Thông Tin Dinh Dưỡng

SỰ PHÁT TRIỂN CỦA BÉ 11 THÁNG TUỔI

Ngày đăng:

27/12/2016

Đây sẽ là mốc thời gian thú vị trước khi được một tuổi. Mẹ sẽ ngạc nhiên nhận ra bé đã lớn nhanh đến mức mẹ không thể nhớ hồi mới sinh bé trông như thế nào nữa. Theo dõi chiều cao của bé sẽ trở thành một niềm vui của mẹ kể từ lúc này. Hãy cùng xem bé của mẹ sau 11 tháng đã phát triển thế nào và cách chăm bé tốt nhất nhé!

Sự phát triển của bé ở 11 tháng tuổi

+ Trí thông minh: Não bộ ngày càng phát triển giúp bé nâng cao khả năng tập trung, lắng nghe và quan sát mọi thứ xung quanh mình. Đây là giai đoạn bé học cách sử dụng các vật xung quanh như bấm đi bấm lại nút bật tắt ti vi. Bên cạnh đó, hành động học tập được thấy nhiều nhất ở bé chính là đưa mọi thứ vào miệng hoặc ném đi. Bé sẽ nhận biết được mỗi đồ vật đều có tên riêng và có thể tự đặt tên cho chúng. Bé hiểu rõ về sự tồn tại của các vật và sẽ đi tìm những vật bị giấu vì bé biết chúng đang ở đâu đó.

+ Kỹ năng vận động: Dù cơ thể cứng cáp hơn và đã có khả năng phối hợp giữa các bộ phận, bé có thể vẫn cần tựa vào mẹ hoặc các điểm tựa khác để đứng vững. Bé đã có thể cầm thìa hay tự cầm ly uống nước. Bé có thể cầm nắm các vật theo kiểu gọng kìm với độ chính xác cao hơn hơn và thường xuyên bỏ mọi thứ vào miệng. Lúc này, bé đã có thể tự bỏ đồ chơi vào thùng rồi đấy mẹ ơi.

+ Kỹ năng giao tiếp: Bé sẽ chỉ tay, gật đầu, lắc đầu nhiều hơn để thể hiện cảm xúc và nhu cầu của mình một cách thuần thục. Bé cũng đã có thể hiểu được nhiều điều khi người khác trò chuyện với bé. Các cuộc đối thoại theo phong cách riêng của bé với những chuỗi dài các nguyên âm và phụ âm sẽ phát ra nhiều hơn qua đôi môi nhỏ xíu, đáng yêu. Bé đã gắn âm thanh với các đồ vật và cố gắng gọi chúng giống cách của mẹ, hầu hết các từ đầu tiên bé nói đều là các danh từ.

+ Cảm xúc: Mẹ sẽ thấy bé đang học và luyện tập các kỹ năng xã hội bằng cách bắt chước và làm theo mẹ. Đặc biệt, bé thích quan sát và bắt chước những đứa bé khác. Tuy nhiên bé có thể căng thẳng khi gặp người lạ. Bé 11 tháng sẽ gắn bó với những ai thường xuyên chăm sóc cho bé, nên bé sẽ tương tác với mọi người trong gia đình nhiều hơn.

+ Phát triển thể chất:

Ở tháng thứ 11, bé thường tăng cân chậm nhưng lại phát triển nhiều về chiều cao. Vào thời điểm này, bé nặng khoảng 9,9kg, cao khoảng 74 – 77cm (đối với bé trai) và nặng 9,2kg, cao 73 – 75cm (đối với bé gái). Bé của mẹ đã tự chập chững đi được vài bước nhưng vẫn có thể bị ngã do cân bằng cơ thể chưa thực sự hoàn thiện. Nếu bé chưa chịu đi, mẹ cũng không cần phải lo lắng nhé vì mỗi bé đều phát triển theo cột mốc riêng khi bé đã sẵn sàng. Giai đoạn này bé ngủ cũng đều hơn, thường khoảng 2 giấc trong ngày. Giấc buổi sáng bé ngủ rất nhanh và dễ dàng, ít gắt gỏng. Giấc ngủ trưa thì khác hơn, tuỳ thuộc cả nhà đang làm gì.

Bí quyết chăm sóc bé 11 tháng tuổi

+ Giúp bé phát triển thể chất

  • Bé 11 tháng tuổi cần 600ml sữa (sữa mẹ, sữa công thức) và 3 bữa ăn dặm trong một ngày với đủ 4 loại dưỡng chất cần thiết.
  • Mẹ không cần cai sữa cho bé. Mẹ nên tiếp tục cho bé bú sữa mẹ vì sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ đến 24 tháng tuổi, vì trong sữa mẹ có chứa sữa non (cholostrum) để tăng sức đề kháng và giúp trẻ phát triển khỏe mạnh […]. Tuy nhiên, trong trường hợp mẹ gặp khó khăn khi nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong giai đoạn này vì những lí do đặc biệt thì nên đến cơ sở y tế để nhận được hướng dẫn từ thầy thuốc và nhân viên y tế.
  • Ngoài bữa chính, mẹ có thể cho bé ăn thêm các bữa phụ như snack, bánh bích quy, hoa quả tươi, sữa chua hay váng sữa…

+ Giữ bé an toàn

  • Mẹ nên chú ý để giày ngoài cửa và giữ sàn nhà sạch sẽ.
  • Tập thói quen rửa tay cho bé trước khi ăn để giảm bớt nguy cơ bé cho vi khuẩn vào miệng.
  • Hạn chế hôn môi hay thổi thức ăn cho nguội vì vi khuẩn trong miệng mẹ khác với bé và nếu mẹ có sâu răng thì vi khuẩn sẽ truyền sang bé.
  • Giữ bé cách xa khói thuốc lá.
  • Mẹ nên chuẩn bị lên lịch để đưa bé đi chích. Nếu trời đang mùa thu, mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ để chích ngừa cúm hoặc ho gà cho mẹ nếu mẹ chưa chích.
  • Mẹ nên rào lại những nơi nguy hiểm trong nhà và ráng giữ nhà cửa càng đơn giản càng tốt. Luôn dùng cửa chặn, chốt an toàn, tủ có khoá, mẹ nhé.

+ Chơi đùa và giao tiếp

  • Mẹ nên bắt đầu quen với việc bé quanh quẩn dưới chân và học cách tránh đạp vào bé mỗi khi mẹ đi.
  • Dù muốn tự làm mọi việc và khám phá thế giới, có lúc bé sẽ cảm thấy bất an và tìm kiếm mẹ để thấy được an toàn. Mẹ chỉ cần nói với bé “Không sao đâu con” và mỉm cười với bé là đủ. Cũng có lúc mẹ phải ôm bé vào lòng và tìm cách xử lý để bé an toàn.
  • Bé sẽ tháo tung những món đồ chơi mới kiểm tra và xem xét tới lui.
  • Mẹ có thể tắm cho bé nếu không còn biết chơi gì nữa, đây cũng là cách để giúp bé tránh nóng tốt. Mẹ cũng có thể cho bé chơi cát hoặc xích đu để giúp bé phát triển kỹ năng vận động đại thể.
  • Mẹ có thể mua một vài món đồ chơi để trong vườn và đặt ở chỗ có thể che nắng cho bé nhé.
  • Đừng thúc ép bé làm quen với người lạ, mẹ nhé. Bé sẽ tự mình tìm hiểu, làm quen và niềm tin của bé dành cho người khác sẽ tăng dần qua thời gian tiếp xúc.

Mới đây mà bé con đã gần được một tuổi rồi. Nếu có hình chụp lại qua từng tháng, mẹ sẽ thấy cục cưng đã “biến hóa” nhanh đến không ngờ. Nhiều mẹ sẽ cảm thấy lo sợ bé đã lớn quá nhanh và chẳng mấy chốc nữa sẽ rời xa mẹ như những chú chim con đã đủ lông đủ cánh. Tận hưởng tối đa thời gian này và thắt chặt mối liên kết với bé mỗi ngày bằng các trò chơi và câu chuyện mẹ nhé. Đồng thời, dù quỹ thời gian hạn hẹp đến đâu, mẹ nên cố gắng dành khoảng ít nhất 30 phút để làm đẹp bản thân và tập thể dục và cố gắng ngủ đủ giấc mẹ nhé.

Bác sỹ Nguyễn Vĩnh Hoàng Oanh

Trung tâm Dinh dưỡng VNM