Thông Tin Dinh Dưỡng

NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH PHÒNG TRÁNH SINH NON

Ngày đăng:

04/07/2016

Sinh non là hiện tượng em bé chào đời trước tuần 37 của thai kỳ, chiếm khoảng 7 – 10% trường hợp mang thai. Đây là biến chứng thường gặp ở phụ nữ mang thai từng bị biến chứng, có tiền sử sinh non, hút thuốc lá, uống rượu, lạm dụng thuốc hoặc có bệnh răng miệng. Mặc dù rất khó để xác định nguyên nhân chính xác dẫn đến sinh non, mẹ bầu cần tìm hiểu đầy đủ những thông tin về biến chứng thai kỳ này để có cách phòng tránh hiệu quả.

Em bé sơ sinh

Nguyên nhân sinh non

+ Những yếu tố đến từ thai nhi

  • Bất thường về ối: vỡ ối non, đa ối, viêm màng ối, ít nước ối…
  • Các biến chứng về nhau thai: nhau bong non, nhau tiền đạo, thiểu năng nhau, nguồn dưỡng chất cung cấp cho thai bị đe dọa khiến thai nhi sinh sớm hơn dự tính.
  • Do thai nhi dị dạng: thai vô sọ, không có thận, hay bất thường về nhiễm sắc thể, nhiễm trùng,..
  • Do song thai hoặc đa thai

+ Những yếu tố đến từ mẹ bầu

  • Tử cung/ cổ tử cung bất thường như có tử cung dị dạng (tử cung hai sừng, hình tim, có vách ngăn), tử cung kém phát triển, bị hở eo tử cung, mắc bệnh u xơ tử cung hoặc cổ tử cung ngắn.
  • Mang thai quá sớm (dưới 18 tuổi) hoặc mang thai từ 40 tuổi trở lên, mang thai nhiều lần
  • Mẹ bầu mắc bệnh phụ khoa, đặc biệt viêm cổ tử cung hay viêm âm đạo, hoặc cơ quan sinh sản có dị tật
  • Tiền sử nhiễm trùng đường sinh sản hoặc có nguy cơ mắc bệnh lây lan qua đường tình dục.
  • Các bệnh lý như viêm ruột thừa, u xơ tử cung, viêm gan siêu vi B, viêm thận, sốt, Rubella, bệnh tim, tiểu đường, thiếu máu nặng, cường giáp, nhiễm trùng đường sinh sản, nhiễm trùng ối,…
  • Mẹ mắc hoặc đã từng mắc các biến chứng thai kỳ như tiền sản giật, hội chứng HELLP (biến thể của tiền sản giật), ứ mật thai kỳ.
  • Mẹ từng có tiền sử sinh non, sảy thai.
  • Do các thói quen không tốt: hút thuốc, uống rượu, thường xuyên quan hệ tình dục không đúng cách, không đi khám thai đầy đủ, dùng thuốc an thai bừa bãi…
  • Mẹ bầu thường xuyên căng thẳng, bị stress, chịu nhiều áp lực công việc, làm việc quá sức (thời gian làm việc quá 42 giờ/ tuần hoặc công việc phải đứng nhiều trên 6 giờ/ ngày).
  • Mẹ bầu bị thiếu cân, suy dinh dưỡng, đặc biệt là thiếu vitamin B9.
  • Có sự tác động của công nghệ tới cơ quan sinh sản
  • Sống trong môi trường độc hại
  • Không được chăm sóc tiền thai sản đúng cách

Dấu hiệu cần chú ý để tránh sinh non

Nếu cơ thể có các dấu hiệu dưới đây, mẹ cần lập tức đến bác sĩ kiểm tra để có biện pháp điều trị kịp thời nhé:

  • Vùng bụng dưới thường xuyên căng cứng, đau từng cơn vào ban đêm hoặc sáng sớm.
  • m đạo chảy máu nhiều và có dấu hiệu bất thường.
  • Vỡ ối sớm hơn so với dự kiến. Nếu tình trạng này xảy ra, mẹ cần nằm ngửa, tránh di chuyển và vận động mạnh và nhờ người thân đưa đến bệnh viện càng nhanh càng tốt.
  • Cổ tử cung “mở” trước ngày dự sinh.

Cách phòng tránh sinh non

  • Khám thai đầy đủ theo lịch hẹn và báo cho bác sĩ bất cứ biểu hiện bất thường nào của cơ thể.

Khám thai đầy đủ sẽ giúp các bác sĩ phát hiện những dấu hiệu bất thường và có biện pháp điều trị kịp thời

Khám thai đầy đủ sẽ giúp các bác sĩ phát hiện những dấu hiệu bất thường và có biện pháp điều trị kịp thời

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị khi mắc các bệnh như tiểu đường, tăng huyết áp trong thai kỳ. Nếu thấy cơ thể mệt mỏi hoặc bị ốm, mẹ bầu cần nghỉ ngơi nhiều hơn, không nên thức khuya và cần làm theo sự hướng dẫn của bác sĩ, tránh tình trạng tự điều trị theo lời truyền miệng, các mẹ nhé.
  • Chế độ ăn uống cân bằng các chất dinh dưỡng, đặc biệt là bổ sung đầy đủ vitamin B9, axit folic, DHA, sắt, canxi và chất xơ. Ăn uống thường xuyên 5 bữa một ngày (3 bữa chính và 2 bữa phụ) thay vì chỉ ăn 3 bữa chính.
  • Uống nhiều nước để tránh mất nước, dẫn đến các cơn co thắt sớm. Nếu mẹ bầu tập thể dục nhiều hoặc tiết trời nóng cần uống nhiều nước hơn.
  • Giữ tinh thần, tâm trạng thoải mái, tránh căng thẳng stress, không làm việc nặng nhọc.
  • Không hút thuốc, tránh việc sử dụng rượu bia.
  • Tuyệt đối không sử dụng thuốc khi không có ý kiến bác sĩ.
  • Kiểm soát cân nặng hợp lý, tập thể dục điều độ và vừa sức. Trung bình, mẹ bầu sẽ tăng khoảng 12kg trong thai kỳ.
  • Sinh hoạt tình dục nhẹ nhàng, điều độ, nếu có cảnh báo sinh non nên tránh “yêu” trong các tháng cuối của thai kỳ để giảm nguy cơ co thắt tử cung
  • Chọn đồ lót thoáng, thấm hút tốt và giữ vệ sinh vùng kín cẩn thận
  • Chăm sóc nha khoa định kỳ. Các mẹ nhớ đánh răng miệng, dùng chỉ nha khoa và khám răng thường xuyên nhé

Hy vọng bài viết trên đã giúp các mẹ trang bị đủ kiến thức để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và bé yêu, phòng tránh được các nguy cơ sinh non. Chúc mẹ và bé thật khỏe mạnh cho đến giờ vàng nhé!

Bác sĩ Lê Quang Thanh

Giám Đốc bệnh viện Từ Dũ