Thông Tin Dinh Dưỡng

NHỮNG LỜI KHUYÊN GIÚP MẸ VƯỢT QUA THÁNG CHĂM CON ĐẦU TIÊN DỄ DÀNG HƠN

Ngày đăng:

20/11/2016

Chúc mừng mẹ và bé đã hoàn thành chặng đường chín tháng mười ngày để đưa bé đến thế giới này bình an! Con đường phía trước của hai mẹ con giờ mới thực sự bắt đầu và mẹ chắc hẳn sẽ là một người mẹ tuyệt vời luôn yêu thương, chăm sóc bé. Dẫu vậy, mẹ cũng cần quan tâm bản thân mình nữa, đặc biệt là sau khi sinh con, cơ thể mẹ yếu hơn, sức đề kháng kém hơn… nên mẹ cần biết về những thay đổi sinh lý của mình sau khi sinh con. Thay đổi nào là bình thường, thay đổi nào là bất thường và cần lưu ý những điều gì? Mẹ cùng tìm hiểu nhé!

Những thay đổi ở mẹ sau lúc sinh con

  • Ngực mẹ tiết sữa và nhũ hoa sẫm màu. Đầu tiên ngực mẹ sẽ tiết sữa non chứa kháng thể giúp bé tăng cường hệ miễn dịch. Khi tiết sữa, mẹ sẽ có cảm giác ngực căng sữa và hơi nóng, đôi khi đi kèm với cảm giác đau nhẹ. Các mẹ cũng thường gặp hiện tượng ngực mình có thể tiết sữa khi đang nằm cạnh bé hoặc khi bé khóc. Bên cạnh đó, nhũ hoa của mẹ có vẻ sẫm màu hơn do hormone sinh sản suy giảm. Mẹ nên lưu ý, nếu thấy ngực xuất hiện các khối tròn, cứng gây cảm giác đau thì cần cân nhắc đến nguyên nhân là tắc tia sữa nhé.

Mẹ nên chú ý phát hiện sớm những triệu chứng của “tắc tia sữa”

Mẹ nên chú ý phát hiện sớm những triệu chứng của “tắc tia sữa”

  • Sản dịch. Một thời gian sau khi sinh (khoảng 6 tuần) mẹ sẽ phải “sống chung” với sản dịch được tiết ra từ âm đạo. Sản dịch có thể được đẩy ra bằng những cơn co thắt lúc mẹ cho bé bú, lúc đầu thường là máu có màu đỏ, sau 3,4 ngày sản dịch ngả dần sang màu nâu và cuối cùng có màu vào trắng. Đây là điều bình thường ở cả mẹ sinh thường lẫn sinh mổ, tuy nhiên nếu sản dịch đi kèm với mùi hôi khó chịu, khối máu đông lớn, ra nhiều thì mẹ cần được kiểm tra vì có thể nguyên nhân là mẹ đã xuất huyết hoặc tử cung của mẹ bị nhiễm trùng.
  • Rụng tóc. Mẹ đừng quá bối rối khi thấy tóc mình rụng nhiều sau sinh vì có đến 90% các mẹ bỉm sữa gặp tình trạng này và tóc sẽ mọc lại sau khoảng 4 tháng nữa. Thủ phạm chính là hormone estrogen. Trong thời gian mang thai, tóc mẹ mọc nhanh do estrogen sản sinh nhiều, tuy nhiên sau sinh thì lượng estrogen giảm xuống đột ngột gây rụng tóc.
  • Co thắt do quá trình tử cung thu hẹp về kích thước và vị trí bình thường. Mẹ có thể gặp những cơn co thắt gây đau đớn. Nếu những cơn co thắt này duy trì ở mức độ nhẹ và xảy ra khi bé đang bú thì không đáng lo. Thông thường phải mất từ 6-8 tuần để tử cung quay lại kích thước bình thường.
  • m đạo rộng do bị giãn nở quá mức trong lúc sinh thường và sẽ thu nhỏ lại theo thời gian. Mẹ có thể giúp thúc đẩy quá trình này nhanh hơn nếu kết hợp với tập luyện thể thao hợp lý và các bài tập kegel.
  • Việc đi vệ sinh trở nên khó khăn khi các vết rách trong tầng sinh môn khiến mẹ cảm thấy đau rát. Khi tầng sinh môn có vết cắt hoặc rách mẹ cần nghỉ ngơi nhiều tại giường để có tốc độ hồi phục nhanh hơn. Trong trường hợp cảm thấy rất đau hoặc đi tiểu rất nhiều, hoặc cơn đau đi kèm với đau lương ở sau hoặc dưới lồng ngực thì cần được lời khuyên của bác sĩ vì nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu hoặc gặp rắc rối với thận.
  • Vòng hai lớn. Mẹ không thể hy vọng vòng hai sẽ xuống nhanh chóng chỉ ngay trong tháng đầu tiên này được. Sẽ phải mất nhiều thời gian kết hợp với việc tập luyện thể dục và chế độ ăn uống để mẹ có thể lấy lại vòng hai quyến rũ như trước khi mang thai.

Lời khuyên dành cho mẹ trong tháng chăm con đầu tiên

  • Vệ sinh vùng âm hộ ít nhất là 3 lần/ngày vào sáng, chiều và tối trước khi đi ngủ. Nếu sản dịch ra nhiều, mẹ nên vệ sinh nhiều lần hơn. Các loại băng, giấy vệ sinh, khăn, nước rửa cũng phải sạch sẽ, tốt nhất nên dùng nước đun sôi để nguội hoặc nước ấm. Có thể dùng dung dịch vệ sinh sát khuẩn pha loãng để rửa. Sau khi rửa xong thì dùng khăn thấm cho khô…
  • Trong quá trình sinh nở, cơ thể mẹ tiết ra nhiều mồ hôi, nên cần phải tắm gội cho sạch sẽ. Nhất là vào mùa hè trời nóng, mồ hôi ra nhiều, để lâu không tắm, cơ thể càng bẩn, càng dễ nhiễm khuẩn, gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé.
  • Mẹ có thể tắm gội toàn thân từ 3-4 ngày sau sinh. Khi tắm, nên tắm nhanh từ 5 – 10 phút, không nên tắm trong bồn hay trong chậu (đặc biệt là không nên ngâm mình trong nước). Phòng tắm phải kín gió và nên tắm bằng nước ấm dù ngoài trời nóng hay lạnh. Tắm xong phải lau khô người thật nhanh và mặc quần áo kín cổ, tay chân. Với các sản phụ đẻ mổ hay cắt tầng sinh môn, nên thận trọng với vết thương để tránh bung tuột mối chỉ.
  • Cũng từ 3-4 ngày sau sinh, sản phụ có thể gội đầu nhưng nên gội nhanh và lau đầu cho nhanh khô, tốt nhất là dùng máy sấy để sấy khô tóc. Không tắm gội cùng lúc, mà nên tắm tầm 9-10 giờ sáng rồi gội đầu vào buổi trưa hoặc xế trưa để tránh phải tiếp xúc lâu với nước, tránh bị chóng mặt và có thể té ngã do phải vận động nhiều và cúi đầu lâu.
  • Tuy nhiên nếu mẹ cảm thấy mệt nhiều, chưa khỏe, bị các vấn đề phức tạp trong lúc sinh hoặc sau sinh (tiền sản giật, băng huyết, chuyển dạ kéo dài, nhiễm trùng ối,…) thì có thể dời thời gian tắm gội xa hơn, trong thời gian đó thì mẹ vẫn nên nhờ người lau mình cho sạch sẽ nhé!
  • Chế độ ăn uống hợp lý là vô cùng quan trọng vì sau khi tiêu hao nhiều năng lượng cho quá trình vượt cạn mẹ lại có những mục tiêu lớn cần hoàn thành là đủ sữa cho con bú và lấy lại cân nặng trước khi mang thai và tăng cường hệ miễn dịch. Do đó bữa ăn cần phải đảm bảo đủ năng lượng và dưỡng chất. Những loại thực phẩm tốt cho mẹ bao gồm cả thịt, cá, tôm, đậu nành, trứng, sữa, rau quả… và các thực phẩm lợi sữa như cà rốt, nghệ, đu đủ, chân giò… Trong chế độ dinh dưỡng nên bổ sung Omega 3, Torin, Cholin có ích cho sự phát triển mắt và trí não bé. Omega 3 có trong cá thu, cá trích, cá hồi, đậu nành, rong biển, hoặc mẹ có thể cung cấp cả ba dưỡng chất là Omega 3, Torin, Cholin bằng sữa Dielac Optimum Mama… Thêm một lưu ý cho mẹ là không nên sử dụng thức ăn nhiều dầu mỡ vì khó tiêu hóa, có thể ảnh hưởng đến việc tiết sữa hoặc gây táo bón cho mẹ.
  • Không nên sinh hoạt vợ chồng sớm, ngay trong tháng đầu sau sinh. Vì sự biến đổi sinh lý ở mẹ và những tổn thương của cơ quan sinh dục sau khi sinh nở cần một thời gian để phục hồi. Việc sinh hoạt vợ chồng nên đợi khoảng sau 8 tuần khi sản dịch đã ngưng, bộ phận sinh dục trở lại bình thường.

Nhiều mẹ có thể gặp triệu chứng mất ngủ sau sinh, gây nguy cơ dễ mất sữa, mệt mỏi, cáu gắt và còn ảnh hưởng đến nhịp sinh học của bé. Vì vậy, mẹ nên nhớ là không nên ôm đồm trách nhiệm chăm bé đến mức quá lo lắng không thể ngủ được mà cần phải chia sẻ với những người trong gia đình, cho phép bản thân đi ngủ đúng giờ ngủ đủ giấc nữa nhé. Chúc mẹ và bé luôn khỏe mạnh nhé.

BS. Nguyễn Vĩnh Hoàng Oanh

Trung tâm Dinh dưỡng Vinamilk