Thông Tin Dinh Dưỡng

NHỮNG ĐIỀU MẸ CẦN BIẾT VỀ BỆNH THỦY ĐẬU Ở TRẺ

Ngày đăng:

06/10/2016

Thủy đậu là bệnh rất thường gặp ở trẻ em. Dưới đây là những điều mẹ cần biết về căn bệnh này để điều trị hoặc phòng tránh hiệu quả cho bé.

Thủy đậu là bệnh gì?

  • Thủy đậu là bệnh lây nhiễm do siêu vi Varicella Zoster Virus (VZV) gây ra.
  • Bệnh xảy ra ở cả người lớn nhưng phần lớn là ở trẻ em.
  • Thường bệnh kéo dài khoảng 7 – 10 ngày, trong đó, thời gian nung bệnh hay ủ bệnh tính từ lúc nhiễm siêu vi đến lúc phát ra bệnh khoảng 2 -3 tuần.
  • Thủy đậu lây lan trực tiếp thông qua đường tiếp xúc. Trẻ em rất dễ mắc bệnh nếu tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh. Bệnh lây nhiễm cao trong giai đoạn bắt đầu phát ban cho tới khi các mụn nước khô và đóng vảy, đặc biệt khi người bệnh chảy mũi. Nguy cơ lây lan sẽ giảm dần khi các vết thương khô và đóng vảy.

Lây từ mẹ sang con khi mang thai

Khoảng 90% những người chưa chủng ngừa hoặc chưa từng bị Trái rạ trong gia đình sẽ bị lây bệnh nếu có tiếp xúc với một người thân bị nhiễm bệnh. Trái rạ có thể lây lan qua đường hô hấp do hít phải những giọt nước nhỏ trong không khí từ miệng hay mũi của người bệnh khi họ hắt hơi, nhảy mũi hoặc ho, hoặc lây lan do tiếp xúc trực tiếp với mụn nước của người bệnh. Bệnh cũng có thể lây lan qua tiếp xúc với quần áo hoặc vải trải giường…bị ô nhiễm bởi chất dịch từ bóng nước hoặc từ miệng hay mũi của người bị bệnh. Ngoài ra Trái rạ còn có thể lây từ mẹ sang con qua nhau thai.

Bệnh có thể lây từ 1 – 2 ngày trước khi nổi mụn nước cho đến khi tất cả những vết phồng đã đóng vảy. Do đặc điểm dễ lây lan nên trường học, nhà trẻ, doanh trại quân đội, các cơ quan, đơn vị làm việc tập thể… là những nơi thuận lợi dễ làm bùng phát dịch Trái rạ. Để tránh lây lan cho những người xung quanh, người bị bệnh Trái rạ cần phải nghỉ học hoặc nghỉ làm việc khoảng 1 tuần kể từ khi thấy xuất hiện các dấu hiệu của bệnh.

Biểu hiện của bệnh thủy đậu

Giai đoạn khởi phát bệnh:

  • Bé có thể mệt mỏi, khó chịu, nhiệt độ cơ thể tăng cao, cảm giác đau nhói ở da, ra mồ hôi và mặt ửng đỏ, thậm chí chảy mũi.
  • Một số trường hợp lại không có triệu chứng báo động nào

Giai đoạn tiếp theo:

  • Bé xuất hiện những nốt chấm đỏ có đường kính vài milimet. Sau 1-2 ngày, chuyển thành các mụn nước xuất hiện đầu tiên ở mặt, ngực, lưng sau đó lan dần khắp cơ thể.
  • Mụn bóng nước ban đầu chứa chất dịch trong, sau một ngày sẽ chuyển sang đục như mụn mủ. Đây là những nốt tròn nhỏ xuất hiện nhanh trong vòng 12 – 24 giờ, các nốt này sẽ tiến triển thành những mụn nước, bóng nước. Sau 2-3 ngày mụn có thể đóng vẩy. Các mụn nước này mọc thành nhiều đợt khác nhau nên trên cùng một vùng da có thể thấy nhiều dạng khác nhau: đỏ rát, mụn nước trong, mụn nước đục, mụn đóng vẩy…
  • Sang thương có thể mọc khắp toàn thân hay mọc rải rác trên cơ thể, số lượng trung bình khoảng 100 – 500 nốt. Ở trẻ em thủy đậu thường kéo dài khoảng 5-10 ngày và bị buộc phải nghỉ học để tránh lây lan.

Giai đoạn phục hồi:

  • Các nốt mụn đóng vẩy và bay đi sau 1 – 2 tuần, nếu không biến chứng sẽ không để lại sẹo.
  • Bé giảm sốt, ăn uống trở lại như thường, hết đau họng, hạch sau tai,…
  • Thông thường thủy đậu là bệnh lành tính, nhưng có thể gây ra nhiều biến chứng rất nguy hiểm cho trẻ như: viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, Nhiễm trùng nốt rạ, Viêm mô tế bào, Viêm Gan… một số trường hợp có thể gây tử vong nếu người bệnh không được điều trị kịp thời. Nhiễm trùng nốt rạ có thể để lại sẹo vĩnh viễn trên da.
  • Người mẹ mắc bệnh thủy đậu khi đang mang thai có thể sinh con bị dị tật bẫm sinh sau này.

Điều trị thủy đậu cho bé

  • Cách ly bé với những người khác. Tất cả đồ dùng cá nhân của bé phải dùng riêng.
  • Vệ sinh, chăm sóc bé:
    • Rửa tay và cắt ngắn móng tay cho bé.
    • Bé nhỏ phải cho mang bao tay để tránh cào gãi vào các nốt thủy đậu.
    • Thay khăn trải giường sạch và giữ phòng bé được thông thoáng.
    • Cho bé mặc quần áo rộng và thoải mái làm bằng cotton hoặc sợi tự nhiên để tránh gây kích ứng da và ra nhiều mồ hôi.
    • Dùng nước ấm và khăn mềm thấm nước lau người cho bé, lau rửa nhẹ nhàng, tránh làm trợt các nốt thủy đậu. Sau đó, dùng khăn mềm thấm khô người và mặc quần áo cho bé.
    • Cần cho bé ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa như cháo, súp
    • Cho bé uống nhiều nước như nước lọc, nước canh và ăn thêm hoa quả bổ sung vitamin như cam, chuối…
  • Đưa bé đến bác sĩ để khám và có chỉ định điều trị phù hợp.

Lưu ý: Trong quá trình điều trị và chăm bé, mẹ phải chú ý theo dõi kỹ tình trạng của bé. Nếu thấy bé có dấu hiệu sốt cao không hạ nhiệt hoặc đã hạ sốt nhưng đột nhiên tái sốt cao hay các mụn thủy đậu bị vỡ gây trầy xước da, mẹ cần đưa bé đến ngay cơ sở y tế để điều trị kịp thời.


Ngày trước, thủy đậu được xem là bệnh ai cũng phải mắc trong đời nhưng nay đã có vaccine phòng bệnh có tác dụng cao và lâu dài

Ngày trước, thủy đậu được xem là bệnh ai cũng phải mắc trong đời nhưng nay đã có vaccine phòng bệnh có tác dụng cao và lâu dài

Cách phòng tránh bệnh thủy đậu cho bé

80-90% những người đã chích ngừa thủy đậu có khả năng phòng bệnh tuyệt đối. 10% còn lại nếu mắc bệnh cũng chỉ bị nhẹ với rất ít nốt đậu và thường không bị biến chứng. Vì vậy, để phòng ngừa thủy đậu cho bé, mẹ hãy cho bé tiêm phòng thể vaccine chống thuỷ đậu nhé. Lưu ý khi tiêm phòng thủy đậu:

  • Bé từ 12-18 tháng tuổi: tiêm 1 lần.
  • Bé từ 9-13 tuổi chưa từng bị thuỷ đậu: tiêm 1 lần.
  • Bé trên 13 tuổi và người lớn chưa từng bị thủy đậu: tiêm 2 lần, cách nhau từ 4-8 tuần.
  • Nếu một người chưa tiêm phòng vaccine thuỷ đậu có tiếp xúc với bệnh nhân thuỷ đậu, có thể tiêm ngừa trong vòng 3 ngày để vaccine có thể phát huy tác dụng bảo vệ ngay sau đó, giúp phòng ngừa thủy đậu.

Hy vọng những thông tin trên đây có thể giúp mẹ tự tin phòng ngừa thủy đậu cho bé. Chúc bé của mẹ luôn khỏe mạnh và vui vẻ nhé!

BS. Nguyễn Thị Ngọc Thanh

Trung tâm dinh dưỡng Vinamilk