Thông Tin Dinh Dưỡng

NHỮNG BỆNH LÝ THƯỜNG GẶP Ở TRẺ SINH NON NHỮNG NĂM ĐẦU ĐỜI

Ngày đăng:

04/07/2016

SƠ SINH SINH NON CÓ 3 MỨC ĐỘ:

  • Sinh cực non: Khi trẻ sinh ra từ 22 1/7 đến 27 6/7 tuần tuổi thai
  • Sinh rất non: Khi trẻ sinh ra từ 28 0/7 tuần đến 31 6/7 tuần tuổi thai
  • Sinh non: Khi trẻ sinh ra từ 32 0/7 tuần đến 36 6/7 tuần tuổi thai

Những nguyên nhân gây sinh non thường gặp là:

  • Nhau bong non
  • Đa thai như sanh đôi hoặc sanh ba
  • Mẹ bị nhiễm trùng
  • Mẹ bị tiền sản giật
  • Vấn đề bất thường ở tử cung hoặc cổ tử cung

Đứng trước một trẻ cân nặng không thấp nhưng tuổi thai < 30 tuần ( 7 tháng rưỡi ) thì rất nhiều yếu tố nguy cơ đe dọa như:

  1. Suy hô hấp ( Bệnh màng trong của trẻ sơ sinh sanh non )
  2. Rối loạn chức năng điều hòa thân nhiệt do trung tâm điều hòa thân nhiệt ở não non yếu ,trương lực cơ yếu, giảm vận động để sinh nhiệt , tích da lớn hơn so với cân nặng, lớp mỡ dưới da kém phát triển, dễ mất nhiệt.
  3. Hạ đường huyết,
  4. Hạ calci máu
  5. Vàng da, Nguy cơ vàng da nhân.
  6. Chậm ăn qua đường tiêu hóa & viêm ruột hoại tử
  7. Đặc biệt nguy cơ nhiễm trùng cao.

Các mốc thời gian khám trẻ sinh non:

  • Lần khám đầu ngay sau sanh: Các dấu hiệu cấp cứu, suy hô hấp, sanh ngạt, dị tật bẩm sinh nặng.
  • Đến sau ngày 4: vàng da do tăng Bilirubin gián tiếp phòng ngừa vàng da nhân bằng chiếu đèn .
  • Đến ngày 7 – 10: Chức năng thận, viêm ruột hoại tử, Xuất huyết não màng não ,còn ống động mạch, cũng được tầm soát chặt chẽ .

Sinh non thường khiến trẻ vừa chào đời đã gặp phải không ít vấn đề về sức khỏe. Bởi lẽ, các bé chào đời khi thể chất chưa thật sự ở thời điểm tốt nhất cũng như các cơ quan trong cơ thể vẫn còn đang hoàn thiện. Những chia sẻ dưới đây về các bệnh lý thường gặp ở trẻ sinh non hi vọng có thế giúp ích cho các bậc phụ huynh khi chăm sóc cho bé.

Mẹ cần theo dõi thật kỹ tình trạng sức khỏe của các bé sinh non để đưa đến bệnh viện điều trị kịp thời

Mẹ cần theo dõi thật kỹ tình trạng sức khỏe của các bé sinh non để đưa đến bệnh viện điều trị kịp thời

1. Suy hô hấp

Hội chứng suy hô hấp cấp(RDS) là nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ sinh non. Suy hô hấp cấp là một hội chứng của nhiều nguyên nhân gây nên, rất hay gặp trong thời kỳ sơ sinh, nhất là những ngày đầu sau đẻ, khi trẻ mới bắt đầu làm quen với môi trường bên ngoài tử cung, SHH có thể xuất hiện vài giờ hay vài ngày sau sinh,tùy thuộc vào nguyên nhân gây nên.

  • Thay đổi hô hấp : Tần số thở tăng trên 60 lần / phút hay chậm dưới 30 lần/phút luôn luôn là biểu hiện bệnh lý. Theo dõi cách thở nếu trẻ thở không đều có cơn ngừng thở trên 20 giây kèm theo đổi màu da là biểu hiện rối loạn hô hấp.
  • Màu da xanh tím dưới khí trời : Tìm thấy ở môi, đầu chi hoặc toàn thân, chứng tỏ PaO2 trong máu động mạch giảm dưới 60 mmHg .
  • Phát hiện những xáo trộn đi kèm : hạ thân nhiệt, suy tuần hoàn cấp (huyết áp hạ, thời gian phục hồi màu da kéo dài ), hạ đường máu.
  • Nhận ra những dấu hiệu nặng : Xáo trộn tri giác, nhịp tim nhanh, vã mồ hôi, nhịp thở xáo trộn bất thường, giảm nhanh dấu hiệu phản ứng, gia tăng xanh tím,co giật,hôn mê.

Bệnh màng trong là nguyên nhân chính, cũng cần phải phân biệt với các nguyên nhân khác như viêm phổi, nhiễm trùng huyết, cơn thở nhanh thoáng qua ở sơ sinh và các dị tật bẩm sinh nội hoặc ngoại khoa .

Bệnh màng trong gây tử vong hàng đầu ở trẻ sơ sinh non tháng, 30% trẻ sơ sinh tử vong do bệnh màng trong hoặc các biến chứng của bệnh này .Tần suất mắc bệnh tỉ lệ nghịch với tuổi thai và cân nặng lúc sinh :

Tuổi thai Tỉ lệ mắc bệnh màng trong

< 28 tuần 60-80%

32-36 tuần 15-30%

> 37 tuần 5%

Hiếm gặp ở 38 tuần tuổi thai). Tần suất mắc bệnh khoảng 10-15% ở trẻ sơ sinh có trọng lượng lúc sanh < 2.500g ,tần suất mắc bệnh sẽ cao khi trọng lượng lúc sinh thấp .

Yếu tố nguy cơ :Mẹ tiểu đường ,bị xuất huyết khi sanh ,cao huyết áp , suy thận,bị vỡ ối sớm.Trẻ sanh ngạt , sanh mổ ,sinh đôi con thứ hai .

  • Nguyên nhân tử vong chính trẻ sinh non tháng
  • Có nhiều tiến bộ trong điều trị của chuyên khoa sơ sinh
  • Điều trị hiệu quả làm tăng tỉ lệ sống của tuổi thai 24 tuần

Nguyên nhân do phổi không tiết được chất surfactant là chất có tác dụng làm cho phế nang không bị xẹp và giữ được khí cặn ở cuối thì thở ra .

Trẻ có biểu hiện khó thở đột ngột vài giờ sau đẻ .Trẻ khó thở ngày càng tăng , thở nhanh gặp ở trẻ có tuổi thai lớn hơn, rên nhiều, co kéo lồng ngực, lõm mũi ức, tím tái ngày càng nặng.

Phương pháp điều trị tốt nhất chính là trợ thở cho trẻ bằng cách duy trì nồng độ oxy trong máu luôn ở mức ổn định, thông qua máy thở nhân tạo và bơm Surfactan qua ống nội khí quản cho bé theo đúng chỉ định của BS.

Điều trị hiệu quả làm tăng tỉ lệ sống của tuổi thai 24 tuần

2. Các bệnh nhiễm trùng

Trẻ sinh non thường có sức đề kháng yếu, do đó mắc các bệnh truyền nhiễm là điều không tránh khỏi. Một số bệnh nhiễm trùng có thể gây nguy hại cho trẻ sinh non như: nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm ruột hoại tử… Các bệnh nhiễm trùng thường khó phát hiện do hệ miễn dịch của bé vốn đã yếu, khó biểu hiện ra bên ngoài.

  • Hệ thống bảo vệ cơ thể:
  • Miễn dịch dịch thể:

– IgG: xuất hiện từ tuần lễ thứ 12, qua được nhau thai, trẻ có IgG thụ động của mẹ, IgG có khả năng chống lại một số siêu vi trùng gr (+) sinh mủ có bọc nhưng không chống được vi trùng gr (-).Trẻ sơ sinh nhiễm trùng gr (-) → gây tử vong cao.

– IgM: xuất hiền từ tuần lễ thứ 10, không qua được nhau thai, chống được vi trùng gr (-), siêu vi trùng.

– IgA: xuất hiện từ tuần lễ thứ 30, không qua được nhau thai, nếu có nồng độ tăng cao trong máu sơ sinh → chứng tỏ có nhiễm trùng sơ sinh trong bào thai.

  • Miễn dịch tế bào:

Miễn dịch tế bào cũng như khả năng thực bào vi trùng và siêu vi trùng còn yếu. Miễn dịch tế bào có từ tháng thứ 2 của thai kỳ nhưng đến 2 tuổi mới hoàn chỉnh (BC mới có khả năng thực bào).

  • Da và niêm mạc:

– Da sơ sinh mỏng dễ bị xây xát nên vi trùng dễ xâm nhập qua da.

– Sau khi sanh không nên lau sạch lớp chất gây bên ngoài ít nhất trong 24 giờ tránh làm tổn thương da. Hút dịch hay đặt ống thông dạ dày cũng làm tổn thương da và là đường vào của vi khuẩn.

-Tắm bé hàng ngày bằng nước sạch, ấm và khăn mềm, với cháu non tháng vừa cần tắm nửa người trên của bé, lau khô, ủ ấm rồi mới tiếp tục tắm nốt phần còn lại, với trẻ quá non cần có kỹ thuật tắm bé trong lồng ấp.

– Thay băng rốn và sát khuẩn bằng cồn 70° hàng ngày sau khi tắm bé cho tới khi rốn rụng và khô thành sẹo.

– Các mẹ cũng cần chú ý vệ sinh sạch sẽ sau mỗi lần bé đi vệ sinh.

  • Đường lây nhiễm và yếu tố nguy cơ NTSS:
  • Nhiễm trùng trong tử cung:

Nhiễm trùng trong tử cung có biểu hiện lâm sàng hay tiềm ẩn, do nhiều tác nhân: TORCH (T = Toxoplasmosis, Treponena palidum, O = Other (lậu, VGSV B, Uốn ván rốn, Sốt rét, HIV, Varicella virus…), R = Rubella, C = Cytomegalovirus, H = Herpes simplex virus). Mầm bệnh theo dòng máu qua nhau thai truyền cho con. Nhiễm trùng bào thai có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào trong thai kỳ. Triêu chứng lâm sàng có thể xảy ra ngay sau sinh, hoặc vài tháng, vài năm sau sinh.

  • Nhiễm trùng ngược dòng:

– Khi màng ối còn nguyên vẹn, hầu như thai/trẻ chưa thể tiếp cận với vi trùng gây bệnh.

– Các loại vi sinh khu trú ở đường sinh dục mẹ có thể gây nhiễm trùng ối ngược dòng và/hoặc lưu trú trên trẻ sơ sinh lúc sinh. Sự lây nhiễm này thường xảy ra trong giai đoạn chuyển dạ sanh.

– Viêm màng ối, vỡ ối lâu, giúp vi trùng xâm nhập vào dịch ối đến thai, hoặc hít, nuốt vi khuẩn trong lúc sinh, thủ thuật hồi sức, sanh không vô trùng, hoặc có những yếu tố làm cho tác nhân lưu trú trên trẻ bình thường không gây bệnh lại trở thành gây bệnh.

  • Nhiễm trùng muộn sau sinh:

– Sau sinh, trẻ sơ sinh bắt đầu tiếp xúc với mầm bệnh trong môi trường

ngoài: phòng bú, cộng đồng…Mầm bệnh có thể truyền trực tiếp từ: nhân viên bệnh viện, mẹ, thành viên khác…

3. Hạ thân nhiệt

Rối loạn chức năng điều hòa thân nhiệt do trung tâm điều hòa thân nhiệt ở não non yếu ,trương lực cơ yếu, giảm vận động để sinh nhiệt , diện tích da lớn hơn so với cân nặng, lớp mỡ dưới da kém phát triển, dễ mất nhiệt.

Cần giữ ấm cho trẻ vì để lạnh trẻ dễ bị phù cứng bì làm trầm trọng thêm bệnh lý của trẻ, có 2 phương pháp trợ giúp trẻ sơ sinh non tháng và nhẹ cân duy trì thân nhiệt là ủ ấm trong lồng ấp và phương pháp chuột túi.

3.1.1. Lồng ấp

Trẻ < 2000g cần duy trì nhiệt độ lồng ấp 33 – 34°C.

Trẻ < 1500g cần duy trì nhiệt độ lồng ấp 34 – 35°C.

Nhiệt độ trong phòng nuôi trẻ cần giữ 28 – 32°C.

3.1.2. Phương pháp chuột túi( Phương Pháp Da kề Da)

Đặt trẻ nằm da áp da trên lồng ngực mẹ phủ áo hoặc chăn bên ngoài, ủ ấm trẻ bằng nhiệt độ của cơ thể người mẹ. Phương pháp này dễ thực hiện, đơn giản, tiện lợi, kinh tế và có nhiều ưu điểm sau:

Giảm được tỷ lệ bệnh lây lan trong bệnh viện.

Giữ được thân nhiệt cho trẻ.

Giúp trẻ thở đều hơn.

Tránh nôn, trào ngược từ dạ dày.

Gắn bó tình cảm giữa mẹ và con.

Nếu mẹ mệt, bố hay người thân trong gia đình có thể thay thế để chăm sóc trẻ theo phương pháp da áp da

4. Hạ Calci

Cơn co cứng: Các ngón tay nắm chặt, chân duỗi thẳng

Kích thích, hốt hoảng co giật các chi

Tăng trương lực cơ:

  • Co thắt thanh quản: Trẻ ngạt thở, tím tái, khó thở chủ yếu thì thở vào, khó thở nhanh, co kéo lồng ngực, có thể nghe tiếng rít, khàn tiếng hoặc mất tiếng.
  • Khóc thét đỏ mặt, tím => kéo dài nhiều giờ, khó dỗ, càng ru, càng cho bú càng khóc nhiều có thể chết do ngừng thở trong cơn khóc.
  • Khi bú hay bị co thắt các cơ dạ dày, cơ hoành, ruột, bàng quang… gây ọc sữa, nấc cục, són phân và nước tiểu ra tả lót => trẻ sợ bú.

Trong tuần lễ đầu, nhất là trẻ đẻ non, triệu chứng hạ Ca máu có thể biểu hiện bằng:

  • Những cơn ngừng thở và thở nhanh
  • Những cơn tăng nhịp tim và có thể gây suy tim

Thóp phồng

5. Vàng da

Các bé sau khi sinh có cân nặng dưới 1,5kg thường sẽ là đối tượng dễ mắc chứng vàng da, tỉ lệ gần như tuyệt đối, cần được điều trị sớm bằng đèn chiếu.

– Triệu chứng vàng da thường thấy sớm trong 10 ngày đầu sau sinh vì chức năng gan chưa hoàn chỉnh, chưa đủ khả năng chuyển hóa Bilirubin gián tiếp thành Bilirubin trực tiếp.

– Bilirubin là một sản phẩm chuyển hóa của hemoglobine. Khi hồng cầu bị phá hủy, Bilirubin gián tiếp ở dạng tự do trong huyết tương. Vì Bilirubin gián tiếp tan trong mỡ nên thường ngấm vào các tổ chức có nhiều chất béo như: da, niêm mạc, phủ tạng, não,… Nếu lượng Bilirubin gián tiếp > 20 mg% các tế bào có thể bị phá hủy, hô hấp bị ngưng trệ → gây tổn thương thực thể, gây hậu quả nghiêm trọng, tổn thương ở não gây bệnh cảnh vàng da nhân. Gan có nhiệm vụ chống độc bằng cách chuyển Bilirubin gián tiếp hòa tan trong mỡ thành Bilirubin trực tiếp tan trong nước để đưa ra ngoài theo phân và nước tiểu. Bình thường lượng Bilirubin được cố định < 0.5 mg%.

Cần tìm nguyên nhân vàng da khi:

  • Vàng da trong 24 – 36 giờ đầu sau sanh.
  • Tăng Bilirubin nhanh > 5 mg %/ ngày. Bilirubin TP > 12 mg% ở trẻ đủ tháng, > 15 mg% ở trẻ non tháng.
  • Vàng da kéo dài > 14 ngày ở trẻ non tháng.
  • Nghĩ đến vàng da nhân: Bilirubin gián tiếp ≥ 20 mg% + dấu hiệu thần kinh

Nếu không phát hiện và chữa trị kịp thời, bệnh lý này có thể khiến trẻ tử vong hoặc để lại những di chứng về sau, nguy hiểm nhất là vàng da nhân gây tổn thương não.

Khi đã qua quá trình điều trị, bé có dấu hiệu phục hồi, da bớt vàng hơn, bạn có thể điều trị tại nhà cho bé bằng cách tắm nắng buổi sáng và che chắn cẩn thận cho bé mỗi khi ra đường.

6. Rối loạn tiêu hóa

Trẻ gặp rối loạn tiêu hóa thường có triệu chứng như hay nôn ói, trướng chụng, tiêu phân lỏng nhiều lần/ngày, lười bú và chậm tăng cân. Do ruột chưa phát triển hoàn thiện vì sinh non, bé còn có nguy cơ bị viêm hoại tử ruột hoặc thủng ruột nếu không điều trị đúng cách.

Cần qua tâm dinh dưỡng đầy đủ, giảm nguy cơ hạ đường huyết cho bé:

Ưu tiên sữa mẹ.

Bú sớm tránh hạ đường huyết cho trẻ.

Cho bú nhiều lần trong ngày.

Lượng sữa cho bé 6 tháng tuổi tăng từ từ.

Trẻ không bú được phải đổ thìa hoặc đặt sonde dạ dày, phải theo dõi dịch dạ dày trước khi cho ăn để biết sữa bữa trước có tiêu không. Nếu dịch dạ dày trong hoặc có ít sữa vón là tốt, nếu dịch đục bẩn, ứ đọng nhiều (> 1/4 số lượng bữa trước) hoặc có vẩn hồng thì phải hút hết dịch ra, nhịn ăn, theo dõi tiếp.

– Trẻ quá non (< 1500g) phải kết hợp truyền dung dịch Glucoza 10% theo đường tĩnh mạch (tại bệnh viện).

Vì nhu cầu năng lượng của trẻ đẻ non cao hơn của trẻ đủ tháng : 130 – 140 kcal/kg/ngày( trẻ đủ tháng 100 – 120 kcal/kg/ngày)

Số lượng sữa được tính cho trẻ < 1800g như sau:

Ngày 1 : 25 – 30 ml/kg/24 giờ

Ngày 2 : 50 ml/kg/24 giờ

Ngày 3 : 80 ml/kg/24 giờ

Ngày 4 :100 ml/kg/24 giờ

Ngày 5 : 120 ml/kg/24 giờ

Ngày 6-7: 140 ml/kg/24 giờ

Từ tuần thứ 2 trở đi tăng dần từ 150 tới 200 ml/kg/ngày nếu trẻ ăn không trớ.

Bổ sung các vitamin : A, D, E, K cho bé theo chỉ định của BS.

7. Bệnh về võng mạc

ROP không gây đau không đỏ không tạo nhử mắt và khi quan sát bên ngoài mắt trẻ không có biểu hiện gì đặc biệt. Bệnh không gây ảnh hưởng đến toàn thân (trẻ vẫn có thể bú được, tăng cân…). Chỉ phát hiện được bệnh khi trẻ được khám chuyên khoa mắt để sàng lọc ROP.

Bệnh võng mạc ở trẻ sinh non (ROP) đặc biệt nguy hiểm. Đối với trẻ sinh non, mạch máu võng mạc thường chưa được hoàn thiện, khiến thị giác của trẻ bị ảnh hưởng. Đặc biệt, khi nồng độ oxy trong máu quá cao( gặp nhiều trong thở oxy áp lực cao), nó sẽ khiến võng mạc của trẻ giãn nở và co thắt bất thường, gây tổn hại thị giác, có thể khiến mù lòa nếu bạn không kịp thời phát hiện và điều trị cho bé.

Trẻ đẻ non cần được sàng lọc tìm ROP, đối tượng và thời điểm sàng lọc phụ thuộc vào tuổi thai và cân nặng khi sinh. ROP không xuất hiện ngay sau sinh mà bệnh cần một khoảng thời gian để tiến triển.

Đối tượng cần sàng lọc ROP: Trẻ có cân nặng khi sinh dưới 1500g và hoặc tuổi thai < 35 tuần. Tuy nhiên chỉ định sàng lọc cũng có thể mở rộng hơn.

Khuyến cáo sàng lọc ROP: lần đầu ở tuần thứ 3 -4 sau sinh. Sau đó bác sĩ chuyên khoa mắt sẽ hẹn lịch khám và theo dõi tiếp theo (nếu cần thiết) hoặc quyết định điều trị nếu như thấy mức độ bệnh nặng cần can thiệp.

Tần suất theo dõi: 2 tuần 1 lần ( đối với trường hợp mạch máu võng mạc chưa hoàn thiện. Khám hàng tuần đối với trường hợp bị bong võng mạc hoặc có những dấu hiệu ban đầu của bệnh ROP.

Trường hợp phát hiện những dấu hiệu tiến triển của bệnh, bệnh nhân cần được nhanh chóng chuyển để trung tâm chẩn đoán- điều trị chuyên ngành. Trong trường hợp này, cần chuyển sớm không quá 2 tháng tuổi của trẻ để có điều kiện bảo toàn thị lực, thậm chí cả trong trường hợp nặng của bệnh ROP.

Trường hợp đi khám muộn sẽ khó điều trị và nguy cơ bị mù vĩnh viễn rất cao.

Lần khám tiếp theo: khám lại sau ngay 2 ngày và cần điều trị ngay nếu lần đầu phát hiện ra bệnh ở giai đoạn nặng.

Khám lại sau 1 tuần nếu lần đầu có nghi ngờ mắc bệnh.

Khám lại sau 2 tuần nếu lần trước chưa phát hiện ra bệnh ( khám cho đến khi trẻ đủ 42 tuần tuổi, tính từ ngày thụ thai hoặc tới khi các mạch máu ở võng mạc phát triển đầy đủ)

Theo hiệp hội ROP, các trường hợp ROP ở giai đoạn 1 và 2 thì nên khám đáy mắt 2 tuần 1 lần. Trường hợp ROP tự hồi phục thì nên theo dõi mỗi tháng 1 lần cho đến khi toàn bộ võng mạc có đầy đủ mạch máu. Sau đó trẻ non được tái khám 1 lần lúc 6 tháng tuổi.

8. Rối loạn huyết học

Trẻ sinh non dễ thiếu máu cho tủy xương hoạt động kém: số lượng hồng cầu ít, huyết cầu tố giảm gây thiếu máu nhược sắc. Biểu hiện thường gặp ở trẻ chính là da xanh xao và chậm tăng cân. Số lượng bạch cầu và tiểu cầu ít .

Trẻ sinh non thiếu vitamin K nên dễ bị xuất huyết, các yếu tố đông máu như sinh sợi huyết, plasminogen, proconvertin, proaccelerin… đều giảm, đặc biệt prothrombin giảm nhiều (15 – 20%); các vitamin như A, D, E, K, … đều thiếu, cộng với sức bền thành mạch yếu vì thế trẻ rất dễ bị xuất huyết đặc biệt là xuất huyết não màng não.

Bệnh thường khởi phát đột ngột, diễn tiến rất nhanh đến tình trạng suy sụp toàn thân, từ vài phút đến vài ngày tùy theo mức độ xuất huyết não màng não.

– Trước khi có đợt xuất huyết cấp, trẻ thường có những biểu hiện lâm sàng không đặc hiệu như: ọc sữa nhiều, bú kém hoặc bỏ bú, bức rứt, khóc thét…

– XHNMNM có hai hội chứng sau:

8.1. Hội chứng thiếu máu cấp:

Da xanh, niêm nhợt, thiểu niệu.

8.2. Hội chứng tăng áp lực nội sọ:

– Thần kinh:

+ Tri giác thay đổi: lừ đừ, ngủ li bì, lơ mơ hoặc bức rức, khóc thét khi bồng bế trẻ.

+ Giảm hoặc tăng trương lực cơ.

+ Co giật: co gồng khu trú hoặc toàn thân.

+ Sụp mí mắt, đồng tử dãn không đều 2 bên, phản xạ ánh sáng giảm.

+ Thóp phồng căng.

+ Rối loạn điều hòa thân nhiệt. Sốt cao có thể gặp trong trường hợp tổn thương não nặng do xuất huyết.

Trường hợp nặng:

Hôn mê

Bệnh nhi có tư thế mất não: co cứng liên tục, gồng cơ, bàn tay nắm chặt xoay trong, cẳng tay duỗi, gồng và duỗi toàn thân.

Đồng tử dãn không còn phản xạ

Liệt mềm 4 chi.

– Hô hấp:

+ Rối loạn nhịp thở, rên rỉ tím tái từng cơn.

+ Cơn ngừng thở > 15 giây (thở không đều)

– Tim mạch:

+ Rối lọan nhịp tim.

+ HA hạ, kẹp.

Bệnh cảnh nguy hiểm bởi ảnh hưởng trực tiếp sự phát triển thể chất lẫn tinh thần của trẻ về sau.

Có thể thấy, chăm sóc cho trẻ sinh non là cả một vấn đề lớn với các ông bố bà mẹ đúng không. Các mẹ cần tự nâng cao kiến thức về chăm sóc thai nghén, khám thai định kỳ và chăm sóc sức khỏe cho bé sau khi sinh. Đặc biệt khi thấy bé nhà bạn có một trong số những có triệu chứng nêu trên, ngay lập tức liên hệ với bác sĩ hoặc các trung tâm y tế gần nhất để tránh các trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra nhé!

Bác sỹ Nguyễn Thị Ngọc Thanh

Trung tâm Dinh dưỡng VNM

 

Đọc thêm:

Cách chữa nôn trớ ở trẻ sơ sinh

Nôn trớ ở trẻ có biểu hiện là thức ăn trong dạ dày bị đẩy lên thực quản rồi trào ra miệng. Nôn trớ nhiều có thể khiến trẻ biếng ăn, từ đó dẫn đến các triệu chứng nguy hiểm như suy dinh dưỡng. Vậy mời mẹ đọc ngay bài viết sau để khám phá mẹo chữa nôn trớ ở trẻ sơ sinh hiệu quả nhé!

Loại sữa tăng cân cho trẻ dưới 1 tuổi

Khi chọn sữa tăng cân cho bé dưới 1 tuổi, mẹ cần kiểm tra thành phần để đảm bảo có những dưỡng chất giúp bé phát triển khỏe mạnh và tăng cân. Các dưỡng chất thiết yếu cần có trong sữa tăng cân cho bé 1 tuổi là protein, chất béo, vitamin và khoáng chất…