Ăn khoẻ - Ăn ngon

5 MẸO CHỮA ĐẦY BỤNG, KHÓ TIÊU CHO TRẺ SƠ SINH HIỆU QUẢ

Ngày đăng:

05/02/2024

Hệ tiêu hóa của trẻ em chưa được hoàn thiện nên còn khá yếu và thường xuyên gặp phải tình trạng chướng bụng đầy hơi. Điều này khiến các bé cảm thấy khó chịu, chán ăn gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Để giúp các mẹ giải quyết tình trạng này một cách hiệu quả, Vinamilk sẽ chia sẻ 5 cách chữa đầy bụng cho trẻ em hiệu quả ngay tại nhà bằng các nguyên liệu tự nhiên. Nhờ đó giúp các bé cảm thấy dễ chịu và thoải mái hơn nhưng vẫn đảm bảo an toàn. 

Cách chữa đầy bụng cho trẻ sơ sinh

Tìm hiểu 5 cách chữa đầy bụng cho trẻ em an toàn và hiệu quả

1. Dấu hiệu nhận biết trẻ em bị chướng bụng 

Tình trạng chướng bụng ở trẻ em thường đi kèm với các dấu hiệu như:

  • Trẻ có cảm giác đau bụng tại vùng thượng vị, xung quanh rốn.
  • Trẻ cảm thấy chán ăn do cảm giác đầy bụng.
  • Tình trạng đầy bụng cũng có thể gây cảm giác buồn nôn, nôn mửa ở trẻ.
  • Trẻ có hiện tượng ợ nóng, do trào ngược nước dạ dày lên họng.
  • Trẻ gặp khó khăn trong việc xì hơi hoặc không thể xì hơi thoải mái.
  • Khoảng 2 giờ sau bữa ăn, bụng của trẻ trở nên căng hơn mức bình thường.

Trẻ chán ăn có thể do đầy bụng

Dấu hiệu trẻ em bị chứng bụng cha mẹ nên biết

2. 5 cách chữa đầy bụng cho trẻ em tại nhà hiệu quả 

Khi bé bị đầy bụng, các mẹ có thể áp dụng các phương pháp sau để giúp bé dễ chịu hơn, giảm tình trạng trẻ bị rối loạn tiêu hóa khi ăn dặm

2.1 Massage bụng

Massage bụng cho trẻ không chỉ giúp giảm cảm giác khó chịu do bụng đầy, khó tiêu mà còn hỗ trợ giảm lượng hơi thừa trong dạ dày. Từ đó giúp bé cảm thấy thoải mái và quá trình ăn uống ngon miệng hơn. Phương pháp này áp dụng được cho trẻ ở mọi độ tuổi bao gồm cả trẻ sơ sinh, cải thiện vấn đề đầy bụng hiệu quả và đảm bảo an toàn cho trẻ.

Cách thực hiện như sau:

  • Bước đầu, mẹ hãy đặt trẻ nằm ngửa trên một bề mặt phẳng, sau đó lấy một lượng nhỏ tinh dầu và nhẹ nhàng xoa đều trên lòng bàn tay để làm ấm tinh dầu, đảm bảo an toàn cho làn da nhạy cảm của bé.
  • Tiếp theo, mẹ sử dụng đầu ngón tay để massage bụng cho bé, bắt đầu từ vùng rốn và xoa nhẹ nhàng theo chiều kim đồng hồ, mở rộng vùng massage ra khắp bụng. Thực hiện động tác này từ 8-10 lần để giảm cảm giác chướng bụng ở trẻ.

2.2 Uống nước lá tía tô để xử trí chướng bụng ở trẻ sơ sinh

Lá tía tô từ đã lâu được ứng dụng trong y học dân gian hỗ trợ điều trị nhiều bệnh khác nhau. Loại lá này có tính ấm nên được sử dụng để hỗ trợ cải thiện tình trạng chướng bụng ở trẻ sơ sinh hiệu quả và an toàn.

Cách thực hiện:

  • Các mẹ lựa chọn khoảng 30g lá tía tô tươi, sau đó rửa sạch và để ráo nước.
  • Giã hoặc xay nhuyễn lá tía tô và lọc lấy nước.
  • Tiếp đến mẹ hãy cho bé uống nước lá tía tô.

Để bảo đảm an toàn cho hệ tiêu hóa nhạy cảm của trẻ sơ sinh, mẹ có thể nấu lá tía tô và lấy nước cho bé uống. Việc này không chỉ giúp giải quyết tình trạng đầy hơi mà còn giúp hệ tiêu hóa của trẻ khỏe mạnh.

Nước lá tía tô giúp bé tiêu hóa tốt hơn

Cho bé uống nước lá tía tô chữa đầy bụng

2.3 Sử dụng nước vỏ quýt

Tương tự như lá tía tô, vỏ quýt cũng có tính ấm hỗ trợ giải quyết tình trạng chướng bụng, đầy hơi và khó tiêu ở trẻ nhỏ nhanh chóng. Đây là bài thuốc dân gian an toàn, các mẹ có thể sử dụng cho trẻ từ 3 tháng tuổi trở lên.

Cách thực hiện như sau:

  • Lấy vỏ quýt cắt nhỏ và đem đi phơi khô.
  • Rửa sạch vỏ quýt với nước ấm trong 15 - 20 phút.
  • Chắt lấy phần nước và cho bé uống ngay khi nước còn ấm để giảm tình trạng chướng bụng.

Các mẹ nên sử dụng vỏ của loại quýt có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, rửa sạch bằng nước muối và bảo quản trong lọ thủy tinh ở nơi khô ráo để tránh nấm mốc, để tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.

2.4 Chườm tỏi ấm

Để giảm tình trạng chướng bụng ở trẻ, một giải pháp các mẹ có thể áp dụng là dùng tỏi ấm chườm bụng.

Tỏi chứa các thành phần tương tự như một loại thuốc kháng sinh tự nhiên, giúp cải thiện tình trạng đầy bụng, giảm lượng khí tích tụ trong dạ dày, đồng thời kích thích quá trình tiêu hóa.

Cách thực hiện:

  • Bạn lấy một củ tỏi, nướng sơ và đặt vào một túi vải.
  • Sau đó, chườm nhẹ lên bụng trẻ khi còn ấm.

Phương pháp này sẽ giúp cải thiện đáng kể tình trạng đầy bụng ở từ 3 tháng tuổi trở lên. Tuy nhiên, để tránh tổn thương da, chỉ nên chườm tỏi qua lớp vải mỏng và không nên đặt trực tiếp lên da của bé. 

Lấy tỏi ấm chườm bụng giúp trị đầy bụng

Chườm tỏi ấm vào bụng cho trẻ giúp cải thiện tình trạng đầy bụng

2.5 Uống nước gừng

Gừng là loại thảo dược có tính ấm, hỗ trợ giải độc và kích thích hệ tiêu hóa. Các mẹ có thể cho bé uống nước gừng để giảm chướng bụng, di chuyển lượng khí dư thừa xuống ruột non và hạn chế tình trạng đầy hơi.

Cách thực hiện:

  • Sử dụng gừng đã phơi khô và pha cùng với nước nóng khoảng 15 - 20 phút.
  • Chắt lấy nước và cho bé uống, nếu cần mẹ có thể pha loãng nước gừng để đảm bảo an toàn với dạ dày của trẻ.

3. Những nguyên nhân chính dẫn đến tính trạng đầy bụng

Những nguyên nhân chính khiến trẻ em bị đầy bụng có thể là do:

  • Trong những tháng đầu đời, hệ tiêu hóa non nớt của bé không không thể hấp thụ, xử lý hết một số loại Protein đến từ sữa và thức ăn của mẹ. Các protein dư thừa đó sẽ tích tụ trong đường tiêu hóa, gây nên hiện tượng đầy bụng.
  • Bé bú sữa mẹ quá no, sử dụng bình bú thay vì trực tiếp bú mẹ có thể bị dư thừa Lactose dẫn đến đầy hơi, chướng bụng.
  • Trong thời gian bú mẹ, tình trạng đầy bụng ở bé có thể do thức ăn của mẹ. Mẹ ăn thức ăn nhiều dầu mỡ, hành tây, đậu nành, uống nhiều nước uống có ga sẽ khiến bé dễ bị đầy hơi bụng.

4. Mẹ nên làm gì để giúp hệ tiêu hóa của bé luôn khỏe mạnh?

  • Đảm bảo thực đơn hằng ngày cung cấp đủ lượng chất xơ và khoáng chất quan trọng cho hệ tiêu hóa của trẻ. Chất xơ giúp tăng cường chuyển động ruột và ngăn chặn tình trạng đầy hơi.
  • Không nên tự ý cho trẻ uống các loại thuốc chống đầy hơi khi chưa có sự tư vấn của bác sĩ để tránh tác động phụ và đảm bảo an toàn cho sức khỏe của bé.
  • Bổ sung men vi sinh giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột của trẻ, hỗ trợ quá trình tiêu hóa và ngăn chặn tình trạng đầy hơi cũng như chướng bụng. Nhưng việc này cần được thảo luận với bác sĩ để đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Trên đây là 5 cách chữa đầy bụng cho trẻ em an toàn, hiệu quả và dễ thực hiện. Tuy nhiên, nếu đã áp dụng các phương pháp này nhưng vẫn không thuyên giảm, bạn nên đưa bé đến bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời.

 

Xem thêm bài viết:

10+ Cách trị tiêu chảy cho trẻ theo mẹo dân gian an toàn & hiệu quả

4 Mẹo chữa nôn trớ ở trẻ hiệu quả mẹ nên biết

Trẻ ăn dặm bị táo bón: Nguyên nhân và cách xử lý