Thông Tin Dinh Dưỡng

CÁCH XỬ LÝ VẾT CẮN CỦA ĐỘNG VẬT

Ngày đăng:

07/11/2016

Các vết cắn của động vật có thể chỉ gây ra một dấu nho nhỏ trên da bé hay một vết thủng không đáng kể. Tuy nhiên, chớ coi thường vì tất cả các vết cắn do động vật đều có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng, thậm chí cả khi bé đã thân thiết với động vật. Vì thế, bố mẹ cần biết cách xử lý với những vết cắn của động vật.

Xử lý vết động vật cắn

Vết động vật cắn có thể là vết cắn của chó, mèo, động vật nuôi trong nhà hoặc động vật hoang dã (cáo, chồn, chuột, dơi…). Trước khi sơ cứu vết cắn, cần phải nhẹ nhàng trấn an bé nhằm tránh cho bé bị hoảng loạn. Điều cần thiết nhất để sơ cứu vết cắn là xử lý càng sớm càng tốt để giảm nguy cơ nhiễm khuẩn.

Khi bị súc vật cắn, trước hết cần xem xét vết thương. Vết thương xước da hay chảy máu? Vết thương có sâu và rộng hay không? Có bao nhiêu vết thương? Vết thương ở vị trí nào trên cơ thể…. Rửa tay sạch rồi tiến hành rửa vết thương bằng xà phòng dưới vòi nước sạch ít nhất là 5 phút, kể cả vết thương chỉ trầy xước da. Bôi dung dịch sát khuẩn như cồn, cồn iốt đậm đặc… để sát khuẩn.

Nếu vết thương nhỏ,hầu như không phá vỡ hoàn toàn cấu trúc da và không có nguy hiểm của bệnh dại, thì áp vết thương bằng băng gạc sạch và có thể phủ một lớp kem kháng sinh trước khi băng để ngăn ngừa nhiễm trùng.

Nếu vết thương sâu hoặc da bị rách và chảy máu, Dùng miếng vải sạch phủ lên vết thương và băng hờ lại. Sau đó đến ngay cơ sở y tế để được các bác sĩ xem xét và có chỉ định thích hợp

Nếu vết thương có dấu hiệu nhiễm trùng như: sưng, nóng, đỏ, đau hoặc chảy dịch tăng lên, hãy gặp bác sĩ ngay lập tức.

Nếu nghi ngờ con vật cắn có mang virut dại, bao gồm các động vật hoang dã, đặc biệt là dơi, hoặc vật nuôi trong nhà chưa rõ về chủng ngừa thì phải tiêm ngừa sớm ngay sau khi bị cắn hoặc tiếp xúc. Tiêm đồng thời cả vắc-xin phòng dại và huyết thanh kháng dại đối với các trường hợp bị con vật nghi ngờ dại cắn; bị cắn ở đầu, mặt, cổ, đầu chi nơi có nhiều dây thần kinh, bộ phận sinh dục… dù vết cắn rất nhẹ và có nhiều vết cắn ở chỗ nguy hiểm, vết cắn sâu.

Trường hợp bị vật nuôi trong nhà cắn, nhưng vết cắn rất nhẹ, vết cắn xa hệ thần kinh trung ương (như ở cẳng chân). Tại thời điểm con vật cắn người, con vật đó vẫn sống bình thường, hoàn toàn không có dấu hiệu nghi ngờ dại thì cần theo dõi con vật 15 ngày. Trong thời gian theo dõi, nếu thấy con vật có biểu hiện không bình thường như: ốm, bỏ ăn, chết, mất tích, bán hoặc mổ thịt… phải đến điểm tiêm phòng dại để được điều trị dự phòng ngay. Nếu sau 15 ngày kể từ khi cắn người bị mà con vật đó vẫn sống bình thường thì không cần điều trị.

Xử lý vết rắn cắn

Vết rắn cắn nguy hiểm nhất là từ các loài rắn độc như hổ mang, cạp nong, cạp nia, rắn lục và một số rắn biển. Nếu bị rắn độc cắn, sẽ có các biểu hiện lo lắng, chóng mặt, rối loạn đông máu, chảy máu, nôn, mửa, tiêu chảy, rối loạn nước điện giải, suy thận cấp, sốc.

Khi bé bị rắn cắn cần nhanh chóng rửa sạch vết thương, bất động chi bị cắn bằng nẹp. Giữ vết cắn ở vị trí ngang bằng hoặc thấp hơn vị trí của tim so với mặt đất. Nếu biết chắc là rắn hổ cắn có thể gây liệt thì cần băng ép bất động. Không để bé tự đi lại, vì vận động làm tăng tốc độ lan tỏa của nọc độc. Nhanh chóng đưa bé tới cơ sở y tế. Trong quá trình vận chuyển bé tới bệnh viện, nên để vùng bị cắn thấp hơn vị trí của tim. Nếu vết cắn ở chân, tay thì có thể để thõng tay hoặc chân.

Những việc không nên làm khi sơ cứu bé bị rắn cắn: Không can thiệp vào vết cắn vì có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, tăng sự hấp thu nọc độc và dễ chảy máu. Không chích, rạch, châm, chọc tại vết cắn; không hút nọc độc, đắp các loại thuốc y học dân tộc, hóa chất lên vết cắn… Không chườm lạnh vết cắn.

Xử lý vết côn trùng đốt

Những dấu hiệu cơ bản khi bé bị côn trùng cắn thường đa dạng và phức tạp. Biểu hiện nhẹ sau khi bị côn trùng cắn như: đau nhức tại vết cắn mức độ vừa phải, sau đó giảm dần, các vết hồng ban phẳng mặt da hay sưng nề kèm theo chỗ, ngứa nhiều. Với độ nặng: nổi mề đay toàn thân, khó thở, sốc phản vệ, mạch nhanh tay chân lạnh, mạch nhẹ…, cần đưa bé đến cơ sở y tế để được điều trị.

Tùy thuộc vào loài côn trùng đốt mà xử trí cho thích hợp. Trước tiên cần rửa kỹ vết đốt bằng xà phòng, sau đó có thể giảm nốt sẩn ngứa bằng cách lấy một cục đá chườm lên da khoảng 5 phút. Nếu bị ong mật đốt, lấy vòi chích của ong ra bằng cách khều nhẹ hoặc dùng nhíp lấy ra, vì hầu hết sau khi đốt, ong đều để lại vòi chích và túi nọc ở vết đốt trên da, tránh nặn ép bằng tay vì có thể làm nọc độc lan ra, sau đó rửa sạch vùng da bị đốt bằng xà phòng và nước ấm, bôi dung dịch sát trùng như Povidine 10% hoặc cồn 700C lên vết đốt mỗi ngày 2 lần, có thể chườm lạnh lên vết đốt để giảm đau và giảm sưng. Trong trường hợp bị ong vò vẽ, rết, bò cạp đốt, nọc độc của chúng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, do đó ngay sau khi xử trí bước đầu như: rửa các vết ong đốt bằng xà phòng hoặc chất kiềm nhẹ rồi chườm lạnh; sau đó chuyển nhanh em bé đến cơ sở y tế để được xử trí và điều trị kịp thời, tránh nguy hiểm đến tính mạng.


Đừng xem thường các vết kiến cắn hay ong đốt

Đừng xem thường các vết kiến cắn hay ong đốt

Khi bé bị động vật cắn, mẹ cần giữ bình tĩnh để tìm ra cách xử lý thích hợp. Điều quan trọng nhất khi sơ cứu vết cắn động vật cho bé là rửa vết thương bằng nước hoặc xà phòng để tránh bị nhiễm khuẩn. Nếu vết thương chảy máu, hãy giữ chặt vết thương và nâng vị trí bị cắn lên cao. Có thể liên hệ với trung tâm y tế để được sơ cứu kịp thời. Chúc bé có những giờ phút vui chơi lành mạnh.

BS Hồ Thị Nam Huế

Trung tâm Dinh dưỡng Vinamilk