Thông Tin Dinh Dưỡng

NHỮNG ĐIỀU MẸ CẦN BIẾT VỀ CÁCH CẤP CỨU CHO TRẺ SƠ SINH

Ngày đăng:

10/07/2016

Dù cẩn thận đến mấy, tai nạn đôi khi vẫn có thể xảy ra. Vì vậy, mẹ cần tìm hiểu các cách cấp cho trẻ sơ sinh để có những biện pháp kịp thời trước khi cho bé đến bệnh viện. Cùng tham khảo bài viết dưới đây mẹ nhé!

Trang bị kiến thức sẵn sàng để cấp cứu cho bé khi có tai nạn xảy ra mẹ nhé!

Trang bị kiến thức sẵn sàng để cấp cứu cho bé khi có tai nạn xảy ra mẹ nhé!

Các tình huống thường gặp và cách cấp cứu cho trẻ sơ sinh

+ Chứng ngưng thở ở trẻ sinh non

  • “Ngưng thở” là thuật ngữ y khoa cho thấy tình trạng trẻ dừng thở, một bệnh lý mà trong đó trẻ sinh non ngừng thở trong vòng từ 15 đến 20 giây khi ngủ. Sau khi sinh 2 ngày và kéo dài đến 2-3 tháng, trẻ sinh non thường gặp một bệnh lý mà bé ngừng thở trong vòng 15 đến 20 giây khi ngủ. Thuật ngữ y khoa gọi tình trạng này là “ngưng thở”.
  • Dù hầu hết các bé sinh non được xuất viện khi đã chấm dứt các cơn ngưng thở, trong vài trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ cho bé ra khỏi phòng chăm sóc đặc biệt sau sinh với thiết bị theo dõi ngưng thở. Khi bé xuất viện về nhà, bố mẹ sẽ được hướng dẫn kiểm tra và sử dụng máy theo dõi. Đồng thời, bố mẹ sẽ được huấn luyện cách hô hấp nhân tạo cho trẻ sơ sinh phòng trường hợp cần thiết.
  • Nếu bé ngừng thở hoặc mặt của trẻ có vẻ xanh xao, nhợt nhạt, mẹ nên làm theo những gì đã được hướng dẫn: Thực hiện một số kỹ thuật kích thích nhẹ nhàng cho bé hoặc hô hấp nhân tạo nếu sau đó bé cũng không thở lại được và nhanh chóng gọi cấp cứu. Tuyệt đối không lay hoặc lắc cho bé tỉnh dậy mẹ nhé.

+ Cấp cứu khi bé nghẹn, hóc

  • Nhanh chóng xem có vật thể nào trong miệng bé không và chỉ lấy ra khi mẹ chắc chắn có thể chạm vào mà đẩy chúng sâu vào họng bé.
  • Đặt bé nằm sấp trên cánh tay, đảm bảo đầu và cổ được đỡ chắc chắn, đầu chúi về phía trước, thấp hơn phần thân, dùng lòng bàn tay vỗ mạnh 5 cái vào lưng bé( chỗ giữa 2 xương bả vai).
  • Nếu vẫn không hiệu quả, thì lật bé nằm ngửa, đặt đầu bé vào lòng bàn tay, hạ thấp người bé xuống. Dùng 2 ngón tay trỏ và giữa đột ngột ấn mạnh xuống nửa dưới của xương ức. Ấn mạnh 5 cái liên tiếp, sau đó quan sát , nếu còn khó thở thì ấn tiếp.
  • Nếu trẻ vẫn không hết ngạt, hãy gọi cấp cứu trong khi tiếp tục sơ cứu mẹ nhé.
  • Tuyệt đối không dùng tay móc họng trẻ, tránh trường hợp dị vật đi vào sâu hơn, trầy xước họng gây sưng tấy, khiến bé khó thở hơn.

+ Cấp cứu khi bé bị bỏng

  • Làm mát vết bỏng bằng cách mở vòi nước cho chảy chầm chậm lên vết bỏng khoảng 15 – 20 phút. Không dùng nước lạnh, nước đá (trong tủ lạnh) để làm mát da cho bé, mẹ nhé.
  • Cắt bỏ toàn bộ phần áo quần che phủ vết bỏng nhưng nếu dính vào vết bỏng thì mẹ nên để nguyên.
  • Băng vết thương bằng gạc vô khuẩn, nếu không có mẹ nên dùng vải sạch không nhiều sợi lông. Không dùng các loại băng có lông tơ mịn hoặc các băng dính dán lên mẹ nhé.
  • Trong trường hợp trẻ bị bỏng ở mắt, miệng hay bộ phận sinh dục, phải ngay lập tức đưa con đến cơ sở y tế gần nhất dù trẻ chỉ bị bỏng nhẹ. Nếu vết bỏng rộng hơn 1 bàn tay, bị phồng giộp hay kéo theo sốt, hoặc bị bỏng ở mắt, miệng hay bộ phận sinh dục, mẹ phải lập tức đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất nhé.
  • Mẹ nên giữ không làm bể các vết bỏng bọng nước để tránh vết bỏng nhiễm trùng nặng hơn nhé. Đồng thời, không bôi các chất như nước mắm, giấm, mỡ, kem đánh răng, bùn non lên vết bỏng.

+ Sơ cứu bé bị điện giật

  • Với tai nạn này, bố mẹ cần hết sức bình tĩnh để xử trí, tránh cho cả bé và chính bản thân mình gặp nguy hiểm. Hãy cắt ngay nguồn điện nếu có thể. Nếu không, tìm cách lấy nguồn điện ra khỏi người bé khi đứng trên vật liệu cách điện khô dùng vật liệu không dẫn điện để tách bé và nguồn điện. Tuyệt đối không chạm vào bé nếu vẫn còn trong nguồn điện để tránh bị điện giật.
  • Kiểm tra hơi thở của bé, bế bé trong tay, đỡ đầu và hướng mặt xuống để giúp bé thở dễ dàng hơn và không bị nghẹn.
  • Nếu bé bất tỉnh, cần kiểm tra nhịp thở, mạch đập và tiến hành cấp cứu thổi ngạt ấn tim khi có dấu hiệu ngưng thở vì ngoài tổn thương bỏng điện tại chỗ, dòng điện còn có thể đi qua tim phổi gây ngừng tim ngừng thở. Sau đó, nhanh chóng đưa bé đến ngay cơ sở y tế.

+ Sơ cứu bé khi bị vật sắc nhọn đâm

  • Tuyệt đối không tìm mọi cách để lấy vật sắc nhọn đã đâm vào bé nhé. Trước tiên hãy rửa sạch, sát trùng cho bé bằng nước muối và băng cố định dị vật tại chỗ bằng khăn xô đủ chặt để cầm máu. Nếu vết thương ở ngay mạch máu thì nên ấn vào đường đi của mạch máu ở phía trên vết thương, đồng thời băng ép đủ chặt để cầm máu.
  • Sau khi sơ cứu, bố mẹ cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.
  • Khi các vật gây thương tích có dính bùn đất, hoặc gỉ sét có thể gây uốn ván và các nhiễm trùng nặng khác, nên đưa bé đi tiêm phòng.

Trên đây là những thông tin cơ bản giúp bố mẹ đỡ luống cuống khi chẳng may bé gặp phải tai nạn. Hy vọng qua đây có thể giúp bé phần nào thoát khỏi nguy hiểm. Có em bé trong nhà, mọi thứ cần phải được đặt ở trạng thái cảnh giác và an toàn tối đa mẹ nhé.

Bác sỹ Hồ Thị Nam Huế

Trung tâm Dinh dưỡng VNM