Thông Tin Dinh Dưỡng

GIÚP MẸ PHÁT HIỆN VÀ NGĂN CHẶN DỊ ỨNG CHO BÉ

Ngày đăng:

06/10/2016

Môi trường xung quanh bé vẫn tồn tại những tác nhân khác nhau gây dị ứng, chẳng hạn như: phấn hoa, khói thuốc, bọ ve hay thậm chí là thức ăn hay thuốc uống của bé,… Nếu bố mẹ không để ý phát hiện các triệu chứng dị ứng ở bé và ngăn chặn kịp thời, những căn bệnh như viêm da, hen suyễn, mề đay hoặc những bệnh trầm trọng hơn cũng sẽ đe dọa sức khỏe của bé.

  1. Dị ứng và những tác nhân gây dị ứng:

Dị ứng là một hiện tượng xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng với những chất gây dị ứng. Chất gây dị ứng có thể là một chất vốn bình thường, không gây hại cho những người khác nhưng lại mẫn cảm với bé. Đây không phải là một căn bệnh, mà là một “lời cảnh báo” từ hệ miễn dịch rằng chất đó không phù hợp với cơ thể bé.

Những tác nhân gây dị ứng thường gặp ở bé:

  • Phấn hoa hoặc các loại cây cỏ dại.
  • Mốc meo trong nhà và ngoài trời.
  • Mối một trong thảm, chăn, ga, gối và những vật ẩm khác.
  • Vảy da động vật hay ve, bọ trong các loài thú nuôi.
  • Nọc độc từ vết đốt của côn trùng.
  • Một số loại thuốc uống hoặc thức ăn:

Những thực phẩm sau đây đôi khi cũng gây ra dị ứng ở trẻ em:

  • Sữa bò( đạm trong sữa bò)
  • Bột mì
  • Đậu nành
  • Trứng
  • Các loại hạt
  • Vừng/ mè
  • Cá/ trai/ sò/ cua/ tôm
  1. Những biểu hiện thường thấy của dị ứng:

– Sốc phản vệ: là một phản ứng rất nghiêm trọng, xảy ra nhanh và có thể gây chết người. Bé có những biểu hiện ngoài da, tuần hoàn máu kém và khó thở. Bố mẹ cần mang bé đi cấp cứu gấp trong trường hợp này.

– Hen suyễn: Bé thường ho nhiều, thở khò khè, đặc biệt khó thở thì thở ra và kèm theo cả tức ngực.

– Viêm da: Da sưng và nổi đỏ thành từng mảng, đặc biệt là những chỗ tiếp xúc với chất dị ứng. Trầm trọng hơn, bệnh có thể tiến triển thành chàm với những mảng đỏ phồng rộp ở các nếp gấp như cổ, khủy tay, khủy chân…

– Dị ứng thực phẩm: Biểu hiện thường thấy ở bé là nôn mửa, tiêu chảy, nổi mề đay, chàm, khó thở và có thể hạ huyết áp. Dị ứng thực phẩm có thể kết hợp với các triệu chứng viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc dị ứng, chàm và hen suyễn. Các em bé thường hay dị ứng với đậu phộng hoặc các loại hạt trái cây khác như bồ đào, hạt thông, dừa, cây óc chó, kiwi, vừng, thuốc phiện…

– Mề đay: từng mảng da sưng, ngứa, nổi cục to và nhỏ khác nhau, thường đỏ hoặc tái xanh hơn những vùng da xung quanh. Mề đay có thể xuất hiện ở nhiều vùng khác nhau trong cơ thể và trong nhiều giờ.

Tình trạng dị ứng có thể sẽ biểu hiện một hay nhiều triệu chứng nêu trên. Hơn nữa, mức độ nghiêm trọng của triệu chứng có thể khác nhau, có thể nhẹ vào thời điểm này nhưng nghiêm trọng hơn vào thời điểm khác.

Rất nhiều tác nhân có thể khiến bé dị ứng

Rất nhiều tác nhân có thể khiến bé dị ứng

  1. Ngăn chặn dị ứng, tránh biến chứng:

Bố mẹ có thể ngăn chặn dị ứng, tránh các biến chứng nghiêm trọng cho bé bằng cách:

  • Giữ cho môi trường sống của bé thật sạch sẽ và khô thoáng để giảm mốc meo, mối mọt.
  • Sử dụng các loại ga trải giường không có chất kích ứng với bé.
  • Giặt sạch đồ chơi và thú nhồi bông của bé.
  • Nếu bé dị ứng với loại phấn hoa nào thì nên cho bé hạn chế hết mức tiếp xúc với loại hoa đó.
  • Hạn chế tiếp xúc với thú nuôi nếu bé dị ứng với lông của những con vật này. Đồng thời phải vệ sinh thú nuôi kỹ lưỡng khi cho thú sống cùng nhà với bé.
  • Tránh tuyệt đối khói thuốc.

Dị ứng có liên quan đến yếu tố di truyền. Khi bố hoặc mẹ có dị ứng với một chất nào đó, có khả năng bé của mình cũng “thừa hưởng” điều này. Tuy nhiên, môi trường hiện đại ngày càng nhiều ô nhiễm hơn, khí hậu cũng biến đổi thất thường nên khả năng dị ứng của bé sẽ cao hơn.

Nguy cơ trẻ mắc dị ứng phụ thuộc tiền sử gia đình:

12.1

Chẩn đoán tác nhân dị ứng:

  1. Bênh sử: xuất hiện cùng thời gian cung cấp chất gây dị ứng + tiền sử dị ứng từ gia đình
  2. Biện pháp loại trừ qua đường miệng (áp dụng cho mọi cơ chế dị ứng, 2-4 tuần)
  3. Các xét nghiệm xác định:

Test lẩy da; IgE chuyên biệt trong máu ( Rast): qua trung gian IgE, cho các phản ứng tức thời.

Test áp da (phương pháp băng dính không đặc hiệu): Không qua trung gian IgE, cho các phản ứng muộn.

Bố mẹ đừng chủ quan với dị ứng ở trẻ và nên hỏi ý kiến bác sĩ về các loại thuốc an toàn và hiệu quả giúp làm giảm hoặc ngăn chặn các triệu chứng dị ứng.

BS. Nguyễn Thị Ngọc Thanh

Trung tâm dinh dưỡng Vinamilk