huyết khối này có thể di chuyển đến các mạch máu lớn ở tim và phổi gây tắc nghẽn. Có thể điều trị biến chứng này bằng thuốc kháng đông máu.

Cách phòng ngừa

  • Uống khoảng 2,5-3 lít nước mỗi ngày.
  • Không nên ngồi một chỗ trong thời gian dài.
  • Nên mặc quần áo rộng, thoải mái.
  • Tuyệt đối không nên ngồi gác chéo hai chân.
  • Tránh ngồi ở những vị trí quá chật hẹp hay ngồi phòng chờ quá lâu

Tăng huyết áp

Đây là một bệnh lý nguy hiểm thường xảy ra sau tuần 20 và là nguyên nhân gây các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí tử vong cho cả mẹ và bé. Khoảng 15% mẹ bầu bị tăng huyết áp và 25% sinh non do bệnh lý này. Một số dấu hiệu của tăng huyết áp là cảm giác căng thẳng, khó chịu, nhức đầu, ù tai, hoa mắt, chóng mặt, nếu nhìn thấy mờ đi thì bệnh đã nặng.

Bệnh lý này thường gặp hơn ở mẹ sinh con đầu lòng và mẹ có tiền sử gia đình tăng huyết áp. Huyết áp tăng khi mang thai có thể ảnh hưởng tới lưu lượng máu tới nhau thai và làm giảm lượng oxy cho bé.

Cách phòng ngừa:

  • Duy trì chế độ ăn uống thích hợp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nên ăn nhạt, hạn chế dùng muối và mỡ động vật, không ăn các món mặn, kiêng các chất kích thích…
  • Tuân thủ một chế độ vận động, luyện tập đều đặn hàng ngày.
  • Thực hiện lịch khám thai đều đặn để theo dõi kỹ huyết áp và sự phát triển của thai nhi

Đa ối (thừa nước ối) – Thiểu ối (thiếu nước ối)

Lượng dịch ối sẽ cho biết tình trạng sức khỏe tổng quát và chức năng phổi, thận của bé. Các dấu hiệu như bụng to lên nhanh đột ngột hoặc da bụng căng bóng đều bất thường và nên làm siêu âm ngay để ước lượng chính xác lượng nước ối.

Đa ối có thể gây nên những biến chứng như nhau bong non, rối loạn cơn gò tử cung, băng huyết sau sinh, biến chứng sa dây rốn, ngôi bất thường hay đờ tử cung sau đẻ.

Thiếu ối làm tăng nguy cơ thiểu sản phổi cho thai nhi, thai suy và gây trở ngại trong quá trình khảo sát hình thái học của thai nhi qua siêu âm (nếu có).

Cách phòng tránh

– Nên làm siêu âm để ước lượng chính xác lượng nước ối và phát hiện những bất thường liên quan.

– Cần thăm khám thường xuyên trong 2 quý cuối của thai kỳ để đảm bảo an toàn sức khỏe cho cả mẹ và bé.

Tiểu đường thai kỳ

Đây là biến chứng xảy ra ở khoảng 1-3% mẹ bầu. Tiểu đường thai kỳ là tình trạng lượng đường huyết trong máu cao hơn mức bình thường do cơ thể không sản sinh đủ insulin để chuyển hóa glucose thành năng lượng. Khác với tiểu đường bệnh lý thông thường, tiểu đường thai kỳ sẽ mất sau khi sinh nhưng cũng có thể làm tăng khả năng cao huyết áp hoặc tiểu đường thật sự về sau, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của mẹ và bé

Cách phòng tránh:

  • Duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý:
    • Tránh những thực phẩm nhiều đường
    • Bổ sung thực phẩm chứa carbohydrate dạng phức tạp như các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt…
    • Tăng cường những thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, trái cây…
    • Duy trì thực phẩm có hàm lượng chất béo ở mức cơ bản
    • Nên ăn từ 5-6 bữa mỗi ngày, không bỏ qua bữa sáng.
  • Luyện tập thể dục đều đặn

Bong non nhau thai

Đây là tình trạng nghiêm trọng, xảy ra khi toàn bộ hoặc một phần nhau thai tách khỏi thành tử cung, gián đoạn quá trình truyền oxy và dưỡng chất cho thai nhi, gây chảy máu nặng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của mẹ. Triệu chứng thường gặp của bong non nhau thai là chảy máu âm đạo; chuột rút, đau bụng hoặc đau lưng; co thắt thường xuyên hoặc có cơn co liên tục không điểm dừng.

Cách phòng tránh:

– Khi mang thai cần chú ý khoảng cách giữa 2 lần sinh không nên kéo dài quá 7 năm.

– Khi có thai phải được chăm sóc và nghỉ ngơi hợp lý.

– Nên đăng ký khám thai định kỳ tại một cơ sở y tế uy tín ngay sau khi có thai để được bác sĩ tư vấn và quản lý thời kỳ thai nghén.

– Bổ sung a-xít folic trước và ngay sau khi mang thai.

– Khi phát hiện các yếu tố nguy cơ cao như: xuất huyết, đau bụng dưới… cần kịp thời đến bệnh viện chuyên sản khoa để được khám và xử trí kịp thời.

Thai chết lưu

Thai chết lưu là trường hợp trứng đã thụ tinh và làm tổ được trong tử cung nhưng không phát triển được thành thai nhi trưởng thành, bị chết và lưu lại trong tử cung trên 48 giờ. Biến chứng này có thể gặp ở bất kì giai đoạn nào của thai kì và có những dấu hiệu:

  • Không nhận thấy những chuyển động của thai nhi
  • Tử cung mẹ không phát triển
  • Không nghe được tim thai
  • Không nhận thấy dấu hiệu mang thai
  • Vỡ nước ối non

Cách phòng ngừa:

  • Khám sức khoẻ cả hai vợ chồng: kiểm tra các bệnh về rối loạn tâm thần, bệnh di truyền, bệnh truyền nhiễm, các quan hệ huyết thống,…
  • Điều trị và kiểm soát các bệnh mẹ đang mắc như bệnh thận, bệnh đái tháo đường, bệnh tim mạch,…
  • Trường hợp mẹ đã có tiền sử thai chết lưu lần trước, thì cần khám kiểm tra kỹ tìm nguyên nhân thai chết lưu và theo dõi chặt chẽ ở lần mang thai sau.
  • Đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung vitamin, khoáng chất. Không dùng các chất kích thích (rượu, bia, thuốc lá, heroin…) và tránh tiếp xúc với các hóa chất độc hại, môi trường ô nhiễm. Làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, giữ cho tinh thần luôn thoải mái, tránh căng thẳng.

Hy vọng với danh sách các bệnh lý và biến chứng thường gặp trên đây, mẹ bầu đã có thêm nhiều thông tin để bảo vệ bé yêu thật tốt ngay từ khi còn trung bụng mẹ. Trong thời gian này, hãy để Optimum Mama đồng hành cùng mẹ. Hàm lượng DHA, Taurin và Cholin cao trong Dielac Optimum Mama giúp cho quá trình hình thành và hoàn thiện trí não, thị lực và tế bào võng mạc mắt cho bé. Acid Folic ngăn ngừa nguy cơ dị tật ống thần kinh ở thai nhi. Sắt giúp giảm nguy cơ thiếu máu trong suốt thai kỳ của bà mẹ. Ngoài ra, hàm lượng Canxi cao cùng với các vi lượng tốt cho xương như Phospho, Magiê, Kẽm, vitamin D, K giúp cho hệ xương và răng chắc khỏe. Chúc mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh và đáng nhớ!

Bác sĩ Lê Quang Thanh

Giám đốc bệnh viện Từ Dũ