Thông Tin Dinh Dưỡng

GIÚP CON HÌNH THÀNH NHÂN CÁCH TỪ BƯỚC ĐẦU

Ngày đăng:

21/11/2016

“Dạy con từ thuở còn thơ”. Bên cạnh việc quan tâm phát triển thể chất của bé, bố mẹ nên có biện pháp giáo dục, giúp con hình thành nhân cách ngay từ những năm tháng đầu đời. Bài viết dưới đây sẽ đưa ra những hướng dẫn cơ bản để hình thành nhân cách cho bé ở tuổi tập đi.

Vai trò của gia đình trong việc hình thành nhân cách ở trẻ

Gia đình chính là cái nôi văn hóa đầu tiên hình thành nhân cách cho bé. Bố là trụ cột gia đình, biểu hiện của nhân cách văn hóa cao đẹp nhất để con học tập và noi theo. Mẹ là chỗ dựa, hạt nhân tâm lý chủ đạo và là nguồn lửa sưởi ấm, mang đến yêu thương vô tận cho các con.

Sự dưỡng dục của bố mẹ cùng hành vi, lối sống của các thành viên trong gia đình đều có ảnh hưởng đến việc hình thành và phát triển nhân cách, tạo nên nếp nghĩ, lối sống, đạo đức sau này của bé.

Tình cảm và cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình có ảnh hưởng lớn đến nhân cách của bé

Tình cảm và cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình có ảnh hưởng lớn đến nhân cách của bé

Những việc cần làm để hình thành nhân cách cho bé

  • Không nên quá nuông chiều con mà phải xây dựng nếp sống khoa học trong gia đình, rèn trẻ vào nền nếp học tập, sinh hoạt đúng giờ, gọn gàng, ngăn nắp, luyện cho con ý thức, thói quen lao động, làm việc nhà, không lười nhác, chỉ biết hưởng thụ, ỷ lại, dựa dẫm vào người khác…
  • Không nên thóa mạ, dùng bạo lực với nhau, hay thường xuyên đánh đập hoặc sử dụng nhục hình với trẻ, vì cách xử sự này khiến trẻ bị khủng hoảng về tâm lý, tự ti, khó hòa nhập với cộng đồng. Khi trẻ sống trong các gia đình cha mẹ có hành vi thiếu văn hóa, phạm tội, đánh chửi nhau, nghiện rượu, nghiện ma túy, trộm cắp, tham ô… thì những gương mờ này phản chiếu vào tâm hồn non nớt của trẻ, làm cho các em trở nên cộc cằn, thô lỗ và cũng sẽ trở thành những người hung hãn, lì lợm… thiếu nhân cách, dễ coi thường pháp luật, nhiễm các thói hư tật xấu và vi phạm pháp luật…
  • Trở thành tấm gương tốt. Thái độ và cách ứng xử của bố mẹ chính là những bài học không lời có giá trị quý báu đối bé. Hành xử tốt là quy tắc vàng trong mọi hành động. Các thành viên trong gia đình cần thể hiện sự quan tâm, yêu thương, chăm lo thật sự lẫn nhau.
  • Thể hiện sự tôn trọng các thành viên khác trong gia đình. Cách bố mẹ tôn trọng nhau, cùng chia sẻ trách nhiệm và giải quyết quan điểm khác biệt là bài học mạnh mẽ cho bé về sự tôn trọng. Nếu bé học được sự tôn trọng ngay từ chính gia đình mình, bé sẽ có xu hướng tôn trọng những người khác.
  • Hãy giúp bé hiểu giá trị bản thân mình. Mẹ hãy nói cho bé biết vị trí quan trọng của bé trong gia đình. Nếu muốn trẻ phát huy những giá trị đạo đức cốt lõi, bố mẹ phải dạy cho bé biết mình tin tưởng vào điều gì và tại sao lại thế. Mẹ có thể thảo luận, tâm tình với bé về những vấn đề về đạo đức khi trò chuyện hoặc thư giãn cùng con, nhất là những giờ trước khi đi ngủ.
  • Rèn luyện tính tự lập cho bé. Đây là một trong những đức tính quan trọng đầu tiên tạo dựng nhân cách của trẻ. Vì thế, ngay từ khi một tuổi rưỡi, mẹ hãy dạy bé các kỹ năng tự phục vụ bản thân, giúp trẻ tăng cường tính độc lập và cảm giác về sự thành công, không chỉ có lợi cho sự phát triển của trẻ mà còn giúp ích rất nhiều cho chính người lớn.
  • Thể hiện sự tôn trọng với bé. Các bé dù nhỏ cũng là một cá thể độc lập, có cá tính và sở thích riêng. Vì vậy, ngoài việc quan tâm, chăm sóc sức, bố mẹ cũng cần tôn trọng bé. Đây cũng là một trong những nhân tố quan trọng tác động đến sự hình thành và phát triển nhân cách của bé. Thực tế đã chứng minh, những trẻ được bố mẹ tôn trọng tỏ ra rất hợp tác, giao tiếp tốt với bạn bè, rất lễ phép và không có cảm giác mất tự nhiên khi nói chuyện với người lớn. Để thể hiện sự tôn trọng bé, mẹ nên:
    • Chú ý đến giọng điệu khi giao tiếp với bé; Không la mắng nặng nề khi bé phạm lỗi; Không ép buộc khi bé ăn cơm; Không quát nạt khi muốn bé thực hiện điều gì đó… nếu không, sẽ làm bé có cảm giác nặng nề và tự ti.
    • Ở chỗ đông người, mẹ không nên can thiệp mà chỉ gợi mở, với tư cách là “người hướng dẫn” để bé hiểu và tự lựa chọn.
    • Trước mặt người khác, bố mẹ không được la mắng bé nặng nề với những từ ngữ như “ngu dốt”, “chẳng làm nên trò trống gì”, “không có chí khí”, “vô tích sự” … Việc này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tự tin cũng như sự phát triển của bé trong tương lai.
  • Dạy bé lễ phép. Điều này không có nghĩa là gò ép, cưỡng ép trẻ vào một khuôn khổ cứng nhắc. Ngoài việc, dạy cho trẻ các quy tắc lễ phép vừa khơi mở trí lực giai đoạn đầu cho trẻ vừa là định hướng cho trẻ thích nghi và hòa nhập công đồng. Dạy trẻ biết nói “xin lỗi” khi mắc lỗi và “cảm ơn” khi nhận được sự giúp đỡ chính là bước đầu tạo cho trẻ sự thân thiện, tính cởi mở hòa đồng với môi trường xung quanh. Những tác động giáo dục nhẹ nhàng được lặp đi lặp lại này sẽ hình thành hành vi tự giác của trẻ.

Trên đây là những cách cơ bản giúp hình thành nhân cách cho bé. Thêm vào đó, hãy thường xuyên duy trì những bữa cơm gia đình không bật tivi mẹ nhen. Đây là thời điểm tốt để bé cảm nhận sự gắn kết, sự quan tâm, chăm sóc lẫn nhau của các thành viên trong gia đình. Ngoài ra, mỗi ngày, dù bận rộn thế nào, mẹ cũng nên dành 20 phút để đọc sách cho bé, giúp bé thiết lập hứng thú đọc sách, từ đó tăng cường khả năng chú ý, vốn từ vựng, kích thích khơi gợi trí tưởng tượng, mở rộng tầm nhìn và sự thấu hiểu của bé nhé. Chúc bé cùng cả nhà luôn khỏe mạnh và hạnh phúc!

PGS TS BSCC. Trần Đình Toán

Trung tâm Dinh dưỡng Vinamilk