Thông Tin Dinh Dưỡng

LÀM GÌ KHI BÉ TÉ NGÃ?

Ngày đăng:

07/11/2016

Đang trong giai đoạn hiếu động, bé rất dễ té ngã. Có những trường hợp bé chỉ bị xây xát ngoài da nhưng cũng có những chấn thương nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy, mẹ cần hết sức cảnh giác đề phòng bé bị té ngã cũng như trang bị kiến thức để kịp thời xử lý cho bé khi có tai nạn xảy ra.

Bé rất dễ bị té ngã do hiếu động, nghịch ngợm

Bé rất dễ bị té ngã do hiếu động, nghịch ngợm

Cách xử lý khi bé té ngã

Đầu tiên, bố mẹ cần kiểm tra vị trí và mức độ tổn thương để có biện pháp xử lý phù hợp:

+ Nếu bé bị xây xát ngoài da nhẹ, không chảy máu mẹ chỉ cần rửa sạch và chườm mát cho bé bằng cách lấy chiếc khăn nhúng nước lạnh vắt ráo nước hoặc bọc nước đá rồi đắp lên trên vết bầm, chỗ chấn thương.

+ Nếu vết trầy bị chảy máu:

  • Cầm máu cho bé bằng dùng tay hay khăn sạch ấn chặt ngay vào vết thương. Giữ chặt cho đến khi máu ngừng chảy,sau đó rửa sạch và sát khuẩn vết thương.
  • Dùng băng keo cá nhân hay gạc khử trùng để băng vết thương, giữ vết thương khô, tránh nước.
  • Bôi mỡ kháng sinh nếu vết thương bị trầy da, thay băng hàng ngày cho đến khi vết thương lành.

+ Nếu bé bị thương nặng như rách da ở diện rộng, sâu, không cầm máu được, cần tiếp tục ấn chặt vào vết thương và nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện. Trong trường hợp mảng da to bị tuột ra, mẹ hãy dùng vải sạch bao lại rồi cho vào túi chườm đá đem theo.

+Nếu trẻ đau nhiều hoặc đau khi cử động, tay chân bị bầm tím, thì cần lưu ý có thể trẻ bị bong gân hay gãy xương. Nếu trẻ than đau nhiều ở vùng bị chấn thương khi ấn tay vào vết thương, vết thương bị sưng và sau đó bầm tím, cử động khó khăn vùng bị chấn thương, hoặc chân hay tay trẻ có thể bị cong một cách bất thường thì nên đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để được kiểm tra và xử trí kịp thời.

+Trường hợp bé bị té bị chấn thương ở đầu: Nếu bé bất tỉnh, phải gọi cấp cứu ngay. Nếu bé vẫn tỉnh táo, đi lại, chơi đùa bình thường, chấn thương ở mức độ nhẹ thì mẹ chỉ cần chườm túi đá lạnh lên vết sưng trong vòng 20 phút để làm giảm sưng và sau đó nên theo dõi kỹ tình trạng của bé. Khi bé có một số biểu hiện bất thường như: đau đầu tăng dần; nôn ói nhiều lần và nôn dễ dàng (nôn vọt); lừ đừ, ngủ gà ngủ gật, dần dần bất tỉnh, lơ mơ, gọi hỏi đáp ứng kém dần… phải đưa ngay trẻ đến bệnh viện.

Phòng ngừa tai nạn té ngã ở bé

  • Ở những nơi như cầu thang, cửa sổ, ban công cần lắp rào hoặc thanh chắn cao ít nhất 75 cm, chấn song dọc với khoảng cách các song không quá 15 cm.
  • Đảm bảo bậc thềm, cầu thang đủ ánh sáng, dễ đi.
  • Mẹ nên dạy bé không xô đẩy, không leo trèo và cho bé biết các nguy cơ cũng như hậu quả có thể xảy ra khi té ngã. Hãy hướng dẫn bé những kỹ năng phòng tránh khi đi vào những nơi dễ ngã như nhà tắm, sàn nhà trơn, cầu thang.
  • Giáo dục bé tránh các trò chơi nguy hiểm như nhảy từ trên cao, thả diều trên sân thượng, lòng đường.
  • Không để sàn nhà trong tình trạng ẩm ướt, trơn trượt.
  • Không để bé dưới 10 tuổi trông bé dưới 3 tuổi.

Sau khi ngã, ở đầu bé có thể nổi lên cục bướu rất to. Hãy tiến hành chườm lạnh chỗ này trong vòng 20 phút. Nếu cần, sau khi nghỉ 5 phút có thể chườm thêm 20 phút nữa. Hãy kiên trì, rồi bạn sẽ thấy cục bướu nhỏ đi. Giữ bé ngồi yên để chườm là điều rất khó nhưng bạn nên cố gắng. Đôi lúc, sau khi lành, bướu có thể để lại tổ chức vôi hóa dưới da to bằng hạt đậu. Chườm lạnh có thể giúp ngăn ngừa hiện tượng này.

Nếu bé tỉnh táo, đi lại, nói năng, chơi đùa bình thường như trước khi bị ngã thì chỉ cần chườm lạnh và theo dõi. Giữ bé thức trong vòng ít nhất là 1 giờ đầu. Sau đó cho bé ngủ một chút nhưng không quá 20 phút.

Cần đưa bé đi khám bác sĩ nếu thấy xuất hiện các biểu hiện nghi ngờ chấn thương sọ não. Nếu trẻ đau nhiều hoặc đau khi cử động, tay chân bị bầm tím, thì cần lưu ý có thể trẻ bị bong gân hay gãy xương. Nếu trẻ than đau nhiều ở vùng bị chấn thương khi ấn tay vào vết thương, vết thương bị sưng và sau đó bầm tím, cử động khó khăn vùng bị chấn thương, hoặc chân hay tay trẻ có thể bị cong một cách kỳ lạ thì nên đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để được kiểm tra và xử trí kịp thời.

Trên đây là các biện pháp phòng ngừa và xử trí khi bé té ngã. Quan trọng nhất vẫn là thái độ cảnh giác, cẩn trọng và nhận thức các nguy cơ của bố mẹ cũng như có biện pháp giáo dục tốt giúp bé tự giác bảo vệ chính mình. Chúc cả nhà luôn vui khỏe và hạnh phúc nhé.

BS Hồ Thị Nam Huế

Trung tâm Dinh dưỡng Vinamilk