Thông Tin Dinh Dưỡng

CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG CÂN ĐỐI GIÚP BÉ 3 THÁNG TUỔI PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Ngày đăng:

20/11/2016

Trong suốt 3 tháng đầu đời, bé yêu cần được bổ sung hệ dinh dưỡng như thế nào để có thể phát triển toàn diện tối ưu? Đây hẳn là 1 câu hỏi lớn mà vị phụ huynh nào cũng dành sự quan tâm khi nuôi dưỡng bé yêu của mình. Vì những thay đổi cơ thể và não bộ của bé trong giai đoạn 3 tháng tuổi có thể ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển sau này nên ba mẹ cần trang bị cho mình những kiến thức hữu ích và chính xác nhất để đáp ứng những yêu cầu khắt khe trong chăm sóc bé. Cụ thể hơn, ba mẹ cần phải biết cách kiểm tra tình hình phát triển thông qua các chỉ số cân nặng và chiều cao, hàm lượng dinh dưỡng thiết yếu mà bé cần dung nạp để phát triển toàn diện cũng như việc phân bổ thời gian bú sữa hợp lý và phù hợp với sự tăng trưởng từng ngày của con.

Bố mẹ cần có chế độ dinh dưỡng cân đối để giúp bé 3 tháng tuổi phát triển toàn diện

Bố mẹ cần có chế độ dinh dưỡng cân đối để giúp bé 3 tháng tuổi phát triển toàn diện

Cách kiếm tra tình hình phát triển của bé 3 tháng tuổi

Theo chuẩn tăng trưởng mới do WHO cung cấp, việc theo dõi các thông số cân nặng và chiều cao sẽ giúp mẹ nhận định được bé yêu đang phát triển cân đối và khỏe mạnh. Trong giai đoạn 3 tháng tuổi, các bé phát triển bình thường sẽ có chỉ số cân nặng và chiều cao như sau:

– Cân nặng:

+ Bé trai 3 tháng tuổi có cân nặng trung bình là 6,4 kg

+ Bé gái 3 tháng tuổi có cân nặng trung bình là 5,8 kg

– Chiều cao

+ Bé trai 3 tháng tuổi có chiều cao trung bình là 61,4 cm.

+ Bé gái 3 tháng tuổi có chiều cao trung bình là 59,8 cm.

Nếu bé yêu nhà bạn có cân nặng và chiều cao nằm trong khoảng này, thậm chí là vượt trội hơn thì mẹ có thể hoàn toàn yên tâm vì bé đang phát triển rất tốt trong giai đoạn 3 tháng tuổi này.

Và nếu mẹ muốn biết rõ hơn về việc bé bú sữa mẹ hoàn toàn trong giai đoạn 3 tháng tuổi đã đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng để phát triển tối ưu hay chưa thì có thể giải đáp các câu hỏi sau để tìm ra câu trả lời:

– Tình hình tăng cân của bé như thế nào? Nếu bé tăng cân dưới 500g/ tháng hoặc 120g/ tuần thì có nghĩa là bé đang phát triển thể chất khá kém.

– Bé đi tiểu có ít không? Tình trạng nước tiểu, phân của bé như thế nào? Nếu bé đi tiểu dưới 6 lần/ngày hoặc nước tiểu có mầu vàng, cô đặc, nặng mùi và phân rắn thì có thể bé đang gặp những vấn đề trong hệ tiêu hóa.

– Bé có hay quấy khóc sau những bữa bú không? Một trong những yếu tố khiến bé quấy khóc sau khi bú có thể là vì bé chưa được thỏa mãn dinh dưỡng, chưa cảm thấy đủ no sữa hoặc bé không tiêu hóa tốt.

Nếu câu trả lời cho tất cả câu hỏi trên là “Không” thì có nghĩa là bé đã bú no sữa và cảm thấy vui vẻ với những bữa sữa dinh dưỡng của mình, có được nền tảng tốt để phát triển khỏe mạnh.

Các bác sĩ luôn khuyên rằng, bé cần bú sữa mẹ – thức ăn tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ đến 24 tháng tuổi, vì trong sữa mẹ có chứa sữa non (cholostrum) để tăng sức đề kháng và giúp trẻ phát triển khỏe mạnh […]. Tuy nhiên, trong trường hợp mẹ gặp khó khăn khi nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong giai đoạn này vì những lí do đặc biệt thì nên đến cơ sở y tế để nhận được hướng dẫn từ thầy thuốc và nhân viên y tế.

Hàm lượng dưỡng chất thiết yếu cần bổ sung cho trẻ 3 tháng tuổi

Trong giai đoạn 3 tháng tuổi, bé sẽ cần nguồn dinh dưỡng đầy đủ và cân đối để phát triển thể chất và trí não. Theo những lời khuyên của chuyên gia, hệ dưỡng chất thiết yếu mà ba mẹ cần chú ý bổ sung cho bé trong giai đoạn này như sau:

ARA (Arachidonic acid) là một loại a-xít béo không sinh cholesterol và là a-xít béo omega-6 quan trọng trong não. Chất này rất cần thiết cho sự phát triển của não và thị giác.

Hàm lượng cần bổ sung: Bổ sung kèm các a-xít béo omega-6 (bao gồm ARA) khoảng 4,4g/ngày.

Calcium: Canxi giúp xương và răng chắc khỏe, hỗ trợ đông máu và hoạt động của cơ bắp, thần kinh.

Hàm lượng cần bổ sung: 210mg/ngày.

Carbohydrates (mainly lactose) giúp cung cấp nguồn năng lượng để bé hoạt động và tăng trưởng, giúp sử dụng hiệu quả nguồn protein để tạo thành các mô mới. Đường glucose từ carbohydrate là nguồn năng lượng chính của não và nếu được bổ sung đầy đủ sẽ giúp điều hòa năng lượng, cảm xúc và khả năng tập trung – tất cả đều cần thiết để trẻ học hỏi, khám phá thế giới xung quanh.

Hàm lượng cần bổ sung: khoảng 60g/ngày.

Folate hỗ trợ sự tăng trưởng và phát triển của các tế bào máu và sự hình thành các thành phần di truyền trong mỗi tế bào não cũng như tế bào toàn cơ thể.

Hàm lượng cần bổ sung: khoảng 65mcg/ngày (tương đương lượng folate trong chế độ ăn).

Iodine (I-ốt) giúp điều tiết sự tăng trưởng của tế bào và sự tổng hợp các hormone tuyến giáp, ảnh hưởng đến não, cũng như cơ bắp, tim, thận và tuyến yên. Thiếu i-ốt có thể gây ra các vấn đề về phát triển thần kinh và là nguyên nhân hàng đầu của chứng chậm phát triển trí não trên toàn cầu.

Hàm lượng cần bổ sung: khoảng 110mcg/ngày.

Iron (Sắt) là khoáng chất thiết yếu cho sự hình thành và hoạt động của các tế bào hồng cầu, vốn có nhiệm vụ mang oxy lên não và giúp não tăng trưởng. Thiếu sắt trong giai đoạn đầu đời có thể gây thiểu năng, chậm vận động và bất thường về mặt hành vi. Một hậu quả khác của thiếu sắt là bệnh thiếu máu do thiếu sắt.

Hàm lượng cần bổ sung: AI là 0,27mg/ngày. UL là 40mg/ngày.

Niacin giúp cơ thể giải phóng năng lượng từ các chất dinh dưỡng khác.

Hàm lượng cần bổ sung: 2mg/ngày (đối với niacin được tạo thành trước).

Protein tạo thành, duy trì và phục hồi các mô của bé. Chất này có tác dụng sản sinh các hormone, enzyme và kháng thể, giúp điều tiết quá trình phát triển của cơ thể và cung cấp năng lượng.

Hàm lượng cần bổ sung: 9,1g/ngày.

Riboflavin (vitamin B2) giúp cơ thể sử dụng năng lượng từ các chất dinh dưỡng khác.

Hàm lượng cần bổ sung: 0,3mg/ngày.

Thiamin (Vitamin B1) cần thiết cho hoạt động của hệ thần kinh, giúp cơ thể giải phóng năng lượng từ carbohydrate. Chất này cũng đóng vai trò trung tâm đối với sự phát triển não bộ và sự trao đổi chất. Thiếu thiamin ở trẻ sơ sinh có thể gây rối loạn ngôn ngữ nghiêm trọng.

Hàm lượng cần bổ sung: 0,2mg/ngày.

Vitamin A đẩy mạnh sự phát triển toàn diện, đặc biệt là tạo làn da, mái tóc và lớp màng nhầy khỏe, hỗ trợ hệ miễn dịch và tái sinh sản cũng như sự phát triển thị giác.

Hàm lượng cần bổ sung: 400mcg/ngày (đương lượng retinol). UL là 600mcg/ngày (vitamin A được tạo thành trước).

Vitamin B6 giúp cơ thể tạo các mô và chuyển hóa chất béo, rất cần thiết cho sự phát triển của hệ thần kinh trung ương. Loại vitamin B này cũng hỗ trợ sự tổng hợp các dẫn truyền thần kinh, giúp điều chỉnh cảm xúc và các khía cạnh khác của hoạt động não.

Hàm lượng cần bổ sung: 0,1mg/ngày.

Vitamin B12 tăng chức năng của hệ thần kinh và sự hình thành thành phần di truyền trong các tế bào máu.

Hàm lượng cần bổ sung: 0,4mcg/ngày.

Vitamin C là một thành phần tạo thành collagen – một loại protein dùng để tạo xương, sụn, cơ bắp và các mô liên kết – giúp duy trì các mô mạch, chữa lành vết thương, hấp thu chất sắt, chống nhiễm trùng. Người ta còn cho rằng vitamin C đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của não bộ.

Hàm lượng cần bổ sung: 40mg/ngày.

Vitamin D giúp tăng hấp thu acnxi và phốt-pho, hỗ trợ sự hình thành xương chắc khỏe và chống còi xương.

Hàm lượng cần bổ sung: 5mcg/ngày. UL là 25mcg/ngày.

Vitamin E có tác dụng bảo vệ vitamin A và các a-xít béo thiếu yếu khác, ngăn chặn vỡ mô.

Hàm lượng cần bổ sung: là 4mg/ngày (alpha-tocopherol).

Vitamin K có tác dụng giúp đông máu. Lượng Vitamin K cần được bổ sung bằng cách tiêm ngay khi sinh vì sữa mẹ chỉ chứa một hàm lượng vitamin K rất nhỏ.

Hàm lượng cần bổ sung: là 2mcg/ngày.

Zinc (Kẽm) làm tăng hệ miễn dịch, giúp lành vết thương và điều hòa sự hình thành máu, xương, mô. Sau chất sắt, kẽm là kim loại dồi dào nhất trong não bộ và rất cần thiết đối với sự phát triển cũng như hoạt động của hệ thần kinh trung ương.

Hàm lượng cần bổ sung: 2mg/ngày. UL là 4mg/ngày.

Thời gian biểu dinh dưỡng cho bé 3 tháng tuổi

Mẹ có thể tham khảo thời gian biểu dinh dưỡng dưới đây để sắp xếp thời gian cho bé bú sữa (có thể là sữa mẹ hoặc sữa bột) thật hợp lý, qua đó chăm sóc cho bé yêu tốt hơn:

– 5 giờ sáng: Mẹ cần cho bé bú sớm 120-180ml. Sau khi bú, mẹ hãy ru cho bé ngủ.

– 8-9 giờ sáng: Sau khi bé thứ dậy, mẹ có thể cho bé bú tiếp 120-180ml sữa.

– 9-12 giờ trưa: Mẹ có thể cùng bé chơi và nói chuyện.

– 12 giờ 30 trưa: Tiếp tục cho bé bú thêm 120-180ml sữa, sau đó cho bé ngủ trưa.

– 4 giờ chiều:Mẹ cho bé ăn tiếp 120-180ml sữa. Sau đó, bé có thể chơi cùng ba mẹ hoặc ngủ.

– 7-8 giờ tối: Cho con bú thêm khoảng 120-180ml sữa và ru con ngủ.

– 12 giờ đêm: Tiếp tục cho bé bú 120-180ml sữa và ru bé ngủ.

– 3 giờ sáng: Mẹ tiếp tục cho con bú sữa, vẫn với 1 lượng 120-180ml hoặc ít hơn nếu bé cảm thấy no sữa.

Tùy từng thể trạng và sức ăn của các bé mà chế độ dinh dưỡng có thể thay đổi đôi chút. Tuy nhiên, dù mẹ chia các bữa sữa cho bé như thế nào thì trong giai đoạn 3 tháng tuổi này, bé vẫn cần được bú khoảng 700 – 800ml/ngày, chia 6 – 7 bữa/ngày, trung bình 100 – 120ml/bữa.

Để chắc chắn rằng các bé đang phát triển toàn diện về cả thể chất và trí não trong giai đoạn 3 tháng tuổi thì việc lựa chọn chế độ dinh dưỡng không phải quá khó khăn nhưng luôn đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác và khoa học. Hi vọng với những chia sẻ hữu ích trên đây, ba mẹ sẽ có thêm kiến thức vá tự tin để chăm sóc bé yêu với chế độ dinh dưỡng hợp lý, cân đối và đầy đủ nhất. Chúc cho các bé yêu nhà bạn có thể trải qua 3 tháng đầu đời thật khỏe mạnh và có được những phát triển vượt trội trong cả thể chất và trí tuệ.

BS. Nguyễn Vĩnh Hoàng Oanh

Trung tâm Dinh dưỡng Vinamilk