Thông Tin Dinh Dưỡng

PHƯƠNG PHÁP TÁC ĐỘNG GIÚP PHÁT TRIỂN TRÍ NÃO CHO TRẺ 8 THÁNG TUỔI

Ngày đăng:

04/08/2016

Khi bé được 8-9 tháng, đó là lúc thích hợp giúp bé làm quen với các bài học vỡ lòng cho trí não. Bố mẹ cần thường xuyên trò chuyện với bé theo nguyên tắc “ba phải”: phải ngắn gọn, phải dễ hiểu, phải đơn giản. Một trong những cách đơn giản nhất là giới thiệu cho bé những người thân trong gia đình, những vật dụng quen thuộc, đồ chơi, hiện tượng thiên nhiên gần gũi với bé…Bố mẹ nên sử dụng từ ngắn gồm một đến 2 âm tiết, lặp lại nhiều lần, cần phối hợp chỉ tay vào đối tượng được nhắc đến để giúp bé nhận biết và hình dung khái niệm. Sau đây là những phương pháp tác động giúp bé phát triển trí não phù hợp với bé.


8 tháng tuổi là giai đoạn bé trở nên tò mò và muốn khám phá mọi thứ

8 tháng tuổi là giai đoạn bé trở nên tò mò và muốn khám phá mọi thứ

Trí thông minh

– Vật dụng dùng chứa đồ: Đầu tiên cho trẻ xem cách đặt những món đồ chơi nhỏ vào hộp chứa, sau đó trút ra rồi xếp lại vào, lặp lại quá trình khoảng một vài lần để bé nhớ. Có thể cho bé luyện tập bằng các khối vuông bằng nhựa xếp trong hộp hoặc chứa trong xô nhỏ. Ngoài ra, mẹ có thể cho bé chơi với đồ dùng trong nhà như thìa, tách nhựa, nồi và vung…

– Làm quen với khái niệm cho và nhận: Bạn hãy thử tươi cười bảo con đưa cho mình một món đồ chơi mà trẻ đang cầm. Xòe tay ra để nhấn mạnh thông điệp của bạn (“Con có thể cho mẹ mượn chiếc lục lạc này không?”). Trẻ bắt đầu hiểu rằng khi bạn yêu cầu một điều gì đó, bé có thể đáp lại. Đây là một cách luyện tập rất tốt!

– Trò chơi tìm “kho báu”: Cho bé xem một món đồ, sau đó giấu món đồ trong tấm chăn và hỏi bé món đồ ấy đã biến đi đâu. Bé sẽ bắt đầu tìm kiếm món đồ chơi mất tích. Ở giai đoạn này, món đồ nào ra khỏi tầm mắt đồng nghĩa ra khỏi tâm trí của trẻ. Khi bé tìm thấy, mẹ hãy cổ vũ bé: “Ồ, đây rồi!”.

– Tạo điều kiện để trẻ chơi lâu hơn: Khi được thoải mái vẫy vùng trong một không gian an toàn, trẻ muốn lăn lê bò toài trên sàn. Để giúp trẻ tập trung chơi lâu hơn, bạn hãy luân phiên thay đổi đồ chơi, dựng các chướng ngại vật (an toàn) hoặc một chiếc lều hay thùng carton để trẻ có thể leo trèo thỏa thích.

Kỹ năng vận động

– Tập cho trẻ biết xếp: Cho trẻ đồ chơi dạng xếp hình khối khi trẻ ngồi chơi một mình. Khuyến khích trẻ chơi bằng hai tay và đồng thời giữ thăng bằng khi ngồi.

– Cho đồ chơi vào bồn/chậu tắm: Đặt con ngồi trong bồn tắm với mực nước vài centimet cùng với vài món đồ chơi (loại có thể nhúng nước) để trẻ tập ngồi và chơi cùng lúc. Bạn cần ở ngay bên cạnh giám sát không rời bước.

– Dọn chỗ cho trẻ tập bò: Bò sẽ giúp bé phát triển tốt về thể lực và gân cốt. Khi con bạn bắt đầu tập bò, cần đảm bảo trẻ có không gian an toàn để thoải mái khám phá. Mẹ nên che các phích cắm điện, dọn dẹp dây nhợ, khăn trải bàn vì bé có thể nắm kéo, đồng thời lắp cửa chắn cầu thang (loại ngăn không cho trẻ leo lầu). Ở giai đoạn biết bò, chân bé được vận động hết sức có thể, do đó đừng cố ép bé tập đi sớm.

Cảm xúc

– Dựa theo thời khóa biểu: Bé sẽ cảm thấy thoải mái và an toàn khi được ăn, được ngủ hoặc được chơi đúng giờ. Mẹ lên kế hoạch một ngày của bé theo một thời khóa biểu không thay đổi. Tất cả các ngày trong tuần nên theo cùng thời khóa biểu này.

– Vẫy chào tạm biệt khi ra khỏi nhà: Hành động này dạy và củng cố một bài học quan trọng trong tiềm thức của bé, để bé hiểu mẹ đi và mẹ sẽ về.

– Đón nhận “người bạn nhỏ” của bé: Nếu trẻ phải tạm xa mẹ, hãy khuyến khích con mang theo một vật dụng bé cảm thấy gần gũi nhất như chiếc chăn “ghiền” hoặc món đồ chơi yêu thích. Những “người bạn” này sẽ giúp trẻ có cảm giác an toàn hơn.

– Cho trẻ tiếp xúc với hình thức chơi luân phiên: Mẹ và bé luân phiên nhau chơi trò chơi, chẳng hạn như lăn bóng về phía trẻ hoặc xếp các hình khối lên nhau rồi phá đổ, sau đó đến lượt trẻ thực hiện. Trò chơi đổi phiên này dạy bé làm quen với cách tương tác xã hội.

Kỹ năng giao tiếp

– Thường xuyên trò chuyện với bé: Ở giai đoạn này, trẻ đã hiểu nhiều những gì bạn nói thông qua ngôn ngữ cơ thể, giọng điệu và ngữ cảnh. Hãy dùng cách nói chuyện cường điệu và thể hiện biểu cảm gương mặt để thu hút sự ý của bé. Hãy chỉ những người, vật, địa điểm mà mẹ và bé bắt gặp.

– Mang sách theo khắp mọi nơi: Dành một khoảng thời gian trong ngày để đọc sách với bé. Mỗi khi ra ngoài, mẹ có thể mang theo một quyển sách để đọc bất cứ lúc nào trẻ thấy buồn chán, không có gì giải trí. Khi trẻ đi tắm, bạn cũng có thể mang loại sách không thấm nước vào bồn.

– Giới thiệu các loài động vật: Đọc cho trẻ nghe những quyển sách có hình chụp hoặc minh họa các loài động vật, chỉ vào từng con thú, đọc tên và giả tiếng kêu của con thú ấy để trẻ ghi nhớ.

– Tiếp tục đáp lại tiếng bi bô của trẻ: Lặp lại những từ mà trẻ cố gắng diễn tả bằng giọng thản nhiên, không nói theo cách nhấn giọng để sửa sai. Chẳng hạn, nếu trẻ nói “Be be”, bạn có thể cho con xem một tấm hình em bé và nói: “Bé”.

– Cân nhắc dạy trẻ một vài dấu hiệu cơ bản: Khoảng 8 hoặc 9 tháng tuổi, nhiều trẻ có thể bắt đầu hiểu và sử dụng hình thức ngôn ngữ ký hiệu của mình. Đây là cách để trẻ thể hiện mong muốn và có thể bớt buồn bực, không khóc lóc nhiều. Không nên cố bắt trẻ nhớ các dấu hiệu này, trẻ sẽ thêm buồn chán.

Thính giác

m nhạc rất tốt cho sự phát triển của thính giác. Hãy cho bé nghe nhạc tùy theo giai đoạn phát triển của bé. Những bản nhạc cần có sự nhẹ nhàng để bé cảm nhận được trọn vẹn. Tuyệt đối tránh những bản nhạc có âm thanh lớn, sẽ không tốt cho việc kích thích thính giác của trẻ.

Ngoài ra, mẹ có thể cho bé chơi đồ chơi âm nhạc, các nhạc cụ với những màu sắc khác nhau sẽ giúp bé ghi nhớ được các cung bậc của nốt nhạc, đặc biết giúp mẹ biết bé phản ứng ra sao trước những cung bậc âm thanh khác nhau. Một cách khác là cho bé những loại nhạc cụ, đột nhiên bạn chuyển sang bật đĩa nhạc thì bé sẽ phát triển tốt hơn trong việc phân biệt các loại âm thanh.

Xúc giác

Ở giai đoạn này, trẻ đã ý thức được việc cầm nắm của mình, vì thế hãy để bé cầm nắm ngón tay của mẹ, rồi cho bé cầm giấy xé, vò thế nào tùy thích. Mẹ có thể tập cho bé những động tác khác nhau để xúc giác của bé phát triển một cách linh hoạt bằng cách đeo vòng tay hay buộc nơ vào cổ tay bé, để đồ ở tầm với của bé hay đơn giản là treo những bộ đồ treo lủng lẳng giữa giường… để bé có thể đẩy, gỡ, khéo, tóm lấy đồ vật trước mặt.

Ngoài ra, để tăng khả năng xúc giác của bé, bố mẹ có thể chơi với con những trò chơi đòi hỏi cần sự cầm nắm nhiều như chơi bóng hay xếp hộp nhỏ vào hộp to, hay đóng nắp cho các hộp.

Ngôn ngữ

Trong thời kỳ này, điều quan trọng nhất đối với bé là sự phát triển về ngôn ngữ. Hãy nói chuyện thật nhiều với bé mỗi ngày để ngôn ngữ bé trở nên linh hoạt.

Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng các loại đồ chơi phát triển ngôn ngữ như đồ chơi phát âm, đồ chơi thu giọng nói… để bé vừa chơi vừa học lại rất hiệu quả.

Đây là những hoạt động giúp bé trong giai đoạn 8-9 tháng tuổi phát triển não bộ toàn diện. Ngoài việc chủ động hướng dẫn bé thực hiện, mẹ nên để bé thoải mái tự do khám phá và chơi đùa, tạo cảm giác thoải mái cho bé. Chúc bé luôn mạnh khỏe và có thời gian chơi đùa với mẹ thật vui và bổ ích.

Bác sỹ Nguyễn Vĩnh Hoàng Oanh

Trung tâm Dinh dưỡng VNM