Thông Tin Dinh Dưỡng

GIÚP MẸ “XỬ LÝ” KHI BÉ BỊ ĐAU BỤNG

Ngày đăng:

07/11/2016

Đến giai đoạn 2 – 3 tuổi, bé của mẹ đã ăn được đa dạng và phong phú các loại thức ăn rồi đấy. Thế nhưng, quá trình làm quen với những mẹ thức ăn mới rất dễ xảy ra vài “trục trặc”, khiến bé mắc các chứng khó tiêu, trào ngược dày hay đau bụng. Để mẹ không đơn độc trong cuộc chiến chăm sóc bé, bài viết dưới đây sẽ gúp mẹ xác định nguyên nhân và cách điều trị đau bụng cho bé.

Đau bụng không phải là bệnh mà là triệu chứng của một cơn bệnh khác, cần được chẩn đoán chính xác và kịp thời để không dẫn đến những hậu quả xấu cho sức khỏe của bé

Đau bụng không phải là bệnh mà là triệu chứng của một cơn bệnh khác, cần được chẩn đoán chính xác và kịp thời để không dẫn đến những hậu quả xấu cho sức khỏe của bé

Những nguyên nhân gây đau bụng

Đau bụng ở bé có nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể cấp tính nhưng cũng có thể là mạn tính kéo dài. Trong đó, đau bụng cấp là tình huống đáng lo ngại nhất với các triệu chứng như:

  • Bé dữ dội, thậm chí quằn quại và khóc thét, mặt tái mét, vã mồ hôi
  • Bé có những biểu hiện như bụng cứng, bụng đau khi sờ đến hoặc co cơ thành bụng
  • Đau bụng kèm ói mửa, chất ói có màu xanh rêu hoặc nâu, đen
  • Sức khỏe suy sụp nhanh chóng, bé biểu hiện lừ đừ, hốt hoảng, mất kiểm soát

Những bệnh đau bụng cấp thường gặp ở bé:

  • Viêm ruột thừa
    • Biểu hiện bằng các triệu chứng như đau bụng ở hố chậu phải, cơn đau liên tục và tăng dần, kèm theo buồn nôn, sốt nhẹ.
    • Việc chẩn đoán viêm ruột thừa ở các bé thường gặp nhiều trở ngại do các triệu chứng không điển hình hoặc do bé quá đau nên không chịu hợp tác.
    • Bố mẹ cần nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện chứ không nên cho bé uống thuốc giảm đau. Hãy bình tĩnh để hỗ trợ bác sĩ hỏi bệnh và thăm khám tránh để chậm trễ dễ dẫn đến biến chứng nguy hiểm như thủng ruột thừa hay viêm màng bụng.
  • Lồng ruột: Triệu chứng điển hình là bé đau bụng từng cơn, khóc thét trong mỗi cơn đau, có khi nôn hoặc đi ngoài ra máu.
  • Thoát vị bị nghẽn: Triệu chứng của bệnh này ngoài cơn đau bụng còn có thế xuất hiện nôn, bí trung và đại tiện. Nếu không được phát hiện kịp thời, rất có thể dẫn đến hoại tử đoạn ruột bị nghẽn.
  • Tắc ruột: Bé có các triệu chứng như nôn ra thức ăn, có mật xanh, mật vàng, bụng chướng.

Một số nguyên nhân khác:

  • Ngộ độc thức ăn: Triệu chứng điển hình của đau bụng do ngộ độc thức ăn là kèm theo nôn, tiêu chảy, có khi phân lẫn máu. Ngộ độc thức ăn do vi khuẩn còn có thế khiến bé sốt và ớn lạnh. Trong trường hợp này, mẹ phải cho bé uống thật nhiều nước, ăn cháo, súp để tránh mất nước. Tùy vào diễn biến của bệnh và mức độ nắm vững cách thức xử trí mà bé có thể được chăm sóc tại nhà hoặc đến cơ sở y tế để chữa.
  • Nhiễm trùng: viêm amidan, viêm phổi, sốt rét, viêm gan hoặc nhiễm trùng đường tiểu có thể là nguyên nhân dẫn đến những cơn đau bụng hoặc tình trạng đầy bụng mới chỉ xuất hiện vài ngày.
  • Giun đũa: Triệu chứng thường là đau không quằn quại nhưng dai dẳng và tái đi tái lại trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần. Đau bụng loại này thường không có vị trí nhất định nhưng sẽ tập trung ở khu vực quanh rốn.
  • Chế độ ăn uống: Đau bụng do ăn quá nhiều cùng một lúc hoặc thừa đạm, tinh bột và thiếu chất xơ. Trường hợp này, kèm theo cơn đau bụng, bé còn có thể bị đầy hơi và táo bón.

Cách xử lý vài dạng đau bụng ở bé

+ Đau bụng có sưng ở bụng

  • Nguyên nhân: Ăn quá nhiều hoặc đầy hơi
  • Cách xử lý: Dùng gạc hoặc khăn thấm nước ấm, vắt khô, đắp lên bụng hoặc xoa nhẹ vùng bụng đang đau của bé. Mẹ cũng có thể cho bé uống thuốc tiêu hóa để bớt ợ nóng theo hướng dẫn của bác sĩ.

+ Đau và đại tiện khó

  • Nguyên nhân: Táo bón.
  • Cách xử lý: Nước mận hoặc nước lê ép pha loãng có tác dụng làm mềm phân. Bổ sung thêm chất xơ trong khẩu phần của bé.

+ Buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, sốt, ớn lạnh

  • Nguyên nhân: Viêm dạ dày
  • Cách xử lý: Cho bé uống thật nhiều nước và ăn những thực phẩm lỏng, có nước như súp.

+ Đầy bụng, nôn, tiêu chảy và thường xuyên sốt.

  • Nguyên nhân: Ngộ độc thực phẩm
  • Cách xử lý: Cho bé uống nhiều nước và nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện nếu các triệu chứng không đỡ.

+ Đau dữ dội xung quanh rốn hay vùng bụng bên phải

  • Nguyên nhân: Có thể là viêm ruột thừa
  • Cách xử lý: Đưa bé ngay đến trung tâm y tế hoặc phòng khám nhi khoa có uy tín để được khám chữa kịp thời.

+ Đau bụng kèm theo viêm họng và sốt

  • Nguyên nhân: Nhiễm trùng họng (gây ra bởi vi khuẩn liên cầu)
  • Cách xử lý: Đưa bé đi khám bác sĩ Nhi khoa.

Trên đây là những thông tin cơ bản về nguyên nhân và cách xử lý khi bé bị đau bụng. Mẹ cần nhớ rằng trong bất kỳ trường hợp nào cũng không được tùy tiện cho bé sử dụng thuốc, nhất là thuốc giảm đau hoặc kháng sinh, tránh gây khó khăn cho việc chẩn đoán sau này. Nếu nghi ngờ đau bụng cấp, bố mẹ cần đưa bé đến ngay các trung tâm y tế để được khám và chữa trị kịp thời để không dẫn đến những hậu quả khôn lường. Chúc bé khỏe mạnh!

BS Nguyễn Vĩnh Hoàng Oanh

Trung tâm Dinh dưỡng Vinamilk