Thông Tin Dinh Dưỡng

MÁCH MẸ CÁCH SƠ CỨU VÀ HẠN CHẾ NHỮNG TAI NẠN THƯỜNG GẶP Ở BÉ NHỎ

Ngày đăng:

21/11/2016

Giai đoạn 1 – 2 tuổi là thời gian bé cực kỳ hiếu động và chưa ý thức được các nguy hiểm xung quanh mình nên tai nạn có thể xảy ra với các bé bất cứ lúc nào. Vì vậy, mẹ cần cảnh giác đến những nguy cơ tiềm ẩn có thể làm tổn thương bé, đồng thời học cách sơ cứu khi bé bị thương trong lúc vận động.

Bé ở tuổi biết đi rất dễ gặp tai nạn do hiếu động và chưa có ý thức bảo vệ mình

Bé ở tuổi biết đi rất dễ gặp tai nạn do hiếu động và chưa có ý thức bảo vệ mình

Cách sơ cứu những tai nạn thường gặp ở bé

+ Tai nạn khi bé uống nhầm hóa chất, thuốc

Tai nạn xảy ra do các bé uống nhầm phải thuốc diệt côn trùng, chất tẩy rửa, mỹ phẩm, thuốc. Hàng năm, tỉ lệ các bé tử vong do ngộ độc hóa chất thường ở mức cao. Vì vậy, bố mẹ cần phát hiện kịp thời và sơ cứu đúng cách cho bé. Khi uống nhầm thuốc, bé sẽ có các biểu hiện lên cơn ho sặc sụa, cơ thể tím tái, hơi thở có mùi hóa chất, nôn mửa, đau bụng, tụt huyết áp, trụy tim mạch, co giật hôn mê, thậm chí bị bỏng quanh vùng miệng do bị chất độc ăn mòn.

Các bước sơ cứu:

  • Các chất bay hơi axit, xăng dầu, chất tẩy rửa:
  • Tuyệt đối không bắt bé nôn ra ngay. Khi bé nôn, tuy hóa chất được đưa ra ngoài nhưng đồng thời, hơi hóa chất có cơ hội tràn vào khí quản lần nữa làm tăng mức độ ngộ độc, gây bỏng thực quản, khiến bé dễ mắc các bệnh viêm phổi.
  • Mẹ cho bé uống vài ngụm nước lọc, uống từ từ khỏi sặc.
  • Mẹ đưa ngay bé đến bệnh viện để được cấp cứu kịp thời.
  • Các thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu:
  • Cho bé uống nước và nhanh chóng gây nôn cho bé càng sớm càng tốt bằng cách móc họng cho bé. Khi nôn, để đầu bé thấp tránh sặc vào phổi hoặc đặt bé nằm nghiêng tránh chất nôn, dịch tiết hay nước chảy vào khí quản gây tắc thở.
  • Đưa bé đến bệnh viện nơi gần nhất để được cấp cứu kịp thời
  • Các thuốc khác:
  • Giữ bé ở tư thế ngồi hoặc đứng để các chất trong dạ dày không trào lên thực quản, không được đặt bé ở tư thế nằm.
  • Không nên gây nôn trong trường hợp bé hôn mê, co giật. Nếu bé còn tỉnh, bất kể bé đã uống nhầm loại gì, mẹ cần nhanh chóng làm cho bé nôn ra hết thuốc bằng cách móc họng cho bé. Cần khéo léo, tránh làm xây xát họng của bé.
  • Mẹ cho bé uống nhiều nước ấm rồi lại tiếp tục móc họng gây nôn nhằm rửa sạch dạ dày, giải độc ra khỏi cơ thể, giảm bớt tác hại của thuốc.
  • Đưa bé đến bệnh viện nơi gần nhất để được cấp cứu kịp thời. Mẹ nhớ mang theo vỏ/ vỉ thuốc mà bé đã uống nhầm để bác sĩ kiểm tra, theo dõi.

+ Tai nạn khi bé bị bỏng

Nguyên nhân: do vô tình va vào chậu nước nóng hay chảo mỡ nóng khi mẹ làm bếp, thậm chí sờ vào ổ điện bị giật…

Vùng da bị bỏng của bé có các dấu hiệu theo cấp độ như sau:

Bỏng độ 1: Vùng da bỏng có màu đỏ, đau rát như bị cháy nắng

Bỏng độ 2: Xuất hiện các nốt phồng chứa mọng nước. Nếu bỏng nặng, bé dễ bị choáng, nhiễm trùng máu, uốn ván, suy nhược toàn thân.

Bỏng độ 3: Vết bỏng ngấm sâu vào bên trong, qua lớp da đến lớp cơ, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của bé.

Các bước sơ cứu:

  • Khi bé bị bỏng nhẹ, nhanh chóng ngâm chỗ bỏng của bé vào nước, dội nước lã sạch để hạ nhiệt độ chỗ bỏng, làm dịu cơn đau.
  • Bôi thuốc trị bỏng
  • Trong trường hợp bé bị bỏng ở mắt, miệng hay bộ phận sinh dục, dù chỉ bỏng nhẹ, phải ngay lập tức đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất.

Lưu ý: Mẹ không được chọc vỡ các nốt phồng rộp hoặc tự gỡ những thứ bị dính trên vết bỏng mà nên đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để xử lý

+ Tai nạn khi bé bị điện giật

Nguyên nhân: Do bé vô tình chạm phải đường dây điện hở hay ổ điện ở những vị trí thấp mà bé với tới được. khi bị điện giật, bé có thể bị bỏng hay nặng hơn là ngừng hô hấp.

Các bước sơ cứu:

  • Giữ vững tâm lý, nhờ sự giúp đỡ của những người xung quanh.
  • Ngắt nguồn điện nơi mà bé bị điện giật. Nếu không ngắt được điện, mẹ cần đứng trên vật khô cách điện, sau đó dùng cán chổi, cành cây khô, ghế đẩu đẩy tay chân của bé bị điện giật ra khỏi nguồn điện.
  • Nếu bé còn tỉnh, mẹ hãy an ủi, vỗ về bé để bé yên tâm, không bị hoảng sợ. Nếu bé bất tỉnh, mẹ cần kiểm tra nhịp thở, mạch đập và tiến hành cấp cứu thổi ngạt, ép tim ngoài lồng ngực cho bé theo bước sau:

+ Không để nhiều người đứng ngồi quanh đó vì như vậy sẽ khiến bé thiếu oxy để thở.

+ Ép tim: Đặt bé lên nền cứng, nới lỏng quần áo và các đồ cản trở hô hấp trên người bé, vỗ mạnh 3 – 4 cái vùng ngực

+ Hà hơi thổi ngạt cho bé: quỳ hoặc đứng bên trái ngang đầu bé. Bàn tay trái đặt sau gáy, nâng nhẹ cổ và mở miệng bé ra. Bàn tay phải đặt ở trán làm ngửa đầu, ngón cái và ngón trỏ bịt mũi bé. Ngẩng đầu hít một hơi thật sâu, cúi đầu áp miệng của mẹ sát miệng bé sao cho không có kẽ hở đồng thời mắt nhìn ngực bé. Dùng sức hà hơi trong phổi mình vào miệng bé tới khi ngực của bé nhấp nhô lên. Sau đó, ngẩng đầu lên hít sâu một hơi để hà hơi tiếp theo. Thổi khoảng 5 lần liên tiếp.

+ Những lần sau, cứ hà hơi 1 lần lại ép tim 5 lần. Không nên thổi quá mạnh làm vỡ phổi của bé.

  • Đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất

+ Tai nạn khi bé bị dập ngón tay, ngón chân

Các bước sơ cứu:

  • Nâng cao vùng bị tổn thương và phù nề. Trong vòng 48 giờ, nếu bé bị dập ngón tay, ngón chân, hãy cho bé ngồi ở tư thế thật thoải mái. Dùng chăn hoặc gối kê cao bàn tay hoặc bàn chân bị thương của bé.
  • Chườm đá: gói vài cục đá vào trong chiếc khăn mặt hoặc túi ni lông chườm lên vùng bị tổn thương để tan vết tím bầm, giảm sưng tấy, phù nề trong vòng 15 – 20 phút.
  • xoa dịu cơn đau của bé bằng cách kể chuyện cười, cho bé xem phim hoạt hình, nghe ca nhạc để bé quên đi.
  • Mẹ để ý và quan sát bé trong vài giờ đồng hồ xem tay chân bị chấn thương có bị sưng, biến dạng, cong lệch, đau đớn nghĩa là có nguy cơ bị gãy xương không. Đưa bé đến bệnh viện để chụp chiếu X – Quang và kiểm tra sức khỏe của bé.

+ Tai nạn khi bé bị các vật sắc nhọn đâm

Các bước sơ cứu:

  • Mẹ không nên cố lấy ra khi vật cắm sâu vào da thịt bé, tránh làm các vật sắc nhọn đó cắm sâu vào da thịt, vết thương sẽ đau hơn.
  • Rửa vết thương bằng oxy già, nước muối sinh lý hoặc nước muối sạch để tránh nhiễm trùng hay sưng tấy.
  • Sau khi rửa sạch vết thương xong, mẹ cần băng bó vết thương của bé vào để cầm máu cho bé, tránh tình trạng để máu chảy ra quá nhiều.
  • Đưa bé đến trạm y tế nơi gần nhất để các y tá và bác sĩ lấy vật sắc nhọn ra khỏi cơ thể của bé

Lưu ý: Với các vật sắc nhọn bị gỉ hay bị bẩn dễ gây uốn ván, nhiễm trùng nặng, mẹ nên đưa bé đi tiêm phòng.

Cách hạn chế tai nạn cho bé

+ Trong nhà

  • Loại bỏ các đồ vật có thể gây thương tích cho bé như: bọc bàn ghế có góc cạnh, sắc bén
  • Để xa tầm với của bé đối với vật nhỏ như hạt đậu, hòn bi, mảnh vụn của các vật dụng… để bé không bỏ vào miệng.
  • Bàn ghế phải được kê chắc chắn, tránh đổ ngã khi bé xô, vịn để tập đi hay nô đùa
  • Khu vực cầu thang nên có cửa chặn để tránh bé leo trèo, ngã
  • Cố gắng tạo cho bé sân chơi riêng, không bước vào khu vực nguy hiểm như nhà bếp, phòng tắm khi bố mẹ thiếu quan sát.
  • Hệ thống điện, đồ điện tử nên để xa tầm tay bé và bọc các thiết bị an toàn

+ Ngoài trời

  • Đảm bảo mặt bằng sân chơi tốt, xem xét mức độ vệ sinh và tìm kiếm các dị vật ẩn chứa nguy cơ gây nguy hiểm cho bé như gạch đá, gậy, các vật sắc nhọn.
  • Nếu ở công viên, không để bé dẫm trên các bãi cỏ trồng vừa không tốt cho cây cối vừa tránh nguy cơ bị côn trùng cắn hoặc kim tiêm. Mẹ nên cho bé chơi ở công viên có bãi cỏ nhân tạo, được bảo vệ và vệ sinh hàng ngày.
  • Khi cho bé vui chơi dưới nước, chú ý đến nguồn nước, mực nước và kiểm tra kỹ dưới đáy bể có dị vật sắc nhọn, có nguy cơ gây ảnh hưởng sức khỏe của bé không và luôn giám sát bé. Bố mẹ có thể chọn mua một chiếc bể bơi để bé vui chơi an toàn, khỏe mạnh.
  • Nhắc nhở, hướng dẫn bé cách chơi đồ chơi sao cho an toàn, đặt biệt là những trò chơi vận động mạnh tại các sân chơi ngoài trời như cầu trượt, xích đu, nhà banh…. Đồng thời, kiểm tra xung quanh khu vực chơi, đảm bảo món đồ chơi có kiên cố, an toàn khi bé nô đùa.

Hy vọng bài viết trên đây sẽ giúp ích cho mẹ trong việc hạn chế các tai nạn xảy ra cho bé, đồng thời giúp mẹ biết cách sơ cứu cho bé khi có tai nạn không may xảy ra. Chúc bé yêu của mẹ sẽ có những giờ phút vui chơi thật hào hứng và an toàn nhé!

PGS TS BCCC. Trần Đình Toán

Trung tâm Dinh dưỡng Vinamilk