Thông Tin Dinh Dưỡng

CÓ BÌNH THƯỜNG KHÔNG KHI TRẺ SƠ SINH NÔN TRỚ?

Ngày đăng:

03/12/2017

Nôn trớ là triệu chứng rất thường gặp ở bé sơ sinh, có khi đó chỉ là dấu hiệu sinh lý bình thường nhưng đó cũng có thể là dấu hiệu bất thường, nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của bé. Vậy mời mẹ đọc ngay bài viết sau để biết được khi nào là nôn trớ bình thường và bất thường cũng như khám phá mẹo chữa nôn trớ ở trẻ sơ sinh hiệu quả nhé!

Bé nôn trớ như thế nào là bình thường?

Trong năm đầu mới sinh, bé rất dễ bị nôn trớ mỗi khi vừa ăn xong hay vặn người. Mỗi lần trớ, bé thường sợ hãi và khóc quấy.

Nếu tình trạng nôn trớ của bé thường tự hết sau 6 – 24 giờ mà không cần mẹ phải thực hiện bất kỳ Phương pháp nào, quan trọng là bé vẫn khỏe mạnh, lên cân đều thì đây là hiện tượng nôn trớ bình thường mà mẹ không cần lo lắng.

 

Nôn trớ khiến bé mệt mỏi quấy khóc

Nôn trớ khiến bé mệt mỏi quấy khóc

Khi nào nên mẹ cần lo lắng khi bé nôn trớ?

Nôn trớ có thể là biểu hiện của một vấn đề nào đó liên quan đến ăn uống như bé ăn quá no hoặc cũng có thể là do bị tấn công bởi một loại vi khuẩn – vi rút dạ dày. Bên cạnh đó, nôn trớ cũng có thể là biểu hiện của một tình trạng hệ hô hấp, tiết niệu hay thậm chí là tai bị viêm nhiễm.

Nếu bé nôn trớ kèm theo một số dấu hiệu sau, mẹ cần đưa bé tới bác sĩ ngay:

– Bụng trướng kèm theo đau bụng quằn quại

– Bé thường xuyên ở trạng thái lơ mơ hay kích thích

– Xuất hiện co giật

– Bé liên tục nôn trớ trên 24 tiếng

– Cơ thể bé có dấu hiệu bị mất khử nước như miệng khô, ít nước mắt, ít đi tiểu

– Bé nôn trớ ra cả máu hay mật xanh

Mẹo chữa nôn trớ ở trẻ sơ sinh

  • Khi bé ngừng nôn trớ, mẹ hãy cho uống một lượng nhỏ nước lọc hoặc nước điện giải sau mỗi 30 phút đến 1 tiếng. Trường hợp bé tiếp tục trớ, mẹ cần cho bé uống luân phiên 50ml nước oserol/ 50ml nước lọc sau mỗi nửa giờ.
  • Nếu sau khi uống, bé không còn nôn, mẹ có thể cho bú lại với lượng sữa từ 80 – 100ml sau mỗi 3 – 4 giờ.
  • Sau 12 – 24 giờ mà bé không còn nôn trớ, mẹ có thể cho bé ăn uống bình thường những thực phẩm dễ tiêu hoá như ngũ cốc hay sữa chua, đồng thời tiếp tục uống nhiều nước.
  • Cho bé bú đúng cách bằng cách cho bé bú bên trái trước, sau đó mới chuyển bé sang bú bầu bên phải vì dạ dày bé đã nhiều sữa, cần nằm nghiêng trái. Đây là cách giúp sữa dễ dàng xuống dạ dày bé mà không trào ngược ra ngoài. Nếu bé khóc khi đang bú, mẹ nên ngừng ngay vì nếu bú lúc này, bé có thể nuốt nhiều hơi, gây căng dạ dày nên dễ trào ngược.
  • Không nên cho bé bú quá nhiều khiến bé dễ nôn trớ. Mẹ có thể chia thành nhiều bữa và không ép bé. Các cữ ăn hay bú cần cách nhau từ 2 đến 4 giờ.
  • Nới lỏng quần áo vì mặc quần áo chật hay bị quấn tã, bỉm quá chật cũng là nguyên nhân khiến bé nôn trớ vì thành bụng và dạ dày bị chèn ép, dễ dồn nén.

Hy vọng những mẹo chữa nôn trớ cho trẻ sơ sinh trên đây sẽ giúp mẹ yên tâm hơn khi cho bé bú. Chúc mẹ thành công để bé không còn mệt mỏi khó chịu vì các cơn nôn trớ nữa nhé.