Thông Tin Dinh Dưỡng

“MÁCH NƯỚC” CHO MẸ CÁCH DẠY BÉ TỰ ĐI VỆ SINH

Ngày đăng:

21/11/2016

Mẹ đang rất băn khoăn không biết khi nào nên dạy bé cách tự đi vệ sinh? Đừng lo, bài viết này sẽ cung cấp cho mẹ các thông tin cần thiết để giải quyết vấn đề này.

Thời điểm tập đi vệ sinh cho bé

Không có tuổi chính xác để bắt đầu dạy trẻ đi vệ sinh. Thời điểm này lệ thuộc rất nhiều về thể chất, cảm xúc và ý thức của bé. Đa số các bé có thể sẵn sàng để tự đi vệ sinh từ khi 18 tháng đến 3 tuổi, mặc dù phần lớn các bé vẫn không quen với việc thực hiện một mình cho đến khi tròn 2 tuổi. điều quan trọng là bé cần phải sẵn sàng về mặt thể chất lẫn tinh thần. Ngoài ra, cũng cần bảo đảm khả năng kiểm soát hoạt động của bàng quang và đại tràng của cơ thể bé đã đi vào nề nếp.

Dấu hiệu bé đã sẵn sàng để tự đi vệ sinh

Đừng vội mẹ nhen, chỉ khi bé sẵn sàng, việc thiết lập thói quen mới cho bé mới diễn ra thuận lợi. Nếu bé có ít nhất hai hoặc ba dấu hiệu như trong liệt kê dưới đây, mẹ đã có thể bắt đầu hướng dẫn cho bé.

  • Dấu hiệu sẵn sàng về thể chất
    • Bé dần hình thành thói quen tiểu tiện, đại tiện
    • Bé đã có thể tự di chuyển và tự đi vào nhà vệ sinh
    • Bé có thể tự kéo quần lên hoặc xuống mà không cần nhiều hỗ trợ
    • khả năng tự kiểm soát của bàng quang đã tăng cao, bằng chứng ở các miếng tã lót bé đang mặc được giữ khô lâu hơn trong khoảng từ 2–3 tiếng.
    • Bé tự ý thức được thời điểm cần đi vệ sinh hoặc có thể nhịn một chút nếu cần.
  • Dấu hiệu sẵn sàng về mặt tinh thần
    • Bé biết phân biệt giữa tiểu tiện và đại tiện, có thể nói về điều đó khi được thay tã
    • Bé hiểu thế nào là ‘ướt’ và ‘khô’
    • Bé có thể đoán biết và nói khi bé “muốn đi vệ sinh”
    • Bé hiểu điều mẹ nói và làm theo những hướng dẫn đơn giản
    • Bé thấy không thoải mái và thông báo hoặc tự tháo tã mỗi khi tã bị dơ
  • Dấu hiệu sẵn sàng về mặt tình cảm xã hội
    • Bé nói “Con làm được”
    • Bé bắt đầu bắt chước hành động của mẹ hoặc người khác
    • Bé bắt đầu thể hiện sự độc lập của mình, thường là bằng câu trả lời “không” khi được yêu cầu làm gì đó
    • Bé biểu lộ mong muốn làm vui lòng người lớn và vui mừng khi được khen

Chỉ tập cho bé tự đi vệ sinh khi bé đã thật sự sẵn sàng mẹ nhé!

Chỉ tập cho bé tự đi vệ sinh khi bé đã thật sự sẵn sàng mẹ nhé!

Bí quyết tập dạy bé đi vệ sinh

  • Cho bé làm quen với bô. Mẹ hãy chỉ cho bé thấy cái bô và nói cho bé bô dùng để làm gì. Hãy đặt bô trong nhà tắm hay ở góc nhà vài ngày cho bé quen với cái bô. Chỉ bé cách ngồi bô nhưng hãy để nguyên cả bỉm hoặc quần mà ngồi.
  • Mẹ chỉ nên khuyến khích chứ đừng ép buộc bé dùng bô. Nếu bé nhổm dậy ngay tức khắc, mẹ hãy đề nghị bé ngồi lâu hơn một chút bằng việc kiếm cho bé một món đồ chơi hay một cuốn sách ảnh, thậm chí bật nhạc cho bé. Nếu bé không có “nhu cầu”, mẹ hãy cho bé đứng dậy tiếp tục chơi. Khi bé đã thực sự sử dụng bô, mẹ hãy luôn khen bé vì đã biết sử dụng bô rất ngoan.
  • Nếu bé tè dầm hay làm xấu ra quần, đừng mắng bé. Thật ra, đó là lỗi của mẹ vì đã không chú ý nhắc bé ngồi bô. Nếu sau 2 tuần bé vẫn chưa biết gọi khi đi vệ sinh nghĩa là bé chưa sẵn sàng cho việc đó và mẹ nên đợi một thời gian nữa trước khi bắt đầu những đợt “tập huấn” tiếp theo.
  • Đừng mặc bỉm cho bé khi ngủ trưa một khi bé đã quen dùng bô ban ngày rồi. Khi bé thức dậy, hãy gợi ý bé ngồi bô. Ngủ trưa không mặc bỉm sẽ tập cho bé thói quen không đái dầm ban đêm.
  • Gợi ý cho bé sử dụng cầu tiêu sau vài tuần ngồi bô ban ngày. ở tuổi này bé thích bắt chước người lớn nên mẹ có thể “dụ bé” sử dụng toilet “giống như bố mẹ” để kích thích tâm lý của bé.
  • Chỉ bé cách ngồi vào chỗ vệ sinh và giải thích cho bé nghe là mình đang làm gì. Mẹ có thể cho bé ngồi lên ghế bô và nhìn trong khi mẹ – hoặc một trong những anh chị ruột của bé – đi vệ sinh nhé.
  • Hãy tập để việc đi vệ sinh của bé thành thói quen hằng ngày. Ví dụ như mẹ có thể bắt đầu hướng dẫn cho bé ngồi bô sau khi ngủ dậy mà không ướt tã, hoặc sau khi uống nhiều nước từ 45 đến 60 phút. Mẹ có thể quan sát trông chừng bé đi tiểu. Chỉ cho bé ngồi bô một vài phút vài lần trong ngày và để cho bé đứng dậy nếu bé muốn mẹ nhen.
  • Cố quan sát bé đi ị. Trẻ nhỏ thường có những cử chỉ rất dễ nhận biết khi có nhu cầu đi vệ sinh – mặt ửng đỏ, có thể cau có hoặc ngồi xổm. Nhiều trẻ thường đi vệ sinh vào đúng thời gian mẹ đã tập cho bé.
  • Hãy cho bé ngồi bô trong vòng 15 đến 30 phút sau các bữa ăn để lợi dụng nhu cầu đi vệ sinh tự nhiên của cơ thể (đây được gọi là phản xạ dạ dày-ruột kết).
  • đổ phân của bé ra khỏi tã và cho vào nhà vệ sinh, mẹ hãy cho con biết là phân bé cho vào bô.
  • Đảm bảo áo quần của bé phù hợp với việc huấn luyện ngồi bô, tránh những áo khoác, áo choàng và áo sơ mi có thể bị vướng ở đũng quần. Nên cho bé mặc áo quần đơn giản và bé có thể tự cởi đồ được khi cần.
  • Hãy thưởng vài món quà nhỏ mỗi khi bé ngồi bô được, chẳng hạn như nhãn dán hoặc đọc truyện cho bé nghe. Khi con đã tỏ ra thông thạo việc đi vệ sinh, hãy để bé tự chọn vài chiếc quần lót mới cỡ lớn để mặc nhé.
  • Mẹ cần đảm bảo tất cả những người trông và giữ bé đều theo một thói quen và gọi tên các bộ phận trên cơ thể cũng như các hoạt động trong nhà vệ sinh theo cùng một cách. Mẹ nên thông báo cho mọi người biết cách mẹ đang tập cho bé và yêu cầu có những cách thức tương tự như thế để bé không bị hoang mang.

Trên đây là những cách giúp mẹ tập cho bé tự đi vệ sinh. Quan trọng là mẹ đừng quá nôn nóng, hãy kiên nhẫn và chịu khó dọn dẹp nếu có trục trặc xảy ra. Mẹ nên khen ngợi những nỗ lực của bé, không nên phạt hay tỏ ra thất vọng khi bé làm ướt hoặc dơ bẩn lên người hay giường nhé. Bên cạnh đó, mẹ cũng không nên tự áp lực cho mình, buộc phải tập cho bé. Hãy để thiên thần nhỏ tự bộc lộ và thể hiện sự sẵn sàng mẹ nhé.

PGS TS BSCC. Trần Đình Toán

Trung tâm Dinh dưỡng Vinamilk