Thông Tin Dinh Dưỡng

DƯỠNG CHẤT THIẾT YẾU ĐỦ ĐẦY CHO BÉ 5 THÁNG TUỔI

Ngày đăng:

20/11/2016

Bé đến giai đoạn 5 tháng tuổi đã sắp sửa chuẩn bị đón chào chế độ ăn dặm. Thời gian này, bé cũng hiếu động hơn và đã có thể lật, trườn và lẫy. Chế độ dinh dưỡng cho bé sẽ có yêu cầu cao hơn so với các tháng trước để đáp ứng đủ đầy cho nhu cầu phát triển toàn diện. Mẹ nhớ thuộc nằm lòng những dưỡng chất thiết yếu mẹ cần bổ sung trong chế độ dinh dưỡng dành cho bé lúc này mẹ nhé!

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng chính yếu cho bé trong giai đoạn này

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng chính yếu cho bé trong giai đoạn này

Vai trò của các nhóm dưỡng chất thiết yếu dành cho bé 5 tháng tuổi

  • Canxi có tác dụng giúp phát triển hệ xương, đồng thời hỗ trợ hoạt động của thần kinh, cơ bắp. Lượng canxi bé cần được cung cấp hàng ngày vào khoảng 250mg.
  • Carbohydrate là nguồn cung cấp năng lượng cho hoạt động của bé đồng thời là nguồn năng lượng chính của não nên việc nạp đủ carbohydrate đóng vai trò quan trọng trong giúp trẻ khám phá thế giới xung quanh. Carbohydrate còn giúp tạo thành các mô mới của cơ thể thông qua sử dụng nguồn protein. Lượng carbohydrate bé 5 tháng tuổi cần mỗi ngày là 60g.
  • Sắt là khoáng chất đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành và hoạt động của tế bào hồng cầu giúp vận chuyển oxy trong cơ thể. Nếu thiếu sắt có thể khiến bé mắc chứng thiểu năng, vận động chậm chạp hoặc thiếu máu… Lượng sắt bé cần mỗi ngày là 0,27mg.
  • Kẽm giúp bé tăng cường đề kháng, điều hòa quá trình hình thành nên máu, xương và mô. Kẽm cũng cần thiết cho sự phát triển, hoạt động trí não của bé. Lượng kẽm bé cần mỗi ngày khoảng 2mg.
  • Protein ngoài vai trò cung cấp năng lượng cho quá trình phát triển cơ thể còn giúp sản sinh ra các hormone, enzyme tăng cường hệ miễn dịch, hình thành, duy trì và phục hồi các mô. Lượng protein cần thiết cho bé mỗi ngày khoảng 9g.
  • I-ốt có khả năng điều tiết quá trình tổng hợp hormone tuyến giáp, tăng trưởng tế bào và ảnh hưởng đến não. Vì thế, thiếu i-ốt sẽ khiến sự phát triển thần kinh của bé gặp rắc rối và tiền đề cho việc trí não chậm phát triển.
  • Vitamin (A, B1, B2, B6, B12, C, D, K). Các loại vitamin đều có một vai trò quan trong nhất định đối với sự phát triển khỏe mạnh của bé trong giai đoạn này. Vitamin K có tác dụng đông máu, bảo vệ khi lỡ bị trầy xước da. Vitamin C quan trọng đối với sự phát triển của não bộ, giúp duy trì các mô, tăng cường đề kháng… Vitamin A hỗ trợ hệ miễn dịch và thúc đẩy sự phát triển thị giác. Vitamin B1, B6, B12, thiết yếu cho sự phát triển của trí não và hoạt động của hệ thần kinh cũng như quá trình trao đổi chất. Vitamin B2 giúp trẻ chuyển hóa và sử dụng được năng lượng từ nguồn dưỡng chất. Vitamin D hỗ trợ hấp thụ canxi, phốt pho giúp xương chắc khỏe.

Bé “ăn” gì để cung cấp đủ dưỡng chất?

Lúc 5 tháng tuổi nguồn thực phẩm chủ yếu của bé vẫn là sữa mẹ. Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ đến 24 tháng tuổi, vì trong sữa mẹ có chứa sữa non (cholostrum) để tăng sức đề kháng và giúp trẻ phát triển khỏe mạnh […].Tuy nhiên, trong trường hợp mẹ gặp khó khăn khi nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong giai đoạn này vì những lí do đặc biệt thì nên đến cơ sở y tế để nhận được hướng dẫn từ thầy thuốc và nhân viên y tế.

Về việc ăn dặm của bé, các chuyên gia khuyến cáo mẹ nên đợi đến khi hệ tiêu hóa của bé gần như hoàn thiện khi bé được 6 tháng tuổi. Tuy nhiên có thể căn cứ theo sự phát triển của cơ thể bé mà mẹ có thể chuẩn bị cho bé ăn dặm sớm trong tháng thứ 5 này. Trước hết, mẹ nên quan sát các biểu hiện hàng ngày của bé để xem bé có đòi ăn dặm sớm không. Bé muốn ăn dặm thường chóp chép lúc rảnh rỗi, bé tỏ ra hứng thú khi nhìn thấy người lớn ăn, bé muốn ăn sau khi đã no sữa… Lúc đó mẹ đã có thể lên thực đơn dinh dưỡng cho bé ăn dặm bằng bột và cần phải đảm bảo bổ sung các nhóm chính là cacbohydrate, vitamin, protein, chất béo, chất xơ… Lưu ý: Mẹ không nên cho đường vào thức ăn dặm của bé vì thừa đường sẽ cản trở cơ thể bé hấp thụ can xi khiến bé còi xương dù bên ngoài trông có vẻ bụ bẫm.

Bên cạnh thức ăn dặm, mẹ có thể cho bé uống thêm nước ép từ trái cây vừa ngon vừa tốt cho bé. Các loại trái cây như đu đủ, bơ, dưa hấu bỏ hạt, táo là những ứng cử viên lý tưởng cho việc cung cấp vitamin và chất xơ cho bé vì dễ tiêu, phù hợp với hệ tiêu hóa của bé lúc này.

Đến tháng sau bé sẽ chính thức bước vào thời kỳ ăn dặm, mẹ nên chuẩn bị trước để đa dạng thực đơn cho bé ngon miệng mà vẫn đảm bảo đủ dinh dưỡng cần thiết nhé. Chúc hai mẹ con có những khởi đầu ăn dặm thật tốt để không biến những bữa ăn thành cuộc chiến.

BS. Nguyễn Vĩnh Hoàng Oanh

Trung tâm Dinh dưỡng Vinamilk