Thông Tin Dinh Dưỡng

DINH DƯỠNG CHO TRẺ 7 - 12 THÁNG HẤP THỤ KÉM

Ngày đăng:

08/11/2016

Cho con ăn uống đầy đủ, cố gắng bổ sung nhiều dưỡng chất nhưng bé vẫn không ngon miệng, chậm phát triển, thấp bé nhẹ cân – đây là điều bố mẹ nào cũng trăn trở. Rốt cuộc bé của bạn đang gặp phải vấn đề gì, làm sao để cải thiện tình hình này? Bố mẹ thông thái cần hiểu hơn về chế độ dinh dưỡng và cơ chế hấp thụ dinh dưỡng ở cơ thể bé để chăm sóc con mình tốt hơn.

Dấu hiệu nhận biết bé kém hấp thụ dinh dưỡng

  • Đi ngoài phân lỏng, phân có nhiều nước, khối lượng nhiều, phân không mịn, mùi tanh, màu nhợt, có váng nổi trên mặt nước giống như mỡ.
  • Trẻ đau bụng, bụng căng chướng hoặc sôi bụng.
  • Trẻ mệt mỏi, thường xuyên uể oải, kém linh hoạt, ngủ không ngon giấc
  • Trẻ biếng ăn, sút cân, hoặc ngừng tăng cân, chậm phát triển chiều cao, nhẹ cân.

Những biểu hiện trên khá giống với các bệnh về đường tiêu hóa khác như rối loạn tiêu hóa, loạn khuẩn đường ruột… nên đôi khi các mẹ vẫn thường nhầm lẫn. Tuy nhiên các mẹ cần lưu ý, rối loạn tiêu hóa nếu bị thường xuyên và lâu ngày sẽ dẫn tới kém hấp thụ và ảnh hưởng rất lớn đến dinh dưỡng trong cơ thể trẻ.

Tại sao bé kém hấp thụ dinh dưỡng?

Thiếu kẽm, selen là nguyên nhân chính khiến bé kém hấp thu dưỡng chất. Bên cạnh đó, cơ thể bé thiếu các enzyme tiêu hóa cũng sẽ khiến việc tiêu hóa thức ăn kém đi.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu vi chất kẽm, selen và enzyme tiêu hóa này. Điển hình như việc bổ sung chất dinh dưỡng không đúng cách, cho các bé ăn quá sớm hoặc quá muộn, bữa ăn không cân đối, chế biến không phù hợp với độ tuổi của trẻ, hoặc do trẻ suy dinh dưỡng.

Làm thế nào để bé hấp thụ tốt hơn?

Cải thiện tình trạng kém hấp thụ của trẻ không phải là chuyện một sớm một chiều. Các mẹ cần thời gian và sự bình tĩnh để cùng bé vượt qua những cột mốc thấp bé nhẹ cân này và chạm những mốc phát triển tốt hơn.

  • Ăn đủ lượng: Cho bé ăn đủ lượng so với nhu cầu cơ thể. Nếu những bữa chính vẫn chưa đủ để bé nạp đủ dưỡng chất vào cơ thể thì các mẹ có thể linh động chia nhỏ số bữa ăn ra nhằm cung cấp chất dinh dưỡng đầy đủ nhất. Cũng không nên cho bé ăn quá nhiều, bé cũng khó tiêu hóa, hấp thụ hết.
  • Ăn đủ chất: Nếu chỉ ăn nhiều mà không đủ, cân đối các chất đạm, béo, đường bột, rau xanh… cần thiết thì trẻ cũng khó tăng cân.
  • Ăn đa dạng: Nên cho bé ăn nhiều loại thực phẩm trong ngày và đa dạng các nhóm thực phẩm. Một thực đơn đa dạng và cân đối sẽ giúp bé phát triển toàn diện hơn.

Hãy để bé bắt đầu những bữa ăn dặm của mình thật vui và thú vị, bé sẽ hấp thụ tốt hơn mẹ nhen

Hãy để bé bắt đầu những bữa ăn dặm của mình thật vui và thú vị, bé sẽ hấp thụ tốt hơn mẹ nhen

Chế độ dinh dưỡng cho bé thể trạng kém hấp thụ

  • Bé 7 – 12 tháng đang bước vào giai đoạn ăn dặm. Khi mới bắt đầu tập cho con ăn dặm và trong tháng đầu cho con ăn, các mẹ cần lưu ý sau khi ăn, con có tiêu hóa tốt không, có bị đầy bụng hay đi phân sống, tiêu chảy không. Điều này rất quan trọng bởi nó thể hiện rằng bé của bạn có hợp với những thức ăn này hay không.
  • Trong giai đoạn này, một ngày (24 giờ) bé cần khoảng 700-800ml sữa và 3 bữa bột/cháo xay (tổng 600ml/ngày) đặc dần, tổng tăng dần từ khoảng 45-60g gạo tẻ trắng, 45-60g thịt (tôm, cá…), 15g dầu (mỡ), rau xanh, quả chín…
  • Với các bé giai đoạn này, bổ sung sữa là rất quan trọng. Tổng lượng sữa hợp lý cho bé từ 6 – 9 tháng là 700-800 ml/ 24h. Từ 9 – 12 tháng là 600 – 700 ml.
  • Các mẹ cũng nên kết hợp giữa chế độ ăn uống và bổ sung sữa cho bé thật hợp lý.

Kém hấp thụ hay suy dinh dưỡng, thấp bé là một cuộc chiến dài mà các mẹ cần tạo cho mình và bé một tâm lý thật thoải mái để cùng bé vượt qua giai đoạn này. Cho bé một tâm lý vui vẻ trước khi vào bữa ăn cũng là điều cần thiết. Khi bé vui, việc ăn uống và hấp thụ cũng trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Chúc bé của mẹ nhanh chóng lấy lại chuẩn chiều cao và cân nặng nhé.

BS. Nguyễn Thị Ngọc Thanh

Trung tâm dinh dưỡng Vinamilk

 

Một số bài viết liên quan về sữa bột cho bé:

Sữa phát triển chiều cao, trí não cho bé

Sữa cho trẻ suy dinh dưỡng

Sữa cho trẻ biếng ăn, chậm tăng cân