Thông Tin Dinh Dưỡng

MÁCH MẸ PHƯƠNG PHÁP GIÚP BÉ PHÁT TRIỂN NHẬN THỨC

Ngày đăng:

07/11/2016

Ở lứa tuổi 3-4 tuổi, não bộ của bé đang phát triển vượt bậc để tự suy nghĩ, tìm tòi về thế giới xung quanh. Do đó ở giai đoạn này, bố mẹ cần dạy cho bé cách tự suy nghĩ, để bé có thể phát huy trí thông minh. Càng tư duy và biết nhận thức nhiều về những việc bé làm ở giai đoạn này, khả năng sáng tạo của bé sẽ phát triển tối đa ở giai đoạn sau. Đây là những cách giúp bé phát triển nhận thức về những việc bé làm, đồng thời tăng khả năng sáng tạo và tư duy của bé.

Dạy trẻ biết chơi thông minh

Vào thời kỳ này, bố mẹ cần cho bé chơi những trò trơi cần phải suy nghĩ, tìm tòi để bé có thể phát triển tư duy. Vì ở giai đoạn này, những đồ chơi đơn thuần như ô tô, con cật, đồ chơi bằng pin sẽ làm bé nhàm chán; những trò chơi mà bé phải tự suy nghĩ, tự lắp ghép và phát minh ra những chi tiết thú vị mới làm bé hứng thú. Cụ thể là những bộ đồ chơi xếp hình (Lego) thích hợp với lứa tuổi của bé, rất bổ ích, vừa tăng khả năng sáng tạo và tư duy của bé, vừa cuốn hút và làm bé thích thú.


Chơi xếp hình giúp bé tăng khả năng sáng tạo và tư duy

Chơi xếp hình giúp bé tăng khả năng sáng tạo và tư duy

Ngoài đồ chơi, bố mẹ nên hướng dẫn bé làm thủ công, với những động tác đơn giản lúc bắt đầu và sau đó dần phát triển độ khó, cụ thể như gấp giấy, dùng kéo cắt, dán giấy bằng hồ dán, dạy trẻ cách thắt nút, cài khuy áo, buộc dây giày… Những việc này đòi hỏi sự khéo léo của đôi tay và tư duy làm thế nào để hoàn thành của bé. Bé sẽ cố gắng hết mức để làm được với sự khéo léo, tỉ mỉ của mình và điều đó được so sánh ngang bằng với tăng mức độ thông minh trong tư duy của trẻ. Bên cạnh đó, ở lứa tuổi này, bố mẹ cần hướng dẫn trẻ tự làm những việc như cầm đũa ăn, thay quần áo, dọn dẹp đồ chơi cùng những hoạt động năng khiếu, thể thao như đạp xe 3 bánh, vẽ vẽ tranh, bơi lội, chơi nhạc cụ…

Trò chuyện với bé nhiều hơn

Ở góc độ tâm lý học, giọng nói của mẹ thân thiết và dễ gây ấn tượng sâu đậm trong trí não của bé hơn, và ở giai đoạn 3 tuổi, bé đang trong thời kì phát triển ngôn ngữ vô cùng nhanh. Do đó, việc quan trọng là mẹ phải nói chuyện với bé mỗi ngày nhiều hết mức có thể. Nếu bé tò mò về mọi thứ xung quanh, muốn khám phá những điều bé chưa biết, chưa hiểu, hãy tận tâm giải thích cho bé, để bé có thể phát triển cách suy nghĩ và lối tư duy của mình. Nói chuyện nghiêm túc với bé, gợi chuyện để bé có thể suy luận và phán đoán, và nếu có yêu cầu bé làm một việc gì đó, hãy giải thích để bé hiểu thay vì chỉ ra lệnh.

Ngoài ra, bố mẹ nên đọc nhiều sách truyện cho bé nghe mỗi ngày, có thể là vào buổi tối trước giờ đi ngủ. Đây là một cách hay để bé có thể học thêm nhiều kiến thức qua mỗi câu chuyện, mở rộng vốn từ và tăng khả năng suy nghĩ.

Hỗ trợ bé 50% công việc cá nhân

Ở lứa tuồi này, khả năng tự suy nghĩ và làm việc của trẻ đã hình thành, nhưng trẻ vẫn hay bám dính và dựa dẫm vào bố mẹ. Vì thế, phần lớn những công việc của bản thân, bé có thể tự làm khoảng 50% mà không cần sự giúp đỡ của bố mẹ. Do đó, việc bố mẹ trợ giúp cho trẻ ở giai đoạn tự lập một nửa này là rất quan trọng.

Có những trường hợp, nhiều bé không muốn nhờ người khác làm hộ mà chỉ thích tự mình làm và muốn thể hiện rõ khả năng của riêng mình, muốn được bố mẹ công nhận và chứng tỏ bản thân. Nếu vậy, bố mẹ không cần lo lắng quá mức. Hãy để bé tự do làm việc bé muốn làm, tất nhiên vẫn trong tầm kiểm soát. Không nên khư khư giữ bé bên cạnh, làm hết mọi việc cho bé vì sẽ gây ra tính ỷ lại, lười biếng cho bé.

Không phải cứ cho bé ở một mình, chơi một mình là được, mà mẹ cần chơi cùng con, giúp đỡ con nhưng chỉ ở những công việc quá khó mà con không làm được. Còn với những việc nhà đơn giản, việc cá nhân nhẹ nhàng, ở tuổi này nên để cho bé tự làm và đặc biệt nên cho bé tiếp xúc và chơi cùng bạn bè nhiều hơn để bé có thêm nhiều kinh nghiệm hơn so với khi chỉ chơi ở nhà với bố mẹ. Để tạo dựng được nền tảng đó, bố mẹ cần phải chấp nhận cho con ra ngoài nhiều hơn và tiếp xúc nhiều điều mới mẻ hơn mới có thể tích lũy được nhiều kinh nghiệm bên ngoài được.

Ở giai đoạn này, bé cần có nhiều thời gian để tự làm tốt mọi việc mà không cần sự giúp đỡ của bố mẹ. Hãy để bé làm mọi việc trong tầm kiểm soát, đồng thời hướng dẫn bé chơi một cách sáng tạo và thông minh, như thế bé mới phát triển, trở thành một người có tư duy nhanh nhạy về sau.

BS Hồ Thị Nam Huế

Trung tâm Dinh dưỡng Vinamilk