Thông Tin Dinh Dưỡng

SỰ PHÁT TRIỂN CỦA BÉ 25 - 27 THÁNG TUỔI

Ngày đăng:

04/08/2016

Vậy là hành trình cùng bé yêu khám phá thế giới của mẹ đã bước vào năm thứ 3 rồi đấy. Bảo bối thêm một tháng tuổi, mẹ lại phát hiện thêm vô vàn những biến đổi mới cả về thể chất lẫn tính cách của bé. Hãy tham khảo bài viết dưới đây để hiểu thêm về bé yêu trong giai đoạn 25 – 27 tháng tuổi mẹ nhé!


Với bé, thế giới lúc này thật rộng lớn và có bao nhiêu điều hấp dẫn đang chờ đón bé khám phá

Với bé, thế giới lúc này thật rộng lớn và có bao nhiêu điều hấp dẫn đang chờ đón bé khám phá

Sự phát triển của bé

+ Trí thông minh:

  • Nhận biết và chỉ cho mẹ những đồ vật quen thuộc và chỉ cho mẹ.
  • Bé đã có thể vẽ vòng tròn, đường thẳng, bắt chước tô đường kẻ dọc, ngang. Bé sẽ rất thích được chơi với sách vở, giấy tờ.
  • Bé có thể múa hát cho bố mẹ nghe. Mẹ có thể sẽ rất ngạc nhiên khi bé tự sáng tác để thêm vào nếu quên lời đấy.
  • Bé có thể hiểu những gì đơn giản mẹ nói. Đồng thời, bé có thể liên kết hai khái niệm trong một câu như “đi vào bàn và lấy quả táo”.

+ Kỹ năng vận động:

  • Bé sẽ có nhiều hoạt động chạy nhảy hơn các tháng trước.
  • Bé muốn chạy nhảy đủ kiểu, có thể giữ thăng bằng trên một chân, biết phối hợp chân khi chạy nhảy chứ không chỉ chúi về trước.
  • Bé có thể tự cởi đồ dễ dàng.
  • Khi bé 2 tuổi, việc sử dụng tay thuận sẽ càng rõ ràng hơn nữa và bạn có thể biết rõ bé thuận tay trái hay tay phải, tay thuận thường là tay mạnh hơn, khéo léo hơn trong mọi hoạt động, vì thế bé sẽ thường sử dụng nó trong sinh hoạt hàng ngày: cầm, nắm…
  • Bé 2 tuổi tò mò và hiếu động thích chơi nước, mẹ cần dẹp hết những dụng cụ chứa nước trong tầm với của bé để tránh nguy cơ không tốt có thể xảy ra, đặc biệt là xô nước trong nhà vệ sinh, vì lúc này bé đã có tự tự đi vào nhà vệ sinh một mình bất cứ lúc nào.
  • Bé cũng thích khám phá các ngăn tủ kéo, các đồ vật sắc nhọn lạ mắt, các chai lọ…. Để tránh điều này, thay khóa tủ mới và lắp cao hơn tầm với của bé, dọn dẹp ngăn nắp và cất các chất tẩy rửa hay hóa chất độc hại ra khỏi tầm với của trẻ.
  • Bé cũng thích cho vào miệng hoặc mũi những gì bé cầm được trong tay: mẹ đừng cho bé những đồ chơi lắp ráp quá nhỏ, bi, cục xí ngầu…. trong giai đoạn này và cần giám sát bé thường xuyên, hạn chế để bé chơi một mình, giúp giảm nguy cơ hốc dị vật đường thở.

+ Kỹ năng giao tiếp:

  • Ở tháng 25, bé có thể sử dụng trên 200 từ và kể lại truyện mẹ hay kể cho bé nghe bằng giọng điệu ngọng nghịu rất đáng yêu, thuộc và hát được vài câu hát ngắn, biết dùng nhiều từ hơn để mô tả sự vật hay kết hợp vài từ thành câu.
  • Bé 26 tháng tuổi rất thích học từ và các kiểu phát âm mới bằng cách bắt chước những gì bé nghe được.

Bé đã có thể nói được khá nhiều từ và các câu ngắn đơn giản chứa từ 2 đến 4 từ, như : “con ăn rồi”, “đi chơi”.

Chỉ đúng một số đồ vật khi bạn gọi tên.

Gọi được tên của những người quen thuộc, đồ vật và các bộ phận trên cơ thể.

Làm theo những chỉ dẫn đơn giản của bạn.

  • Khi được 27 tháng tuổi, bé có thể nói được một số câu đơn, ngắn. Bù cho phát âm khó nghe, bé sẽ dùng các cử chỉ và động tác để giúp mẹ hiểu bé.
  • Đây cũng là thời điểm trẻ nhỏ dễ dàng học ngôn ngữ mới bởi lúc này não bộ rất nhạy trong việc ghi nhớ, nên cũng đã có thể làm quen nhiều ngôn ngữ khác nhau.

+ Cảm xúc:

  • Thích giúp đỡ bố mẹ những công việc nhỏ nhặt và làm theo ý mình như chọn quần áo để mặc sau khi tắm, tự mang/cởi giày, tất sau khi đi chơi đâu đó, tự rửa và lau khô tay, tự mặc quần áo, cài nút áo giúp mẹ.
  • Thích được chơi với những bạn cùng lứa tuổi.
  • Đến giai đoạn này, bé đã bắt đầu biết phản kháng. Đá, đấm, cắn và xô đẩy là những phản ứng khi bé bực bội.
  • Bé có tính tò mò rất mạnh, ham tìm hiểu môi trường, thích đặt các câu hỏi và có khả năng tự thu xếp cuộc sống tốt hơn.

+ Phát triển thể chất:

  • Trong khi hình thể có nhiều thay đổi, não bé đã phát triển gần như hoàn chỉnh dù mọi hoạt động của não vẫn chưa cân bằng.
  • Khuôn mặt bé đã dài ra và cân đối với đầu không còn rất nhỏ so với sọ như lúc mới sinh. Chân tay bé cũng không ngừng dài ra trong quá trình phát triển. Bụng bé dường như đã “thon gọn” hơn. Bé đã mọc gần đủ 20 chiếc răng sữa.

Bí quyết chăm sóc bé yêu

+ Giúp bé phát triển thể chất

  • Ở giai đoạn này, bé cần ăn ba bữa chính và với 2 – 3 bữa phụ ( Sữa, yaourt, bánh , cháo , bột )
  • Các bữa chính phải đảm bảo đủ các loại chất dinh dưỡng, đầy đủ 4 nhóm: đạm, tinh bột, dầu mỡ và vitamin-khoáng chất, như 1 chén cơm với thịt, cá,… , rau củ, dầu ăn. Ngoài ra, mẹ nên cho bé ăn nhiều hoa quả, sữa chua để giúp tiêu hóa tốt hơn.
  • Mẹ nên tập cho bé nhai, không nên duy trì quá lâu thức ăn xay nghiền. Bữa ăn của bé cần nấu đặc hơn mẹ nhé.
  • Các bữa ăn cách nhau mỗi 2-3 giờ
  • Các thức ăn phải được cắt nhuyễn để dễ tiêu hóa
  • Các bữa ăn phải có chén riêng, mẹ nên khuyến khích trẻ tự ăn
  • Chỉ nên cho ăn cơm khi trẻ đủ 8 răng hàm ( thường là đủ 20 răng sữa)
  • Trước khi ngủ nên cho trẻ ăn 1 bữa phụ ( sữa mẹ hay sữa công thức )
  • Hạn chế kẹo, bánh ngọt trước giờ ăn
  • Trẻ tự xúc ăn với sự hỗ trợ của cha, mẹ
  • Tiếp tục cho trẻ uống sữa khoảng 400-600 ml sữa/ ngày
  • Sữa vẫn là nguồn dinh dưỡng không thể thiếu cho bé mẹ nhen. Hãy đảm bảo bé uống đủ 500 ml sữa mỗi ngày để cung cấp đầy đủ năng lượng cho hoạt động hàng ngày. Mẹ có thể chọn cho bé Optimum Gold, DA Gold, Dielac Alpha có chứa DHA, ARA, Lutein, Taurine giúp phát triển trí não hoặc Dielac Grow, D. Grow Plus chứa canxi và vitamin D giúp phát triển chiều cao cho bé, mẹ nhé.
  • Tạo khoảng cách giữa các bữa ăn chính và bữa ăn nhẹ, không cho bé uống quá nhiều sữa so với nhu cầu là cách khuyến khích bé ăn tốt hơn.

+ Giữ bé an toàn và khỏe mạnh

  • Lưu ý thường xuyên đưa bé tới các cơ sở y tế để tiêm phòng và khám bệnh định kỳ.
  • Giữ vệ sinh thân thể, ăn uống, sinh hoạt, tạo môi trường thật tốt để bé phát triển toàn diện.
  • Mẹ cần kiểm tra tóc và da đầu của bé cũng như cả nhà vì chấy (chí) có thể xuất hiện trên tóc bé. Nếu xảy ra trường hợp trên, một trong những phương pháp điều trị hiệu quả nhất là cho dầu gội lên tóc khô, mát xa tóc và giữ trong 20 phút để dầu phát huy tác dụng diệt chấy sau đó loại bỏ xác chấy dễ dàng bằng một chiếc lược răng tốt.
  • Cẩn thận giữ cho các dung dịch tẩy rửa và hóa chất tránh xa khi bé giúp mẹ làm việc nhà.
  • Kiểm tra cổng và hàng rào chắc chắn vì bé đang trong tuổi rất hiếu động.
  • Nhắc nhở và tập cho bé thói quen rửa tay thường xuyên.
  • Mẹ nên bắt đầu hướng dẫn vệ sinh cho bé như đi tiểu trước rồi mới đi cầu, đồng nghĩa mẹ nên chuẩn bị đối phó với một số “tai nạn” trong lúc thực hiện như dọn dẹp khi bé đi vệ sinh “trượt”.

+ Chơi và tương tác

  • Cho bé chơi bằng gậy với bóng để tốt cho sự phối hợp tay và mắt của bé, giúp bé khéo léo hơn, sử dụng đều hai tay.
  • Cố gắng hạn chế thời gian xem ti vi và khuyến khích bé vận động. Hãy chú ý khi bé đang xem tivi mẹ nhé, cả những gì bé xem và quan trọng hơn là những gì bé không làm trong lúc ngồi yên xem ti vi nhé.
  • Khuyến khích cho bé chơi bên ngoài trời để hệ thống miễn dịch của bé làm việc hiệu quả nhờ được đối phó với các sinh vật qua cuộc sống hàng ngày.
  • Bé vẫn không tập trung vào cái gì quá lâu nên dù món đồ chơi mới có thú vị, hấp dẫn đến đâu cũng chỉ thu hút sự chú ý của bé trong thời gian ngắn.
  • Hãy giúp bé khám phá thế giới tự nhiên qua việc tìm thằn lằn, kiến, các loại sâu và bọ cánh cứng. Dạy bé cách tôn trọng cuộc sống bằng cách đối xử nhẹ nhàng và luôn đặt những sinh vật này trở lại nơi bé tìm thấy chúng.

Dấu hiệu nhận biết trẻ chậm phát triển và cách điều trị

Những dấu hiệu sau đây có thể là biểu hiện của bé chậm phát triển mà mẹ cần lưu ý:

  • Bé có xu hướng chậm nói, không nói tối thiểu 15 từ, không dùng những câu ngắn
  • Không bắt chước hành động hay từ ngữ
  • Không làm theo những chỉ dẫn đơn giản
  • Không biết đẩy những món đồ chơi có bánh xe
  • Có vấn đề hành vi như dễ giận dữ hoặc dễ kích động, tự làm mình đau và lặp đi lặp lại hành vi này nhiều lần.

Mặc dù không có biện pháp điều trị nhưng chậm phát triển vẫn có thể cải thiện bằng cách chăm sóc và giáo dục riêng biệt. Khi chăm sóc bé chậm phát triển, mẹ cần chú ý những điều sau:

  • Chia nhỏ các hoạt động, ví dụ như việc tắm rửa sẽ chia thành các giai đoạn: múc nước, lấy xà phòng, xoa xà phòng lên người, dội nước để làm sạch, lau người bằng khăn.
  • Kiên nhẫn dạy cho bé thuần thục một hoạt động ít nhất 2 tuần trước khi chuyển sang hoạt động khác.
  • Thường xuyên khích lệ, động viên và có phần thưởng khi bé làm được một hành động nào đó dù rất đơn giản.
  • Kiên nhẫn hướng dẫn và giúp trẻ tham gia vào các hoạt động xã hội như chào hỏi người khác, xin phép khi lấy đồ, ứng xử với môi người.

Nguyên nhân khiến trẻ chậm nói:

Về mặt thể chất:

  • Nhiều nguyên nhân có thể khiến trẻ chậm phát triển khả năng nói và ngôn ngữ. Đôi khi chỉ là do trục trặc trong vòm miệng, như với lưỡi hoặc hàm ếch. Dây hãm ngắn cũng có thể hạn chế cử động của lưỡi khiến trẻ khó nói…
  • Trục trặc trong khả năng nghe cũng thường có liên quan đến việc chậm nói, đó là lý do vì sao trẻ nên được bác sĩ tai mũi họng kiểm tra khi có vấn đề về nói. Trẻ khó nghe cũng sẽ gặp khó khăn trong việc hiểu, bắt chước và sử dụng ngôn ngữ.

Về mặt tâm lý:

  • Nhiều ba mẹ thường để trẻ xem TV hay dùng điện thoại thông minh để bé ngồi yên, ăn ngoan hay mình rảnh làm việc nhà… Tuy nhiên, đây lại là một trong những lý do phổ biến khiến trẻ chậm nói. Trẻ xem TV như thế trong một thời gian dài sẽ bị ảnh hưởng lớn đến khả năng phát triển ngôn ngữ, cũng như tạo tiền đề cho nhiều hội chứng khác. Lý do là, khi xem TV và sử dụng điện thoại thông minh, trẻ không cần phải nói, không cần suy nghĩ, chỉ ngồi yên và nhìn, đưa tay chỉ, chạm vào màn hình dần tạo thói quen lười nói và giao tiếp ở trẻ.

Ngoài ra, nguyên nhân gây chậm nói còn có thể đến từ các hội chứng tự kỷ, tăng động kém chú ý. Cha mẹ khi phát hiện con chậm nói nên cho bé đi khám ngay.

Phương pháp hỗ trợ bé chậm nói:

– Dành thật nhiều thời gian trò chuyện với con, thậm chí nói, hát và cho bé bắt chước các âm thanh và cử chỉ.

– Đọc cho trẻ nghe những cuốn sách mà trẻ thích thú, hoặc có các hình hoa văn để trẻ có thể chạm vào. Cho trẻ chỉ các bức tranh và cố gắng gọi tên chúng.

– Tận dụng mọi tình huống hàng ngày để khuyến khích trẻ nói và bộc lộ ngôn ngữ. Mặt khác, bạn cũng nói liên tục nếu có thể. Chẳng hạn, gọi tên thức ăn khi ở trong quầy hàng, giải thích bạn đang làm gì khi bạn đang nấu ăn hoặc lau nhà, chỉ các vật ở quanh nhà, và khi đưa bé lên xe, chỉ các âm thanh mà bạn nghe thấy. Đặt câu hỏi và lắng nghe bé trả lời.

Trên đây là những thông tin giúp mẹ hiểu hơn về sự phát triển của bé yêu trong giai đoạn 25 – 27 tháng tuổi. Bảo đảm bé ngủ đủ giấc, dinh dưỡng đầy đủ, cân bằng nghỉ ngơi và tập thể dục, thường xuyên chơi đùa với bé là những bí quyết giúp bé yêu của mẹ lớn nhanh như thổi, phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần.

Chúc bé và mẹ luôn khỏe mạnh nhé!

Bác sỹ Nguyễn Thị Ngọc Thanh

Trung tâm Dinh dưỡng VNM

 

Đọc thêm:

Dòng sữa tăng cân cho trẻ 1 tuổi

Cách chọn sữa tăng cân cho bé 1 tuổi gồm kiểm tra bao bì, nguồn gốc, kiểm tra về thành phần sữa có các dưỡng chất giúp bé tăng cân cũng như cần chứa dưỡng chất tăng sức đề kháng cho bé. Để chọn được sữa tăng cân cho bé thì mẹ cần lưu ý những điều sau.

Các loại sữa cho bé sơ sinh

Các loại sữa dành cho trẻ sơ sinh phát triển tốt phải đáp ứng được những yêu cầu về nguồn gốc, xuất xứ, có thành phần giống sữa mẹ và cần có khẩu vị phù hợp với bé. Sữa tốt cho trẻ sơ sinh là sữa có dưỡng chất và công thức phù hợp với thể trạng và đặc điểm sức khỏe của bé, giúp bé tiêu hóa tốt hơn.

Các loại sữa bột cho trẻ

Mẹ băn khoăn trong việc lựa chọn sữa bột cho bé? Dưới đây là thông tin về các dòng sữa bột cho bé từ thương hiệu Vinamilk để mẹ dễ dàng lựa chọn hơn. Các loại sữa này giúp đáp ứng dinh dưỡng cho bé, giúp bé nhanh thoát khỏi suy dinh dưỡng thấp còi, phát triển khỏe mạnh, thông minh.