Thông Tin Dinh Dưỡng

MÁCH MẸ CÁCH PHÒNG TRÁNH CÁC BỆNH THƯỜNG GẶP Ở BÉ DƯỚI 6 THÁNG TUỔI

Ngày đăng:

20/11/2016

Vì bé dưới 6 tháng tuổi vẫn chưa thể nói với mẹ mỗi khi mình cảm thấy đau hay khó chịu. Nên để có thể chăm sóc bé thật tốt, ngoài những cách chăm sóc bé đúng, chế độ dinh dưỡng hợp lý mẹ cũng cần biết rõ các chứng bệnh bé dưới 6 tháng tuổi dễ mắc phải để kịp thời hỗ trợ bé và nhận định đúng mình cần làm gì và khi nào cần hỏi ý kiến bác sĩ. Dưới đây là những căn bệnh mẹ có thể gặp ở bé trong quá trình chăm con.

Bệnh về đường tiêu hóa

+ Chứng trào ngược dạ dày thực quản

  • Trào ngược dạ dày thực quản (GER: Gastroeosophageal Reflux) được định nghĩa như là luồng trào ngược những chất chứa trong dạ dày vào thực quản và thường kèm theo trớ (regurgitation).
  • Ở trẻ em và trẻ nhỏ, GER như là một rối loạn cơ nặng về vận động vì không có nguyên nhân tiên phát về cơ học, nhiễm trùng, viêm hay hoá chất
  • Triệu chứng có thể khác nhau tùy vào độ tuổi:

2

  • Những triệu chứng ở đường tiêu hóa:
    • Nôn: 85% trẻ nôn mữa trong tuần lễ đầu của cuộc sống, 10% vào tuần lễ thứ 6. Triệu chứng tự giảm vào khoảng 60% trường hợp vào năm thứ hai nên không cần điều trị mà chỉ để trẻ ở tư thế thẳng đứng và cho ăn chất cứng, nhưng triệu chứng vẫn có thể tiếp tục cho đến lúc trẻ đựơc 4 tuổi. Nôn nhiều và sớm, ½ giờ hoặc 1 giờ sau khi bú, chậm làm vơi dạ dày và thỉnh thoảng nôn mữ a dữ dội do co thắt môn vị.
    • Viêm thực quản: Biểu hiện quan trọng của viêm thực quản là xuất huyết, máu ẩn trong phân thường gặp, nôn ra máu gặp trong một số ít bệnh nhân, nhưng tiêu ra máu hiếm gặp. Thiếu máu thiếu sắt thường gặp ở những trẻ bị viêm thực quản trầm trọng. Đau ở trên xương ức ít gặp, nhưng nuốt khó làm trẻ khó chịu và chán ăn gặp trong giai đoạn bệnh tiến triển dữ dội do co thắt môn vị.
    • Chậm phát triển: chiếm 2/3 trường hợp.
  • Trào ngược dạ dày – thực quản gây bệnh lý hô hấp theo 2 cơ chế:
    • Cơ chế hít phải: khi hít phải dịch acid sẽ xảy ra phản xạ co thắt phế quản và kích thích cảm thụ ở phế quản, hủy hoại chất surfactant, xẹp phổi, tăng tính thấm mao mạch phổi, phù nề phế nang, co thắt động mạch phổi.
    • Cơ chế phản xạ: dịch trào ngược gây ra co thắt phế quản. Ở trẻ sơ sinh, dịch trào ngược truyền HCl vào phần giữa thực quản có thể gây nên ngừng thở do co thắt và chậm nhịp tim. Sự co thắt này có thể do can thiệp của dây X, tạo thành cơ chế dây X – thực quản – phế quản.
  • Những biểu hiện ở đường hô hấp trên: tắc nghẽn mũi họng mãn tính, viêm thanh quản tái diễn. Trào ngược cũng gây nên co thắt thanh quản, ngưng thở, chậm nhịp tim nhưng hiếm gặp. Mối liên quan giữa trào ngược và hội chứng đột tử (SIDS) ở trẻ em đang còn bàn cãi. Viêm xoang, viêm tai giữa tái diễn, đau tai. Chứng khó phát âm và dị cảm ở họng.
  • Những biểu hiện ở đường hô hấp dưới: biểu hiện rõ ở những trẻ từ 3-15 tháng tuổi với ho kéo dài về đêm, ho có tính chất co thắt. Thỉnh thoảng xuất hiện cơn khó thở về đêm. Viêm phế quản tắc nghẽn mà triệu chứng là khò khè xuất hiện 1-3 giờ sau khi ngủ. Có thể có sò sè quanh năm. Viêm phổi tái diễn đặc biệt là ở thùy giữa. Viêm phổi do hít chiếm khoảng 1/3 trường hợp. Hen không do dị ứng nhưng do trào ngược dạ dày – thực quản gây ra và khỏi hoàn toàn sau khi điều trị chống trào ngược.
  • Những biểu hiện cấp tính ở trẻ bú mẹ: những biểu hiện này bao gồm cơn ngừng thở và tình trạng khó thở nặng, thường gặp ở trẻ 1-6 tháng tuổi và có tính chất kịch phát bao gồm:
    • Những cơn tím tái đột ngột hoặc giảm trương lực cơ, đôi khi có co giật.
    • Những cơn ngạt và suy hô hấp.
    • Những cơn ngưng thở kèm theo mất tri giác đòi hỏi những can thiệp kích thích để cứu bệnh nhân. Những cơn khó thở ở trẻ em chiếm tỉ lệ 5,6-40%, thường xảy ra về đêm, hoặc xảy ra sớm sau khi bú, khi thay đổi tư thế. Hiệu quả của việc điều trị chống trào ngược ở bệnh nhân có cơn ngưng thở và khó thở cho thấy có liên quan đến trào ngược dạ dày – thực quản.
  • Xử trí:
  • Ở trẻ bú mẹ, liệu pháp điều trị dài ngày được thực hiện.
  • Trẻ nhỏ nên để nằm nghiêng.
  • Ở trẻ lớn nên để nằm tư thế đầu cao, tốt nhất ở tư thế nghiêng 30O.
  • Thức ăn nên có bột ngủ cốc hay thức ăn đặc. Ở trẻ lớn không nên cho uống chất có hơi vì nó dễ gây chướng bụng, không nên cho ăn mỡ, chocolat.
  • Cần tránh các biến chứng của bệnh như viêm phổi do hít vì thế cần săn sóc trẻ là điều cần thiết nhất là khi cho trẻ ăn.

+ Nôn trớ

  • Cần phân biệt giữa nôn với trớ.
    • Nôn: là hiện tượng thức ăn chứa đựng trong dạ dày hoặc ruột bị đẩy ra ngoài một cách tùy ý hay không, do sự co bóp cơ trơn dạ dày ruột kèm theo sự co thắt của các cơ vân thành bụng.
    • Trớ: luồng thức ăn trào ngược đơn thuần sau khi ăn, không có sự co thắt của các cơ vân mà căn nguyên đơn thuần thường do thực quản
  • Khi dạ dày bé nằm ngang, cơ thắt tâm vị kết nối với thực quản đóng lỏng lẻo, cơ thắt môn vị nối với tá tràng đóng kín khiến các chất trong dạ dày bé bị đẩy ngược qua miệng gọi là trớ, thường xảy ra khi bé no, hoạt động gắng sức như rướn người, thay đổi tư thế đột ngột.
  • Ngoài ra, trớ vẫn có thể xảy ra ngay cả khi bé lớn hơn, đến giai đoạn ăn dặm ở tháng thứ 6 do một số nguyên nhân sau: bé ăn nhiều, nằm ngay sau khi ăn, hệ tiêu hóa chưa đủ “cứng cáp” cho việc ăn dặm, thức ăn không phù hợp nguyên tắc ăn từ đơn giản đến phức tạp,… Đôi khi, nôn trớ còn xuất phát từ tâm lý biếng ăn của bé nên khi ăn vào lại nôn ra.
  • Mẹ nên cho bé khám bác sĩ về tiêu hóa nếu hiện tượng này diễn ra đều đặn trong thời gian dài. Còn nếu thỉnh thoảng mới xảy ra thì mẹ cũng không cần quá lo lắng, chỉ cần thay đổi chế độ ăn cho phù hợp từ dạng lỏng, đặc đến lợn cợn và miếng đúng giai đoạn phát triển của bé, không tắm cho bé hoặc cho bé đi nằm ngay sau khi ăn…
  • Đối với trẻ bú mẹ, tốt nhất cho bú nhiều lần, nghĩa là không để cho trẻ bú quá no
  • Trẻ đã được ăn dặm nên cho ăn thức ăn đặc, chia nhiều bữa trong ngày, không ăn no quá, nên cho trẻ ăn bằng thìa
  • Tư thế nằm sau bữa ăn: đối với trẻ bú mẹ sau khi cho bú, cho nằm đầu và thân cao 450 tránh tư thế nằm ngửa. Nằm nghiêng bên trái trong 10 phút để cho không khí thoát vào tá tràng, sau đó chuyển sang bên phải để cho thức ăn đi qua môn vị dễ dàng.
  • Xử trí tại ngay nơi trẻ nôn:
    • Khi trẻ nôn, đặt trẻ đầu thấp nghiêng bên để chất trong dạ dày ra ngoài không đổ ngược lại đường hô hấp gây hít sặc vào thanh, khí, phế quản.
    • Sau khi nôn nếu trẻ có nôn ra mũi, nhanh chóng làm sạch mũi bằng hút mũi trực tiếp bằng miệng hoặc bằng ống hút nối với máy hút (tại cơ sở y tế) đưa sâu vào hầu họng và sâu hơn nữa nếu cần để khia thông đường thở
    • Dấu hiệu ổn định là bé khóc to, hồng hào, trương lực cơ tốt
    • Nếu bé vẫn không khóc, tím, giảm trương lực cơ thì hút mũi tiếp, dốc ngược, vỗ lưng kích thích thở, và chuyển nhanh đến phòng cấp cứu gần nhất.

+ Táo bón

  • Chẩn đoán táo bón khi trẻ có các dấu hiệu sau: Khoảng cách giữa hai lần bài xuất phân dài hơn bình thường theo lứa tuổi lớn hơn 3 ngày; Phân rắn, nhỏ như phân dê hoặc quá to; trẻ đi ngoài khó khăn, không tự đi ngoài được, đau, són phân, kêu khóc và rất sợ đi ngoài; Kèm theo hoặc không kèm theo các triệu chứng toàn thân như đau bụng (có thể thấy bé quấy khóc, ưỡn bụng lên), lên cân chậm, chán ăn, ăn uống kém, nôn ọe; Bụng trướng, sờ có nhiều cục phân ở khung đại tràng (thường là bác sĩ mới phát hiện ra); Khám hậu môn thì tùy theo nguyên nhân táo bón thực thể hay cơ năng mà có các triệu chứng như không có phân hoặc đầy phân trong bóng trực tràng, nứt kẽ hậu môn.
  • Các bé dưới 6 tháng tuổi có thể sẽ gặp chứng táo bón. Mặc dù không hại nhiều đến bé nhưng sẽ khiến bé có cảm giác khó chịu và quấy khóc. Ngoài ra, nếu để bé bị táo bón lâu quá 3 ngày có thể dẫn đến những chứng bệnh khác về sau như bị trĩ, khả năng hấp thu dinh dưỡng của bé kém…
  • Để giảm táo bón cho bé, mẹ nên tăng cường lượng nước cho bé: qua lượng sữa , nước lọc tráng miệng sau khi bé bú bình, xoa bụng bé theo chiều kim đồng hồ quanh rốn khoảng 10 phút trước khi bú, ngày 2-3 lần, tập cho bé đi tiêu đúng giờ và theo dõi tình trạng trên, nếu không cải thiện cần cho bé khám để được xác định rõ nguyên nhân( vì ngoài chế độ dinh dưỡng còn rất nhiều nguyên nhân khác gây bón cho bé)
  • Nếu bé có kết hợp sữa mẹ, mẹ cần:
    • Tập thói quen đi cầu đúng giờ mỗi ngày 1 lần, khi mót cầu là phải đi ngay không nên nhịn.
    • Xoa bụng theo chiều kim đồng hồ ở vùng bụng từ rốn trở xuống dưới.
    • Ăn nhiều rau xanh và quả chín: chọn các loại rau có tính chất nhuận trường như rau khoai lang, mồng tơi, củ khoai lang, đu đủ, chuối, cam, bưởi…
    • Không nên ăn các loại hoa quả có vị chát: ổi, hồng xiêm, bánh kẹo, nước uống có chocolat, cà phê.
    • Uống đủ nước trung bình 1,8-2,5 lít/ngày ( nước canh, sữa, nước loc…)
    • Chọn sữa không gây táo bón: Dielac Mamma có bổ sung thêm chất xơ FOS và Inulin
    • Mẹ có thể sử dụng 1-2 hũ sữa chua mỗi ngày để giúp chống táo bón vì trong sữa chua có rất nhiều lợi khuẩn có lợi cho đường ruột, tuy nhiên bạn không nên ăn lạnh mà nên ăn sữa chua ấm bằng cách đặt hộp sữa chua ăn vào một tô nước ấm rồi ăn.

+ Tiêu chảy:

  • Tiêu chảy là đi ngoài phân lỏng hoặc tóe nước trên 3 lần/24 giờ. Trừ những trẻ bú mẹ thường đi mỗi ngày một vài lần phân nhão. Đối với trẻ này xác định tiêu chảy phải dựa vào tăng số lần hoặc tăng mức độ lỏng của phân mà các bà mẹ cho là bất thường.
  • Nếu giai đoạn này bé đã ăn dặm thì mẹ cần xem lại mình có cho bé ăn dặm sớm quá không (trước 6 tháng tuổi), thực đơn của bé có nhiều thức ăn khó tiêu, quá giàu dinh dưỡng không hay mẹ cho bé ăn nhiều so với nhu cầu? Ngoài vấn đề do thực đơn ăn dặm và thời điểm ăn dặm không phù hợp, bé có thể bị tiêu chảy do sự tấn công của vi rus, vi khuẩn từ thực phẩm không an toàn, hoặc lây nhiễm.
  • Bệnh tiêu chảy chia làm 3 loại:
    • Tiêu chảy phân lỏng cấp tính (tiêu chảy cấp): tiêu chảy không quá 14 ngày, phân lỏng tóe nước không có máu.
    • Hội chứng lỵ: Lúc đầu phân lỏng nước sau đó tiêu phân lỏng có đàm máu kèm theo mót rặn, đau quặn bụng.
    • Tiêu chảy kéo dài: Tiêu chảy trên 14 ngày phân lỏng hoặc có máu.
  • Các đường lây truyền: tác nhân gây tiêu chảy thường truyền bằng đường phân – miệng thông qua thức ăn hoặc nước uống ô nhiễm, hoặc tiếp xúc trực tiếp với phân đã nhiễm khuẩn gây bệnh.
  • Yếu tố nguy cơ gây bệnh tiêu chảy cấp:
    • Những tập quán làm tăng nguy cơ tiêu chảy:
      • Không rửa tay sau khi đi ngoài, trước khi chế biến thức ăn
      • Để trẻ bò chơi ở vùng đất bẩn có dính phân người hoặc phân gia súc
      • Không nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 4 – 6 tháng đầu
      • Tập quán cai sữa trước 1 tuổi
      • Trẻ bú bình: Bình dễ bị ô nhiễm bởi các vi khuẩn đường ruột và khó rửa sạch. Nếu trẻ bú không hết sữa trong bình thì vi khuẩn sẽ phát triển
      • Để thức ăn nấu ở nhiệt độ trong phòng: khi thức ăn đã được nấu chín và để một thời gian trước khi ăn thì rất dễ bị ô nhiễm. Ví dụ: tiếp xúc vật bẩn hay dụng cụ chứa không hợp vệ sinh. Nếu giữ thức ăn lâu ở nhiệt độ phòng thì các vi khuẩn có thể phát triển rất nhanh sau vài giờ
      • Dùng nước uống đã bị nhiễm các vi khuẩn đường ruột
      • Không xử lí phân (nhất là phân trẻ nhỏ) một cách hợp vệ sinh
    • Các yếu tố làm tăng tính cảm thụ với bệnh tiêu chảy:
      • Suy dinh dưỡng: Trẻ suy dinh dưỡng thì bị tiêu chảy kéo dài và nặng hơn, dễ bị tử vong
      • Sởi: Trẻ đang mắc bệnh sởi hay mới khởi bệnh trong vòng 4 tuần thì mắc tiêu chảy nhiều hơn do bị tổn thương hệ miễn dịch sau sởi
      • Ức chế hoặc suy giảm miễn dịch: do nhiễm virus (như sởi), HIV
    • Khi bé bị tiêu chảy, mẹ không nên tự ý mua thuốc cho bé uống mà trước hết cần đến bác sĩ thăm khám. Thông thường, chứng rối loạn tiêu hóa của bé sau một tuần điều trị mới có thể ổn định trở lại.

+ Sốt

  • Các bé dưới 6 tháng tuổi đôi khi sẽ bị sốt, thậm chí có thể sốt cao lên đến 40 độ do nhiễm siêu vi hoặc nhiểm khuẩn đường hô hấp, tiêu hóa…. Bên cạnh đó, những lúc mọc răng, rối loạn tiêu hóa, sau khi tiêm phòng… bé có thể bị sốt nhẹ khoảng từ 37 – 38 độ. Do vậy, nhà có bé dưới 6 tháng tuổi lúc nào cũng nên thủ sẵn dụng cụ đo thân nhiệt.
  • Trường hợp bé sốt dưới 38,5 độ bố mẹ có thể chườm khăn nóng tại trán, hai bên nách và hai bên bẹn, cho bé mặt đồ thoáng để giúp bé giảm sốt. Nếu sốt không giảm hoặc trường hợp bé sốt cao bố mẹ nên xin ý kiến bác sĩ trước khi dùng đến viên nhét hậu môn hoặc thuốc hạ sốt. Uống thuốc hạ sốt nhiều sẽ không tốt cho gan của bé. Đặc biệt, khi thân nhiệt của bé lên đến 40 độ là rất nguy hiểm có thể dẫn đến biến chứng như co giật, suy thận, hôn mê… và nguy cơ bại liệt thậm chí là tử vong. Vì vậy, nếu bé sốt cao bố mẹ nên đưa đến bệnh viện ngay, không nên để thân nhiệt của bé lên đến 40 độ rồi mới phát hoảng.
  • Đối với bé bị sốt, bố mẹ nên cho bé uống nhiều nước, mặt quần áo thoáng, ăn thức ăn lỏng, không nên để bé trong phòng kín.

Bệnh về đường hô hấp

+ Khò khè khi thở

Rất nhiều bé sơ sinh gặp tình trạng khò khè khi thở trong giai đoạn 3 tháng đầu đời do các dịch nhầy trong nước ối trẻ ảnh hưởng đến hô hấp của phổi. Bình thường, các dịch nhầy này sẽ được tống ra ngoài thông qua quá trình mẹ chuyển dạ sinh em bé, cơn đau đẻ ngắn hoặc sinh mổ thì dịch nhầy sẽ còn sót lại khiến bé bị khò khè. Mẹ đừng lo quá vì bé có khả năng tự khỏi. Tuy nhiên nếu mẹ sinh non thì phổi của bé chưa đủ trưởng thành ở các phế nang, cần có sự hỗ trợ của BS chuyên khoa sơ sinh.

+ Viêm đường hô hấp

Đây là bệnh thường gặp ở hầu hết các bé dưới 6 tháng tuổi. Nguyên nhân là do hệ hô hấp của bé tuy đủ khả năng hoạt động độc lập nhưng hệ miễn dịch vẫn chưa đủ hoàn thiện để giúp bé chống lại tác động từ môi trường.

Trong trường hợp bé hắt hơi, sổ mũi hoặc ho nhẹ, mẹ có thể tin tưởng để bé tự chống lại bệnh đồng thời “cổ vũ” bé bằng các thực phẩm giúp tăng cường đề kháng phù hợp với hệ tiêu hóa bé trong giai đoạn này, giúp bé thoa dầu khuynh diệp vào lòng bàn chân, mặc vớ giữ ấm trước khi đi ngủ.

Nếu mẹ thấy bệnh của bé không có dấu hiệu suy giảm thì nên mang bé đến bác sĩ để nhận lời khuyên chính xác.

+ Hắt hơi và nghẹt mũi do dị ứng

Bé có thể bị kích thích bởi các tác nhân như bụi bẩn, khói thuốc, lông động vật… dẫn đến hắt hơi và nghẹt mũi. Mẹ có thể giúp bé bằng cách dùng thuốc nhỏ mũi dung dịch natri clorua 0,9%, cho bé tránh xa các yếu tố gây kích ứng, sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng

Các bệnh ngoài da

+ Vàng da

  • Xuất hiện ở những ngày sau sinh do hồng cầu của bé bị vỡ, các sắc tố mật đươc giải phóng gây nên vàng da. Thường thì vàng da sinh lý xảy ra vào khoảng ngày thứ 4-5 và kết thúc sau ngày 9 sau khi bé chào đời. Đối với bé sinh non, hiện tượng này sẽ kéo dài hơn một chút.
  • Triệu chứng vàng da thường thấy sớm trong 10 ngày đầu sau sinh vì chức năng gan chưa hoàn chỉnh, chưa đủ khả năng chuyển hóa Bilirubin gián tiếp thành Bilirubin trực tiếp. Bilirubin là một sản phẩm chuyển hóa của hemoglobine. Khi hồng cầu bị phá hủy, Bilirubin gián tiếp ở dạng tự do trong huyết tương. Vì Bilirubin gián tiếp tan trong mỡ nên thường ngấm vào các tổ chức có nhiều chất béo như: da, niêm mạc, phủ tạng, não… Nếu lượng Bilirubin gián tiếp > 20 mg% các tế bào có thể bị phá hủy, hô hấp bị ngưng trệ → gây tổn thương thực thể, gây hậu quả nghiêm trọng, tổn thương ở não gây bệnh cảnh vàng da nhân. Gan có nhiệm vụ chống độc bằng cách chuyển Bilirubin gián tiếp hòa tan trong mỡ thành Bilirubin trực tiếp tan trong nước để đưa ra ngoài theo phân và nước tiểu.

+ Hạt kê

Bé sơ sinh có thể gặp qua hiện tượng những hạt nhỏ màu trắng đục nhô lên da ở trán, vùng mũi, gò má, bắp tay và sẽ tự động biến mất sau vài tuần lễ. Nguyên nhân là do chất bã bị tích tụ. Mẹ cần chú ý, không nên tác đông mạnh ở những vùng bé bị hạt kê.

+ Phát ban đỏ

Bên cạnh vàng da sinh lý, sau khi bé chào đời vài ngày có thể bị phát ban đỏ với những nốt nhỏ tương tự nốt muỗi chích có thể kèm theo đầu mủ trắng vàng tạo thành từng mảng ở trên mặt, tay hoặc chân bé. Mẹ không cần bận tâm nhiều vì những nốt này sẽ tự hết sau khoảng 10 ngày. Nếu cố gắng tác động đến các nốt ban còn có thể khiến da bé bị nhiễm khuẩn.

+ Hăm tã

Nhiều bé sơ sinh bị hăm tã do ít được thay tã khiến tả bẩn tiếp xúc lâu với da, do bé bị tiếp xúc nhiều với nước tiểu… khiến da bị tấy đỏ. Tình trạng này kéo dài và bé không được chăm sóc đúng cách thì da mông bé sẽ trở nên căng bóng và xuất hiện mụn mủ.

Mẹ nên thường xuyên thay tã cho bé hoặc chăm cho bé “ở truồng” để tránh bị hăm

Mẹ nên thường xuyên thay tã cho bé hoặc chăm cho bé “ở truồng” để tránh bị hăm

+ Chàm sữa (lác sữa) và rôm sảy

Các nốt mụn thường xuất hiện ở bé sơ sinh 3 tháng đầu tiên, một phần là do ảnh hưởng của một số hormone thai kỳ mẹ còn lưu lại trong cơ thể bé và sẽ tự hết. Ngoài ra, đối với các bé sinh vào giai đoạn mùa hè nắng nóng, bé ra mồ hôi nhiều thì sẽ da sẽ dể bị nổi các hạt rôm sảy màu hồng, hơi cứng ở lưng, ngực, bắp tay, bắp chân do mồ hôi ra nhiều.

+ Mụn nhọt

Bé bị mụn nhọt đầu tiên sẽ có có các nốt mụn bị sưng đỏ mọc ở nhiều nơi trên cơ thể gây ra đau nhứt, sau đó vỡ ra và để lại sẹo trên da của bé. Mụn nhọt xảy ra thường là do tụ cầu, khiến nang lông bị viêm, cần cho bé khám và điều trị phù hợp.

Cách phòng các bệnh ngoài da cho bé dưới 6 tháng tuổi

  • Thay tã cho bé đúng lúc, không để bé tiếp xúc với tã bẩn quá lâu và cho bé những khoảng thời gian không mặc tã để mông bé khô thoáng. Trường hợp bé bị hăm thì mẹ cần thoa thuốc mỡ chống hăm và chăm sóc mông bé kịp thời.
  • Cho bé mặc quần áo thoáng, vải mềm, an toàn và quần áo giữ sạch sẽ.
  • Tắm cho bé nhẹ nhàng, dùng nước ấm khoảng 35 – 37 độ, tránh làm xước da bé khi tắm.
  • Cho bé ở phòng thoáng, không quá kín nhưng cũng không được có gió lùa.
  • Sử dụng các sản phẩm dành cho bé phù hợp, không chứa nhiều hóa chất vì da bé rất nhạy cảm.
  • Khi bé bị các bệnh ngoài da, mẹ không nên ôm ấp bé quá nhiều tránh tác động mạnh lên da gây trầy xước và nhiễm trùng hoặc khiến da bé bị bí bách.
  • Có thể sử dụng lá mướp đắng, lá chè xanh để làm nước tắm cho bé.

Các bé dưới 6 tháng tuổi vẫn rất dễ mắc bệnh và cần sự để tâm chăm sóc của bố mẹ, song những lúc bé bị bệnh nhẹ và mẹ biết rằng sức đề kháng của bé cần được thử thách để giúp bé khỏe mạnh hơn sau này thì mẹ có thể để bé tự mình chiến đấu và hỗ trợ bé bằng các biện pháp tự nhiên thôi chứ đừng lạm dụng thuốc mẹ nhé.

BS. Nguyễn Thị Ngọc Thanh

Trung tâm dinh dưỡng Vinamilk