Thông Tin Dinh Dưỡng

NHẬT KÝ NUÔI CON 7 – 12 THÁNG, NỖI LÒNG NGƯỜI MẸ

Ngày đăng:

06/10/2016

Lần đầu làm mẹ, hẳn nhiều người sẽ ngỡ ngàng với việc cuộc sống của cả gia đình gần như đảo lộn hoàn toàn sau khi bé ra đời. Mọi lịch trình, thói quen, mọi sự ưu tiên đều phải thay đổi, chỉ để hướng đến một đối tượng được yêu thương và chăm sóc nhiều nhất, bé con của mình. Với các mẹ có bé ở độ tuổi 7 – 12 tháng, giờ đã quen với việc lúc nào cũng có bé con bên cạnh, việc xa con 8 tiếng mỗi ngày để quay trở lại với công việc cũng là một thách thức lớn mà các mẹ buộc phải vượt qua.


Bé mang đến cho mẹ rất nhiều điều mới mẻ và lạ lẫm

Bé mang đến cho mẹ rất nhiều điều mới mẻ và lạ lẫm

  1. Thói quen của các mẹ có bé trong giai đoạn bò, ăn dặm

  • Cho bé ti mọi lúc mọi nơi, miễn là là bé có nhu cầu.Vì các mẹ hiểu rằng ở giai đoạn 7 – 12 tháng, sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng ưu tiên hàng đầu cho bé nên các mẹ tranh thủ mọi lúc mọi nơi và mọi tư thế để cho trẻ ti.
  • Đều đặn hút sữa và bảo quản thật kỹ phòng trường hợp mẹ đi làm cả ngày không về cho bé ti được. Đến công sở, có mẹ còn mang kè kè theo dụng cụ hoặc máy hút sữa để có thể “tác chiến” ngay tại chỗ.
  • “Sáng tạo” ra đủ các món ăn dặm. Giai đoạn này, bé đang trong quá trình tập ăn dặm. Vì mới làm quen với những món ăn lạ nên các bé sẽ khó có thể chịu ăn ngay, lúc này các mẹ khéo léo sẽ tìm hiểu những Thông Tin Dinh Dưỡng thật cụ thể và kỹ càng về từng loại thực phẩm và kết hợp khéo léo để kích thích vị giác của bé, khiến bé thích thú với việc ăn dặm hơn.
  • Các mẹ cũng trở nên “khó tính” hơn, khắt khe hơn với những người chăm sóc bé yêu của mình. Có thể ba hơi vụng về tí xíu, bà hơi xuề xòa, cô giúp việc vụng về đôi chút,… cũng sẽ khiến mẹ không hài lòng. Bởi với bản năng của người làm mẹ, luôn muốn dành mọi thứ tốt đẹp cho con, nên mẹ luôn đòi hỏi mọi thứ thật hoàn hảo cho con yêu của mình.
  • Nếu phải gửi con cho một ai đó,các mẹ sẽ tốn rất nhiều tiền tin nhắn và điện thoại vì không yên tâm khi con ở với người khác, dù cho đó là người tin tưởng nhất như bà ngoại.
  • Nếu cả nhà đi ra ngoài hoặc đi chơi xa, mẹ phải tất bật cả giờ đồng hồ để chuẩn bị đồ đạc và đến lúc xuất phát thì tay xách nách mang, đồ chất đầy cả xe, nhưng tất cả chỉ là của một-mình-bé.
  • Trên người các mẹ luôn có những “vết tích”do những “trận chiến hàng ngày” với con: từ vệt sữa, mùi phân, mùi nước tiểu, đến các vết cào cấu vì một lần chẳng may quên cắt móng tay cho bé. Nhưng các mẹ đã quá quen với những “món quà nhỏ” này, nhiều lúc không có còn cảm thấy thiếu và nhớ.
  • Làm những việc chẳng ai làm vào giờ không ai thức. Vì thói quen thức dậy nửa đêm để pha sữa, cho bé ti hoặc thay bỉm tã mà có những mẹ bị mất giấc ngủ. Vậy là lại tranh thủ “giờ vàng” này để làm nốt việc nhà, hoặc cập nhật thông tin về xã hội ngoài kia, lên mạng, lướt face, những niềm vui ít ỏi của mẹ.
  • Ghi nhớ tất cả những cái “lần đầu” của con: lần đầu biết cười, lần đầu bập bẹ nói, lần đầu biết lật, lần đầu biết ngồi, lần đầu chập chững tập đi,… và hào hứng khoe về những cái lần đầu đó với tất cả mọi người. Thói quen kể về con của các mẹ cũng bắt đầu từ đây. Đi đâu họ cũng có thể lập một hội “Những bà mẹ cuồng con” và khoe mọi câu chuyện về con.
  • Bộ nhớ điện thoại các mẹ luôn trong trạng thái đầy hình ảnh của con. Khi con cười, lúc con khóc, con biết bò, ánh mắt ngơ ngác… hay bất kỳ khoảnh khắc nào các mẹ cũng muốn ghi lại hết. Mọi người nhìn vào sẽ thấy 10 tấm hình giống nhau hoàn toàn nhưng các mẹ lại nhất mực khẳng định chúng khác nhau do mỗi tấm hình là một khoảnh khắc và không thể xóa tấm nào được.
  • Các mẹ trở thành những người mau nước mắt kinh khủng, vì cái cảm giác bất lực khi nhìn bé con của mình bị bệnh, bị sốt hoặc khóc quằn quại mà người làm mẹ không biết nguyên nhân. Lúc đó các mẹ chỉ ước mình được đau thay phần của con để khỏi phải đứt từng khúc ruột như thế này.
  1. Để mẹ yên tâm với những “thói quen lạ” này

  • Có con là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời của người phụ nữ. Những sự thay đổi trên hẳn sẽ đem lại cho các mẹ trải nghiệm thú vị và cảm giác hạnh phúc không gì thay thế được trong cuộc đời. Nhưng cũng sẽ có lúc nó trở thành nỗi ám ảnh hay căng thẳng, thậm chí là trầm cảm với các mẹ. Hãy bình tĩnh và nhẹ nhàng đón nhận sự thay đổi này, chủ động biến những thói quen tiêu cực thành những suy nghĩ lạc quan để đối mặt với mọi vấn đề của cuộc sống, khi mẹ đã trở thành Mẹ.
  • Nếu mẹ cảm thấy mình đang căng thẳng hoặc tức giận với bé, hãy chủ động đặt bé xuống cũi/ nôi để nghỉ ngơi và tĩnh tâm trở lại. Điều này giúp giải tỏa căng thẳng, thoát khỏi tình trạng stress và quay trở lại với công việc của một bà mẹ bỉm sữa.
  • Thay vì ép bé phải theo một lịch trình ăn cố định, trong giai đoạn ăn dặm, hãy để bé ăn theo nhu cầu của bé. Từ từ điều chỉnh chế độ ăn và thói quen ăn của bé theo hướng tích cực hơn.
  • Hãy tranh thủ ngủ và nghỉ ngơi bất cứ lúc nào, bởi vì mẹ cần một sức khỏe của “siêu nhân” và sự dẻo dai của tất cả các bà mẹ trong cuộc đời cộng lại để chăm sóc bé yêu suốt một khoảng thời gian dài.
  • Đừng bao giờ, dù chỉ trong một giây, nghĩ rằng mình là “chiến sĩ” duy nhất trên “mặt trận” này. Không ít người lần đầu làm mẹ cảm thấy mất phương hướng, lạc lõng hoặc thậm chí chán nản, tìm một ai đó nói chuyện bất cứ khi nào cảm thấy bị quá tải. Những lúc quá mệt mỏi, hãy để bố em bé chia sẻ bớt gánh nặng, làm giúp những công việc mà mẹ không thể làm được trong giai đoạn khó khăn này như nấu nướng, dọn dẹp, giặt quần áo,… Điều này không chỉ giúp mẹ rảnh tay nuôi con nhỏ nhàn hạ mà còn giúp gắn kết tình cảm gia đình hơn.

Hãy cùng cả gia đình đón nhận thành viên mới toanh và vô cùng đặc biệt này theo cách thật đặc biệt nhưng cũng đừng quá căng thẳng các mẹ nhé. Chúc các mẹ có những trải nghiệm tuyệt vời với cuốn nhật ký trong những tháng đầu đời của bé con mình.

BS. Nguyễn Thị Ngọc Thanh

Trung tâm dinh dưỡng Vinamilk