Thông Tin Dinh Dưỡng

KẾ HOẠCH CHUẨN BỊ THỂ CHẤT & DINH DƯỠNG TRƯỚC KHI MANG THAI

Ngày đăng:

05/07/2016

Để việc thụ thai của mẹ được dễ dàng và thuận lợi, ngay từ đầu mẹ nên chuẩn bị sẵn sàng cho kế hoạch mang thai. Sau đây là các bước lên kế hoạch về thể chất và dinh dưỡng giúp mẹ chăm sóc tốt cơ thể, tạo bước đệm thật tốt cho quá trình mang thai và dưỡng thai sau này.

  1. Điều chỉnh nếp sinh hoạt và từ bỏ những thói quen có hại cho cơ thể

Dù biết đâu là những thứ không tốt cho sức khỏe nhưng thi thoảng chúng ta sẽ cho mình vài “ân xá” nho nhỏ như uống cà phê mỗi buổi sáng trước khi làm việc, không từ chối một chiếc bánh pizza hay cupcake ngọt ngào. Thế nhưng khi đã lên kế hoạch cho thành viên mới trong gia đình, sức khỏe không chỉ thuộc về bản thân bạn. Những gì bạn ăn và những thói quen bạn đang có sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng thụ thai và sức khỏe của bé yêu sau này. Vì vậy, từ bỏ những thói quen đang có chính là bước đi đầu tiên trong hành trình làm mẹ. Bạn càng sớm từ bỏ chừng nào thì càng tốt cho sức khỏe của bạn và bé yêu. Dưới đây là thói quen xấu cần từ bỏ trong kế hoạch mang thai:

+ Thuốc lá: Thuốc lá sẽ cản trở quá trình thụ thai, ảnh hưởng xấu đến sự tăng trưởng và phổi của bé, thậm chí có thể dẫn đến sinh non và các biến chứng ở trẻ sơ sinh.

mẹ bầu không nên tiếp xúc với thuốc lá

+ Bia rượu: Mặc dù một số nghiên cứu cho rằng vẫn an toàn nếu sử dụng bia rượu hạn chế trong khi mang thai nhưng các bác sĩ vẫn khuyến khích bạn kiêng hoàn toàn để tránh những tác động không mong muốn. Nếu đang muốn có em bé, hãy suy nghĩ kỹ vì rượu có thể làm chậm thời gian xác nhận mang thai cho đến khi bé con đã được vài tuần tuổi.

+ Thuốc theo toa: Nếu đang sử dụng thuốc theo toa, hãy cho bác sĩ của bạn biết ngay lập tức. Tốt nhất là nên ngưng tất cả các loại thuốc trước khi cố gắng có thai và cả ba tháng sau mang thai. Hãy luôn kiểm tra với bác sĩ phụ khoa trước khi bắt đầu bất kỳ loại thuốc nào mới.

+ Caffeine: Một số nghiên cứu đã chỉ ra caffeine làm tăng nguy cơ sẩy thai. Có thể bạn đã kiêng cà phê nhưng đừng quên một số nguồn thực phẩm có chứa caffeine khác như trà, sô cô la, nước ngọt… Vì vậy, thay cho một cốc cappuccino, bạn có thể chuyển sang nhấm nháp trà thảo dược chẳng hạn.

Ngoài ra, để chuẩn bị thể chất trước khi mang thai, bạn cần tránh xa đồ ăn vặt, đường và hạn chế sử dụng mỹ phẩm (một số sản phẩm có thể có tác dụng phụ đến buồng trứng, chất lượng tinh trùng hoặc ảnh hưởng đến quá trình thụ thai). Bên cạnh đó, cố gắng duy trì tâm lý thoải mái, ngủ đúng giờ và duy trì thói quen tập thể dục vừa phải, không quá sức.

Ngủ đủ giấc

2. Chế độ dinh dưỡng cho giai đoạn tiền thai sản

Nhiều phụ nữ bước vào thai kỳ mới chú ý đến chế độ dinh dưỡng. Sự thật là bạn cần bổ sung dinh dưỡng ít nhất từ 1 đến 3 tháng trước khi lên kế hoạch mang thai để cơ thể có đầy đủ dưỡng chất, giúp việc thụ thai dễ dàng hơn và bé yêu có điều kiện phát triển tốt hơn. Dưới đây là những điều cần ghi nhớ để thiết lập chế độ dinh dưỡng thật tốt, giúp cơ thể khỏe mạnh để chào đón sự xuất hiện của bé:

+ Bổ sung nhiều axit folic: Đây là vitamin thuộc nhóm B, đặc biệt cần thiết cho tất cả phụ nữ có ý định mang thai. Trong khoảng thời gian ngay trước và ngay sau khi thụ thai, bạn cần tiêu thụ đủ axit folic, để bào thai được phát triển khỏe mạnh, tránh được các biến cố hay bệnh tật bẩm sinh nguy hiểm. Axit folic có nhiều trong các loại rau như rau chân vịt, rau cải xanh, các loại đỗ và ngũ cốc, gan, thịt gà và một số hoa quả như cam, bưởi. Lượng axit folic cần thiết cho giai đoạn tiền thai sản là 400-600mg/ ngày và khoảng 800mg/ ngày trong thai kỳ.

Bổ sung đầy đủ dưỡng chất

+ Tích cực ăn các loại rau xanh: Các loại rau có lá xanh như rau bina, súp lơ, bông cải xanh là nguồn cung cấp folate tuyệt vời, một loại vitamin B ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hình thành ống thần kinh của thai nhi. Thiếu hụt folate trong quá trình mang thai sẽ ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển não bộ của trẻ, tác động tiêu cực đến sự phát triển nhận thức và hệ thần kinh vận động của trẻ sau này. Vì vậy, trước và trong suốt giai đoạn đầu của thai kỳ, bạn nên bổ sung đầy đủ folate cho cơ thể, cụ thể là bổ sung 400mcg folate mỗi ngày từ 24 tuần (6 tháng) trước mang thai.

+ Uống sữa ít béo: Nếu bạn không có thói quen uống sữa, hãy tập từ bây giờ vì đây là nguồn chứa hàm lượng canxi cùng protein vô cùng phong phú, là thực phẩm rất cần thiết cho cơ thể trước khi mang thai. Cần lưu ý nói “Không” với các loại sữa và phô mai chưa qua tiệt trùng để tránh tình trạng nhiễm trùng, nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, hãy dùng sữa ít béo để tránh tăng cân quá mức.

Tăng cường sữa dành cho mẹ bầu

+ Ăn thịt đỏ để bổ sung sắt: Thiếu máu và thiếu sắt trong hai quý đầu của thai kỳ sẽ làm tăng gấp đôi nguy cơ sinh non và khiến tỉ lệ trẻ thiếu cân tăng ba lần. Hãy thử kết hợp các loại thịt đỏ với nước sốt cà chua trong các bữa ăn, vừa cung cấp nhiều vitamin C vừa tăng cường hấp thụ chất sắt.

+ Hỏi ý kiến bác sĩ về liều lượng omega-3 phù hợp để tránh tình trạng ăn quá nhiều cá và hải sản làm tăng nồng độ thủy ngân, không tốt cho cơ thể.

Bên cạnh đó, không chỉ mẹ mà các ông bố tương lai cũng cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng. Tinh trùng thường mất 75 ngày để phát triển nên các chuyên gia thường khuyên các ông chồng nên chú ý ăn thức ăn đủ lượng kẽm và selen hoặc sử dụng các viên đa vitamin ít nhất 3 tháng trước khi thụ tinh.

3. Khám sức khỏe tiền thai sản

Đây là bước vô cùng quan trọng trước khi mang thai. Điều này sẽ giúp bạn biết được tình trạng sức khỏe và đề phòng những điểm đặc biệt để giúp kế hoạch mang thai diễn ra thuận lợi và an toàn hơn.

shutterstock_89254486_huge

  • Trước khi đi khám tổng quát, bạn nên chuẩn bị sẵn một số thông tin để cung cấp cho bác sĩ:

– Những bệnh bạn mắc hồi nhỏ như sởi, quai bị hay rubella

– Có từng mắc bệnh nào hoặc bất kỳ bệnh lây qua đường tình dục nào mà bạn tình của bạn từng mắc

– Bệnh đã phẫu thuật hoặc bệnh mãn tính của hai vợ chồng

– Lịch sử bệnh tật trong gia đình hai bên hoặc bệnh di truyền

– Thông tin về những bệnh bạn từng bị hoặc trong nhà có người bị như huyết áp cao, ung thư, động kinh, bệnh thận hoặc viêm khớp

– Lịch sử bệnh phụ khoa, chu kỳ hành kinh, cách ngừa thai và các lần có thai, sẩy thai (nếu có), phá thai và các vấn đề liên quan

  • Thông thường, một cuộc kiểm tra sẽ gồm các xét nghiệm và kiểm tra sau:

– Kiểm tra tiểu sử, bệnh di truyền, cân nặng, chiều cao…

– Kiểm tra tổng quát tim, phổi, tuyến giáp, gan, thận để đảm bảo cơ thể đủ sức khỏe để mang thai

– Kiểm tra đầu và cổ để phát hiện các bệnh nướu răng, nhiễm trùng khoang miệng và phì đại tuyến giáp vì đây chính là những yếu tố gây nguy cơ sinh non hoặc tiền sản giật, cần có biện pháp điều trị ngay lập tức

– Khám ngực. Bác sĩ sẽ yêu cầu bạn tiến hành các bước siêu âm vú, chụp nhũ ảnh, kiểm tra núm vú… để xác định các nguy cơ. Nếu bị u vú, bạn sẽ được tư vấn điều trị. Nếu núm vú phẳng hoặc có vấn đề gì đó có thể làm cho việc con bú gặp khó khăn, bạn sẽ được tư vấn để chuẩn bị các tình huống sẽ gặp phải cùng cách cải thiện

– Khám phụ khoa nhằm phát hiện các yếu tố nguy cơ có thể ảnh hưởng đến việc mang thai như: Viêm nhiễm đường sinh dục, polyp cổ tử cung…

– Siêu âm tổng quát và siêu âm ổ bụng để đánh giá về hình thái học và phát hiện các bất thường các cơ quan nội tạng như gan, lách, tụy, thận, tử cung và buồng trứng.

– Xét nghiệm công thức máu và hóa sinh máu để rà soát các bệnh về máu, tiểu đường và đánh giá chức năng gan, thận.

– Xét nghiệm nước tiểu, kiểm tra tình trạng miễn dịch hiện tại để xem xét kháng thể rubella và nếu cần, bạn vẫn có thể phải tiêm mũi khác (trong trường hợp bạn đã chích ngừa trước đây).

Với kế hoạch thể chất trên đây, hy vọng sẽ giúp bạn có bước chuẩn bị thật tốt để có một cơ thể khỏe mạnh, sẵn sàng cho chặng đường 9 tháng 10 ngày gian khổ mà rất đỗi diệu kỳ sắp tới. Chúc bạn có đủ sức khỏe, đủ mạnh mẽ để bảo vệ và che chở con yêu ngay từ những ngày đầu.

PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm

PGĐ Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia