Thông Tin Dinh Dưỡng

HIỂU VỀ THỂ CHẤT, TÂM LÝ TRẺ 15 THÁNG TUỔI VÀ CÁCH CHĂM SÓC PHÙ HỢP

Ngày đăng:

19/07/2016

Ở giai đoạn 15 tháng tuổi, trẻ có những bước phát triển quan trọng giúp hoàn thiện cả về thể chất lẫn tâm lý. Có thể những cá tính bắt đầu bộc lộ trong thời gian này sẽ định hình tính cách trẻ trong những năm tháng sau đó, ảnh hưởng đến cả cách suy nghĩ và hành động của trẻ. Vì vậy, không chỉ cung cấp dinh dưỡng đủ đầy mà việc thấu hiểu tâm lý và chăm sóc đúng cách trong thời gian này cũng vô cùng quan trọng.

Trẻ bắt đầu bộc lộ cá tính và cảm xúc của mình

Trẻ bắt đầu bộc lộ cá tính và cảm xúc của mình

Phát triển thể chất ở trẻ 15 tháng tuổi

  • Trong giai đoạn này, hệ tiêu hóa của trẻ vẫn tiếp tục được hoàn thiện, song song với quá trình mọc răng. Thông thường thì trẻ 15 tháng tuổi sẽ mọc được 11 chiếc răng và sẽ tiếp tục mọc đủ 20 răng sữa khi trẻ ở khoảng 25 – 30 tháng tuổi.
  • Một điều đáng lo ở trẻ trong giai đoạn này là nguy cơ còi xương, chậm phát triển chiều cao do thiếu vitamin D và canxi. Trẻ còi xương sẽ chậm mọc răng, chậm biết đi, bị rụng tóc vành khăn, tâm trạng bồn chồn, bứt rứt, không ngủ ngon, khóc đêm, cơ bị nhão…

Lưu ý chăm sóc trẻ về mặt thể chất:

  • Trẻ cần được cung cấp đủ lượng canxi cần thiết để hỗ trợ quá trình mọc răng, cũng như phát triển cả về chiều cao. Vì vậy ba mẹ có thể cung cấp thêm canxi trong chế độ ăn với các thực phẩm giàu canxi như: tôm, cua, cá, phô mai,… đồng thời cho trẻ tắm nắng, vui chơi ngoài trời buổi sáng để giúp cơ thể đủ vitamin D.
  • Bên cạnh chế độ ăn giàu đầy đủ canxi – “trợ thủ” quan trọng cho quá trình mọc răng sữa của trẻ, những bữa ăn khoa học, đủ chất và ngon miệng là không thể thiếu được khi chăm trẻ 15 tháng đang tuổi ăn tuổi lớn. Trẻ lúc này, ngoài bú sữa còn có 3 bữa chính với các nhóm chất được cung cấp khoa học bao gồm: tinh bột, protein (từ cá, thịt, trứng, hải sản…), chất béo cùng với vitamin và khoáng chất.
  • Sữa mẹ vẫn là nguồn cung cấp dinh dưỡng và kháng thể giúp bé tăng cường hệ miễn dịch, trong thời gian này, mẹ nên tiếp tục cho trẻ bú một ngày khoảng 3 – 4 lần. Nếu trẻ không bú mẹ, thì có thể sử dụng sữa công thức, sữa tươi để cung cấp canxi và chất béo cho bé.
  • Một điều cũng quan trọng không kém là ý thức vệ sinh răng miệng. Lúc này trẻ cũng đã đủ lớn và răng đã mọc hơn một nửa, cần giúp trẻ tạo thành thói quen vệ sinh răng thường xuyên và đúng cách, tránh làm tổn thương lợi và ngừa sâu răng cho răng sữa. Ba mẹ nên vệ sinh răng miệng cho bé bằng cách dùng vải sạch hoặc gạc mỏng lau răng, lưỡi cho bé, đặc biệt là sau cữ sữa trước giờ đi ngủ của trẻ.

Phát triển tâm lý trẻ 15 tháng tuổi

  • Trẻ 15 tháng tuổi đã bắt đầu có những biểu hiện thể hiện dấu ấn cá nhân khi có thể phân biệt được hình ảnh của chính mình trong gương. Trẻ hiểu rằng mình là một cá thể riêng biệt và thích hành động một cách độc lập. Ba mẹ sẽ thấy trẻ vẫn còn rất hiếu động, thích tự mình đi đó đi đây mà không cần sự nâng đỡ của người lớn. Trẻ cũng thích “tự mình làm mọi việc” như tự cởi đồ hoặc chơi trò giúp đỡ ba mẹ làm việc nhà.
  • Ngoài ra, thời điểm này có thể coi như là một mốc quan trọng trong việc trẻ bộc lộ cảm xúc cá nhân và khả năng học hỏi. Trẻ lúc này có thể coi là một nhà thám hiểm bé con và dường như có niềm thích thú lạ kỳ với việc săm soi đồ vật. Hoặc cũng có thể trẻ sẽ có một món đồ mà trẻ cực kỳ yêu thích, muốn giữ bên mình mọi lúc mọi nơi.
  • Có một điều thú vị là bé gái thì sẽ có khuynh hướng nói nhiều và nói sớm hơn bé trai, do đó, ba mẹ có thể thấy “con gái ngoan nhà người ta” thích tán gẫu hơn “con trai cưng nhà mình”.

Lưu ý chăm sóc cảm xúc và tâm lý của trẻ:

  • Mặc dù trẻ đã có thể bước đi vững chãi và không sợ tai nạn té ngã như lúc mới tập đi, nhưng với sự hiếu động, mê khám phá trong khi trẻ chưa ý thức về việc giữ an toàn thì ba mẹ vẫn cần hết sức để mắt, chú ý đề phòng những trường hợp bị bỏng, bị trầy xước, trượt té ở những bề mặt dốc, trơn…
  • Nhiều trẻ sẽ có phản ứng không thích mặc bỉm vì vậy ba mẹ có thể dùng mẹo nhỏ là đánh lạc hướng trẻ bằng đồ chơi và thay bỉm với tốc độ ánh sáng.
  • Với tính cách bắt đầu độc lập, ba mẹ thay vì đút ăn thì nên để bé tự ăn để hoàn thiện kỹ năng, đồng thời giúp bé tự mình nhận thức khi nào đã no.
  • Trẻ đang ở độ tuổi học hỏi, bộc lộ cá tính và có nhu cầu kết bạn, trau dồi kỹ năng xã hội. Do đó, ba mẹ cũng nên tạo điều kiện và khuyến khích trẻ có những buổi vui chơi với bạn bè cùng trang lứa ở nhà, khu phố hoặc công viên. Điều này vừa giúp trẻ vận động để có giấc ngủ ngon ban đêm vừa giúp trẻ phát triển cân bằng về tâm lý.

Trong quá trình cùng lớn lên với trẻ 15 tháng tuổi, sẽ có đôi lúc trẻ bộc lộ cảm xúc giận dữ khi gặp phải một vấn đề, trước hết ba mẹ nên là người giúp trẻ bình tĩnh và an tâm để chia sẻ. Những cảm xúc buồn bực cũng là một phần trong quá trình phát triển của trẻ, ba mẹ cần cùng bé học cách vượt qua một cách tích cực thay vì cứ cố gắng tìm cách ngăn chặn chúng.

Bác sỹ Hồ Thị Nam Huế

Trung tâm Dinh dưỡng VNM

 

Đọc thêm:

Cách pha sữa cho bé sơ sinh

Cách pha sữa cho trẻ sơ sinh đúng cách và chuẩn gồm có 2 bước. Đây là cách pha sữa cho trẻ sơ sinh mà bạn cần biết để giúp bé hấp thu đủ dinh dưỡng thiết yếu để phát triển toàn diện.

Sữa phát triển trí não cho trẻ 1 tuổi

Mẹ nào chả mong con mình lớn lên được lanh lợi thông minh, ngoài dinh dưỡng hàng ngày, mẹ cần bổ sung sữa phát triển trí não cho bé từ sớm để bé lanh lợi và học hỏi tốt.

Sữa bột cho trẻ

Mẹ băn khoăn trong việc lựa chọn sữa bột cho bé? Dưới đây là thông tin về các dòng sữa bột cho bé từ thương hiệu Vinamilk để mẹ dễ dàng lựa chọn hơn. Các loại sữa này giúp đáp ứng dinh dưỡng cho bé, giúp bé nhanh thoát khỏi suy dinh dưỡng thấp còi, phát triển khỏe mạnh, thông minh.