Thông Tin Dinh Dưỡng

GỢI Ý CHO MẸ CÁCH DẠY BÉ TỰ GIÁC HỌC TẬP VÀ CHĂM SÓC BẢN THÂN

Ngày đăng:

27/12/2016

Ở lứa tuổi 4-6 tuổi, bé bắt đầu nhận thức về thế giới xung quanh, bắt đầu mở rộng mối quan hệ với những trẻ khác, biết quan tâm đến những người và sự kiện xung quanh mình, biết chơi chung với bạn bè. Vì vậy, đây là thời điểm thích hợp để giúp bé xây dựng tính tự giác làm chủ, chăm sóc bản thân, và tự giác học tập, đặt nền tảng cho thành công của bé trong tương lai.

Xây dựng tính tự giác chăm sóc bản thân

Để dạy bé tính tự giác và làm chủ bản thân, bố mẹ cần hướng dẫn bé làm những động tác cơ bản nhất trong các hoạt động đơn giản thường ngày như vệ sinh cá nhân (gồm đánh răng, rửa mặt, thay quần áo…), dọn dẹp giường ngủ (xếp chăn, gối gọn gàng), dọn dẹp đồ chơi…

Khi bé làm được, bố mẹ hãy cho thời gian và để bé tự làm vào những lần sau. Nếu có sai sót, bé mới học được kinh nghiệm và sẽ làm tốt hơn. Không nên bực bội vì bé chậm chạp hay vụng về thời gian đầu, vì đây là lúc bé dần hình thành thói tự giác làm chủ bản thân. Ngoài ra, bố mẹ cần nhất quán trong thời gian biểu sinh hoạt trong ngày, và tuân thủ thời gian cùng với bé để bé dễ hình thành sự tự giác.

Khi bé đã dần quen làm những việc chăm sóc bản thân, bố mẹ có thể cho bé từng bước tham gia vào hoạt động trong gia đình như dọn dẹp nhà cửa, giặt quần áo bằng cách vừa làm vừa hướng dẫn cho bé. Quá trình này có thể mất thời gian nhanh hay chậm, tùy thuộc vào bản tính của mỗi bé. Tuy nhiên, nếu quá trình dạy dỗ mang tính thường xuyên, từng bước một thì bé sẽ tiếp thu dễ dàng.

Một điều quan trọng là bé rất thích được khen. Do đó, bố mẹ hãy luôn chủ động khen ngợi bé, nhưng phải hợp lý và chừng mực. Nếu bé làm sai, không nên chê bai mà hãy khuyến khích, động viên bé làm tốt hơn vào những lần sau.

Xây dựng tính tự giác học tập cho bé

Song song với tính tự giác chăm sóc bản thân, bé cũng cần xây dựng tính tự giác học tập ở giai đoạn đầu tiên đến trường. Thế nhưng, lứa tuổi nhỏ rất khó tập trung học tập vì chưa ý thức tầm quan trọng của việc học, vẫn còn tính ham chơi. Do đó, bố mẹ cần giúp bé xây dựng tính tự giác học tập bằng những bí quyết sau:

  1. Xây dựng góc học tập thích hợp

Bé rất dễ bị phân tâm nên nếu thấy xung quanh ồn ào, hoặc anh chị em đang chơi, trẻ sẽ không thể tập trung để học bài. Vì thế, bố mẹ cần cho một bé một không gian học tập, có bàn học vừa với chiều cao của bé, có đầy đủ ánh sáng và yên tĩnh. Khi có chỗ học tập yêu thích, bé sẽ có ý thức tự giác ngồi vào bàn học, làm tăng thêm niềm yêu thích học tập của bé.

Một góc học tập được trang trí dễ thương thế này có thể làm tăng hứng thú học tập cho bé

Ngoài ra, bố mẹ cần căn dặn bé dọn dẹp góc học tập gọn gàng mỗi khi học xong. Thói quen này sẽ giúp bé không mất thời gian dọn dẹp vào lần học tới, không cảm thấy chán nản, uể oải khi ngồi vào bàn học. Thêm vào đó, các vật dụng học tập cần thiết và nước uống luôn ở trong tầm tay với trên bàn học, để bé không phải phân tâm tìm kiếm.

  1. Lập thời gian biểu học tập và vui chơi hằng ngày

Bé nhỏ tuổi rất khó tự giác học bài. Vì thế, bố mẹ nên hỗ trợ bé lập ra thời gian biểu, cân bằng giữa thời gian học và thời gian nghỉ ngơi hợp lý cho bé. Không nên bắt trẻ học liền từ 1-2 tiếng, nên chia thời gian học khoảng 20-30 phút, xen kỹ là thời gian giải lao. Không nên ép bé học quá nhiều sẽ làm bé chán nản, chậm tiếp thu bài.

Việc lập ra thời gian biểu có tác dụng giúp bé lập ra ý thức học tập, như bé sẽ biết đâu là thời gian học, đâu là thời gian giải lao, khi nào nên làm bài tập về nhà. Thời gian đầu, bố me nên chú tâm nhắc nhở, kiểm tra để bé làm đúng thời gian biểu. Ngày cuối tuần nên để bé thư giãn thoải mái cả ngày. Như thế bé sẽ không cảm thấy gò bó.

  1. Không tạo áp lực học tập với bé

Việc học ở bé nhỏ tuổi cần phải thoải mái để bé giữ được niềm yêu thích học tập. Nếu bé đạt điểm cao, cần khen ngợi bé, nhưng đừng khen quá nhiều sẽ làm bé tự cao. Nếu bé bị điểm kém, hãy trao đổi với bé để tìm hiểu nguyên nhân và hướng dẫn bé học bài để đạt điểm cao hơn. Tuyệt đối không nên la mắng, trách móc nặng nề vì sẽ làm bé căng thẳng, không thể tập trung học, từ đó dần chán việc học.

  1. Làm gương cho bé

Khi còn nhỏ, bé rất dễ bị ảnh hưởng bởi các hoạt động của người lớn. Do đó, bố mẹ có thể làm gương cho bé, bằng cách làm việc hoặc đọc sách chăm chỉ khi bé học, từ đó bé sẽ dần hình thành thói quen tự giác học nghiêm túc. Không nên cười đùa hoặc xem tivi gần chỗ bé học vì sẽ làm bé mất tập trung.

Ngoài ra, sau mỗi giờ học ở nhà, bố mẹ có thể kể cho bé nghe về những tấm gương hiếu học nổi tiếng, những câu chuyện về sự thành công của người nổi tiếng để bé học tập và noi theo, hoặc có thể cho bé xem những chương trình khuyến học. Không nên so sánh bé với bạn đồng trang lứa vì sẽ làm bé mất tự tin.

Ngay từ khi còn nhỏ, nếu bé đã có tính tự giác chăm sóc bản thân và học tập, bé rất có khả năng sẽ thành công sau này. Để làm được điều này, bé cần có sự quan tâm dạy dỗ, chăm sóc từ bố mẹ trong giai đoạn đầu. Chúc bé và bố mẹ có những giờ học và vui chơi thật bổ ích và ý nghĩa.