Thông Tin Dinh Dưỡng

LƯU Ý GÌ KHI TẬP ĂN DẶM CHO BÉ

Ngày đăng:

06/10/2016

Độ tuổi nào thích hợp cho việc ăn dặm? Chế độ ăn ra sao mới tốt nhất cho sự phát triển của bé? Làm thế nào để bé không biếng ăn và có thể hấp thu tốt dinh dưỡng có trong bữa ăn hằng ngày? Đó hẳn là những trăn trở, băn khoăn của các bậc phụ huynh trong những năm tháng đầu đời của trẻ. Bài viết dưới đây ngoài chia sẻ thông tin về chế độ ăn dặm là những bí quyết nhỏ giúp các ông bố bà mẹ tự tin hơn khi chăm sóc trẻ trong thời kì bắt đầu ăn dặm nhé.

Khi nào mẹ nên cho bé ăn dặm?

Nguyên tắc cơ bản trước khi cho bé bắt đầu ăn dặm chính là phải cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu vì trong sữa mẹ có chứa sữa non (cholostrum) để tăng sức đề kháng và giúp trẻ phát triển khỏe mạnh […]. Tuy nhiên, trong trường hợp mẹ gặp khó khăn khi nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong giai đoạn này vì những lí do đặc biệt thì nên đến cơ sở y tế để nhận được hướng dẫn từ thầy thuốc và nhân viên y tế.

Theo khuyến cáo từ các bác sĩ, 6 tháng tuổi là thời điểm thích hợp và an toàn nhất cho bé ăn dặm. Lúc này, hệ tiêu hóa của trẻ gần như hoàn thiện, đủ men tiêu hóa và hệ miễn dịch để thích với các loại thực phẩm khác nhau. Bé cũng gần biết cách sử dụng miệng, răng và lưỡi để nhai, nuốt thức ăn dù vẫn còn hơi lúng túng. Nếu cho bé ăn sớm hơn, khả năng bé bị rối loạn tiêu hóa, kém hấp thu dưỡng chất hoặc suy dinh dưỡng, hay nôn ói, nghẹn thức ăn là khó tránh khỏi.

Tuy đã bắt đầu ăn dặm nhưng sữa mẹ vẫn là nguồn cung cấp dưỡng chất chủ yếu cho bé đến 24 tháng tuổi. Biết cách kết hợp khoa học giữa sữa mẹ và ăn dặm sẽ giúp các mẹ có được một chế độ dinh dưỡng cân bằng và hợp lý, có đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng, đáp ứng quá trình phát triển toàn diện của bé.


6 tháng tuổi là thời điểm thích hợp cho bé ăn dặm đấy mẹ ơi

6 tháng tuổi là thời điểm thích hợp cho bé ăn dặm đấy mẹ ơi

Bữa ăn dặm cho trẻ cần phải có những gì?

Bữa ăn dặm lý tưởng cho trẻ bé cần có đủ các dưỡng chất thiết yếu (bột đường, đạm, béo, khoáng chất và vitamin) cho nhu cầu phát triển toàn diện thể chất và trí tuệ. Chất béo (dầu, mỡ) không thể thiếu, vừa cung cấp vừa giúp cơ thể dễ hấp thu các dưỡng chất như DHA, ARA, các vitamim A-D-E-K…

Chế độ ăn đạng được xây dựng từ nhiều nhóm thực phẩm khác nhau với nhiều món ăn lạ mắt, hấp dẫn chắc chắn sẽ giúp bé ăn ngon miệng hơn, cũng như vui thích mỗi khi các mẹ cho ăn dặm hơn.

Các mẹ nên thường xuyên theo dõi biểu đồ tăng trưởng của bé để điều chỉnh chế độ ăn dặm phù hợp để bé có thể phát triển tốt nhất. Ngoài ra, khi bé đã lớn, ăn 3 bữa chính như người lớn chung với cả gia đình, cũng nên hạn chế muối và bột ngọt để đảm bảo sức khỏe lâu dài.

Những sai lầm khi cho bé ăn dặm

  • Cho bé ăn sớm trước 6 tháng.
  • Tự pha bột mà không đủ các nhóm thực phẩm cơ bản (chất bột đường, đạm, béo, vitamin và khoáng chất).
  • Cho thêm muối, bột ngọt vào trong chén ăn dặm.
  • Thiếu dầu mỡ.
  • Lấy nước luộc rau pha bột. Lấy nước hầm xương pha bột không đủ dưỡng chất.
  • Không tiếp tục cho bé uống sữa (sữa vẫn là nguồn dinh dưỡng chính trong giai đoạn này).
  • Không quan sát theo dõi bé trong suốt bữa ăn, đút nhanh, lượng nhiều khiến bé dễ bị mắc nghẹn.

Một số mẹo nhỏ giúp mẹ tự tin hơn khi bắt đầu tập cho bé ăn dặm

  • Trẻ con thường hiếu động và rất ghét bị ép buộc. Các mẹ đừng nên tạo áp lực bằng cách cho bé ăn quá nhiều. Khi nào bé đói và sẵn sàng ăn, bé sẽ mẹ biết ngay.
  • Chú ý các loại thực phẩm phổ biến dị ứng với trẻ sơ sinh như trứng, sữa, đậu phộng, hải sản
  • Đối với các loại bột dinh dưỡng, các mẹ chú ý pha thật loãng bằng nước ấm và có thể cho thêm một ít sữa nếu cần. Như vậy, bé sẽ được tránh táo bón cũng như một số vấn đề về tiêu hóa.
  • Không nên uống sữa thay nước. Thận của bé còn non yếu, nếu chỉ uống sữa mà không có nước sẽ gây quá tải chức năng thận, không tốt cho sức khỏe của bé về lâu dài. Trước khi bắt đầu tập cho bé ăn dặm, mẹ vẫn nên cho bé bú sữa trước để đảm bảo đủ dinh dưỡng mỗi ngày cho bé.
  • Mẹ nên nhớ trẻ con rất khác nhau. Mỗi bé có sở thích về những món ăn khác nhau, khẩu phần ít nhiều khác nhau, tốc độ ăn nhanh hay chậm cũng khác nhau.
  • Mẹ nên cho bé ăn món mới sau mỗi 3-5 ngày và nhớ để ý phản ứng của bé.
  • Những thực phẩm có thể gây dị ứng cho bé là những thành phần có trong các món ăn như trứng, sữa, hải sản, đậu phộng, đậu nành và lúa mì.
  • Mẹ nên nấu 3-4 loại rau quả riêng biệt rồi nghiền hoặc cà nát cho bé. Sau đó cất từng loại trong những túi kín khí. Mỗi túi chỉ cho đồ ăn khoảng 1/3 thể tích túi, ghi rõ tên món ăn và ngày tháng. Mỗi khi chế biến, mẹ có thể dễ dàng hơn trong việc kết hợp nhiều loại rau với nhau. Những loại rau củ to và cứng, mẹ nên cắt nhỏ để nấu nhanh hơn và nghiền dễ hơn.
  • Mẹ cần cho bé thêm thời gian để tiếp nhận một món ăn mới. Khi bé hiếu động hơn, bé có thể xao lãng việc ăn uống. Chỉ là do bé ham chơi thôi. Mẹ đừng quá lo, mọi chuyện sẽ qua nhanh thôi.

Tập cho bé ăn dặm cũng là một nghệ thuật đòi hỏi sự quan sát và kiên nhẫn. Hãy cho bé ăn vào những thời điểm bé vui vẻ nhất để bữa ăn không phải là nỗi sợ hãi của bé. Các mẹ cũng nên theo dõi kĩ lưỡng các biểu hiện của bé sau một thời gian ăn dặm để có sự điều chỉnh hợp lý, hoặc nhờ bác sĩ tư vấn nếu cần thiết. Mong rằng những chia sẻ trong bài viết này đã mang đến nhiều kiến thức bổ ích cho các mẹ trước khi bắt đầu hành trình tập ăn dặm cho bé.

BS. Nguyễn Vĩnh Hoàng Oanh

Trung tâm Dinh dưỡng Vinamilk