Thông Tin Dinh Dưỡng

PHƯƠNG PHÁP KÍCH THÍCH TRẺ PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Ngày đăng:

20/07/2016

2 – 3 tuổi là giai đoạn vàng cho sự phát triển của bé, cả về tư duy lẫn hệ vận động, ngôn ngữ và nhân cách, cảm xúc… Nếu bố mẹ biết cách khơi gợi và kích thích tư duy của bé đúng hướng, bé sẽ trở nên thông minh và phát triển toàn diện hơn.

1. Những dấu mốc phát triển của bé giai đoạn 2 – 3 tuổi:

  • Tình cảm và các mối quan hệ xã hội: Đây là giai đoạn bé bắt đầu tìm hiểu về các mối quan hệ xã hội và biết quan tâm đến cảm xúc của người khác. Bé cũng thích bắt chước những hành động của người lớn hơn. Thích chơi với các bạn cùng trang lứa nhưng lại ngại chia sẻ đồ chơi hoặc thường giận dỗi bạn.
  • Khả năng nhận thức: Hiểu biết ban đầu về thế giới của bé cũng là thông qua những người lớn trong gia đình, những người thường xuyên tiếp xúc với bé. Nói chuyện và giảng giải nhiều về các sự vật hiện tượng xung quanh sẽ giúp bé phát triển tư duy nhiều hơn. Cho trẻ quan sát được càng nhiều càng tốt : Cho trẻ đi vườn bách thú, công viên, khu vui chơi…

Ở giai đoạn này, bé cũng chưa phân biệt được sự khác nhau giữa thực tế và giấc mơ, phim ảnh nên vẫn thường có những nỗi sợ riêng.

Khi được 2 tuổi được rèn luyện trí nhớ càng nhiều càng tốt: Nhớ và phân biệt được màu sắc. Nhớ chủng loại xe ô tô. Nhớ tên các ga tàu điện theo đúng thứ tự…

  • Khả năng vận động: Bé đã tự tin hơn ở khả năng vận động của mình. Bé đã có thể tự leo lên leo xuống cầu thang, nhảy từng bước một và tập đá bóng. Mẹ cũng có thể tập cho bé tự cởi quần áo ở độ tuổi này.
  • Khả năng ngôn ngữ: 2 – 3 tuổi là giai đoạn tuyệt vời để bé phát triển khả năng ngôn ngữ của mình. Có thể bé còn bập bẹ và chưa diễn đạt rõ ý muốn của mình. Nhưng bé hiểu rất rõ những gì bố mẹ đang nói. Với những chỉ dẫn phức tạp của bố mẹ, đừng ngạc nhiên khi bé vẫn có khả năng lĩnh hội và làm theo. Bé cũng thích đặt tên cho những vật xung quanh mình và thích giao tiếp nhiều hơn với mọi người.

Bé ở thời kì từ 2 tuổi đến 2 tuổi rưỡi là thời kì nhạy cảm nhất với ngôn ngữ : dạy bé càng nhiều càng tốt những danh từ chỉ các bộ phận trên cơ thể, lặp đi lặp lại, như: tay, chân, đầu gối, khuỷu tay, ngực… càng tỉ mỉ càng tốt; tên các loại quần áo, ví dụ như: cái váy xanh, cái quần vàng, cái áo len đỏ; nói tên những con vật nuôi trong nhà hoặc trên tranh ảnh; dạy cho bé con từ về màu sắc, hình dáng, to nhỏ…

  • Trẻ được rèn luyện kĩ năng nói tốt, biết dùng từ phong phú thường không có kiểu nói ích kỉ, cũng như không nghịch ngợm làm phiền bố mẹ.
  • Khả năng đi vệ sinh: Đây là giai đoạn bé bắt đầu tập sử dụng nhà vệ sinh hoặc bô thay cho tã giấy. Có bé đã quen với sự thay thế này, có bé vẫn chưa. Mẹ hãy cho bé đi vệ sinh theo ý muốn của mình và có thể ngừng lại một thời gian, sau đó lại tiếp tục tập luyện thói quen cho bé.

Phát triển khả năng nhận thức và hội họa ở bé

Phát triển khả năng nhận thức và hội họa ở bé

2. Bố mẹ có thể làm gì để giúp bé phát triển sớm và toàn diện?

  • Phân loại đồ chơi theo hình dáng, màu sắc: Bố mẹ hãy mua cho bé thật nhiều đồ chơi và hướng dẫn bé phân loại theo các hình dáng và màu sắc khác nhau. Chính điều này sẽ giúp bé hiểu về sự tương đồng và khác biệt.
  • Phát triển kĩ năng leo trèo: Cho bé đến các khu vui chơi dành cho thiếu nhi và để bé thỏa sức leo trèo. Leo trèo, chạy nhảy, trượt,… chính là những môn vận động giúp tăng cường khả năng giữ thăng bằng và khả năng phối hợp của bé.
  • Tập cho bé cầm và vẽ bằng bút chì màu: Cho con cầm loại bút chì to, vừa với bàn tay và dễ nắm. Chỉ cho bé cách vẽ trên giấy. Giai đoạn này, có lẽ bé sẽ chỉ vẽ được những đường thẳng và vòng tròn. Mẹ đừng quá mong đợi bé vẽ cho ra hình thù gì, đây chỉ là lúc bé tập làm quen với hội họa và màu sắc mà thôi.
  • Cùng chơi những trò chơi có tính tương tác cao với bé: Trong lúc chơi những trò chơi như lăn bánh qua lại, xếp hình, hoặc phân loại hình,… mẹ hãy khéo léo nhắc bé về khái niệm “đến lượt mình” chẳng hạn mẹ nhắc bé: “Đến lượt con rồi đó!”. Khái niệm “đến lượt” có liên quan đến chia sẻ – một kỹ năng giao tiếp xã hội của bé sau này.
  • Đọc, kể những câu chuyện ngắn cho bé nghe: Đây là một trong những cách tốt nhất để phát triển vốn từ vựng của bé. Ở giai đoạn này, khả năng tập trung của bé chưa lâu nên cần mẹ kể những câu chuyện ngắn và thực sự hấp dẫn. Đồng thời, mẹ khuyến khích để bé nói những câu trọn vẹn và rõ nghĩa.

Bé cũng có thể nhớ được truyện tranh, mẹ có thể chỉ cho bé con xem tranh,và đọc cho bé nghe. Nếu bé muốn, mỗi ngày mẹ cứ đọc 3-5 quyển truyện khác nhau cho bé nghe. Khi đó, bé sẽ biết thích quyển nào để chỉ mẹ đọc lại, hãy đọc nhiều lần cuốn nào mà con thích.

Ở độ tuổi này có thể đọc đi đọc lại bài thơ nhiều lần để trẻ thuộc và nhớ được.

Bé ở giai đoạn này rất nhạy cảm với mọi thứ xung quanh nên bố mẹ hãy luôn ở bên cạnh bé và cho bé biết là mình luôn được yêu thương và quan tâm. Bố mẹ cũng nên nhớ mình chính là tấm gương gần nhất, phản chiếu thế giới đến bé, bố mẹ cũng nên có những hành động chuẩn mực để bé noi gương và học hỏi theo.

Bác sỹ Nguyễn Thị Ngọc Thanh

Trung tâm Dinh dưỡng VNM