Thông Tin Dinh Dưỡng

CÁCH XỬ LÝ KHI BÉ BỊ HÓC

Ngày đăng:

06/10/2016

Hóc thức ăn hay dị vật là chuyện thường gặp nhưng lại là mối hiểm họa khôn lường với trẻ nhỏ. Với những trường hợp nặng, trong 5 phút đầu tiên khi bé vừa mới bị hóc là khoảng thời gian vàng để bố mẹ hay người lớn sơ cứu, giúp bé thoát khỏi nguy hiểm. Vì vậy, bố mẹ cần có những kiến thức và kỹ năng nhất định để xử lý khi bé bị hóc thức ăn hay dị vật.

  1. Nhận biết bé bị hóc thức ăn hoặc dị vật

Hóc thức ăn thường gặp ở trẻ 6 tháng – 3 tuổi, do cơ thể bé chưa hoàn thiện , các phản xạ đóng mở thanh quản để bảo vệ đường thở khi ăn uống và khi hít thở chưa thuần thục nên rất dễ bị hóc sặc.

Nguyên nhân có thể do người lớn vô tình gây tai nạn cho trẻ như cho trẻ ăn lúc đang khóc, trẻ vừa ăn vừa cười giỡn, cho ăn không đúng tư thế, trẻ không nuốt người cho trẻ ăn bóp mũi trẻ lại hoặc cho trẻ chơi những đồ vật nhỏ, sắc nhọn không có người trông coi…

Biểu hiện để bố mẹ nhận biết bé bị hóc là bé đang ăn, đang uống sữa hoặc đang chơi đột nhiên ho dữ dội, da tái xanh, sặc sụa, tím tái, chân tay cứng đờ, ú ớ, không thể khóc.

  1. Nguyên tắc vàng bố mẹ nên nhớ khi bé bị hóc thức ăn hoặc dị vật

  • Khi phát hiện hay nghi ngờ trẻ bị dị vật đường thở phải nhanh chóng xử trí không để trẻ ngạt thở
  • Nếu bé vẫn tỉnh táo, hồng hào, không khó thở, vẫn khóc được nói được thì giữ nguyên tư thế ngồi, nhanh chóng mang đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra, nếu đúng dị vật đường thở sẽ lấy ra.
  • Nếu bé có biểu hiện tím tái, khó thở nặng, ngưng thở, không khóc được, không nói được thì sau khi gọi xe cấp cứu, cần phải tiến hành thủ thuật can thiệp kịp thời trong thời gian đợi xe tới
  • Khi trẻ bị hóc dị vật, tuyệt đối không dùng tay móc họng trẻ, tránh nguy cơ làm dị vật vào sâu hơn, hay có thể làm trầy xước, chấn thương vùng hầu họng của trẻ.
  1. Phương pháp sơ cứu khi bé bị hóc thức ăn hoặc dị vật:

Bố mẹ nên nhớ rằng 5 phút đầu tiên là khoảng thời gian vàng để sơ cứu cho bé, giúp bé thoát khỏi vòng nguy hiểm. Nên điều quan trọng là các bố mẹ phải thực sự bình tĩnh để xử lý thật nhanh và chính xác các phương pháp sau:

+ Bé dưới 2 tuổi: Dùng phương pháp vỗ lưng ấn ngực:

  • Vỗ lưng: Đặt bé nằm sấp trên cánh tay người lớn, đầu xuôi về hướng bàn tay. Một tay giữ bé, một tay dùng gót bàn tay vỗ mạnh 5 cái vào lưng bé, chỗ giữa hai xương bả vai. Động tác này sẽ khiến áp lực trong lồng ngực bé tăng lên để tống đẩy dị vật ra ngoài.
  • Ấn ngực: Nếu bé vẫn còn khó thở, tiếp tục lật ngửa bé, đặt trên cánh tay người lớn, dùng hai ngón tay ấn nhanh, mạnh, đột ngột vào vùng ½ dưới xương ức 5 cái.
  • Luân phiên vỗ lưng và ấn ngực (khoảng 5 – 6 lần) cho tới khi dị vật được tống ra khỏi đường thở. Nhớ kiểm tra mũi và miệng bé sau mỗi lần thao tác để lấy dị vật ra.

Phương pháp vỗ lưng ấn ngực

Phương pháp vỗ lưng ấn ngực

+ Bé trên 2 tuổi:

  • Trường hợp bé còn tỉnh: Để cho bé đứng, cúi đầu thấp, miệng há ra. Người sơ cứu đứng phía sau lưng hoặc quỳ gối, choàng 2 tay ra phía trước, ngang thắt lưng. Một tay nắm thành nắm đấm, một tay chồng lên tay còn lại (lòng bàn tay này úp xuống), đặt ngay vào vị trí ở vùng thượng vị, dưới xương ức của trẻ. Giật lên thật mạnh và đột ngột theo hướng từ trước ra sau và từ dưới lên, liên tục 4-5 cái. Thực hiện 5 – 10 lần.
  • Trường hợp bé bất tỉnh: Hãy đặt trẻ nằm ngửa, người sơ cứu quỳ gối, dùng gót một lòng bàn tay lên vùng thượng vị, dưới chóp xương ức, đặt tiếp bàn tay thứ hai chồng lên bàn tay thứ nhất. Ấn 5 cái dứt khoát, mạnh và nhanh vào bụng theo hướng từ dưới lên trên. Có thể lặp lại 6-10 lần ấn bụng cho đến khi dị vật rơi ra. Trong tình huống bé hôn mê và không thở được thì phải tiến hành hà hơi thổi ngạt ngay cho bé.

Sau các bước sơ cứu, nếu dị vật đã được lấy ra, vẫn cần phải mang trẻ đến bệnh viện kiểm tra, đề phòng trường hợp có thể còn sót dị vật. Bố mẹ cũng nên dạy bé thói quen tập trung khi ăn uống, tránh cười đùa, chạy nhảy, nằm ăn và luôn để ý tới bé.

BS. Hồ Thị Nam Huế

Trung tâm Dinh dưỡng Vinamilk