Ăn khoẻ - Ăn ngon

TRẺ BỊ CHẤN THƯƠNG: NGUYÊN NHÂN, CÁCH XỬ LÝ VÀ PHÒNG NGỪA

Ngày đăng:

05/02/2024

Chấn thương ở trẻ sơ sinh

Chấn thương thường gặp ở trẻ

Trẻ nhỏ thường hiếu động và tinh nghịch, vì thế rất dễ gặp phải các chấn thương không mong muốn. Những tổn thương này nếu không có cách sơ cứu đúng cách và kịp thời sẽ để lại di chứng, ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ. Trong bài viết sau, Vinamilk sẽ điểm qua một vài chấn thương thường gặp ở trẻ nhỏ để cha mẹ nắm và biết cách sơ cứu đúng đắn nhất!

1. Các chấn thương thường gặp ở trẻ em 

1.1 Các chấn thương ở hệ xương

Khi bé gặp phải những chấn thương ở hệ xương, ba mẹ đừng chủ quan cho rằng: xương trẻ em có lớp màng xương dày và chắc nên có thế điều chỉnh tốt khi xương gãy và phục hồi nhanh về mặt giải phẫu và chức năng. Bởi vì, nếu ba mẹ không biết điều trị kịp thời và đúng cách thì có thể xảy ra nhiều biến chứng, đôi khi gây mất chức năng của chân hoặc tay. Mẹ cần chú ý đến các chấn thương ở hệ xương thường gặp ở trẻ như sau:

1.1.1. Kẹt khớp

Các mảnh xương vỡ lọt vào khe khớp gây kẹt khớp khiến khớp không thể gấp hoặc duỗi được.

Cách xử lý: Phẫu thuật để nắn lại mảnh xương di lệch và tập vật lý trị liệu tích cực sau phẫu thuật.

1.1.2. Vẹo khuỷu

Vẹo khuỷu hay còn gọi là “cán vá” chỉ khuỷu tay bị biến dạng vẹo vào trong hoặc vẹo ra ngoài làm cho 2 tay mất cân xứng.

Đây là biến chứng thường gặp ở trẻ em sau khi bị gãy xương. Những biến dạng khuỷu tay nặng có thể tổn thương thần kinh trụ gây ra triệu chứng tê tay hoặc teo một số cơ ở bàn tay.

Cách xử lý: Cho bé đến khám  BS chuyên khoa

Cách phòng tránh: Mẹ nên lưu ý nên cho bé đi kiểm tra thật kỹ khi bé bị té ngã vì biến chứng vẹo khuỷu không phải xảy ra ngay sau khi chấn thương mà thường xuất hiện muộn từ 3 - 7 năm sau đó.

1.1.3.So le chi

Do chi lệch chồng ngắn quá nhiều cho nên hai chi phát triển không cân bằng nhau. Về lâu dài trẻ sẽ bị chân ngắn chân dài.

Cách xử lý: Đưa bé đến bệnh viện sớm nhất có thể để bác sĩ chuyên khoa sẽ căn cứ theo độ tuổi của trẻ và mức độ bệnh mà đưa ra phương thức điều trị cụ thể.

1.1.4. Gãy xương đòn

Đây là những chấn thương sinh phổ biến nhất, thường xảy ra trong những ca sinh khó (em bé quá to, sinh ngôi lệch, sinh đa thai). Nếu em bé bị gãy xương đòn nhưng không phát hiện ra có thể sẽ khiến bé bị tật suốt đời.

Cách xử lý: Gãy xương đòn ở trẻ sơ sinh không cần điều trị bởi trẻ có thể tự lành. Mẹ chỉ cần chăm sóc trẻ nhẹ nhàng và tìm cách cố định tay gãy của trẻ hoặc nhờ sự giúp đỡ của bác sĩ.

Để tránh cho trẻ có thể gặp các tai nạn đáng tiếc ảnh hưởng đến hệ xương, mẹ nên quan tâm và theo dõi sát sao các hoạt động của trẻ, tạo khu vực có rào chắn và đệm bảo vệ cho bé vui chơi. Khi trẻ bị té ngã, chấn thương nên đưa ngay đến cơ sở y tế chuyên khoa để được phát hiện sớm và điều trị thích hợp.

1.2 Chấn thương vùng mắt và răng

1.2.1. Chấn thương gây xuất huyết trong mắt bé

Cụ thể là xuất huyết dưới kết mạc do các mạch máu nhỏ trong mắt bị vỡ làm cho một hoặc cả hai mắt có những vệt màu đỏ tươi trong lòng trắng, có thể thấy rõ bằng mắt thường. Chấn thương này cũng khá phổ biến nhưng không gây hại cho bé và cũng không làm hỏng đôi mắt của bé.

Cách xử lý: Sau 1 tuần hay 10 ngày, các vết đỏ này sẽ biến mất hoàn toàn. Mẹ nên giữ cho bé không dụi mắt.

1.2.2. Chấn thương răng

Bé có thể bị chấn thương răng do té ngã, nhai đá lạnh, cắn vật cứng. Bé có thể bị lung lay răng, răng lệch, răng lún vào bên trong xương ổ răng, gãy răng. Hệ quả thường thấy của chấn thương răng là: sung huyết tủy răng, chảy máu tủy răng, tủy răng bị hoại tử, rối loạn mọc răng… Về thẩm mỹ, bé có thể thiếu tư tin hơn khi bị: hàm răng vẩu, các răng cửa trên chìa nhiều ra trước, môi không che kín răng…

Cách xử lý: Đưa bé đi khám nha khoa càng sớm càng tốt để bảo vệ sức khỏe răng miệng.

1.3 Chấn thương vùng đầu và mặt

1.3.1. Chấn thương đầu làm máu tụ ngoài màng cứng

Bé sơ sinh có thể bị chấn thương do sức ép của quá trình sinh khiến đầu bé va chạm với xương chậu của mẹ, hoặc khi các bác sĩ phải sử dụng kẹp để kéo bé ra khiến đầu bé bị bầm tím. Nếu nhẹ, vết bầm sẽ mất dần sẽ tự tan trong vòng 2 tuần đến vài tháng. Các trường hợp nặng hơn thì trẻ có thể bị nứt xương, lõm sọ hoặc các thương tổn dẫn tới máu tụ ngoài màng cứng hay dưới màng cứng.

Cách xử lý: Mẹ nên lựa chọn những bệnh viện uy tín với những bác sĩ hộ sinh có tay nghề để đảm bảo an toàn cho bé.

1.3.2. Chấn thương não do thiếu oxy

Bé thường gặp phải tình trạng này khi dây rốn bị xoắn vặn và tắc nghẽn trong lúc sinh. Thiếu oxy kéo dài có thể gây ra tổn thương về não: động kinh, suy giảm tâm thần

Cách xử lý: Mẹ nên đề nghị các bác sĩ, y tá đỡ sinh không lạm dụng kẹp forceps để hỗ trợ vì có thể dẫn đến tổn thương não, tổn thương thần kinh và làm tê liệt khuôn mặt, vai và cánh tay của bé.

1.3.3. Chấn thương tụ máu dưới da đầu (Cephalohematoma)

Là triệu chứng thường gặp nếu bé được hỗ trợ sinh với sự trợ giúp hút chân không. Một phần đầu bé có thể bị méo hoặc phồng lên (gọi là cephalohematoma). Những bé được sinh ra trong trường hợp này cũng có thể bị vàng da sơ sinh.

Cách xử lý: Mẹ có thể nhờ sự tư vấn của bác sĩ để biết được việc bé bị sưng sẽ biến mất sau một vài tuần, hay lâu hơn. Chuẩn bị các loại gối chuyên dụng mềm mại để bảo vệ vùng đầu cho bé.

1.3.4. Chấn thương mặt làm mặt tê liệt

Xảy ra khi mặt bé bị thâm tím, tê liệt vì bác sĩ hộ sinh sử dụng kẹp forceps tạo áp lực lên dây thần kinh mặt. Dấu hiệu để mẹ nhận ra tình trạng chấn thương thần kinh mặt là khi bé khóc, không có sự chuyển động ở bên mặt bị tổn thương và mắt bé không khép lại được khi nhắm

Cách xử lý: Tình trạng tê liệt này sẽ được cải thiện trong vài tuần nếu ở tình trạng tổn thương nhẹ. Nhưng nếu các dây thần kinh bị rách thì cần phải can thiệp bằng phẫu thuật.

1.3.5. Chấn thương thần kinh cánh tay gây liệt

Xảy ra khi các cánh tay bị thương do đi qua đường sinh của mẹ, sẽ làm trẻ mất đi khả năng gập khuỷu tay hoặc xoay cánh tay.

Cách xử lý: Nếu tình trạng chấn thương nhẹ, chỉ bầm tím và sưng xung quanh các dây thần kinh thì khả năng vận động của trẻ sẽ hồi phục trong vòng vài tháng. Trong trường hợp nghiêm trọng, mẹ cần phát hiện sớm các biểu hiện (tay bé không gập và cử động được) thì phải sớm đưa bé đi bác sĩ để điều trị kịp thời bằng vật lý trị liệu hoặc phẫu thuật.

Những chấn thương này nhiều khi ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần và thể chất của trẻ nếu không được xử trí đúng đắn. Đặc biệt cấu trúc xương sọ mặt của trẻ em còn rất mềm và đàn hồi, phần xương hộp sọ chưa đủ cứng để bảo vệ não nên những chấn thương mạnh vào vùng đầu mặt rất dễ làm trẻ tử vong do tổn thương nội sọ.

1.4 Chấn thương vùng đầu và mặt ở trẻ nhỏ

1.4.1. Chảy máu

Bé có thể bị chảy máu do rách da mặt, da đầu do té ngã.

Cách xử lý: Ép chặt vùng chảy máu bằng miếng vải sạch rồi đưa ngay trẻ đến bệnh viện gần nhất để được sơ cứu ban đầu trước khi đến tuyến chuyên khoa.

 

1.4.2. Bầm tím phù nề, làm biến dạng hẳn khuôn mặt

Bé hiếu động nên hay té ngã do đó chấn thương này là rất hay gặp.

Cách xử lý: Vết bầm thường tan nhanh sau khoảng 3 - 4 ngày, mẹ có thể cho mat - xa nhẹ nhàng hoặc hỏi ý kiến bác sĩ nếu cần sử dụng thuốc tan máu bầm. Mẹ nên cẩn thận vì nếu xử trí sai lầm thì bé có thể bị sẹo.

1.4.3. Chấn thương vùng sọ mặt

Thường là các chấn thương như: gãy xương xung quanh ổ mắt, gãy xương gò má, xương hàm,… Bé có thể bị bầm tím mặt, sưng huyết mắt, sống mũi biến dạng, lệch hàm, tách rời toàn bộ khối xương mặt ra khỏi hộp sọ. Mẹ cần chú ý những biểu hiện sau để biết những tổn thương vùng sọ mà bé gặp phải: mắt bé bị tím bầm, chảy máu mũi, chảy máu tai có thể kèm theo chảy dịch hồng, đau đầu nhiều, nôn thường xuyên mà không liên quan đến bữa ăn.

Cách xử lý:

Sơ cứu tạm thời cho bé bằng cách: Cầm máu, trấn an tinh thần trẻ. Lấy các dị vật trong khoang miệng, răng gãy nếu có thể. Nếu thấy lưỡi tụt ra sau gây khó thở cho trẻ phải kéo lưỡi ra trước bằng mọi cách: buộc chặt bằng gạc dài, khâu bằng chỉ ở chính giữa lưỡi rồi kéo ra trước.

Nhờ sự giúp đỡ của bác sĩ: Đưa bé đến khoa ngoại của các bệnh viện theo dõi chấn thương sọ não. Các chấn thương vùng mặt còn lại cần tìm đến chuyên khoa tai mũi họng có bộ phận phẫu thuật đầu cổ.

Cách phòng tránh: 

Nên để trẻ chơi ở những nơi rộng rãi, bằng phẳng, trống trải và giải thích cho trẻ những trò chơi nguy hiểm và những rủi ro có thể gặp phải để trẻ tự phòng tránh cho mình.

1.4.4. Hội chứng lắc ở trẻ em

Chấn thương này thường xảy ra ở trẻ dưới 1 tuổi, đặc biệt là trẻ từ 2 - 4 tháng tuổi. Đây là một hội chứng gây ra bởi tình trạng lắc quá mạnh ở trẻ nhỏ, dẫn đến chảy máu não và mắt, cuối cùng để lại những hậu quả nghiêm trọng và lâu dài như mù, chậm phát triển trí tuệ, yếu, liệt cơ, động kinh…và có thể tử vong. Hội chứng này ở trẻ em tương tự như chấn thương sọ não ở người lớn

Nguyên nhân: do rung lắc quá mạnh nhằm dỗ cho trẻ bớt khóc, thói quen đưa võng, lắc nôi ru bé ngủ hoặc những động tác đơn giản khi vui đùa với trẻ như: nhồi, xóc, tung cao trẻ, bồng trẻ đưa lên đưa xuống nhanh, ẵm trẻ đưa lên cao làm máy bay…Trẻ nhỏ do não còn phát triển nên luôn có khoảng trống giữa não và hộp sọ cộng thêm cổ còn yếu, khó giữ vững đầu nên khi bị rung lắc nhanh và mạnh sẽ gây nên những tổn thương cho não. Trẻ có thể bị nguy hiểm dù chỉ với 5 giây rung lắc.

Hội chứng này nguy hiểm và thường gặp nhưng lại rất khó phát hiện vì những biểu hiện đa dạng và dễ nhầm lẫn trong những bệnh lý khác. Vì vậy quan trọng nhất là các biện pháp phòng ngừa để trẻ không bị hội chứng trên:

  • Không lắc trẻ kể cả khi vui đùa hay giận dữ.
  • Khi di chuyển trẻ, giữ cổ ở tư thế cố định
  • Với người giữ trẻ đừng bao giờ nóng giận và ru lắc trẻ mạnh.

2. Nguyên nhân khiến trẻ bị chấn thương

Dưới đây là một số nguyên nhân dẫn đến các chấn thương thường gặp ở trẻ, gồm có:

  • Trẻ bị ngã do sự bất cẩn của người lớn. Việc trẻ ngã từ trên xe xuống, ngã từ võng hay giường cao có thể gây gãy xương và tổn thương vùng đầu.
  • Trẻ bị té khi chạy nhảy vui chơi, hay do sàn nhà trơn trượt cũng khiến bé bị ngã.
  • Trẻ hiếu động đứng lên ghế hoặc đồ vật kê không được vững chắc.
  • Trẻ trèo cây, nô đùa, leo trèo cầu thang, ban công,...

Trẻ em hiếu động hay gặp chấn thương

Một số nguyên nhân gây ra chấn thương ở trẻ

3. Cách xử lý khi trẻ bị chấn thương, tai nạn

Để hạn chế những biến chứng ảnh hưởng đến sự phát triển của bé, bố mẹ cần nắm những cách xử lý nhanh gọn sau trẻ gặp các chấn thương hoặc tai nạn, cụ thể:

3.1. Tổn thương phần mềm

  • Dùng khăn lạnh để chườm lên vết thương bị sưng hoặc bầm tím.
  • Với vết thương hở hay chảy máu: rửa sạch vết thương bằng nước muối sinh lý và dùng băng ép lại.
  • Nếu bé bị bong gân có thể dùng khăn lạnh để đắp hoặc chườm đá rồi băng cố định vị trí bong gân, hạn chế di chuyển.

3.2. Gãy xương và chấn thương sọ não

  • Gọi ngay cấp cứu để được nhân viên y tế hỗ trợ. 
  • Gọi tên trẻ để kiểm tra mức độ tỉnh táo ở trẻ.
  • Nẹp các khớp xương cố định lại.
  • Hạn chế di chuyển trẻ, nên cho trẻ nằm tại một vị trí cố định và bằng phẳng trong thời gian chờ nhân viên y tế đến hỗ trợ.
  • Đặt trẻ nằm thẳng, đầu thấp hơn chân, nghiêng mặt trẻ sang một bên khi trẻ bị nôn trớ hay chảy máu.
  • Tuyệt đối không cho trẻ ăn hoặc uống bất kỳ thứ gì.

4. Phòng ngừa tai nạn chấn thương ở trẻ em

Cách phòng ngừa các chấn thương thường ở trẻ hiệu quả nhất bao gồm:

  • Luôn có người lớn trông trẻ ngay cả khi trẻ ăn, ngủ, dạo chơi. Không để trẻ mới biết lật, bò, biết đi nằm trên võng hay trên giường một mình.
  • Tạo hàng rào xung quanh cầu thang, cửa sổ, ban công với độ cao nhỏ nhất là 75cm.
  • Luôn bật đèn sáng ở cầu thang.
  • Dạy trẻ không được xô đẩy hay leo trèo.
  • Tuyệt đối không cho trẻ đứng trên ghế hay những vật được kê cao.
  • Thường xuyên lau nhà đảm bảo sàn nhà luôn sạch sẽ, khô thoáng, không ẩm ướt gây trơn trượt.
  • Không cho trẻ 10 tuổi trông trẻ nhỏ tuổi hơn.

 

Cách phòng ngừa các chấn thương ở trẻ nhỏ

Người lớn cần trong coi trẻ kỹ càng

Trên đây là tổng hợp những chấn thương thường gặp ở trẻ để bố mẹ tham khảo và có cách phòng tránh hiệu quả. Tránh để bé gặp các chấn thương về não và xương ảnh hưởng đến sự phát triển khỏe mạnh của trẻ!