Thông Tin Dinh Dưỡng

MÁCH MẸ CÁCH PHÒNG CHỐNG CÁC BỆNH THEO MÙA CHO BÉ YÊU

Ngày đăng:

06/10/2016

Tùy thời điểm, các bé thường mắc phải các bệnh khác nhau do thời tiết thay đổi hoặc virus sản sinh. Hãy tham khảo bài viết dưới đây, mẹ sẽ có thêm thông tin về các loại bệnh bé thường mắc phải, từ đó chăm sóc bé tốt hơn.

Các bệnh thường gặp theo mùa

+ Viêm đường hô hấp

  • Viêm đường hô hấp không phải là một bệnh mà là một tổ hợp bệnh bao gồm: cảm lạnh, viêm mũi họng, viêm họng, viêm thanh quản.
  • Những triệu chứng chủ yếu bao gồm: sốt cao, hắt hơi, sổ mũi, ngạt mũi, đau rát họng, ho, khàn tiếng, lạc tiếng, giọng mũi, khản đặc có khi mất tiếng, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ khớp…
  • Cách phòng ngừa viêm đường hô hấp:
    • Thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý.
    • Cho bé uống nhiều nước hơn, ăn đủ chất dinh dưỡng, tăng cường rau xanh và hoa quả để tăng sức đề kháng
    • Cho bé đi tiêm chủng đầy đủ theo chương trình tiêm chủng Quốc gia.
    • Giữ vệ sinh sạch sẽ cho bé, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý.
    • Luôn giữ ấm cho bé khi thời tiết thay đổi, nhất là các vị trí quan trọng như bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu. Không mặc quá ấm khi thời tiết ấm lên.
    • Tránh nhiễm lạnh cho trẻ bằng cách không cho trẻ ăn uống đồ quá lạnh, ăn kem, uống nước đá…
    • Không hút thuốc lá và giữ nhà cửa luôn thông thoáng, sạch sẽ.
    • Hạn chế đưa bé đến nơi đông người trong mùa dịch bệnh.

+ Bệnh tay – chân – miệng

  • Bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm cấp tính lây từ người sang người do virus đường ruột gây nên , thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi .Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hóa. Nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh.
  • Biểu hiện của bệnh:
  • Trẻ sốt nhẹ( có thể sốt cao), mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày.
  • Biểu hiện chính là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí đặc biệt như niêm mạc miệng , lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông , gối .
  • Thường trẻ phục hồi hoàn toàn sau 7-10 ngày nếu không có biến chứng
  • Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não- màng não, viêm cơ tim nếu không phát hiện sớm và xử trí kịp thời.
  • Chăm sóc và điều trị: Nếu bé chỉ sốt nhẹ , loét miệng và tổn thương da thì điều trị ngoại trú tại nhà và theo dõi tại y tế cơ sở:
    • Cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho bé, thức ăn nên nấu mềm, dễ tiêu hóa, tăng cường uống thêm nước, sữa …
    • Dùng paracetamol hạ sốt giảm đau khi sốt cao kết hợp với lau mát cho trẻ.
    • Vệ sinh răng miệng hàng ngày
    • Dùng dung dịch sát khuẩn da các vết loét.
    • Tái khám mỗi 1-2 ngày /lần trong giai đoạn bé bệnh.
    • Đưa bé đến ngay cơ sở y tế khi có cách dấu hiệu như sốt cao, li bì, khó thở,nôn.
  • Cách phòng tránh:
    • Mẹ chú ý rửa tay thường xuyên với xà phòng trước khi chuẩn bị thức ăn và ăn uống, trước khi cho bé ăn, sau khi sử dụng nhà vệ sinh và sau khi thay tã cho bé, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với các bọng nước
    • Làm sạch môi trường bị ô nhiễm và các vật dụng bẩn (bao gồm cả đồ chơi) với xà phòng và nước, sau đó khử trùng bằng các chất tẩy rửa thông thường;
    • Tránh cho bé tiếp xúc gần (ôm, hôn, dùng chung đồ dùng…) với bé bị bệnh tay chân miệng khác
    • Nếu bé đang bị bệnh, không cho bé đến những nơi đông người cho tới khi khỏe hẳn
    • Dạy bé che miệng và mũi khi hắt hơi và ho
    • Xử lý khăn giấy và tã lót đã dùng đúng cách
    • Luôn lau dọn nhà cửa, nhà bé, trường học sạch sẽ.

+ Bệnh thủy đậu

  • Thủy đậu là bệnh lây nhiễm do siêu vi Varicella Zoster Virus (VZV) gây ra. Bệnh kéo dài khoảng 7 – 10 ngày, trong đó, thời gian nung bệnh hay ủ bệnh tính từ lúc nhiễm siêu vi đến lúc phát ra bệnh khoảng 2 -3 tuần.
  • Điều trị và chăm sóc khi bé bị thủy đậu :
    • Cách ly bé với những người khác cho đến khi các nốt phỏng nước khô hoàn toàn. Tất cả đồ dùng cá nhân của bé phải dùng riêng.
    • Vệ sinh, chăm sóc bé:
      • Rửa tay và cắt ngắn móng tay cho bé.
      • Vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý .
      • Bé nhỏ phải cho mang bao tay để tránh cào gãi vào các nốt thủy đậu.
      • Thay khăn trải giường sạch và giữ phòng bé được thông thoáng.
      • Cho bé mặc quần áo rộng và thoải mái làm bằng cotton hoặc sợi tự nhiên để tránh gây kích ứng da và ra nhiều mồ hôi.
      • Dùng nước ấm và khăn mềm thấm nước ấm lau người cho bé, lau rửa nhẹ nhàng, tránh làm trợt các nốt thủy đậu. Sau đó, dùng khăn xô thấm khô người và mặc quần áo cho bé.
      • Dùng dung dịch Milian chấm lên các nốt phỏng nước đã vỡ.
      • Cần cho bé ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa như cháo, súp
      • Cho bé uống nhiều nước như nước lọc, nước canh và ăn thêm hoa quả bổ sung vitamin như cam, chuối…, uống thêm sữa để tăng cường dinh dưỡng.
    • Đưa bé đến bác sĩ để khám và có chỉ định điều trị phù hợp.
  • Cách phòng tránh an toàn và hiệu quả nhất là: Tiêm vắc xin phòng thủy đậu cho bé, nên tiêm trước mùa dịch ít nhất một tháng, bởi vắc xin thủy đậu cần 2-3 tuần để phát huy tác dụng.

+ Sốt siêu vi

  • Triệu chứng bé bị sốt virus:
    • Sốt cao, thường từ 38-39 độ, thậm chí 40-41 độ C.
    • Có các biểu hiện viêm long đường hô hấp như ho, chảy nước mũi, hắt hơi, họng đỏ…
    • Rối loạn tiêu hóa
    • Viêm hạch, đặc biệt là các hạch vùng đầu, mặt, cổ thường sưng to, đau có thể nhìn hoặc sờ thấy.
    • Phát ban sau khi sốt 2-3 ngày, khi xuất hiện ban thì sẽ đỡ sốt.
    • Kết mạc mắt có thể đỏ, có dử mắt, chảy nước mắt.
    • Nôn nhiều lần nhưng thường sau khi ăn.
  • Cách chăm sóc bé bị sốt:
    • Để bé nằm ở nơi thoáng khí, không có gió lùa và hạn chế nhiều người vây quanh bé.
    • Cho bé mặc quần áo thoáng hoặc cởi bớt quần áo của bé.
    • Thường xuyên theo dõi thân nhiệt và cho bé uống nhiều nước.
    • Cho bé dùng thêm thuốc hạ sốt nếu sốt cao.
    • Lau mát cho bé bằng nước ấm có nhiệt độ thấp hơn 2 độ C so với thân nhiệt bé. Tuyệt đối không dùng nước lạnh, cồn hay dấm để lau cho bé.
    • Nếu trong trường hợp bé buồn nôn không uống được thuốc, có thể dùng viên đạn nhét hậu môn. Sau đó, đưa bé đến khám tại cơ sở y tế gần nhất.
  • Phòng tránh cho bé:
    • Vệ sinh sạch sẽ cho bé, nhỏ mắt, mũi bằng natriclorid 0,9%, tránh bội nhiễm vi khuẩn đường hô hấp.
    • chú ý chế độ dinh dưỡng cân bằng và đủ chất giúp bé tăng sức đề kháng.
    • Không để bé ở lâu trong thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh.

+ Bệnh tiêu chảy

  • Tiêu chảy là bệnh thường gặp ở các bé với triệu chứng chính là đi ngoài phân lỏng hơn 3 lần 1 ngày kèm theo các hiện tượng khác như đau bụng, ói mửa, buồn nôn, đau khi đi ngoài.
  • Chăm sóc và điều trị:
    • Cho bé uống nhiều nước hơn bình thường. Có thể bù nước cho bé bằng đường uống bằng bất cứ loại nước uống nào mà bé thích uống như nước súp, nước cơm, nước cháo, nước dừa, nước hoa quả tươi không đường, nước chín để nguội. Tuyệt đối không cho bé uống những loại nước ngọt hoặc có ga.
    • Tiếp tục cho bé ăn đủ chất dinh dưỡng cần thiết. Khẩu phần ăn hàng ngày nên tiếp tục duy trì bằng những loại thức ăn mềm, lỏng, giàu dinh dưỡng, giúp dễ tiêu mà mau lành bệnh. Nên chia làm nhiều bữa nhỏ hơn giúp bé có thể nhận đủ lượng thức ăn cần thiết. Sau khi hết tiêu chảy nên cho bé ăn nhiều hơn để bé hồi phục dinh dưỡng sau khi bị bệnh.
    • Bổ sung cho bé lượng kẽm cần thiết theo tư vấn hoặc chỉ định của bác sĩ.
    • Cho bé sử dụng kháng sinh để điều trị những trường hợp tiêu chảy do nhiễm vi khuẩn theo đúng chỉ định của bác sĩ.
    • Theo dõi sát diễn biến bệnh tiêu chảy của bé và cần đưa bé đến cơ sở y tế nếu có các biểu hiện: bỏ ăn, sốt cao liên tục 39 – 40 độ, khát nước nhiều, đi phân có máu, lừ đừ, mệt mỏi, nôn ói quá nhiều.
  • Các biện pháp phòng ngừa:
    • Rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh rửa ráy cho bé.
    • Đảm bảo vệ sinh ăn uống, thực phẩm an toàn sạch sẽ, nấu chín.
    • Sử dụng nguồn nước sạch.
    • Phân được xử lý an toàn.
    • Cho bé bú sữa mẹ và ăn bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, phòng suy dinh dưỡng.
    • Tiêm chủng phòng sởi, vacxin phòng tiêu chảy cho bé

+ Bệnh quai bị hay còn gọi là bệnh viêm tuyến mang tai do virut quai bị

  • Bệnh do vi rút Paramyxovirut là một bệnh truyền nhiễm cấp tính thường phát vào mùa đông xuân. Bệnh lây lan chủ yếu qua đường hô hấp do nước bọt bị nhiễm trùng khi người bệnh nói chuyện, ho hoặc hắt hơi. Bệnh tuy lành tính nhưng có khả năng gây biến chứng viêm tinh hoàn ở nam và viêm buồng trứng ở nữ có thể gây vô sinh ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
  • Về triệu chứng, bé sốt 38 – 39 độ C, nhức đầu, mệt mỏi, ăn ngủ kém; đau họng, đau góc hàm, sưng tuyến mang tai 1 hoặc 2 bên nhưng da trên vùng sưng không nóng và không xung huyết( khác với viêm tuyến mang tai do vi khuẩn).
  • Chăm sóc và điều trị:
    • Nghỉ ngơi là chủ yếu, hạn chế tối đa trẻ vận động, không cho trẻ chạy nhảy, leo trèo…
    • Chọn thức ăn mềm, dễ nuốt, nhiều chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho cơ thể bé
    • Nếu bé sốt hoặc quá đau, có thể cho bé uống thuốc giảm sốt.
    • Cho bé uống nhiều nước
    • Không nên cho bé mắc bệnh đến trường, các khu vực vui chơi công cộng vì có thể lây bệnh cho những bạn khác.
    • Vệ sinh cá nhân và tẩy uế sát trùng các chất dịch tiết ra, tránh tự ý bôi hoặc đắp, phun những loại thuốc dân gian ở tuyến mang tai đề phòng nhiễm độc.

46 - 321 - Các bệnh theo mùa_rs

Bệnh quai bị có thể phòng ngừa bằng cách tiêm chủng vaccine

+ Viêm kết mạc mắt

  • Bệnh này còn được gọi là bệnh đau mắt đỏ. Khi mắc bệnh bé thường có biếu hiện mắt đỏ, cộm, ngứa, có nhiều dử mắt, mi mắt sưng nề, mọng, đau nhức, chảy nước mắt. Bệnh lây lan nhanh khi bé tiếp xúc với bụi bẩn ở tay, quần áo, khăn tắm.
  • Chăm sóc và điều trị:
    • Dùng thuốc nhỏ mắt theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý mua thuốc dùng cho bé.
    • Không dùng các loại lá để đắp lên mắt
    • Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng,không dùng tay dụi mắt.
    • Rửa mắt hàng ngày bằng nước muối sinh lý (nước muối 0,9%), ngày ít nhất 3 lần vào các buổi sáng, trưa, tối.
    • Dùng khăn sạch và thay hàng ngày.
    • Thay đổi gối thường xuyên
    • Nếu bệnh có chuyển biến nặng thì nên đưa bé tới các cơ sở y tế để được tư vấn.

Trên đây là những cách giúp mẹ phòng tránh các bệnh thường gặp theo mùa cho bé. Cách phòng bệnh tốt nhất là giúp bé tăng cường sức đề kháng bằng chế độ dinh dưỡng khoa học và vận động thể chất phù hợp. Bên cạnh đó, mẹ nên chọn cho bé loại sữa được bổ sung các có các dưỡng chất cần thiết cho bé như Dielac Alpha với DHA, ARA, Lutein, Taurine và sữa non Cholostrum giúp bé phát triển toàn diện. Chúc bé của mẹ luôn vui khỏe nhé!

BS. Hồ Thị Nam Huế

Trung tâm Dinh dưỡng Vinamilk