Thông Tin Dinh Dưỡng

NHỮNG THỰC PHẨM CẦN TRÁNH VÀ CÁCH BẢO QUẢN THÔNG MINH CHO MẸ BẦU

Ngày đăng:

09/10/2016

Lựa chọn, bảo quản và sử dụng thực phẩm trong thai kỳ vô cùng quan trọng đối với sức khoẻ của mẹ và bé. Mẹ cần biết rõ những thực phẩm cần tránh khi mang thai cũng như cách bảo quản để bảo toàn đầy đủ chất dinh dưỡng. Mẹ có thể in danh sách thực phẩm cần tránh bên dưới và dán trước tủ lạnh để nhắc nhở mình, sẽ có nhiều thứ cần tránh sử dụng hơn mẹ tưởng tượng đấy.

Các loại thực phẩm mẹ nên tránh khi mang thai

  1. Phô mai tươi và phô mai loại mềm: Chúng có thể gây nguy hiểm vì làm bằng sữa chua tiệt trùng chứa vi khuẩn Listeria, có thể dẫn tới sẩy thai, sinh non và tử vong. Tốt nhất, mẹ chỉ ăn các loại đã được tiệt trùng hoàn toàn và có ghi chú rõ ràng trên nhãn nhé hoặc hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
  2. Thịt chưa nấu chín: Mẹ nên tạm thời quên các món khoái khẩu như bít tết, phi lê. Thịt chưa nấu chín hoặc sống có thể chứa toxoplasma và một số loại vi khuẩn khác.

Thịt tái không tốt cho thai nhi

Thịt tái không tốt cho thai nhi

  1. Nước ép hoa quả tươi mua sẵn: Không gì đảm bảo các loại nước bán ở vỉa hè hay thậm chí nhà hàng, quán bar đã qua tiệt trùng để loại bỏ các vi khuẩn gây hại gồm salmonella và E. Coli Tốt nhất, mẹ nên tự ép nước hoa quả ở nhà để yên tâm thưởng thức.
  2. Sushi: Hải sản sống là nguồn gốc của ký sinh trùng có hại và vi khuẩn. Trong 9 tháng mang thai, mẹ chỉ nên ăn cá và hải sản đã được chín kỹ nhé.
  3. Bánh có trứng sống: Trong trứng sống có thể chứa đến 20.000 vi khuẩn salmonella, do đó mẹ nên chắc chắn trứng dùng làm nguyên liệu làm bánh đã được nướng chín hoàn toàn. Điều đó đồng nghĩa với việc mẹ sẽ không thể ăn các món tráng miệng được làm từ trứng đánh bông mà không nướng chín như tiramisua hay mousse.
  4. Salad: Mẹ chỉ có thể ăn salad với các loại nước sốt đóng chai được làm từ trứng tiệt trùng. Các loại sốt từ trứng sống như sốt Besarnaise, mayonnaise hay salad caesar cũng không được khuyến khích mẹ nhen.
  5. Thịt gia cầm sống: Đây là thực phẩm chứa rất nhiều vi khuẩn. Mẹ nên chọn gia cầm đã làm sạch và tiệt trùng hoàn toàn.
  6. Cá có chứa thủy ngân: Các loại cá kiếm, cá kình, cá thu… đều có nồng độ thủy ngân cao gây hại cho sự phát triển của thai nghi. Mẹ nên chọn cá tra, cá hồi hay cá ngừ đóng hộp. Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng dầu cá mẹ nhé.
  7. Thịt nguội và xúc xích: Vì listeria có thể phát triển ở nhiệt độ tủ lạnh nên mẹ cần tránh các loại thịt phải được lưu trữ trong tủ lạnh như thịt nguội và xúc xích nhé. Nếu dùng, chúng phải được nấu chín, hấp hoặc nướng kỹ.
  8. Pate: Mẹ cũng không nên ăn pate vì chúng có thể chứa listeria.
  9. Rau củ quả chưa rửa: Một số ký sinh trùng gây hại cho thai nhi như toxoplasma có thể sống ký sinh trên trái cây, rau củ chưa rửa. Mẹ phải chắc chắn rửa chúng kỹ dưới vòi nước chảy, cắt bỏ bất kỳ phần rau củ nào bị thâm và dập nát nhé.
  10. Rau mầm: Với các loại rau mầm như giá đỗ, vi khuẩn có thể xâm nhập vào hạt trước khi mầm phát triển và gần như không thể rửa sạch các vi trùng này.
  11. Hải sản hun khói: Tốt nhất là mẹ nên tránh những loại hải sản này vì chúng thường được lưu trữ trong tủ lạnh, dễ bị vi khuẩn listeria xâm nhập.
  12. Động vật có vỏ sống: Sò, ốc, hàu sống là một trong những nguyên nhân hàng đầu của các bệnh do thủy sản gây ra. Mẹ vẫn có thể ăn các động vậy có vỏ nhưng phải nấu kỹ cho đến khi vỏ mở.
  13. Đồ buffet: Mẹ chỉ nên ăn món ăn được chế biến trong vòng 2 giờ nên tạm thời phải tránh các buổi tiệc hay nhà hàng buffet. Làm sao biết những thức ăn này đã được chế biến từ khi nào?
  14. Sữa chưa được tiệt trùng: Vẫn với nguyên nhân là vi khuẩn listeria, mẹ chỉ nên mua sữa, phô mai hoặc các sản phẩm từ sữa đã được tiệt trùng hoàn toàn nhé.
  15. Caffein: Tỉ lệ caffeine quá cao có thể dẫn đến khả năng sẩy thai nên hầu hết các bác sĩ khuyên mẹ bầu nên kiêng hoàn toàn. Nên nhớ caffeine có trong soda, trà, chocolate và nhiều đồ uống khác nữa mẹ nhen.
  16. Đồ uống có cồn: Uống rượu nhiều khi mang thai có thể dẫn tới dị tật bẩm sinh nghiêm trọng cho thai nhi. Vì vậy, mẹ nên tránh xa tất cả các loại rượu cũng như đồ uống có cồn bao gồm cả rượu vang, bia…
  17. Không nên để thức ăn vào túi – hộp xốp: Cẩn thận mẹ nha, vi khuẩn sẽ nhân lên rất nhiều nếu thức ăn lưu lại trong túi lâu đấy.
  18. Dưa muối: Các loại dưa muối nói chung (kể cả cà muối) nếu không được sử dụng đúng cách sẽ trở thành thứ gây hại. Nếu ăn dưa muối trong vài ngày đầu (dưa muối chưa chua), sẽ có rất nhiều nitrate, hại cho cơ thể.
  19. Gừng héo: Gừng tươi rất có lợi cho bà bầu trong việc giảm ốm nghén nhưng nếu để lâu, trong củ gừng sẽ phát sinh một chất độc hại tên là shikimol, độc tính rất cao và có thể gây biến đổi tế bào gan ở mộ người khỏe mạnh dù lượng hấp thụ rất ít.
  20. Giá đỗ không có rễ: Quá trình sản xuất giá đỗ có thể đã ứng dụng tác dụng của thuốc diệt cỏ để phát triển mầm đậu không gốc. Thuốc diệt có chứa chất độc hại gây ung thư, quái thai và các tác động nghiêm trọng khác.
  21. Măng tươi trong suốt 9 tháng thai kỳ: Mẹ bầu nên cẩn trọng với măng tươi vì chúng chứa hàm lượng Cyanide rất cao, khoảng 230mg/kg củ măng. Dưới tác động của enzyme tiêu hóa, Cyanide biến thành Acid Cyanhydric (HCN), một chất cực độc với cơ thể, gây tình trạng thiếu oxy tế bào và toan chuyển hóa nặng.
  22. Sắn (khoai mì): Dễ gây rối loạn tiêu hóa và ngộ độc thức ăn nên mẹ hạn chế ăn sắn trong thời gian mang thai bé nha.
  23. Củ dền: Củ này có thể làm hồng cầu mất khả năng vận chuyển oxy gây thiếu máu, trẻ em dễ gây ngộ độc đặc biệt là ở trẻ em.
  24. Khoai tây mọc mầm: Mẹ bầu không nên ăn khoai tây mọc mầm vì khi đó có chứa độc tố solaninne, nếu tích tụ trong cơ thể sẽ khiến thai nhi bị dị tật, dị dạng rất nguy hiểm.
  25. Một số loại trái cây:
  • Đu đủ xanh: Đu đủ xanh và đu đủ chưa chín hẳn có chứa nhiều chất có thể khiến phôi thai bị hỏng hoặc gây những cơn co thắt tử cung dễ dẫn đến sảy thai.
  • Dứa: Trong quả thơm có chứa thành phần làm mềm tử cung, kích thích co bóp tử cung nên mẹ bầu cần tránh ăn dứa trong 3 tháng đầu để tránh sẩy thai.
  • Nhãn: Đây là loại trái cây có tính nóng. Ăn nhiều nhãn có thể khiến mẹ bị táo bón, mẩm ngứa dị ứng, gây xáo trộn quá trình phát triển của thai nhi.
  • Đào: Ăn quá nhiều đào (tính nóng), mẹ bầu có nguy cơ bị xuất huyết. Ngoài ra, vỏ đào có thể gây dị ứng, khàn cổ họng.
  • Mận: Mận cũng là một loại trái cây nóng cho nên mẹ bầu tránh ăn quá nhiều nhé.
  • Quả vải: Đây là loại trái cây vừa có tính nóng vừa có lượng đường khá cao, ăn nhiều sẽ khiến mẹ dễ bị thừa cân.
  • Ổi: Chỉ nên ăn ít thôi để tránh bị táo bón mẹ nhé
  • Mãng cầu: Vì là loại trái cây có tính nóng nên mẹ cũng không nên ăn nhiều mãng cầu, mẹ nhen.

Cách bảo quản thực phẩm

Mẹ bầu cần tìm hiểu và bảo quản đúng cách để giữ được tối đa dinh dưỡng trong thực phẩm. Dưới đây là những điều mẹ cần lưu ý trong việc bảo quản thực phẩm:

  • Giữ thịt trong ngăn dưới cùng của tủ lạnh giúp ngăn vi khuẩn từ thịt ảnh hưởng đến các loại thực phẩm khác. Ngăn mát có thể giữ thịt tươi trong 1-2 ngày, ngăn đông sẽ bảo quản được 3-4 tháng.
  • Hãy đặt sữa vào trung tâm tủ lạnh, thay vì để ở ngăn cửa tủ lạnh vì nhiệt độ thất thường khiến sữa nhanh hỏng.
  • Cách bảo quản rau thơm tốt nhất là ngâm rau trong một cốc nước nhỏ, bọc lại và bảo quản trong tủ lạnh.
  • Không nên sơ chế trái cây, rau củ hay thịt quá lâu trước khi chế biến. Tiếp xúc với không khí lâu sẽ bị giảm dinh dưỡng.
  • Treo rời từng củ hành tây trong điều kiện khô ráo, thoáng khí có thể bảo quản trong vòng nửa năm.
  • Giữ các loại bột gia vị như bột nghệ, ớt đỏ trong tủ lạnh sẽ giữ được màu sắc và mùi vị lâu hơn.
  • Những loại rau như rau thơm, xà lách, rau diếp cần rửa sạch, ráo nước mới cho vào túi cột kín, cho thêm một tờ giấy ăn vào túi để thấm nước rồi đặt trong tủ lạnh.
  • Để bơ bên ngoài cho đến khi chín. Để giữ bơ tươi, mẹ cắt đôi quả, bôi trên mặt cắt một ít dầu ăn hoặc chanh và đặt trong túi nhựa để vào tủ lạnh. Bơ sẽ vẫn tươi 3-5 ngày, không bị thâm nâu hay oxy hóa.
  • Giữ cà chua trong túi hoặc hộp giấy cho đến khi chín sau đó đặt ở nơi khô ráo, nhiệt độ phòng.
  • Không nên lưu giữ thực phẩm trong một tuần vì sẽ làm giảm chất chất dinh dưỡng.

Hy vọng những thông tin trên đây sẽ cung cấp đầy đủ thông tin cho mẹ trong việc phòng tránh những thực phẩm nên kiêng cữ khi mang thai cũng như cách bảo quản thực phẩm để giữ được tối đa các chất dinh dưỡng. Chúc mẹ xây dựng được cho mình chế độ ăn uống đầy đủ, cân bằng và an toàn để thật khỏe mạnh trong suốt thai kỳ nhé.

PGS. TS. BS Trần Đình Toán

Trung tâm Dinh dưỡng Vinamilk

 

Một số bài viết liên quan về mang thai:

Quá trình hình thành và phát triển thai nhi

Bà bầu mang thai nên uống sữa gì ?

Những điều bà bầu cần biết

Những món ăn tốt cho bà bầu