Thông Tin Dinh Dưỡng

CÁCH PHÒNG TRÁNH VÀ ĐIỀU TRỊ CÁC BỆNH THƯỜNG GẶP Ở BÉ 1 – 2 TUỔI

Ngày đăng:

21/11/2016

Những năm đầu đời với hệ miễn dịch còn yếu, bé cưng rất dễ bị mắc bệnh, đặc biệt là khi thời tiết thay đổi đột ngột. Hãy tham khảo bài viết dưới đây, mẹ sẽ có thêm thông tin về các loại bệnh bé thường mắc phải, từ đó chăm sóc bé tốt hơn.

Bé rất dễ bị cảm lạnh, kèm theo triệu chứng sốt nhẹ, chảy nước mũi, khó thở, hắt hơi, hoặc ho.

Bé rất dễ bị cảm lạnh, kèm theo triệu chứng sốt nhẹ, chảy nước mũi, khó thở, hắt hơi, hoặc ho.

Các bệnh thường gặp ở các bé 1 – 2 tuổi

+ Cảm lạnh

Hệ thống miễn dịch non nớt và thói quen thường đưa tay hoặc các vật dụng khác vào miệng của bé dường như đã “mở đường” cho các loại virus và vi sinh vật gây bệnh xâm nhập vào cơ thể một cách nhanh chóng. Khi bị cảm lạnh, bé sẽ kèm theo triệu chứng chảy nước mũi, khó thở, hắt hơi, sốt nhẹ, hoặc ho. Nếu những triệu chứng này kéo dài hơn 10 ngày, mẹ nên đưa bé đi thăm khám bác sĩ.

Khi bé bị cảm, mẹ nên cho bé ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường uống nước, ăn nhiều trái cây và uống nước canh ấm. Không được cho bé uống thuốc một cách tùy tiện nếu không có sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa mẹ nhé.

Các biện pháp phòng ngừa:

  • Tiêm phòng bệnh cúm cho bé và cả những người tiếp xúc gần gũi với bé
  • Giữ vệ sinh cho bé để tránh xa bất cứ loại virus hay vi khuẩn.
  • Cần tăng cường hệ miễn dịch cho con bằng cách bổ sung vitamin C hàng ngày.

+ Viêm tai giữa

Viêm tai giữa là một trong những bệnh rất thường gặp ở bé dưới 3 tuổi. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm tai xương chũm, viêm màng não, áp xe não, gây liệt dây thần kinh số 7.

Khi thấy bé có các triệu chứng sau, mẹ cần đưa bé đến bác sĩ để được thăm khám, điều trị kịp thời cũng như được hướng dẫn cách săn sóc và làm sạch tai cho bé:

  • Bé bị sốt cao 39-40oC, nhức đầu.
  • Quấy khóc nhiều, hay gây gỗ.
  • Bỏ bú, kém ăn, nôn trớ.
  • Rối loạn tiêu hóa, ăn không tiêu, đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày.
  • Không phản ứng khi có tiếng động.
  • Đau tai, khó chịu.
  • Khi bệnh nặng sẽ thấy chảy mủ tai còn các triệu chứng phía trên sẽ giảm dần.

Các biện pháp phòng ngừa:

  • Giữ ấm, tránh để bé tiếp xúc với bé bị bệnh.
  • Để bé tránh xa môi trường có khói thuốc lá, ô nhiễm.
  • cho bé bú sữa mẹ ít nhất là 6 tháng đầu.
  • Đặt bé ngồi cao khi bú bình, không cho ngậm bình sữa khi ngủ để tránh sữa chảy vào tai.
  • tiêm phòng đầy đủ cho bé
  • Giữ vệ sinh tai, mũi, họng và bàn tay cho bé
  • Dùng tăm bông thấm sạch tai nếu tai bé bị dính nước. Mẹ có thể dùng tăm bông tẩm nước muối sinh lí để vệ sinh tai, mũi cho bé nhưng sau đó phải dùng tăm bông sạch thấm khô tai tránh việc tích tụ nước gây viêm nhiễm.

+ Bệnh tiêu chảy

Tiêu chảy là bệnh thường gặp ở các bé với triệu chứng chính là đi ngoài phân lỏng hơn 3 lần 1 ngày kèm theo các hiện tượng khác như đau bụng, ói mửa, buồn nôn, đau khi đi ngoài.

Mẹ hãy đưa bé gặp bác sĩ ngay lập tức nếu xuất hiện các triệu chứng sau đây:

  • Đi cầu phân lỏng, nhiều nước nhiều lần trong vòng 1-2 tiếng đồng hồ.
  • Xuất hiện máu và chất nhầy trong phân
  • Sốt cao
  • Ăn không ngon hoặc không muốn ăn uống
  • Mắt trũng
  • Cơn khát kéo dài
  • Cảm giác yếu ớt và mệt mỏi
  • Tiêu chảy kéo dài 1 tuần hoặc hơn

Các biện pháp phòng ngừa:

  • Rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh rửa ráy cho bé.
  • Đảm bảo vệ sinh ăn uống, thực phẩm an toàn sạch sẽ, nấu chín.
  • Sử dụng nước sạch.
  • Phân được xử lý an toàn.
  • Cho bé bú sữa mẹ và ăn bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, phòng suy dinh dưỡng.
  • Tiêm chủng phòng sởi, vacxin phòng tiêu chảy cho bé

+ Viêm phổi

Viêm phổi là căn bệnh xuất phát từ quá trình cảm lạnh hoặc rối loạn hệ thống hô hấp. Đây là bệnh lây nhiễm nguy hiểm và gây tử vong nhiều hơn bất cứ bệnh nào khác.

Nguyên nhân chính gây viêm phổi là phế cầu khuẩn (Streptococcus pneumoniae), vi khuẩn thường trú trong hầu họng người lớn và bé em, được lan truyền nhiều nhất qua đường không khí (ho, hắt hơi) và lây lan thông qua việc tiếp xúc với người bị bệnh hoặc người khỏe mạnh mang vi khuẩn phế cầu trong người.

Bé bị viêm phổi phế cầu thường có các triệu chứng ho nhiều, ớn lạnh, sốt cao, vã mồ hôi, thở nhanh, đau ngực, đau cơ, mệt mỏi và một cơn ho ra đàm loãng xanh hoặc vàng.

Các biện pháp phòng ngừa:

  • Cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu đời và kéo dài cho đến khi bé dược 18 – 24 tháng.
  • Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, đặc biệt với bé từ 6 tháng đến 2 tuổi.
  • Người chăm sóc bé phải rửa tay thường xuyên, sử dụng nguồn nước sạch và giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh bé.
  • Khử sạch không khí ô nhiễm trong nhà, đặc biệt là khói từ các bếp lò không an toàn.
  • Cần chú ý theo dõi khi bé có những dấu hiệu chuyển nặng bằng cách đếm nhịp thở và phân biệt độ lõm ở lồng ngực để đưa bé đến bệnh viện kịp thời.
  • Tiêm chủng vắc-xin cho bé

+ Viêm thanh quản cấp

Viêm thanh quản cấp là bệnh rất phổ biến ở bé em, tiến triển trong thời gian ngắn dưới 3 tuần, thường xảy ra sau một đợt viêm mũi, xoang, họng hoặc ngay sau khi cảm lạnh.

Triệu chứng chính của viêm thanh quản cấp là bé khan tiếng, thở rít và tiếng ho ong ỏng. Ngoài ra, bé còn bị sốt nhẹ, có biểu hiện lo lắng, sợ hãi. Bố mẹ nên đưa bé đi khám ngay khi bé mắc bệnh hô hấp có triệu chứng khàn tiếng, khó thở.

+ Viêm phế quản

Viêm phế quản là bệnh viêm đường hô hấp dưới rất hay gặp ở bé nhỏ, thường xảy ra vào mùa lạnh, mùa mưa do siêu vi trùng gây ra và đứng đầu là virus Respiratoire Syncytial.

Bé bị viêm phế quản thường có triệu chứng thở khó, thở rít. Những trường hợp nặng thì tím tái, thậm chí ngưng thở.

Các biện pháp phòng ngừa:

  • Cho bé uống đủ nước mỗi ngày, để giúp bé không bị tắc nghẽn sung huyết.
  • Vào mùa lạnh, bé nên được giữ ấm đầy đủ, không nên cho bé đi ra ngoài khi tiết trời quá lạnh và gió to, dùng máy giữ ẩm không khí để tăng độ ẩm và luôn đảm bảo phòng bé sạch sẽ, ấm áp và đặc biệt không có khói thuốc.
  • điều trị dứt điểm ngay khi bé bị cảm lạnh hay mắc các chứng bệnh không đáng lo ngại, tránh các biến chứng về sau.
  • Trường hợp bé có những biểu hiện lạ như thở dốc, tái mặt hay ho ra máu, mẹ nên đưa bé tới bệnh viện ngay.

+ Bệnh tay – chân – miệng (HFMD)

Bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây nên rất thường gặp ở bé em (trên 90%).

Biểu hiện của bệnh là những mụn nước, bọng nước ở tay, chân và miệng, dễ nhầm với các bệnh da khác như chốc, thủy đậu, dị ứng,…

Các biện pháp phòng ngừa:

  • Mẹ chú ý rửa tay thường xuyên với xà phòng trước khi chuẩn bị thức ăn và ăn uống, trước khi cho bé ăn, sau khi sử dụng nhà vệ sinh và sau khi thay tã cho bé, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với các bọng nước
  • Làm sạch môi trường bị ô nhiễm và các vật dụng bẩn (bao gồm cả đồ chơi) với xà phòng và nước, sau đó khử trùng bằng các chất tẩy rửa thông thường;
  • Tránh cho bé tiếp xúc gần (ôm, hôn, dùng chung đồ dùng…) với bé bị bệnh tay chân miệng khác
  • Nếu bé đang bị bệnh, không cho bé đến những nơi đông người cho tới khi khỏe hẳn
  • Dạy bé che miệng và mũi khi hắt hơi và ho
  • Xử lý khăn giấy và tã lót đã dùng đúng cách
  • Luôn lau dọn nhà cửa, nhà bé, trường học sạch sẽ.

+ Bệnh còi xương

Còi xương là một bệnh thiếu vitamin D ở những bé vì bị loạn dưỡng xương hoặc rối loạn chuyển hóa vitamin D. Bệnh không xảy ra riêng lẻ mà thường đi kèm với suy dinh dưỡng, thiếu vitamin A, thiếu máu…

Bé bị bệnh còi xương thường quấy khóc, ngủ không yên giấc, giật mình, ra nhiều mồ hôi lúc ngủ. Ở bé xuất hiện hiện tượng rụng tóc vùng sau gáy tạo thành hình vành khăn, răng mọc chậm, chậm biết lẫy, biết bò, đi, đứng… Xương có các biểu hiện như thóp rộng, bờ thóp mềm, thóp lâu kín, có các bướu đỉnh, bướu trán hay đầu bẹp cá trê. Nhiều trường hợp bé bị còi xương nặng xuất hiện di chứng chuỗi hạt sườn, dô ức gà, chân cong hình chữ X, chữ O…

Các biện pháp phòng ngừa:

  • Đa dạng hóa bữa ăn, đảm bảo bữa ăn của bé có đủ các dưỡng chất phù hợp với lứa tuổi.
  • Cho bé tắm nắng 15-30 phút trước 9 giờ sáng.
  • Đối với các bé thiếu tháng, sinh non, thiếu cân, mẹ cần cho bé đi khám bệnh định kỳ để được các bác sĩ chuyên khoa nhi tư vấn chế độ ăn cho trẻ.

Trên đây là những cách giúp mẹ phòng tránh các bệnh thường gặp ở bé. Cách phòng bệnh tốt nhất là giúp bé tăng cường sức đề kháng bằng chế độ dinh dưỡng khoa học và vận động thể chất phù hợp. Mẹ nên cho bé bú sữa mẹ – thức ăn tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ đến 24 tháng tuổi, vì trong sữa mẹ có chứa sữa non (cholostrum) để tăng sức đề kháng và giúp trẻ phát triển khỏe mạnh […]. Tuy nhiên, trong trường hợp mẹ gặp khó khăn khi nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong giai đoạn này vì những lí do đặc biệt thì nên đến cơ sở y tế để nhận được hướng dẫn từ thầy thuốc và nhân viên y tế. Chúc bé của mẹ luôn khỏe mạnh và phát triển toàn diện. Chúc bé của mẹ luôn vui khỏe nhé.

PGS TS BSCC. Trần Đình Toán

Trung tâm Dinh dưỡng Vinamilk