Thông Tin Dinh Dưỡng

NUÔI TRẺ SƠ SINH BẰNG SỮA MẸ ĐÚNG CÁCH & NHỮNG ĐIỀU KIÊNG KỊ

Ngày đăng:

06/10/2016

Mẹ đã biết nuôi con bằng sữa mẹ là bệ phóng hoàn hảo cho sự phát triển toàn diện của bé cả về thể chất lẫn trí não. Thế nhưng mẹ đã biết những điều kiêng kị và làm sao để nuôi bé bằng sữa mẹ đúng cách chưa?

Lợi ích của việc nuôi trẻ sơ sinh bằng sữa mẹ

  • Sữa mẹ có đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ trong 6 tháng đầu
  • Các thành phần dinh dưỡng trong sữa mẹ tự thay đổi để phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của bé khi bé lớn dần lên.
  • Kháng thể trong sữa mẹ giúp cơ thể bé chống lại bệnh tật, dị ứng và các bệnh nhiễm trùng.
  • Hạn chế nguy cơ tấn công của các loại vi khuẩn gây bệnh như: tiêu chảy, nhiễm trùng đường tiết niệu, ho/cảm lạnh, hen suyễn… Bé được bú sữa mẹ ít có nguy cơ mắc bệnh béo phì, tiểu đường và bệnh tim mạch lúc trưởng thành.
  • Thúc đẩy sự phát triển của xương hàm.
  • Chất sắt trong sữa mẹ luôn dễ hấp thu hơn chất sắt trong sữa công thức.
  • Sữa mẹ tốt cho sự phát triển của trí thông minh, thị lực, hệ thần kinh và ruột của bé.
  • Sữa mẹ rất tiện lợi, luôn mới và luôn ở nhiệt độ lý tưởng cho bé bú mẹ.
  • Sữa mẹ là một sự lựa chọn thân thiện với môi trường.
  • Giúp mẹ phục hồi nhanh hơn sau khi mang thai và sau sinh con thậm chí giảm nguy cơ ung thư vú và bệnh tiểu đường sau này.
  • Tạo nên sợi dây tình cảm gắn bó mật thiết giữa mẹ và bé.

Sữa mẹ mang đến cho bé nguồn dinh dưỡng quý giá, không thể thay thế

Sữa mẹ mang đến cho bé nguồn dinh dưỡng quý giá, không thể thay thế

Nuôi trẻ sơ sinh bằng sữa mẹ đúng cách

  • Mẹ nên cho bé bú ngay sau khi sinh.
  • Hãy để bé tự quyết định số lần bú và liều lượng bao nhiêu là đủ mẹ nhé. Mẹ nên cho bé bú đều 2 bên vú.
  • Khi bé bị bệnh, kể cả bị tiêu chảy, mẹ vẫn tiếp tục cho bé bú để chống mất nước cho cơ thể bé mẹ nhé.
  • Nếu bé sinh non không mút được vú mẹ hay mẹ bị bệnh không cho bé bú được, mẹ cần vắt sữa vào cốc và cho bé ăn bằng thìa.
  • Không nên cai sữa cho bé trước 12 tháng. Thời gian cho bé bú nên kéo dài 24 tháng hoặc có thể lâu hơn tùy vào nhu cầu của từng bé và điều kiện của mẹ.
  • Để có đủ sữa cho bé bú, mẹ phải biết cách ăn uống và nghỉ ngơi sao cho hợp lý.

Những thực phẩm cần tránh khi cho bé bú

  • Cà phê: Caffeine có thể nhiễm vào sữa mẹ và vào cơ thể bé, khiến bé bị ngứa ngáy, khó chịu và thậm chí là không ngủ được.
  • Sô cô la: Đây cũng là một loại thực phẩm có chứa caffeine cần hạn chế mẹ nhen.
  • Trái cây họ cam: Đây là loại trái cây tốt cho sức khỏe của mẹ vì chứa nhiều vitamin C và các khoáng chất. Tuy nhiên , một số trẻ có cơ địa mẫn cảm với một số thành phần có trong họ trái cây này, có thể gây ngứa cho bé thời gian dài, dẫn đến bé khóc quấy, nôn mửa và thậm chí là nổi mẫn đỏ trên da. Mẹ có thể thay thế nguồn bổ sung vitamin C bằng đu đủ hay xoài, hoặc hạn chế ăn các loại trái cây này mẹ nhé.
  • Bông cải xanh: Có thể khiến bé ngứa ngáy, trướng bụng. Mẹ nên hấp sơ thay vì ăn sống sẽ giúp cải thiện chứng đầy hơi của bé và ăn từ từ một lượng nhỏ trước để xem phản ứng của bé như thế nào khi nghi ngờ nguyên nhân do loại thực phẩm này gây nên.
  • Chất cồn: Nếu uống rượu nhiều hoặc không điều độ, mẹ có thể rơi vào trạng thái mơ màng, ngủ quá nhiều, yếu ớt, giảm phản xạ tiết sữa và khiến bé tăng cân bất thường.
  • Thực phẩm cay: Có thế khiến bé ngứa ngáy và khóc quấy hàng giờ.
  • Tỏi: Một vài trẻ có thể thấy khó chịu hoặc khóc quấy khi bú nếu phát hiện mùi tỏi trong sữa.
  • Lúa mì: Một số bé bị dị ứng với lúa mì sẽ xuất hiện các triệu chứng như khóc liên tục, tỏ vẻ đau đớn, hay đi cầu ra máu.
  • Các sản phẩm bơ sữa: Sữa và sản phẩm sữa cần thiết bổ sung vào thực đơn hàng ngày của mẹ . Tuy nhiên, một số trẻ không thể dung nạp sữa bò các loại, gây những triệu chứng dị ứng hoặc nhạy cảm với bơ sữa của bé như đau bụng và ói, không ngủ được và chàm, hoặc các vết đỏ khô ráp trên da có xu hướng bị hở, lở loét và chảy nước. Khi đó, mẹ nên ngừng dùng các sản phẩm bơ sữa này một thời gian để kiểm tra.
  • Bắp (ngô): Dị ứng với bắp cũng khá phổ biến, làm bé đau bụng và quấy khóc dữ dội.
  • Cá có chứa thủy ngân cao hoặc cá trong vùng ô nhiễm: Có thể làm nhiễm độc bầu sữa – thức ăn chính của bé.

Những điều cần kiêng kị khi nuôi con bằng sữa mẹ

  • Ăn uống kiêng khem quá mức (ăn thịt kho tiêu, rất cay, rất mặn).
  • Lao động quá mức.
  • Luôn để tâm trạng lo lắng, buồn phiền, giận dữ.
  • Tự động dùng thuốc không hỏi ý kiến bác sĩ. Điều này có thể nguy hại cho con và có thể làm cạn nguồn sữa mẹ.
  • Cho bé bú quá lâu. Chẳng những không giúp bé bổ sung thêm chất dinh dưỡng mà còn khiến bé dễ gặp các vấn đề tiêu hóa như đầy bụng, khó tiêu, thường xuyên nôn trớ…
  • Cho bé bú khi mẹ đang tức giận. Lúc này, cơ thể mẹ sẽ tiết ra một lượng lớn noradrenalin và adrenaline. Sự kết hợp giữa 2 loại hoóc-môn này tác động tiêu cực đến chất lượng sữa, làm khả năng miễn dịch và tiêu hóa của bé bị suy giảm.
  • Bỏ qua phần sữa non quý giá. Đây là phần sữa chứa một lượng lớn chất dinh dưỡng, không chỉ giúp bổ sung dinh dưỡng mà còn tăng sức đề kháng của cơ thể, giúp bé chống lại bệnh tật.
  • Chỉ cho bé bú một bên ngực. Cẩn thận, việc này có thể khiến bầu ngực mẹ mất cân xứng.
  • Cho bú ngay sau khi vừa tập thể dục. Cơ thể mẹ sẽ sản sinh a-xít lactic sau khi tập thể dục hoặc vận động mạnh, có thể làm sữa dễ bị chua, ảnh hưởng đến khẩu vị của trẻ. Vì vậy, sau khi vận động, mẹ nên vắt ra một ít sữa, sau đó nghỉ ngơi khoảng 30 phút để lượng a-xít lactic giảm rồi mới cho bé bú nhé.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo nên cho trẻ sơ sinh bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho trẻ bú cho tới 24 tháng tuổi. Hy vọng với những thông tin trên đây đã giúp mẹ biết cách nuôi bé bằng sữa mẹ đúng cách, giúp bé phát triển toàn diện ngay từ những năm tháng đầu đời. Chúc cả gia đình luôn khỏe mạnh và hạnh phúc, mẹ nhé!

BS. Hồ Thị Nam Huế

Trung tâm Dinh dưỡng Vinamilk

Đọc thêm:

Sự thay đổi của sữa mẹ và cách đảm bảo dinh dưỡng của sữa mẹ cho trẻ sơ sinh