Thông Tin Dinh Dưỡng

MẸ CẦN LÀM GÌ ĐỂ PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG XÃ HỘI CHO BÉ?

Ngày đăng:

07/11/2016

Ngay từ khi bé lên 2 – 3 tuổi, mẹ cần dạy cho bé những quy tắc ứng xử, giao tiếp để cư xử văn minh. Điều này sẽ giúp bé trở thành người lịch thiệp trong tương lai. Dưới đây là những điều mẹ cần làm để phát triển kỹ năng xã hội cho bé.

Những điều cơ bản cần dạy bé ngay từ nhỏ

  • Lịch sự trên bàn ăn: Ăn uống từ tốn, gọn gàng, không đổ vãi; không vừa ăn vừa nói; không chơi trò đánh trống trên bát đĩa; chỉ được ăn khi người lớn đã cùng cầm đũa… Khi nhà có khách, bé phải biết xếp bát đũa cho khách trước, mời cả nhà ăn cơm.
  • Mẹ cần hướng dẫn bé nghe điện thoại đúng cách bằng cách lễ phép chào hỏi người cầm máy ở đầu dây bên kia trước khi yêu cầu gặp người bé muốn nói chuyện. Tương tự, hãy chỉ dẫn bé chào hỏi khi nghe điện thoại trước, sau đó mới chuyển máy cho bố mẹ.

Mẹ cần hướng dẫn bé nghe điện thoại đúng cách

Mẹ cần hướng dẫn bé nghe điện thoại đúng cách

  • Dạy bé cảm ơn. Muốn vậy, bất kì là việc gì, dù là nhỏ nhất mà bé làm giúp, mẹ cũng nên cảm ơn bé nhé. Như vậy, bé sẽ tự giác học được thói quen giao tiếp lịch thiệp.
  • Xây dựng cho bé tinh thần hòa nhã, vui vẻ khi trả lời những câu hỏi từ mọi người. Hãy dạy bé hiểu dù bực bội, bé vẫn phải đáp lại khi được hỏi.
  • Hãy hướng dẫn để bé có thể tự tháo giày khi cần. Khi dẫn bé đến chơi nhà người khác, mẹ có thể yêu cầu bé cởi và để giày ở ngoài cửa, không nên nhân nhượng mà châm chước cho hành động đi giày vào nhà của bé.
  • Hướng bé tế nhị trong giao tiếp bằng cách cho bé biết những câu hỏi tế nhị không được nói trước mặt người khác và chỉ có thể hỏi riêng với mẹ như “Sao da bạn đen thế?”, “Sao bạn béo thế?”
  • Dạy bé ngguyên tắc khi muốn đưa (nhận) đồ vật từ tay người lớn là bé phải đứng thẳng người, đưa hai tay ra đón (trao) đồ vật, kèm theo những lời cảm ơn hoặc “Con xin”. Nếu người lớn đưa đồ ăn, bé có thể nhận hoặc từ chối. Nếu nhận, bé nên cảm ơn rồi ăn từng miếng nhỏ, không nên nhai nhồm nhoàm cả khoang thức ăn đó.
  • Khuyến khích bé chia sẻ đồ ăn cho anh (chị, em) bé, không nên thiên vị hay đối đãi tốt với bé này mà xem nhẹ bé khác.
  • Hướng dẫn bé cách kết bạn và thân thiện với các bạn. Hãy để các bé được làm quen với nhau tự nhiên và chỉ can thiệp khi các bé xuất hiện những hành vi xấu. Đề ra những nguyên tắc cho bé như không đánh, cắn… hay nói xấu bạn chơi để bé tự nhận thức và thực hiện theo.
  • Tập bé luôn sử dụng chủ ngữ bằng những câu nói đơn giản nhưng bao hàm nhiều ý nghĩa mà bé có thể sử dụng tùy theo hoàn cảnh, chẳng hạn “Con cảm ơn”, “Con xin lỗi”…
  • Chào hỏi lễ phép. Hãy dạy bé biết nói “Chào bác ạ” trước khi hỏi một người khách lạ “Bác là ai?”. Mẹ cũng cần dạy bé lưu ý đến thái độ và cách chào: Khi chào, mắt phải nhìn thẳng vào khách, nở nụ cười và nên đứng lại vài giây chứ không vội vã chạy đi nơi khác, khách sẽ cảm thấy không được tôn trọng.
  • Đứng dậy khi người già tới. Hãy giải thích cho bé hiểu đứng dậy, đơn giản là thể hiện một sự lễ phép, kính trọng với người lớn tuổi
  • Lịch sự với người phục vụ. Bé cần được dạy cách cư xử đúng mực và biết cảm ơn vì đã được phục vụ nhiệt tình.

Mẹ làm gì để giúp bé?

  • Làm gương cho bé. Hãy để bé thấy như thế nào là người có kỹ năng xã hội tốt, bé sẽ học dần bằng cách quan sát và làm thử.
  • Khuyến khích bé bằng câu nói “Con đã rất cố gắng” thay vì phạt bé mỗi khi chúng gây lỗi.
  • Giúp bé nhận biết cảm xúc của người khác bằng cách kiên nhẫn và giải thích dần cho bé hiểu để quan tâm đến mọi người, ví dụ như khi chơi chung không giành hết phần về mình, biết phân chia và luân phiên…
  • Luôn nhắc nhở bé thực hiện các kỹ năng xã hội như biết chờ đến lượt, luân phiên và quan tâm đến cảm xúc của người khác.
  • Hướng dẫn bé chơi trò tưởng tượng nhập vai như gọi điện thoại, mở cửa hàng, diễn kịch, ca hát, xây nhà với các hình khối và đất nặn, làm việc vặt hay chơi đùa với những bé khác.
  • Không nên dạy nhiều kỹ năng cùng một lúc sẽ làm bé rối, không thể nhớ và không chú tâm để ý.
  • Hãy ngăn chặn ngay khi bé ứng xử tiêu cực. Để làm được như vậy, mẹ cần theo dõi và uốn nắn sớm đối với các lời nói, hành vi tiêu cực, răn đe bé không được lặp lại lần sau. Trực tiếp nói với bé những điều không tốt và thẳng thắn tuyên bố lần sau nếu tái diễn sẽ bị phạt nghiêm khắc.
  • Giúp bé phát triển những suy nghĩ tích cực về bản thân và khả năng của mình. Lòng tự trọng có ảnh hưởng rất lớn đối với khả năng phát triển về mặt xã hội của bé.
  • Mẹ nên áp dụng những hình phạt khi bé làm sai, và tất nhiên, không thể thiếu những lời khen ngợi, hay những món quà mỗi khi bé cư xử đúng.
  • Dạy bé cách chờ đợi và làm theo những quy tắc sẵn có
  • Tạo nhiều cơ hội cho bé vui chơi với các bạn đồng trang lứa

Trên đây là những điều mẹ cần lưu ý để bé ứng xử tốt và phát triển những kỹ năng xã hội. Những bài học đầu đời này chính là những món quà tốt nhất làm hành trang cho bé trong suốt quãng đời sau này. Chúc mẹ thành công!

BS. Nguyễn Vĩnh Hoàng Oanh

Trung tâm Dinh dưỡng Vinamilk